Nói chung kết luận vẫn phải là ai thích chơi như thế nào thì chơi như thế sao cho hài lòng với bộ dàn mình đang nghe là được còn không thì cứ phải liên tục bài ca nâng cấp,đọc 1 bài này khá hay và khá vui về tâm lý của người chơi em post cho mọi người ai chưa đọc đọc qua chút
Bằng lòng hay không bằng lòng?
Bỏ công lặn lội nhiều nơi, tốn kém tiền bạc, đổi tới đổi lui…nhưng rồi cũng chưa thể nghe được. Đó là một thực tế thường gặp phải của những ai đến giờ vẫn chưa thể ưng ý với âm thanh mà bộ dàn mình đang sở hữu.
Thị trường âm thanh chuyên về hàng hi end phát triển không mạnh mẽ nhưng đều đặn. Mỗi năm có một vài hãng sản xuất thiết bị chuyên về âm thanh Hi End có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam. Rõ là có cầu cho loại hàng này. Năm 2008 được cho là một năm khó khăn cho nền kinh tế nhưng vẫn có vài nhãn hiệu mới góp mặt chính thức như Pathos Acoustic ( Ý) và Acapenlla ( Đức), hòa cùng với vài chục nhãn hiệu hi-end đã có mặt từ lâu tại Việt Nam. Những tín đồ của âm nhạc lại phải đi đi lại lại tìm kiếm những “ món ngon vật lạ” nhằm làm thỏa mãn đôi tai ngày càng khó tính.
Tuy nhiên nếu như có một dụng cụ có thể đo được các chỉ số âm thanh và cho ra các đáp số chính xác để xác định rằng các đáp tuyến tần số âm thanh như thế là chuẩn, thì thính lãm lại là chuyện hoàn toàn khác. Nó giống như ca sĩ đạt giải nhất tiếng hát truyền hình thì hát thường ít ai nghe hơn là các ca sĩ đứng hạng hai hạng ba (?).
Và như thế thì cuộc tìm kiếm chất âm ưng ý là những cuộc hành trình dài từ thế hệ này đến thế hệ khác của các tín đồ say mê âm nhạc. Họ thường không theo chuẩn mực nào ( nếu có). Nếu như có sự tham chiếu thì chẳng qua là sự tương đồng về sản phẩm chứ chưa hẳn là về âm thanh. Âm thanh phát cùng một dàn máy nhưng sẽ khác nhau ở hai môi trường, chính xác hơn là hai phòng khác biệt. Thế mới có chuyện nghe ở nơi bán thì được rồi nhưng khi đem về nhà nghe thì có thể thiếu bass hoặc dư bass.
Ngay cả khi ta đã ưng ý một bộ dàn nào đó thì có quá nhiều yếu tố tác động để một lúc nào đó lòng ta bổng thấy muốn thêm bớt cái bộ dàn đã quá quen thuộc (!).
Yếu tố thứ nhất phải kể đến là thời gian. Vâng! Thời gian vốn mang tiếng là làm lòng người hay thay đổi. Nhưng trong trường hợp này không phải là mang tiếng nữa mà chính thời gian đem lại cho ta sự thay đổi về “ gu” nghe nhạc. Bước qua tuổi 41 trở đi, có thể chúng ta sẽ không còn ham thích nghe những loại nhạc tiết tấu mạnh nữa mà thay vào đó dòng nhạc quê hương êm dịu, mang tính tự sự sẽ “nói hộ” lòng ta chút tâm sự rất mộc mạc ngày nao trót gởi cho cô ( anh) hàng xóm. Dàn máy xưa vốn quá thiên về tiết tấu nhanh có lẽ ( theo ta nghĩ vậy) không còn phù hợp loại nhạc này. Chuyện thay đổi “ gu” nhạc không đơn giản là theo một chiều. Không phải cứ đến tuổi 41 là thích nghe nhạc trữ tình. Có khi ngược lại là đằng khác. Nhưng dù thế nào thì yếu tố thời gian vẫn làm cho ta có sự thay đổi về khuynh hướng thưởng thức nhạc và kéo theo là sự thay đổi dàn máy(?).
Công nghệ IT luôn tiến nhanh và cũng được các nhà sản xuất thiết bị âm thanh nhanh nhẫu ứng dụng vào sản phẩm. Kết nối đa lương tiện là thứ mà dễ làm ta thấy thiêu thiếu nếu không có là không được. Một bộ dàn cách đây vài năm chắc chắn là không có chỗ cho thẻ nhớ, USB hoặc cho Ipod. Và đây có lẽ là nguyên nhân khiến gia chủ tìm cách nâng cấp bộ dàn mặc dù chẳng dính dáng gì đến chất lượng âm thanh đang nghe.
Như đã nói trên, các nhà nhập khẩu thiết bị âm thanh cao cấp quyết không khoanh tay ngồi nhìn sản phẩm nằm trong kho chậm chạp đến tay người tiêu dùng. Các chiêu thị hấp dẫn, các bài “ thử máy giúp bạn” ( test review” quá nhiều những tính từ cám dỗ mời gọi cho một sản phẩm nào nó vừa mới nhập về. Họ tấn công ào ạt trên các phương tiện đại chúng, rả rích như cơn mưa chiều bằng các hình ảnh tại các điểm bán hàng. Các maketer lắm lời viết quá nhiều câu đọc mà muốn …mua quách cho xong. Nào là “âm-li bán dẫn cho chất âm bóng đèn”, “ âm thanh dịu dàng như thiếu nữ”, “ âm thanh tái tạo chính xác” “ âm thanh của Ý” …Những loại từ ấy ắt hẳn làm “ khó chịu” cho ai đang muốn đổi dàn máy. Đang phân vân chưa biết sẽ tìm kiếm “ loại âm thanh” nào đây thì gặp phải chất âm của Ý. Có mà móc tiền trả nhanh còn phải đem về xem “ ca sĩ Ý” này hò hét thế nào!
Tính cạnh tranh không phải chỉ thể hiện ở thương trường, cho từng sản phẩm. Tính cạnh tranh len lỏi trong đời sống chúng ta từ miếng ăn, cái mặc. Từ dáng đi, lời nói. Từ cái nhà cho đến chiếc xe và dĩ nhiên bộ dàn nghe nhạc không tránh khỏi sự tác động từ cái tính dễ thương của loài người. Chắc rằng trong chúng ta có lúc không chịu lép vế trước thằng bạn thân có cái Luxman ngỗ ngáo. Phải cho nó biết thế nào là cái Unison Research đúng hiệu của Ý. Anh hàng xóm tướng đi hôm nay có vẻ ngênh ngang. Đã 10 giờ đêm rồi mà sao ai mở nhạc nghe hay quá? Mấy hôm sau mới biết thằng chả vừa tậu “chú” Tannoy chính hiệu Ăng-Lê vốn quá nổi tiếng về âm thanh sang trọng mà độ nhạy cao dễ đánh. Lọ dọ ra cửa hàng âm thanh nhân chủ nhật đẹp trời mới biết có “ anh” Klipsch vốn xuất thân từ Mỹ mà danh tiếng không kém “ thằng” Tannoy hàng xóm. Vâng! Hãy đợi đấy.
Nên khen hay chê tính lây lan mà con người hay mắc phải. Tôi không dám gọi là bệnh. Từ đó dành cho các bác sĩ ở bệnh viện nhiệt đới. Nếu ông xã mê bóng đá thì một vợ hiền dù không biết thế nào là việt vị vẫn có khi ngồi kế bên hò hét, lại còn nấu thực phẩm bổ dưởng cho chồng thức khuya xem World Cup nữa chứ! Một bữa nọ thấy cô vợ hiền cứ dỡ tờ Nghe Nhìn Việt Nam xem mục thử máy LCD TiVi. Lòng ngạc nhiên nhưng không nói ra. Hôm cuối năm nhận thưởng công ty, vợ hiền ấy lại rủ chồng đi khiêng về cái Sony 52 Inch cho ông xã xem đỡ nhức mắt. Ối trời đất ơi! Thế này thì chỉ có vợ nhất rồi. Có gì đảm bảo cho người vợ của một người yêu nhạc không giống như như cô vợ đáng yêu trên đây, khi mà “ ma lực” âm thanh có khi còn quyến rũ hơn gấp bội so với với môn bóng đá vốn chưa “quần chúng” lắm đối với chị em. Vậy lây lan là bịnh hay tính?
Như “ Cánh đồng bất tận”, tín đồ âm thanh là “ người về một ngày một đông thêm”. Tuy nhiên với những ai đã “ hết sức” trong cuộc đua không có đối tác thì cũng nên bình tâm suy xét. Từ thỏa mãn chỉ xét về tại một thời điểm hoặc là một khoảng thời gian. Cái MC game show thường có câu “đồng ý hay không đồng ý” để hỏi các thí sinh trước những vấn đề nêu ra. Riêng tôi có câu bằng lòng hay không bằng lòng để đặt tựa đề cho bài phiếm luận này. Vâng, đôi khi chúng ta cũng phải “ tri túc” để thấy rằng không biết đâu là đủ nếu chúng ta không tự biết như vậy là đủ rồi!.
Nguồn thegioinghenhin