‘Gửi người em gái’ - bức thư tình mùa xuân viết bằng nhạc

anhtuanngoc

Well-Known Member
Tình khúc duy nhất về mùa xuân của “nhạc sĩ mùa thu” - Đoàn Chuẩn - khiến không ít người nao lòng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Sinh thời, Đoàn Chuẩn vẫn được biết đến như một nhạc sĩ của tình yêu. Chùm ca khúc về mùa thu của ông bao gồm Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Gửi gió cho mây ngàn bay, Ánh trăng mùa thu… đã đi vào lòng khán giả nhiều thế hệ bởi chất trữ tình sâu lắng và mối thâm tình với quê hương, xứ sở. Không nằm trong chùm ca khúc đó nhưng cũng được khán giả biết đến và yêu thích còn có bài hát Gửi người em gái, qua sự thể hiện của nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam.

Bài hát được viết vào khoảng những năm 1954, khi đất nước trong cảnh chia hai miền Nam - Bắc. Nhiều người vì thế coi ca khúc này là ca khúc mang tính chất “chính trị” duy nhất trong cả cuộc đời “viết thơ tình bằng nhạc” của Đoàn Chuẩn. Không chỉ có thế, nếu như hầu hết tình khúc nổi tiếng của ông đều được khơi gợi cảm hứng từ mùa thu - mùa tình trong năm, trong khi Gửi người em gái lại viết về mùa xuân - mùa sum vầy, đoàn tụ.


Sau này, qua những lời kể lại, người yêu nhạc mới biết Gửi người em gái có một số phận khá thăng trầm. Theo đó, bài hát ban đầu vốn có tên đầy đủ là Gửi người em gái miền Nam, được tác giả viết dành tặng riêng một người con gái ông đem lòng thương mến đã cùng gia đình vào Nam sinh sống, trong bối cảnh loạn lạc của chiến tranh.

Nhiều giai thoại cho rằng, “bóng hồng” đó của Đoàn Chuẩn chính một trong hai danh ca Tâm Vấn hoặc Mộc Lan danh tiếng một thời. Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về người con gái “tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương” này. Tuy nhiên, không ai trong hai nữ ca sĩ có xác nhận chính thức về mối tình giữa hai đầu đất nước đã đi vào bài hát.

Bản thân ca khúc đến nay cũng được biết đến với hai phiên bản khác nhau. Một phiên bản do ca sĩ Khánh Ly thể hiện trước năm 1975 và một bản được biết đến phổ biến hơn sau này, được rất nhiều các ca sĩ miền Bắc thể hiện thành công. Về tinh thần chung, cả hai bản đều thể hiện nỗi niềm nhớ thương da diết của người con trai gửi tới người con gái phương xa, trong không khí rạo rực xuân về. Tuy nhiên, ở bản đầu (trước năm 1975), nhạc sĩ thể hiện một không gian tâm trạng khác so với bản về sau:

“Hà Nội chờ đón tết, vắng bóng người đi”

(bản về sau: “Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi”)

Hồ Gươm trong bản đầu của Đoàn Chuẩn cũng mang một nỗi niềm riêng (Hồ Gươm sao long lanh), khác hẳn với không khí hân hoan, phấn khởi của bản về sau (Hồ Gươm như say mê). Chỉ với đôi câu chữ, tinh thần của bài hát đã hoàn toàn đổi khác.

Khó có thể quy kết rằng phiên bản bâng khuâng, nhớ thương trong cô đơn, tuyệt vọng hay phiên bản háo hức, hân hoan hướng về người yêu khi mùa xuân về là chủ ý chính của tác giả. Đoàn Chuẩn lúc sinh thời cũng đã lên tiếng xác nhận bản về sau là do ông đặt bút chỉnh sửa. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, bản do ca sĩ Khánh Ly thể hiện trước năm 1975 mới là bản gốc của bài hát. Sau này, do thời thế hỗn loạn, để tránh “tính chính trị” nhạy cảm, Đoàn Chuẩn đã thay đổi ít nhiều phần lời để hợp thức hóa ca khúc, hòa mình vào tinh thần chung của đất nước, của thời đại.


Mặc dù vậy, giấc mơ về “ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ” có thể là một chỉ dẫn thú vị về cách hiểu bài hát ở đây. Bởi lẽ, vào thời điểm tác giả viết ca khúc, rõ ràng ngày “giang sơn thu về một mối” còn rất xa (tận năm 1975). Nếu cho rằng đây là lời tiên đoán trước thời đại cũng không hoàn toàn sai nhưng e rằng có phần hơi gượng ép. Đặt vào hoàn cảnh “yêu xa” của tác giả, “ngày thống nhất” ở đây có lẽ nên hiểu là một giấc mơ mòn mỏi, xa vời mà người nghệ sĩ mang theo giữa mùa xuân - mùa đôi lứa sum vầy, đoàn tụ.

Theo cách ấy, chúng ta mới thấy Hồ Gươm sao long lanh, Hà Nội hoang vắng, u buồn, không người qua lại. Chính tình yêu thiếu vắng đã làm nên chất thơ, khoảng sâu lắng cho bài hát chứ không phải đất trời mùa xuân rạo rực, say mê gọi mời.

Bài hát được viết theo khúc thức ba đoạn A - B - A. Đây là hình thức phổ biến mà không chỉ Đoàn Chuẩn, rất nhiều nhạc sĩ khác như Cung Tiến, Văn Cao sử dụng trong các tình khúc của mình. Song, điểm độc đáo, mới mẻ của Gửi người em gái là trên tinh thần phương Tây hiện đại đó, tác giả thả vào một nét chấm phá bằng cặp câu lục bát:

“… Người đi trong dạ sao đành
Đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa…”

Ca khúc nhờ thế vẫn mang đậm tinh thần dân tộc và không khí Hà Nội xưa. Nhiều thế hệ người Việt xa xứ đã lắng nghe và đồng điệu với “bức thư tình” của Đoàn Chuẩn cũng bởi mối “tình xưa nghĩa cũ” mà nhạc sĩ gửi gắm trong bài hát này.

Không rộn ràng, hân hoan như các ca khúc về mùa xuân thông thường vốn thế, Gửi người em gái của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sau nhiều năm qua đi, vẫn khiến chúng ta nao lòng trong khoảnh khắc Tết đến, xuân về.

"Đêm tân xuân, Hồ Gươm sao long lanh...".
"Đêm tân xuân, Hồ Gươm sao long lanh...".

Cảm thức về thời gian như một nỗi ám ảnh lớn đối với người nghệ sĩ đã chứng kiến những bước thăng trầm trong lịch sử. Dấu vết về sự đổi thay, phôi phai in rõ trên từng lớp ca từ của ông (lớp người đổi mới khác xưa/ đường xưa lối ngập lá vàng, đường nay thong thả bao nàng đón xuân…). Đó là cảm thức của một trái tim nặng lòng với quá khứ, với “đường quen lối cũ” và những mối tình vượt thời gian.

Có thể nói rằng Gửi người em gái là tình khúc Đoàn Chuẩn ưu ái viết riêng về Hà Nội. Bởi chỉ có ai chứng kiến một Hà Nội hoang vắng, lặng lẽ trong những ngày đầu năm, mới hiểu được cảm giác “Hồ Gươm sao long lanh”, “Ngọc Sơn sao uy nghi” và nhận ra một Hà Nội rất tình, rất xưa dường như vẫn chưa mất hẳn, giữa dòng đời chật chội, xô bồ…

 
Bên trên