Bài 1: Tivi LCD vs CRT và những con số
Mấy bữa rày ngoài sân tennis toàn nghe “tám” về giải Roland Garros đang phát trực tiếp trên kênh VTVC3. Sáng nay có một ông bác bàn chuyện ngoài chuyên môn một chút “Không hiểu hai chị em nhà Williams dạo này tập thể hình hay giải phẫu thẩm mỹ hay sao mà trong giải này thấy gọn gàng hẳn?!?” – mình lại phải giở võ ra để giải thích cho bác ấy phân biệt các khái niệm về tỷ lệ màn hình 4:3 và 16:9...
Nhân đây mình cũng xin tổng hợp và hệ thống hoá lại những con số và tỷ lệ liên quan đến kích thước hình ảnh của các loại tivi.
Tạm thời quy ước trong bài này là khi nói đến tivi CRT là nói đến khung hình tỷ lệ 4:3 còn khi nói đến tivi LCD là nói đến khung hình có tỷ lệ 16:9. Sự thực trên thị trường vẫn có loại tivi CRT tỷ lệ 16:9 và tivi LCD tỷ lệ 4:3 nhưng đó là những ngoại lệ đối với bài viết này.
Đơn vị khoảng cách quy đổi: 1” = 1 inch = 25,4 mm
Các công thức tính toán trong bài này dựa trên những kiến thức hình học và lượng giác căn bản.
Hoan nghênh các bạn kiểm chứng lại các công thức để cùng mình chỉnh sửa những sai sót nếu có.
Vấn đề thứ nhất: Cỡ của tivi hay Kích thước khung hình
- Là độ dài đường chéo của màn hình, thường tính bằng inch
- Đối với tivi CRT: là độ dài đường chéo của đèn hình chứ không phải của phần hình ảnh thấy được. Chênh lệch này không đáng kể nên tạm thời không cần xét đến.
Ví dụ:
+ Tivi 21”: phần hiển thị chỉ được 20,5”
+ Tivi 29”: phần hiển thị chỉ được 27,25”
- Đối với tivi LCD: cũng chính là độ dài đường chéo của phần hình ảnh thấy được.
- Quy đổi kích thước vật lý cho tivi LCD:
Mã:
+ Chiều cao = Kích thước / 2,0397
+ Chiều ngang = Kích thước / 1,1473
- Quy đổi kích thước vật lý cho tivi CRT:
Mã:
+ Chiều cao = Kích thước / 1,6667
+ Chiều ngang = Kích thước / 1,2500
- Tivi LCD có chế độ hiển thị theo tỷ lệ 4:3, khi bạn xem truyền hình trong chế độ này thì tương đương với màn hình CRT nào?
Công thức:
Mã:
Kích thước CRT tương đương = Kích thước LCD / 1,224
Ví dụ: Tivi LCD 32”, khi xem truyền hình trong chế độ 4:3 thì phần hình ảnh thấy được chỉ là 32”/1,224 = 26,14”
Như vậy nếu bạn có ý định thay tivi CRT 29” bằng LCD 32” cho các cụ ở nhà xem truyền hình thì hãy cẩn thận vì kiểu gì cũng ăn mắng: không bị
“đổi làm gì! còn bé hơn tivi cũ” thì cũng bị
“người ngợm gì mà đứa nào cũng lùn tịt” (tại sao lại lùn tịt? vui lòng xem ở vấn đề thứ hai bên dưới)
- Còn nếu bạn xem phim 16:9 trên tivi CRT thì hình ảnh hiển thị tương đương tivi LCD nào?
Công thức:
Mã:
Kích thước LCD tương đương = Kích thước CRT / 1,089
Như vậy hai tivi CRT và LCD cùng kích thước khi trình diễn nội dung 16:9 thì ti vi LCD cho hình ảnh lớn hơn hẳn.
Vấn đề thứ hai: Hiện tượng méo hình
Đây là vấn đề của sự lựa chọn giữa việc hiển thị đầy màn hình hay hiển thị đúng tỷ lệ hình ảnh gốc.
Hình ảnh hiển thị chỉ đẹp (không bị méo) khi tỷ lệ hiển thị trùng với tỷ lệ hình ảnh tại nguồn.
Đây cũng chính là vấn đề của ông bác trong câu chuyện nhập đề. Ông bác ấy vẫn xem truyền hình bằng tivi LCD để chế độ toàn màn hình nên trong các giải đấu trước đây chị em nhà Williams đã bị tivi làm cho “béo” vì nguồn phát sử dụng hình ảnh 4:3; trong giải Roland Garros lần này, VTC3 tiếp sóng của nguồn hình ảnh 16:9 nên bác ấy được thấy kích thước “thật” mà cứ tưởng là “gầy”.
Để kiểm chứng, các bạn hãy để ý nhìn logo của giải đấu xuất hiện trên màn hình khi tổng kết ván đấu hay khi thông tin tình hình thời tiết xem nó có thực sự tròn như hình 1 hay không.
Ở các giải đấu trước đây, khi nguồn phát sử dụng hình ảnh 4:3 thì trên tivi CRT bạn sẽ thấy như hình 1 còn trên tivi LCD không chọn chế độ 4:3 bạn sẽ thấy “mập, lùn” như hình 2.
Còn trong giải năm nay, nếu bạn xem bằng tivi CRT hay tivi LCD ở chế độ 4:3 thì các đấu thủ đều ốm nhách và cao nhồng như hình 3 mà thôi.
[Hình 1] Tỷ lệ phù hợp:
[Hình 2] Hình bị méo do chiều ngang bị tăng 33,33%:
[Hình 3] Hình bị méo do chiều ngang bị giảm 25%:
Vấn đề thứ ba: Vị trí ngồi xem tối ưu
Vị trí ngồi phải được tính toán để đạt được độ thư giãn cho mắt người xem. Góc nhìn tối ưu này không phụ thuộc độ phân giải của hình ảnh, nó chỉ được đưa ra để đạt được sự thoải mái cho mắt người xem và vẫn có khả năng tập trung vào từng vùng chi tiết trên màn hình mà không cần vận động cơ quá mức.
Phạm vi góc nhìn tối ưu từ 27 độ đến 40 độ cho chiều ngang màn hình (
HDTV Set Up )
Dùng công thức lượng giác để tính ra tỷ lệ khoảng cách:
Mã:
Khoảng cách tối thiểu = Chiều ngang màn hình x 1,3737
Khoảng cách tối đa = Chiều ngang màn hình x 2,0826
Từ đây các bạn có thể tự xây dựng công thức tính khoảng cách từ chiều cao hoặc đường chéo màn hình.
Ví dụ: Thử tính khoảng cách ngồi xem cho tivi LCD 50”
- Đường chéo = 50” = 1.270mm
- Chiều ngang = 1.270 / 1,1473 = 1.106,95mm
- Khoảng cách tối thiểu = 1.106,95 x 1,3737 = 1,52m
- Khoảng cách tối đa = 1.106,95 x 2,0826 = 2,30m
Sự thoải mái của người xem còn được đánh giá bằng chỉ tiêu tầm nhìn: màn hình không nên để quá cao hay quá thấp vì sẽ gây tác động xấu đến cơ cổ của người xem.
Các bạn nên đặt màn hình ở vị trí sao cho tầm mắt nhìn ngang của người xem chiếu vào nửa dưới của màn hình, tối ưu là điểm 1/3 chiều cao màn hình tính từ dưới lên.
Vấn đề thứ tư: Khoảng cách và độ phân giải
Đã vào diễn đàn HD thì không thể không nói đến độ phân giải. Vấn đề cần giải quyết ở đây là tìm được công thức tương quan giữa cỡ màn hình và khoảng cách mà mắt người “cảm” được độ phân giải HD.
Trước khi đi vào phân tích độ phân giải của hình ảnh thì ta cần xem xét khái niệm độ phân giải của mắt người.
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình có thể nhìn thấy một con kiến từ khoảng cách bao nhiêu mét chưa? Nếu xét trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, khả năng nhìn thấy cùng một vật ở khoảng cách càng xa càng thể hiện độ “tinh” của mắt. Năng lực phân giải của mắt bạn được lượng hóa bằng đơn vị góc nhìn. Có nhiều thí nghiệm và phân tích khác nhau đã đưa đến kết quả là mắt “tốt” có khả năng phân giải được góc nhìn khoảng 0,016667 độ (bằng 1/60 độ). (
TVTechnology: HDTV and the Resolving Power of the Eye)
Dùng công thức lượng giác với góc trên kết hợp với tính xấp xỉ của cạnh huyền và cạnh kề đối với góc rất nhỏ thì ta có thể quy đổi thành tỷ lệ khoảng cách như sau:
Góc nhìn 0,016667 độ ~ Tỷ lệ khoảng cách 1/3438 ~ vật có kích thước 1mm đặt cách mắt 3,438m
Như vậy ta tạm kết luận về năng lực phân giải của mắt người là
“phân biệt được vật thể có kích thước 1mm từ khoảng cách 3.438m”. Bạn có thể tự làm thí nghiệm để kiểm tra mắt của mình bằng cách in một mẫu thử gồm các đường sọc rộng 1mm đen trắng xen kẽ, dán mẫu đó lên tường ngang tầm mắt, vừa nhìn vào mẫu vừa lùi dần đến khi nào không còn phân biệt được những đường sọc đó nữa thì dừng lại, đo xem bạn cách bức tường bao xa, nếu hơn 3,4m thì mắt bạn đạt chuẩn.
Việc cần làm bây giờ là xác định kích thước mỗi điểm ảnh trên ti vi LCD.
Thử tính cho tivi LCD Full-HD 50”:
- Đường chéo = 50” = 1.270mm
- Chiều cao = 1.270 / 2,0397 = 622,64mm
- Kích thước điểm ảnh = 622,64 / 1080 = 0,5765mm
Vậy khoảng cách cho phép cảm nhận đầy đủ độ phân giải Full-HD đối với ti vi LCD 50” sẽ là:
3,438 x 0,5765 = 1,98m
Ví dụ khác, thử tính cho tivi LCD HD-Ready 50”:
- Đường chéo = 50” = 1.270mm
- Chiều cao = 1.270 / 2,0397 = 622,64mm
- Kích thước điểm ảnh = 622,64 / 720 = 0,8648mm
Vậy khoảng cách cho phép cảm nhận đầy đủ độ phân giải HD-Ready đối với ti vi LCD 50” sẽ là:
3,438 x 0,8648 = 2,97m
Từ cách tính như trên, các bạn có thể tự lập một bảng tính để xác định khoảng cách tương tự cho các kích cỡ ti vi tại các độ phân giải khác nhau...
Mong các bạn tìm được một chút thông tin hữu ích từ bài viết này để cùng tận hưởng niềm đam mê...
nguồn: abchen