Ðề: “Chào Ngày Mới" của HD Sài Gòn 2014
Thanh Minh Thanh Nga sống lại...
Tại nhà hát Nón Lá những ngày này như đang diễn ra một cuộc "tập trận". Trưng Trắc với giọng nói hào sảng oai nghiêm tuyên thệ: Ðất nước Nam cẩm tú/ Người dân Nam anh hùng/ Trước đền thờ Tổ quốc/ Thề hi sinh diệt giặc cứu non sông. Rồi sau đó lại là những lời ca nao lòng của Mê Linh biệt khúc: Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề...
Từ trái qua: nghệ sĩ Phượng Liên, Hồng Nga, Hữu Châu và Gia Bảo trong buổi tập trưa 18-2 - Ảnh: Gia Tiến
Ðó là quang cảnh những buổi tập tuồng hai vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa trong chương trình Chút tình gửi lại nhân gian sẽ diễn ra đầu tháng 3 tại nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Ðây là dịp kỷ niệm 64 năm ngày thành lập đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga và 36 năm ngày mất của NSƯT Thanh Nga.
Phục dựng nguyên tuồng và nguyên bản
Chương trình Chút tình gửi lại nhân gian sẽ được công diễn tại nhà hát Bến Thành với lịch diễn: Bên cầu dệt lụa vào 19g ngày 1 và 9-3, Tiếng trống Mê Linh vào 19g ngày 2 và 8-3. Giá vé từ 150.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Người lên ý tưởng và đứng ra tổ chức chương trình này là nghệ sĩ trẻ Gia Bảo - thế hệ thứ tư trong đại gia đình bà bầu Thơ, là cháu gọi NSƯT Thanh Nga bằng bà. Gia Bảo đã cùng bàn với ông nội - NSƯT Bảo Quốc và bác - NSƯT Hữu Châu về một dự án sẽ tập hợp lại những nghệ sĩ cũ của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, kể cả những nghệ sĩ đang ở hải ngoại để cùng chung tay tái hiện những suất hát lẫy lừng của đoàn mấy mươi năm trước.
Hai vở cải lương được chọn là Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa vì đây được xem là hai tác phẩm kinh điển và nổi tiếng nhất của đoàn, khiến nhiều thế hệ khán giả thuộc nằm lòng từng câu ca, bài hát, trích đoạn. Bảo Quốc và Hữu Châu - hai thế hệ nghệ sĩ đã thành danh của đoàn Thanh Minh Thanh Nga - đảm nhiệm vai trò dàn dựng chương trình. Nhưng Hữu Châu nhấn mạnh mình không phải là đạo diễn mà chỉ là cố gắng phục dựng nguyên gốc hai vở diễn đã được hai đạo diễn NSND Huỳnh Nga và Ngô Y Linh dàn dựng sắc nét đến từng chi tiết. Vậy nên Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa lần này sẽ là những vở tuồng được phục dựng chân phương và nguyên bản, không thêm bớt hay sửa chữa gì. Không những thế, cảnh trí và phục trang cũng sẽ được tái hiện giống như trong bản dựng của những năm 1970. Các nghệ sĩ sẽ ca diễn với dàn nhạc sống gồm kèn lá, trống thùng, ghita phím lõm, đờn cò... chứ tuyệt đối không dùng nhạc đĩa theo kiểu hiện đại.
Trước sảnh nhà hát cũng sẽ treo hình chân dung cỡ lớn của những diễn viên đoàn Thanh Minh Thanh Nga, kể cả những người đã mất, giống y như cách bài trí của rạp hát khi xưa. Nghệ sĩ Bảo Quốc bày tỏ: "Ðây là một chương trình hoài niệm những nét đẹp của sân khấu cải lương ngày xưa. Chúng tôi muốn những hoài niệm đó phải thật chân phương và xúc cảm".
Những buổi tập của đoàn Thanh Minh Thanh Nga
Những ngày này, bốn thế hệ nghệ sĩ của sân khấu đang cùng nhau tập luyện để chuẩn bị cho chương trình đặc biệt này. Mọi người đến tập rất đúng giờ, ai cũng chăm chú ôn kịch bản và ngồi chờ đến phân đoạn của mình. Nghệ sĩ Chí Tiên cho biết: "Không khí tập luyện nghiêm cẩn và tập trung không khác gì những buổi tập của đoàn Thanh Minh Thanh Nga mà tôi từng tham gia mấy chục năm trước".
Ngay giữa sàn tập ở vị trí trang trọng nhất là bàn thờ NSƯT Thanh Nga với tấm di ảnh và lư hương nghi ngút khói. Ở góc khác là một màn hình tivi lớn chiếu lại băng tư liệu nguyên gốc của hai vở cải lương Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa được thu hình từ những năm 1970. Chất lượng hình ảnh trắng đen không rõ nét nhưng từng biểu cảm trên khuôn mặt, từng ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ diễn xuất, giọng ca của những nghệ sĩ tài danh một thời vẫn có một sức hút lạ kỳ. Ai nấy chăm chú theo dõi và ghi nhớ những đường nét diễn xuất khuôn mẫu đó để có thể áp dụng vào phần tập luyện cho vai diễn của mình.
Nghệ sĩ Phượng Liên vừa trở về từ Mỹ tối hôm trước đã vội vàng lên sàn tập cùng anh em. Phượng Liên từng là một cô đào đẹp có chất giọng sang cùng thời với Thanh Nga, nay được chọn để đóng thay vai Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh) và Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa) của Thanh Nga như một mối duyên ấm áp. NSƯT Thanh Sang sức khỏe đã yếu nhiều nhưng khi tập tuồng thì cứ như "cá về với nước" nên giọng ca hào sảng và mạnh mẽ lạ kỳ, khiến những nghệ sĩ trẻ khác phải nể phục. Nghệ sĩ Thanh Hằng từng ở đội múa thương trong vở Tiếng trống Mê Linh năm chị 14 tuổi, nay chị đã 54 tuổi và vừa từ Úc trở về để tham gia với đoàn. Thanh Hằng bảo: "Sống xa quê hương nên nhớ lắm. Hồi đó tôi múa thương, giờ sau 40 năm thì được lên đóng vai Thánh Thiên nên cũng vui lắm, mà thật ra có cho tôi múa thương lại tôi cũng vui nữa". Cùng tâm sự đó, NSND Ngọc Giàu cho biết bà sẵn sàng đóng bất cứ vai gì, làm bất cứ nhiệm vụ gì dù là nhỏ nhất, miễn sao được sống lại trong cái không khí rần rần của cải lương xưa. Nghệ sĩ Xuân Lan thì đã không còn làm nghề từ khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga rã gánh, nhưng khi tập cảnh tân trạng Trần Minh và Bích Vân công chúa mới đây, ai chứng kiến cũng thấy xúc động vì rõ ràng sau 37 năm, hai nhân vật nguyên gốc này mới gặp lại nhau trên sàn diễn.
Tham gia chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng khác dù không nhiều đất diễn nhưng vẫn nhiệt tâm tập luyện nghiêm túc: NSƯT Thành Lộc, danh hài Hoài Linh, diễn viên Ngọc Lan và Kim Huyền...
Ðến sớm và ngồi chờ đến lượt mình tập, NSND Lệ Thủy cứ bồi hồi xúc động vì lâu lắm rồi cải lương mới sum vầy và đầm ấm như thế. Bà bảo: "Nhìn thấy gươm giáo ngổn ngang trên sàn tập như vầy tự nhiên thấy nhớ, thấy thương cải lương ghê. Biết bao giờ cho đến...ngày xưa!".
HOÀNG OANH