722 triệu USD, đó là con số mà các nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã trình lên Quốc hội Mỹ, yêu cầu viện trợ gấp cho miền Nam Việt Nam khi cuộc chiến tranh kéo dài gần 20 năm giữa hai miền Nam Bắc, giữa ý thức hệ Cộng Sản và Tư Bản, đang dần đến hồi kết. Quốc hội Mỹ đã từ chối viện trợ. Miền Nam thất thủ, nước Việt Nam thống nhất, giang sơn nối liền từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, kết thúc cuộc chiến đau thương của dân tộc Việt Nam.
Những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, những ngày cuối tháng 4 đầy biến động năm 1975, người ta nghĩ gì, người ta lựa chọn đi hay ở?. Rất rất nhiều người đã lựa chọn ra đi, vì họ biết, tương lai của họ không ở Việt Nam, nó đã chết theo nền Cộng Hòa mà người Mỹ đã bỏ rơi. Không phải nói về chuyện họ lựa chọn đúng hay sai, đơn giản là họ đã chọn như thế. Lịch sử cũng không phán xét đúng sai, lịch sử chỉ kể lại câu chuyện đầy máu và nước mắt, sinh ly tử biệt, những tiếc nuối, ân hận, nỗi thống khổ, những niềm đau, sự day dứt. Nhưng, thời gian sẽ làm mờ mọi vết thương, và giờ đây, gần 40 năm, chúng ta nhìn lại một thời khắc lịch sử mà với nhiều người vẫn còn trăn trở, ngay cả trong những giấc mơ ám ảnh.
Last Days in Vietnam không phải là bộ phim tài liệu quá “đao to búa lớn”, nó không tiết lộ một bí mật động trời nào cả. Bộ phim chỉ kể lại những ngày tháng cuối cùng khi Sài Gòn của chế độ cũ đang hấp hối. Những con đường, những góc phố, những người lính, sự hoảng loạn và đặc biệt nhất là cuộc di tản ở Đại Sứ Quán Mỹ. Cuộc di tản này ai cũng biết nhưng không phải ai cũng rõ, khi lịch sử thường chỉ dành một hai dòng kiểu như “người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Việt Nam trước khi quân giải phóng tiến vào”.
Phim thể hiện góc nhìn của người Mỹ, thông qua lời kể của những người lính Mỹ, một tiểu đội trực tiếp tham gia cuộc di tản, lời kể của những chỉ huy tàu hải quân, lời kể của những người Việt đã tham gia cuộc di tản trong ngày 29/4 lịch sử đó. Cuộc di tản không phải là thành công, bởi rất nhiều người đã bị bỏ lại, bỏ lại ngay ở cổng Đại Sứ Quán và bị bỏ lại ngay cả khi vào được bên trong. Cánh cửa bỗng nhiên đóng sầm lại trước mắt họ, với những người chưa được rời đi thì quyết định của tổng thống Ford đã mang đến địa ngục của sự thất vọng. Người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam và đến lúc cuối cùng vẫn bỏ rơi lại hàng trăm người đã ngồi trên “đất Mỹ” (Đại Sứ Quán).
Phim lý giải về lý do tại sao Miền Nam thua trận, về hiệp định Paris đã kết thúc như thế nào. Phim mang đến những hình ảnh, những góc quay chân thực nhất, những đoạn phim tài liệu quý hiếm mà những phóng viên của NBC đã quyết định ở lại, không di tản để quay được những cảnh tượng rõ ràng, về những con người, những số phận, những người lính, những thời khắc lịch sử.
Bức hình nổi tiếng mà ai cũng tưởng là ở Đại Sứ Quán, thực chất là một cơ sở của CIA
Hầu hết trong những bộ phim về chiến tranh Việt Nam ta đã được xem trước đây như là “Việt Nam cuộc chiến 10 ngàn ngày”, “Chiến trường Việt Nam”, “Vietnam in HD”, “Bí mật chiến tranh Việt Nam” … thì sự kiện ngày 30/4 chỉ được nhắc đến vài phút trong tập cuối cùng. Với Last Days in Vietnam, bức tranh Sài Gòn những ngày cuối cùng được vẽ nên một cách kỹ càng hơn, chân xác nhất, với những hình ảnh mà chưa bao giờ chúng ta được xem trong những bộ phim tài liệu trước đây. Nó khiến cho người xem xót xa, thương cảm, những người dân bình thường không hề biết đến ý nghĩa của ý thức hệ. Đặc biệt là những người lính miền Nam với nỗi đau tột cùng và niềm hoang mang thất vọng, “mình đã chiến đấu cho điều gì?”, “đây là kết cục mà người Mỹ mong muốn sao?”.
Đại sứ Martin, vị đại sứ Mỹ cuối cùng ở miền Nam Việt Nam cũng đã được khắc họa rõ nét trong bộ phim, một người hết lòng vì miền Nam và giữ nguyên niềm tin của mình cho đến phút cuối cùng. Đáng tiếc, mọi thứ không giống như ông trông đợi, quyết định di tản là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết. Một người đã mất con trong chiến tranh Việt Nam có lẽ không bao giờ muốn cuộc chiến kết thúc theo cách như thế.
Last Days in Vietnam là một bộ phim tài liệu đáng xem, nó chỉ đơn giản là kể lại cuộc di tản vào ngày cuối cùng trước khi giải phóng thống nhất đất nước. Không phán xét, không đánh giá, không kết luận mà chỉ là cảm xúc, là hiện thực, là tâm tư của những người Sài Gòn trong ngày cuối cùng đáng nhớ đó. Last Days in Vietnam được đề cử giải Oscar ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất.