Elon Musk và câu chuyện giới trẻ Mỹ ghét đến văn phòng: Khi thành công không bao giờ là dễ dàng và thoải mái

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Công ty đang khó khăn, ông chủ thì làm việc hơn 84 tiếng mỗi tuần nhưng nhân viên thì vẫn chê bai Elon Musk “ích kỷ, độc đoán”. Chuyện gì đang diễn ra ở Twitter cũng như thị trường lao động Mỹ vậy?

“Ông ấy luôn đặt ra những thách thức và buộc người khác phải làm những điều mà họ vốn cho là không thể. Cuối cùng, kết quả đạt được lại rất tuyệt vời”, đây là những gì mà một kỹ sư phần mềm của Tesla chia sẻ với tờ Business Insider (BI) vào năm 2018.

Với những người biết đến Elon Musk, chẳng ai xa lạ với hàng loạt những thành công của ông trong suốt sự nghiệp làm giàu. Từ PayPal cho đến SpaceX hay Tesla, Elon Musk luôn chứng minh được mình là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn.

Tuy nhiên theo BI, một đức tính tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cực kỳ khó làm ở Elon Musk mới là nguyên nhân chính đưa vị tỷ phú này qua hết thành công này đến thành công khác, đó là chăm chỉ. Nhà sáng lập Tesla này không làm việc để được nghỉ hưu sớm (FIRE- Financial Independence and Retiring Early) như giới trẻ ngày nay hướng tới, cũng không phải chỉ để kiếm nhiều tiền hơn cho khối tài sản hàng trăm tỷ USD của mình.

photo-3-1669252685425517701650-1669274485831-1669274486222436141954.png

"Hãy làm việc hết sức, cố đến 100 tiếng mỗi tuần. Nếu người khác làm 40 tiếng mà bạn làm 100 giờ thì cùng một công việc, bạn sẽ hoàn thành nó trong 4 tháng còn người khác phải mất 1 năm"- Elon Musk

Năm 2021, nhà sáng lập Tesla đã yêu cầu các nhân viên làm việc tích cực hơn nữa để có một kết quả kinh doanh quý tốt đẹp. Thậm chí ông đã kêu gọi những lao động nào tự nguyện làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ Tạ ơn nhằm hoàn thành mục tiêu cho sản phẩm Model 3.

Với Elon Musk, công việc như một chất gây nghiện khiến vị tỷ phú này cảm thấy mình như đang thực sự sống khi làm việc và theo BI, điều này chẳng hề dễ dàng với lao động trẻ Mỹ.

Lao động có là hạnh phúc?

Tại Twitter, Elon Musk chỉ mong muốn các nhân viên thực sự cống hiến nhiều hơn cho công ty trong bối cảnh khó khăn, nhưng sau dòng email cảnh báo là hàng trăm lao động bỏ việc khi đã quá quen với văn hóa làm việc cũ. Chẳng ai đuổi việc họ nếu kết quả lao động tốt, nhưng những cựu nhân viên Twitter này lại bỏ cuộc khi đối mặt với “vấn đề”.

Theo chuyên gia tư vấn Eric D.Thomas, sự khác biệt giữa một con linh dương và sư tử là con linh dương bỏ chạy khỏi “vấn đề”. Điều này cũng đúng với phần lớn người lao động khi họ chỉ làm hiệu quả khi chịu sức ép, giống như con linh dương bị truy đuổi, nhưng rồi lại trở nên trì trệ nếu không có áp lực nữa.

Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn Jennifer Moss nói với tờ BI rằng việc làm 80-100 tiếng mỗi tuần, thậm chí ngủ tại văn phòng là chuyện bình thường với Elon Musk cũng như những lao động có tuổi, nhưng chúng lại trở thành điều khó chấp nhận với nhân viên trẻ ngày nay.

“Với Elon Musk, chăm chỉ là thứ bạn cần phải có nếu muốn tạo nên những thay đổi. Mục tiêu càng lớn thì lại càng phải chăm chỉ. Bạn không thể giải quyết khó khăn mà 80% số người trên thế giới không làm được chỉ bằng cách nằm trong vùng an toàn. Thế nhưng tôi nghĩ quan điểm này đang không được giới trẻ Mỹ chào đón”, chuyên gia Moss nói với tờ BI.

Khi Esther Crawford, giám đốc quản lý sản phẩm của Twitter đăng tải hình ảnh mình ngủ lại văn phòng để làm việc, một cuộc tranh cãi dữ dội trên truyền thông đã diễn ra.

Theo cựu nhân viên John Blackman của Microsoft, việc ngủ lại văn phòng là điều quá bình thường trong thập niên 1990 và 2000. Với lượng lớn công việc và cần người trông coi dữ liệu ban đêm thì câu chuyện phải ở lại văn phòng buổi tối không có gì đáng phải phàn nàn.

“Tôi chẳng thấy có vấn đề gì với chuyện này lắm. Có khi nó còn khá vui ấy chứ”, ông Blackman nói với BI.

Vậy nhưng chuyên gia Moss, đồng thời là tác giả của cuốn "The Burnout Epidemic: The Rise of Chronic Stress and How We Can Fix It" thì cho rằng đại dịch đã thay đổi tư duy của lao động trẻ Mỹ quá nhiều.

“Sau khi trải qua đợt dịch Covid-19, sự ưu tiên và quan điểm làm việc của các bạn trẻ dần thay đổi khi hướng về gia đình và bản thân hơn là công ty. Thế rồi khi nhân viên không được thăng chức, không nâng lương thì mọi sự dồn nén khiến người người lao động cảm thấy những cố gắng của họ, những đợt ngủ đêm tại văn phòng trở nên vô giá trị”, chuyên gia Moss cho biết.

“Việc phải nhìn thấy quá nhiều người thân qua đời quanh tôi, rồi hàng loạt vụ sa thải trong thời đại dịch khiến tôi phải định hình lại sự ưu tiên. Tại sao tôi phải cố gắng cho một thứ chẳng có ý nghĩa gì khi đau ốm hoặc cần trợ giúp chứ?”, giám đốc Lauren Good trong ngành chăm sóc sức khỏe xin được giấu tên doanh nghiệp đã trần tình với BI.

Vậy là những lao động ở độ tuổi 30-40 quá quen với chuyện lao động cật lực, chịu sức ép từ sếp để phấn đấu cho sự nghiệp thì lại đang chứng kiến lớp kế cận tham gia trào lưu bỏ việc (Great Resignation), nghỉ hưu sớm (FIRE) hay thậm chí là “nằm thẳng” (Lying Flat) khi họ chẳng còn ý chí, động lực để vươn lên.

“Tôi không từ bỏ”

Theo cựu sĩ quan đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ, ông John Gretton "Jocko" Willink, bất cứ ai cũng có điểm yếu, thậm chí là vô số nhược điểm. Tuy nhiên bằng cách giải quyết từng điểm yếu một, con người sẽ dần trưởng thành và vươn lên cao hơn.

“Để vượt qua giới hạn của bản thân thì cần cả yếu tố lý trí (Logic) lẫn cảm xúc (Emotion). Tuy nhiên cả 2 yếu tố này cũng sẽ đạt tới điểm giới hạn khi bạn cố gắng và bạn sẽ phải dựa vào 1 trong 2 thứ đó để đi tiếp. Khi mọi chuyện tưởng chừng như vô lý để đi tiếp thì đó là lúc bạn cần dùng cảm xúc, sự giận dữ, nỗi sợ hãi của bản thân để tiến xa hơn nữa, để cổ vũ bản thân nói lên rằng: Tôi sẽ không bỏ cuộc”, ông Willink nhấn mạnh.

“Đừng bao giờ dừng lại, hãy tiếp tục cố gắng mỗi ngày bởi chỉ cần bạn dừng lại thôi thì những ý nghĩ tiêu cực sẽ quay trở lại, bạn sẽ nghi ngờ bản thân trở lại và lùi bước”, chính trị gia người Mỹ Leslie Calvin "Les" Brown đồng quan điểm.

Bản thân Elon Musk cũng là một người bình thường như bao người khác, bố mẹ ly dị, phải có quãng thời gian chật vật kiếm sống. Tuy nhiên thay vì bỏ chạy, Elon Musk lựa chọn đối mặt vấn đề và giải quyết chúng. Đó là lý do nhà sáng lập Tesla tụ hội được lượng người hâm mộ lớn, không chỉ bởi cách ông làm giàu mà còn là vì ý chí không chịu bỏ cuộc.

“Thời điểm khó khăn nhất của tôi có lẽ là vào năm 2008, tôi còn lại khoảng 30-40 triệu USD trong tài khoản và chỉ có 2 lựa chọn. Dồn hết vào 1 công ty và để doanh nghiệp còn lại đóng cửa hoặc chia đôi đầu tư cho cả 2 và có thể mất cả 2 doanh nghiệp. Bạn biết đấy, khi bạn đổ xương máu, mồ hôi và nước mắt xây dựng thứ gì đó thì cũng giống như khi bạn xếp hình hồi còn nhỏ vậy, tôi chẳng thể từ bỏ được công ty nào và chấp nhận chia đôi đầu tư. May mắn là cả 2 đều đã tồn tại và phát triển”, Elon Musk chia sẻ.

Elon Musk và câu chuyện giới trẻ Mỹ ghét đến văn phòng: Khi thành công không bao giờ là dễ dàng và thoải mái - Ảnh 3.

Thậm chí, những người từng được rèn giũa dưới sự quản lý của Elon Musk cũng học hỏi được nhiều điều và hưởng lợi từ thành quả chung đạt được.

“Kim cương vốn được rèn dưới áp lực và Elon Musk chính là tay rèn kim cương lão luyện”, cựu giám đốc tuyển dụng Dolly Singh tại SpaceX nói với BI.

Những bài học vượt khó của Paypal, SpaceX, Tesla và mới đây nhất là Twitter khiến mọi người kỳ vọng Elon Musk sẽ làm nên lịch sử một lần nữa. Cả thế giới đã từng nghi ngờ Elon Musk khi ông muốn phát triển tên lửa với SpaceX, tạo xe điện với Tesla thì giờ đây họ đang tiếp tục nghi ngờ với Twitter.

"Một số người không thích sự thay đổi, thế nhưng nếu kết quả thảm họa sẽ diễn ra khi không làm điều đó thì chắc chắn bạn cần phải thực hiện sự thay đổi đó", Elon Musk cho biết.

Theo Genk​
 
Bên trên