Bản quyền giải Ngoại hạng Anh dưới góc nhìn luật sư
Dân Việt- Vấn đề bản quyền giải Ngoại hạng Anh (EPL) tại Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận. Vừa qua, luật sư Lê Thanh Sơn-Văn Phòng Luật Sư AIC, đã gửi tới Dân Việt một bài viết thể hiện quan điểm của ông về vấn đề này.
>> Từ bản quyền EPL tới giá vé xem Arsenal: Đua nhau “móc túi” người hâm mộ>> Bản quyền EPL: Các nhà đài yêu cầu VTV chống độc quyền
Mùa bóng châu Âu sắp tới, vấn để bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, càng trở nên nóng bỏng.
Như chúng ta đã biết, theo đề xuất của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) gửi Bộ Thông Tin và Truyền Thông nêu tại văn bản số 1939/THVN ngày 20.11.2012, được sự đồng ý của Bộ Thông Tin và Truyền Thông tại văn bản số 130/BTTTT-PTTH&TTĐT và được các đơn vị truyền hình trả tiền đề cử làm đại diện, VTV đã đứng ra làm đại diện cho các đơn vị truyền hình để đàm phán mua bản quyền phát sóng EPL giai đoạn 2013-2016 với mức giá hợp lý, không cao hơn giá 3 mùa giải trước quá 20%.
Tuy nhiên, sau đó K+ (VSTV) - đơn vị mà VTV chiếm 51% vốn điều lệ, đã chính thức công bố độc quyền phát sóng các trận đấu hay nhất của EPL giai đoạn 2013 – 2016 với mức giá lên đến gần 40 triệu USD (tăng hơn gấp đôi so với giá giai đoạn năm 2010-2013).
Lý do mà VTV đưa ra để giải thích cho sự độc quyền phát sóng này là do IMG Media chỉ đồng ý cho Canal Plus chia sẻ quyền phát sóng EPL cho K+ và VTV cũng đã yêu cầu IMG xem lại hợp đồng độc quyền đã ký với Canal Plus để cho phép Canal Plus chia sẻ gói bản quyền cho các đơn vị khác có nhu cầu ở Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là: Với tư cách đại diện cho các đơn vị truyền hình, VTV có thực sự trung thực, thiện chí hợp tác và nỗ lực hết mình trong việc đàm phán chia sẻ gói bản quyền phát sóng hay không? Và tại sao mức giá lại bị đẩy lên gần 40 triệu USD? Ai là người được hưởng lợi nhất và ai là người bị thiệt hại nhất trong vụ việc này? Bài học rút ra đối với toàn ngành truyền hình Việt Nam khi đàm phán thương thuyết các hợp đồng mua bản quyền phát sóng với đối tác nước ngoài như thế nào?
Để rộng đường dư luận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng xin được đưa ra một vài ý kiến tham khảo dưới đây:
Là đơn vị chiếm 51% vốn điều lệ của liên doanh K+, VTV có đủ thẩm quyền để can thiệp vào hợp đồng chuyển nhượng bản quyền EPL giữa Canal Plus và K+. Cụ thể: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59 của Luật Doanh nghiệp thì trước khi thực hiện giao dịch này, người đại diện theo pháp luật của K+ phải gửi dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch đến các thành viên của công ty.
Hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự đồng ý của số thành viên đại diện ít nhất 75% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.
Như vậy, trong trường hợp này, Canal Plus là thành viên liên quan trong giao dịch nên không có quyền biểu quyết, chỉ có VTV - thành viên còn lại của K+, có quyền quyết định việc K+ có được phép mua bản quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh hay không.
Với tư cách là đại diện theo uỷ quyền của các đơn vị truyền hình và đã được các đơn vị truyền hình đề nghị VTV sử dụng quyền phủ quyết (51%) để can thiệp vào hợp đồng giữa Canal Plus và K+ nhưng VTV đã không có bất cứ động thái nào thể hiện sự can thiệp của mình vào giao dịch này.
Như vậy, việc không can thiệp của VTV vào giao dịch này cho thấy sự nghi ngờ về tính trung thực của người được đại diện (VTV) trái với nội dung chỉ đạo của Bộ Thông Tin và Truyền Thông tại Công văn số 130/BTTTT-PTTH&TTĐT đồng thời cũng đi ngược lại với các nội dung đã được các đơn vị truyền hình uỷ quyền, vi phạm Điều 6 Bộ luật dân sự quy định về nguyên tắc thiện chí, trung thực: “Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập , thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào.”
Bên cạnh đó, việc độc quyền phát sóng EPL của K+, không chuyển nhượng quyền này cho bất kỳ nhà đài nào khác, buộc người tiêu dùng phải sử dụng duy nhất dịch vụ của K+ thay vì họ đang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác với giá khoảng 70.000 – 100.000 đồng. Và như thế, nếu người tiêu dùng muốn xem EPL thì buộc phải từ bỏ các dịch vụ đã sử dụng và chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải mua dịch vụ của K+ với mức giá được K+ ấn định cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với giá các nhà cung cấp trước đây.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng trong vụ việc này K+ là đơn vị được hưởng lợi nhất và người tiêu dùng Việt Nam là bị thiệt hại nhiều nhất sau đó phải kể đến các đơn vị truyền hình trả tiền.
Việc độc quyền phát sóng EPL của K+, không chuyển nhượng quyền này cho bất kỳ nhà đài nào khác, buộc người tiêu dùng phải sử dụng duy nhất dịch vụ của K+.
Việc K+ lợi dụng vị trí độc quyền để áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng buộc họ phải từ bỏ việc sử dụng dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh đã vi phạm Khoản 2 Điều 14 Luật Cạnh tranh quy định các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm trong đó có hành vi “Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng”.
Chế tài áp dụng đối với hành vi này được quy định tại Khoản 1 Điều 118 Luật cạnh tranh. Theo đó, pháp nhân vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức: phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời theo Khoản 2 Điều 117 Luật Cạnh tranh, khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp, pháp nhân sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh...
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thiết phải nhập cuộc, xem xét áp dụng các biện pháp chế tài đối với những vi phạm của K+ theo quy định của pháp luật hiện hành...
Mặt khác, Hiệp hội truyền hình trả tiền cần thiết phải họp lại và cử đại diện khác thay VTV tham gia thỏa thuận, đàm phán lại với IMG về việc chia sẻ bản quyền phát sóng EPL và hạ giá chuyển nhượng bản quyền phát sóng với mức giá hợp lý, không cao hơn giá 3 mùa giải trước quá 20%.
Trong trường hợp không thể đàm phán được với IMG thì các đơn vị truyền hình của Việt Nam cần thiết phải cùng thống nhất không phát sóng EPL trên bất kỳ kênh truyền hình, phương tiện truyền dẫn nào, vì lợi ích lâu dài của người xem truyền hình, của các đài truyền hình và các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền Việt Nam.
Đồng thời, Hiệp hội Truyền hình trả tiền và các đơn vị truyền hình khác cần phải có văn bản đề nghị cơ quan chức năng ban hành văn bản yêu cầu dừng phát sóng EPL trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cho đến khi các tranh chấp nêu trên và các vi phạm của K+ đã được xử lý dứt điểm.
Từ sự việc trên cho thấy, sự mất đoàn kết nội bộ của ngành truyền hình Việt Nam đã tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài lợi dụng để áp đặt phân phối độc quyền phát sóng EPL trên lãnh thổ Việt Nam với giá chuyển nhượng cao gấp hơn hai lần so với giai đoạn năm 2010-2013 (từ 19 triệu USD lên gần 40 triệu USD).
Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn đang diễn ra và nền kinh tế trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn thì việc lợi dụng sự mất đoàn kết trong ngành truyền hình để nâng giá chuyển nhượng nhằm trục lợi của đối tác nước ngoài đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng và các đơn vị truyền hình trong nước là một nghịch lý cần phải được xử lý triệt để.