Trung Quốc không muốn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ Mỹ và việc quốc gia này từ bỏ xe xăng đang khiến toàn thị trường dầu mỏ lao đao.
Hãng tin CNN cho hay Trung Quốc bị phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ do thiếu nguồn tài nguyên này, đồng thời tụt hậu quá xa so với ngành công nghiệp ô tô Mỹ nên đã đặt cược vào xe điện cách đây 20 năm. Giờ đây canh bạc này đang đem lại hiệu quả.
Canh bạc 20 năm
Giám đốc trung tâm khí hậu Trung Quốc Li Shuo tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI) cho biết các hãng sản xuất ô tô lâu đời ở Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu đã có "một khởi đầu với ưu thế quá lớn" về xe chạy xăng đến mức Trung Quốc khó có thể bắt kịp.
Bởi vậy canh bạc xe điện là điều bắt buộc với Trung Quốc khi chúng có thể mang đến cơ hội thống trị mới nhờ việc "đi tắt đón đầu".
Xin được nhắc rằng không giống như Mỹ có giàu tài nguyên dầu mỏ cũng như có tầm ảnh hưởng với các mỏ dầu ở Trung Đông, Trung Quốc không có nhiều tài nguyên dầu mỏ.
Trung Quốc là nước dẫn đầu đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu giai đoạn 2013-2023
Số liệu của Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Mỹ năm 2023.
Thế nhưng bất ngờ thay vào năm 2024, lần đầu tiên trong 20 năm Trung Quốc giảm 2% lượng nhập khẩu dầu thô (không tính thời điểm đại dịch Covid-19), đánh dấu bước chuyển mình của nền kinh tế số 2 thế giới.
Chuyên gia Ilaria Mazzocco tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu là một rủi ro tiềm tàng và việc chuyển hướng phát triển xe điện sẽ có ưu thế từ nguồn điện dồi dào trong nước tại Trung Quốc.
Theo chuyên gia Mazzocco, Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra các chính sách thân thiện với xe điện một cách nghiêm túc từ năm 2009, cung cấp cho các nhà sản xuất khoản tín dụng giá rẻ và tài trợ cho hoạt động nghiên cứu.
Ban đầu, chiến lược này được coi là "một canh bạc khá lớn" khi có quá nhiều thách thức, thậm chí còn bị coi là "một thất bại" vài năm sau đó.
Tuy nhiên khoản cược này cuối cùng đã được đền đáp khi Trung Quốc hiện tự hào có cơ sở hạ tầng sạc xe điện mạnh mẽ và dẫn đầu thế giới về chuyên môn, công nghệ cũng như vật liệu xe điện.
Bức tranh ở Mỹ thì lại rất khác khi xe điện được trợ cấp yếu hơn do xăng quá rẻ cũng như văn hóa yêu thích ô tô cỡ lớn chạy xăng dầu của người Mỹ.
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết khôi phục lại ngành xe xăng, từ bỏ các chính sách thúc đẩy xe điện thì mọi chuyện sẽ càng trái chiều hơn nữa.
Rõ ràng, Mỹ không muốn theo đuổi Trung Quốc trong lĩnh vực mà họ không có ưu thế. Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump muốn quay lại mảng công nghiệp ô tô truyền thống mà Mỹ có lợi thế vượt trội.
Tuy nhiên theo chuyên gia Myllyvirta, điều này chỉ khiến Mỹ càng tách biệt so với phần còn lại của thế giới trong khi các hãng ô tô nước này ngày càng khó cạnh tranh ở nước ngoài.
Định hình lại thị trường dầu mỏ
Theo bất kỳ thước đo nào, sự tăng trưởng của xe điện ở Trung Quốc đều phi thường ấn tượng. Hiện hơn một nửa số xe mới được bán ra tại Trung Quốc là xe điện, đưa thị trường ô tô lớn nhất thế giới này trên con đường xóa sổ hoàn toàn ô tô xăng trong những thập kỷ tới.
Năm ngoái, doanh số bán xe điện của Trung Quốc đã tăng vọt lên 11 triệu chiếc, tương đương mức tăng gần 40% so với năm 2023. Chuyên gia Shuo cho biết đây là "một sự chuyển đổi không thể đảo ngược".
Trung Quốc chiếm đến 60% lượng xe điện bán ra toàn cầu năm 2024
Tuy nhiên cuộc cách mạng này đang làm rung chuyển thị trường dầu mỏ.
Việc Trung Quốc, thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới suy giảm nhu cầu được cho là sẽ gây ảnh hưởng lan rộng.
Tiến trình điện khí hóa giao thông của Trung Quốc, bao gồm xe điện và mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn, đã làm suy giảm nhu cầu xăng dầu của thị trường này.
Chuyên gia Ciarán Healy tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu xăng dầu tại Trung Quốc đã giảm khoảng 1% năm 2024 và đang trên đà giảm nhanh hơn trong năm 2025.
Đáng ngạc nhiên hơn, đà giảm này diễn ra ngay cả khi thu nhập của người dân tăng và tỷ lệ sở hữu ô tô tăng.
"Đối với một quốc gia có nền kinh tế như Trung Quốc, thì đây là điều phi thường", ông Healy nói.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng dù nhu cầu xe xăng giảm thì một số lĩnh vực khác như sản xuất nhựa hay những ngành công nghiệp lấy dầu làm nguyên liệu sẽ kéo thị trường lên, nhưng chuyên gia Kate Larsen tại Rhodium Group cho rằng không mảng nào bù đắp được mức giảm nhu cầu xăng dầu của ngành vận tải.
IEA dự đoán nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc sẽ giảm mạnh vào thập niên 2030.
"Điều này đang lấy đi một trong những phần quan trọng nhất của tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu", chuyên gia Healy cảnh báo.
Xin được nhắc rằng Trung Quốc là động lực lớn nhất thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2023. Nhu cầu dầu trung bình tăng hàng năm trong thập kỷ đó là khoảng 600.000 thùng/ngày, thế nhưng vào năm 2024, con số này là dưới 200.000 thùng/ngày.
Báo cáo của IEA dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đi ngang vào cuối thập kỷ này và bắt đầu giảm từ thập niên 2030 mà nguyên nhân chính là do xe điện.
Đồng quan điểm, chuyên gia Erica Downs tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) thuộc Đại học Columbia SIPA cho biết dù các quốc gia như Ấn Độ đang tăng lượng tiêu thụ dầu nhưng "có vẻ như không có ai có thể thay thế được Trung Quốc".
Thậm chí Trung Quốc còn đang định hình lại thị trường toàn cầu khi tăng xuất khẩu xe điện sang các nước như Thái Lan, Brazil, qua đó càng làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Theo chuyên gia Larsen của Rhodium, xe điện có thể chiếm 100% số ô tô mới được bán ở Trung Quốc vào năm 2040.
"Trung Quốc đang chứng kiến tình huống mà lợi ích kinh tế, địa chính trị và khí hậu của họ phù hợp với nhau", chuyên gia Mazzocco nhận định.
Trái lại theo chuyên gia Li Shuo của ASPI, Mỹ đang có nguy cơ trở thành "lịch sử" của ngành ô tô khi không bắt kịp được đà phát triển xe điện này.
Nguồn: Genk