Ðề: Khu vực dành cho những người dùng VTVcab
VTVcab vượt mặt SCTV về thị phần truyền hình trả tiền
Số hóa truyền hình - 11/09, 17:00
ICTnews - VTVcab đã qua mặt SCTV về thị phần truyền hình trả tiền chỉ sau 1 năm. Việc gia tăng số lượng thuê bao này là nhờ VTVcab đã thực hiện mua bán, sáp nhập nhiều doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ khi mở rộng phát triển trên toàn quốc.
VTVcab đứmg đầu thị phần truyền hình trả tiên vào cuối năm 2013.
Tại hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền Việt Nam (Vietnam in view) vào sáng 11/9/2014 tại Hà Nội, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc ASEAN, Hội đồng Hoa Kỳ - ASEAN, cố vấn Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA) đã công bố bản báo cáo về bức tranh toàn cảnh thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đã có đủ các công nghệ mới nhất cho truyền hình trả tiền: mặt đất, IPTV, vệ tinh, cáp, trong đó truyền hình cáp là công nghệ phổ biến nhất. Thị phần truyền hình cáp cũng chiếm số lượng lớn nhất. Trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm số lượng thuê bao khá lớn và được dự báo sẽ chia sẻ thị phần khá cao so với các loại hình truyền hình khác.
Theo ông Thành, từ năm 2010 đến nay thị trường truyền hình trả tiền đã có sự mua bán sáp nhập mạnh mẽ cũng như có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường. Mặc dù vậy thị phần thuê bao vẫn thuộc về các gương mặt cũ. Theo đó, CASBAA công bố, đến hết năm 2013, VTVcab dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền với 28%, tiếp đó là người anh em SCTV với 26%, đứng thứ 3 là MyTV có 16%, thứ 4 là K+ và HTV cùng có 9% thị phần, VTC 6% thị phần, còn lại là của các nhà khai thác khác.
Cuối năm 2012, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã công bố thị phần của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, khi đó SCTV đứng đầu với 40% và VTVcab đứng thứ 2 với 30% thị phần.
Theo ông Bùi Huy Năm, Phó Tổng giám đốc VTVcab, việc VTVcab bứt phá về thuê bao truyền hình trả tiền là nhờ nhà nước cho phép mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Từ đó, VTVcab đã mua lại thuê bao của nhiều doanh nghiệp nhỏ khi mở rộng dịch vụ ra toàn quốc.
Ông Thành cũng đề cập đến vấn đề các công ty viễn thông VNPT, Viettel, FPT chính thức xâm nhập thị trường truyền hình trả tiền, đặt ra những thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp hiện hữu là cáp, mặt đất. Thách thức tới từ các công ty viễn thông đối với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền rất rõ đến mức độ có những doanh nghiệp đã phản kháng tới các nhà quản lý để đưa ra các hạn chế xâm nhập của các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường.
Tuy nhiên, CASBAA đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn rất lớn trong việc khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
Đánh giá về nội dung truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện tại, CASBAA cho rằng, hiện nay phần lớn các kênh phát sóng 24h vẫn trông đợi ở thị trường truyền hình nước ngoài, nhưng trong tương lai các doanh nghiệp trong nước phải tự sản xuất các nội dung trong nước, tạo các nội dung khác biệt để thu hút người xem.
Việc cạnh tranh nội dung tất yếu sẽ diễn ra và các doanh nghiệp trong nước phải làm cho những chương trình của mình hấp dẫn hơn để đáp ứng nhu cầu người xem. Điều này tạo cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam sản xuất những nội dung đáp ứng nhu cầu khán giả.