Trong một lần trả lời phỏng vấn, Trần Anh Hùng chia sẻ rằng Murakami đã để lại một lời nhắn cho anh trên kịch bản: ““Hãy cứ làm bộ phim như anh tưởng tượng. Việc anh phải thực hiện là tạo ra một bộ phim đẹp nhất có thể.” Và đây là điều mà Trần Anh Hùng đã thực sự làm được, cùng với các đồng nghiệp của mình, anh đã tạo ra một bộ phim Rừng Nauy với nỗi buồn và cái đẹp – một bộ phim vẫn thể hiện được ý tưởng của cuốn sách, mà vẫn rất đặc trưng cho phong cách của anh.
Bộ phim giữ lại câu chuyện như trong tác phẩm văn học: Sau cái chết của người bạn thân, Toru rời khỏi quê nhà lên Tokyo, nơi anh gặp lại và đem lòng yêu đơn phương Naoko – người yêu của cậu bạn đã qua đời. Sau một đêm đón nhận Toru, Naoko đột ngột bỏ đi không một lời giải thích. Giữa lúc chìm ngập trong hàng ngàn câu hỏi, Toru gặp được Midori – cô gái tràn đầy sức sống, lòng lạc quan và khao khát. Cuộc sống của Toru từ đó chia thành hai nửa, một bên là Naoko chia sẻ cùng anh nỗi đau của tâm hồn, một bên là Midori với tình yêu sống động. Tuy nhiên, thế giới thực sự của Toru vẫn là sự chênh vênh của tuổi trẻ, với nỗi băn khoăn đi tìm lời đáp cho câu hỏi, “tôi đang ở đâu”?
Dù nằm trong tầm ngắm của nhiều đạo diễn, nhưng dễ thấy rằng Rừng Nauy không phải là một tác phẩm văn học dễ dựng thành phim bởi yếu tố tâm lý đậm đặc, và sự xuất hiện liên tục của các bức thư. Việc phải viện tới lời kể chuyện trong phim gần như là một điều hiển nhiên bởi không dễ dàng gì (nếu không nói là bất khả) để miêu tả “chút khí vón lại” trong tâm tưởng Toru sau khi Kizuki chết, hay cảm giác về “nghi lễ hàn gắn tâm hồn bị tổn thương” của anh trong những lần đi dạo cùng Naoko… Tuy nhiên, Trần Anh Hùng đã biến điều này thành điểm mạnh của mình, bởi vì anh kết hợp những lời kể bằng cùng những cảnh quay ngắn, nối tiếp trong một cách chuyển động máy quay tạo cảm giác mượt mà như một dòng chảy; bản thân những hình ảnh ấy lột tả được phần nào đó tâm lý nhân vật. Ở điểm này, Rừng Nauy cho thấy sự nhất quán xuyên suốt trong cách kể chuyện qua nhiều phim của Trần Anh Hùng, đồng thời cũng gợi nhắc lại về phong cách làm phim tương tự trong bộ phim chuyển thể từ truyện của Murakami trước đây: Toni Tanitaki. Có lẽ các đạo diễn, bằng một cách nào đó, đều đi đến một quyết định chung trong việc sử dụng hình ảnh để miêu tả tâm lý nhân vật “kiểu Murakami”.
Ngoài ra, để miêu tả được tâm lý nhân vật sâu sắc hơn, Trần Anh Hùng còn chủ ý nhấn mạnh vào tính tương phản giữa cá nhân Toru và cuộc sống xung quanh anh. Trong khi Murakami chỉ miêu tả về đời sống nổi loạn của sinh viên trong bối cảnh chính trị biến động rất ngắn gọn và đôi chút mơ hồ, thì Trần Anh Hùng dành hẳn một cảnh quay dài để nói về điều này. Trong phim, Toru đã bước đi giữa hàng trăm sinh viên khác đang hô hào, vác gậy gộc hăm hở, ào ào đổ về từ tất cả các ngả đường, nhưng anh vẫn lẳng lặng bước đi với khuôn mặt buồn không đổi khác, vừa thờ ơ vừa lẩn tránh. Khuôn mặt ấy vẫn giữ nguyên khi những sinh viên khác chạy thẳng vào lớp bi kịch Hy Lạp của anh để đòi giáo sư cho phép thảo luận chính trị. Sự im lặng của anh biến anh thành người khác biệt trong cô độc. Có lẽ đây là cách để mô tả nỗi cô đơn của riêng điện ảnh, điều mà muốn miêu tả hết, nhà văn hẳn sẽ phải tốn thời gian viết lách hơn nhiều.
Và cũng nằm trong nỗ lực miêu tả lại được những nhân vật “kiểu Murakami” này, bộ phim đã tập hợp được những diễn viên trẻ tài năng của Nhật Bản trong đó nổi bật nhất là Rinko Kikuchi và Kenichi Matsuyama. Rinko Kikuchi không làm người xem thất vọng với khả năng lột tả lại được một Naoko đầy đau đớn, bế tắc mà vẫn dịu dàng xinh đẹp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi cô là diễn viên nữ được quay đặc tả nhiều nhất bởi khả năng thể hiện cảm xúc của cô khiến cho khán giả không thể không day dứt cùng nhân vật. Toru, nhân vật trung tâm của bộ phim cũng được thể hiện xuất sắc qua diễn xuất của Kenichi Matsuyama. Anh đã để cho người xem thấy được hình ảnh của một thanh niên thập kỷ sáu mươi, với ánh mắt hoang mang, với sự mất mát của tâm hồn, nỗi cô đơn cá nhân giữa những sinh viên quá khích xung quanh mình, và nỗi đau đớn bật lên thành tiếng gào khi mất đi người mình yêu dấu. Ngoài ra, cá nhân người viết bài này rất ấn tượng với diễn xuất của Eriko Hatsune trong vai Hatsumi. Dù trong phim nhân vật này chỉ xuất hiện rất ít, nhưng cô đã thực sự tỏa sáng trong những cảnh quay dành cho riêng mình với phong thái lịch thiệp, nhã nhặn, khuôn mặt và ánh mắt toát lên nỗi đau khổ và hạnh phúc đan lồng. Tuy vậy, có thể nhân vật Midori do nữ diễn viên trẻ Kiko Mizuhara đảm nhận sẽ không thực sự làm người hâm mộ cuốn sách của Murakami Haruki thỏa lòng. Mizuhara đã diễn tả được vẻ đẹp tươi trẻ, trái tim lưu giữ tình yêu trong sáng, thậm chí vẫn dùng ngôn ngữ đối thoại y hệt như tác phẩm văn học, nhưng cô vẫn là Midori của Trần Anh Hùng, với phong cách diễn xuất kìm nén có thể sẽ gợi cho bạn về các nhân vật nữ chính trong những bộ phim khác của anh hơn là nhân vật đầy sôi nổi của Murakami.
Dưới sự đạo diễn của Trần Anh Hùng, Rừng Nauy còn là một bộ phim đẹp. Thời gian trong bộ phim của anh kéo dài từ mùa xuân, qua mùa hè, tới mùa đông. Mùa xuân đến khi Naoko vẫn còn bên anh, và rồi mùa hè mang theo Midori, cho dù tất cả lại kết thúc trong mùa đông lạnh giá. Dù là ở mùa nào, thiên nhiên Nhật Bản trong Rừng Nauy vẫn hiện lên với vẻ thanh khiết, gợi cảm, kể cả khi bối cảnh được lựa chọn là những bờ biển hoang vắng, chỉ có đá và nước. Những cảnh quay đan cài về cánh đồng bát ngát, những ngọn cỏ run rẩy, tuyết trắng vừa tạo ấn tượng hình ảnh đẹp và trữ tình cho phim, vừa góp phần thể hiện cho những thế giới tinh thần của nhân vật. Bên cạnh đó, khi xem phim, khán giả còn có cơ hội chiêm ngưỡng những trang phục lịch thiệp, trang nhã vừa đặc trưng cho thập kỷ 60 của Nhật Bản, vừa vẫn rất hiện đại đủ để mang lại cho người xem cảm giác câu chuyện ấy như đang xảy ra đâu đây.
Với tất cả những nỗ lực vừa để bảo toàn, vừa để biến đổi khỏi tiểu thuyết gốc, Rừng Nauy của Trần Anh Hùng thực sự là một bộ phim đáng xem. Tuy nhiên, sau tất cả, bạn sẽ nhận ra rằng tác phẩm điện ảnh này, dường như cũng có một phần tính chất của tác phẩm văn học, nó rất hợp để bạn thưởng thức khi chỉ có một mình. Và rất có thể, khi nghe Naoko nói: “Con người ta chỉ nên quay đi quay lại giữa 18 và 19 tuổi… như thế mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn” hay khi bài hát Norwegian wood cất lên, bạn chợt nhận ra rằng mắt mình đã nhòa lệ, không phải vì Toru, Naoko, Reiko hay Hatsumi mà vì tâm hồn của chính bạn.
link nguồn