Ðề: HD Sài Gòn - Niềm Vui Bất Tận
Một ly cà phê trong cơ thể
Có lẽ bạn là một trong 59% số người ở Mỹ ngày nào cũng uống cà phê. Nhưng có thể bạn chưa biết hoặc không để ý tới ảnh hưởng của thứ nước uống hấp dẫn này đối với cơ thể bạn chỉ mấy phút sau khi nhấp một ngụm. Dưới đây là tác động của ly cà phê đó.
Não bộ
Nếu cần tỉnh táo để giải quyết một vấn đề khó khăn hoặc phải làm gấp rút công việc cho kịp thời hạn; hoặc nếu bạn là một sinh viên phải “gạo” những môn học cho kỳ thi, thì cà phê có thể là vị “cứu tinh”, vì caffeine là chất kích thích. Nó có thể gia tăng khả năng hoạt động của tâm trí và tăng cường khả năng tập trung.
Caffeine là một hợp chất tác động đến trí tuệ, điều hòa các neurotransmitters trong óc cho hoạt động hữu hiệu. Chừng 30 phút sau khi uống, bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, và ảnh hưởng giảm dần một vài giờ sau đó. Tuy nhiên, nhiều caffeine quá có thể làm cho cơ thể bị áp đảo và mất tập trung, thay vì cảm thấy được thư thái, bạn lại bồn chồn và hồi hộp.
Đôi mắt
Caffeine cũng kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Nó kích thích các bộ phận cảm thụ (receptors) trong óc não để báo cho thân thể hoạt động và sản xuất thêm adrenaline, nhờ đó bạn có thể nhìn rõ hơn. Khi bạn uống cà phê, con ngươi có thể nở ra rất nhẹ, khó nhận ra khi soi gương, nhưng bạn cảm thấy có thể nhìn rõ hơn bình thường.
Hàm răng
Uống nhiều cà phê quá sẽ biến hàm răng trắng muốt thành màu vàng, nhưng lại có mặt tốt: cà phê chứa một lượng khá nhiều các polyphenols, là những dưỡng chất cực nhỏ có hiệu quả diệt được vi khuẩn trong miệng và các mảng bợn răng (plaque). Tuy nhiên, khi pha thêm vào cà phê những thứ như sữa, đường, si rô, thì những lợi ích nói trên lại có tác dụng ngược. Đó là con dao hai lưỡi vì một khi polyphenols làm tan lớp bợn răng, thì đường và sữa lại dễ dàng thấm sâu vào răng, làm mất khoáng chất và răng bị hư.
Polyphenols hủy được bợn răng nhưng lại làm cho răng dễ bị thay màu, có thể do cà phê mà cũng do thực phẩm bạn ăn (thủ phạm chính là các loại trái dâu, kẹo bánh có màu đậm, cà chua hoặc sốt cà ry). Để giảm bớt tác hại: Uống bằng ống hút để giới hạn thời gian đường ở lâu trong miệng; hoặc chải răng sau khi ăn uống.
Tim
Caffeine gia tăng tính nhạy cảm của các dây thần kinh để cho các xung động điện (electrical impulses) có nhiệm vụ kích hoạt hệ thống tim mạch di chuyển qua thân thể dễ dàng hơn. Do đó, khoảng 15 phút sau khi uống cà phê, caffeine bắt đầu làm tăng nhịp tim đập và áp suất máu, trung bình từ 10 đến 15% (con số chính xác tùy thuộc nhiều yếu tố: uống bao nhiêu, uống thường xuyên không, đã ăn nhiều chưa, trọng lượng cơ thể, thuốc đang uống…)
Uống hai ly 6 oz một ngày thường không gây hại gì cho đa số chúng ta, nhưng với một số người có bệnh tim, huyết áp cao, bị chứng tim đập nhanh hơn bình thường (tachycardia) thì uống nhiều hơn có thể gây nguy hại, vì làm tăng hoạt động của tim mạch, dễ gây ra heart attack.
Bao tử
Thật có lý khi uống một ly espresso sau bữa ăn: Caffeine kích hoạt các bộ phận thụ cảm (receptor) trong bao tử, làm tiết ra các dịch tiêu hóa giúp cho sự tiêu hóa thực phẩm mau hơn. Tuy vậy, mặt trái của tác động đó là có thể gây ra chứng chuột rút (cramping), acid trào ngược (reflux), hoặc là ợ nóng (heartburn).
Bàng quang
Bạn nào ghiền cà phê chắc biết khi uống một ly cối mà bị kẹt xe hoặc không tìm được nhà vệ sinh ven đường là một điều đau khổ. Cà phê là một chất lợi tiểu, làm cho các ống dẫn trong thận để cho nước đi qua nhiều hơn, do đó bạn cần đi tiểu.
Máu
Có lẽ bạn tưởng cà phê chẳng liên hệ gì đến cholesterol, nhưng nghiên cứu lại cho thấy hạt cà phê có chứa dầu, có thể làm tăng cholesterol. Chất dầu này có thể bớt đi nếu uống cà phê có bộ lọc. Lần tới, bạn thử order một ly không lọc sẽ thấy những váng mỡ trôi trên bề mặt.
TRIỆU MINH (baotreonline)