Ðề: “Cuộc chiến” bản quyền Super League giữa AVG - VFF - VPF.
Miếng bánh truyền hình.
Nếu bóng đá Nhật Bản có J-League với nguồn thu chủ yếu từ bản quyền truyền hình với giá trị tương đương 3.000 tỷ đồng (chiếm hơn phân nửa nguồn thu) thì V-League chỉ sống nhờ vào tài trợ và lệ phí dự giải của các CLB còn tiền bản quyền truyền hình thì là con số rất rất lẻ.
Thế mà đùng một cái tiền bản quyền của bóng đá Việt Nam đã trở thành đề tài chính trong các cuộc tranh chấp từ đầu mùa 2012 đến giờ nhờ biện pháp kích cầu của Công ty Cổ phần bóng đá Chuyên nghiệp (VPF)... Hãy bắt đầu từ khi bóng đá Việt Nam có nguồn thu từ bản quyền truyền hình.
Nhắc đến bản quyền truyền hình bóng đá, không thể quên người đầu tiên phá cơ chế xin cho lẫn ép từ trên xuống của các nhà đài đó là trưởng đoàn bóng đá Công an TP.HCM năm 1995 Đặng Quang Dương.
Từ bản quyền giá… 1 đồng
Năm 1995 đội Công an TP.HCM dự cúp C2 châu Á và ông Dương hồi đấy vì “cương” với Đài truyền hình địa phương luôn lấy danh nghĩa phục vụ khán giả TP.HCM và lấy “phép” của Ủy ban Nhân dân TP.HCM “cấp” cho “đài nhà” khai thác các hoạt động văn hóa diễn ra trên địa bàn TP.HCM.
Ông Dương nói thẳng với báo chí: “Thế giới người ta bán được bản quyền truyền hình trong khi ở ta thì bóng đá lại mất tiền rất nhiều cho truyền hình để được lên sóng. Cái người ta bán được và dùng để nuôi đội bóng thì ta lại bỏ tiền túi ra để mời nhà đài đến sân phát thì thật là vô lý…”.
Để phá lệ làng tại các địa phương, ông Dương đã xin AFC cho được chuyển sân nhà từ sân Thống Nhất qua sân Đồng Nai và cấm các đài được khai thác trừ đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai mà ông Dương bán với giá… 1 đồng.
Sau sự kiện bán bản quyền truyền hình giá 1 đồng đấy, ông Dương phát biểu hồ hởi: “Các đài cứ vào thực hiện chương trình “chùa”, không trả tiền đội bóng nhưng chèn rất nhiều quảng cáo lại còn nói là phục vụ nhân dân để không trả tiền cho các CLB là điều bất hợp lý. 1 đồng tôi nhận hôm nay không đáng bao nhiêu nhưng đấy là sự kiện lớn của bóng đá Việt Nam vì phá được lệ khai thác “chùa”. Sự kiện mà bóng đá Việt Nam lần đầu bán được bản quyền truyền hình.
Đến việc “lo” bản quyền truyền hình V-League
Mùa V-League đầu tiên năm 2001 bóng đá Việt Nam không thu được 1 đồng bản quyền truyền hình nào nhưng phần chi để có truyền hình phục vụ nhà tài trợ lại là con số không nhỏ. Hồi đấy nhà tài trợ chính là Strata đã phải lên kế hoạch cho đài truyền hình và cung phụng từ A đến Z để có sóng và để “trả lễ” cho các đối tác tài trợ hoặc quảng cáo cho V-League.
Một đại diện của Starta hồi đấy nói thẳng: “Chúng tôi vào lĩnh vực làm bóng đá Việt Nam và cảm thấy rất khó vì miếng bánh truyền hình thì không được nhận nhưng phải chi rất đậm để có những trận đấu tại V-League phát sóng trên truyền hình thì lúc đó chúng tôi mới đảm bảo nghĩa vụ cho các đơn vị mà rất khó mới mời họ tham gia tài trợ lẫn quảng cáo…”.
10 mùa sau thì ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trả lời về bản quyền truyền hình như sau: “Các giải trước đây, quá trình thương thảo giữa VFF và VTV liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình thường xuyên gặp khó khăn. Đối tác truyền hình trực tiếp trận nào thì VFF biết trận đó. Chúng tôi luôn ở thế bị động, không biết có sóng tường thuật trận đấu hay không và nếu có thì ở khung giờ nào? Thậm chí là phải đổi giờ đá từ 17 giờ sang 16 giờ để đáp ứng cho sóng của nhà đài. Trong 2 mùa giải 2008, 2009 số trận tại V-League được tường thuật trực tiếp không nhiều, tiền thu về qua những trận bán lẻ cho các đài chỉ khoảng 3-4 tỷ đồng lại lệ thuộc rất nhiều thứ…”.
Cách nói của ông Dũng cho thấy phần thu từ bản quyền truyền hình V-League rất hẻo nhưng phần “lo” để có sóng, để đáp ứng nghĩa vụ với nhà tài trợ thì rất lớn.
Mọi sự thay đổi khi AVG vào cuộc mua mão một gói lớn
Năm 2010, khi AVG vào cuộc mua hẳn một gói lớn của bóng đá Việt Nam và kéo dài 20 năm như đã mua với nhiều liên đoàn, nhiều bộ môn thể thao Việt Nam thì nhiều người xuýt xoa và thở phào vì không còn phải mệt nhọc tìm sóng, lo sóng và cầu cạnh các đài nữa sau khi trao quyền và trao một cục tất tần tật cho “đại lý” AVG.
Cũng cần biết là trước khi ký kết với AVG thì các đài khác vẫn còn xem thường bản quyền bóng đá bởi “sóng của ta”, “giờ vàng của ta” và ban tổ chức giải cần ta hơn là ta, xin ta, năn nỉ ta hơn là ta phải đến để thương lượng hoặc giành nhau mua sản phẩm bóng đá.
Mùa bóng 2011 là mùa đầu tiên các CLB được chia tiền bản quyền truyền hình từ hợp đồng đã ký với AVG. Mật độ phát sóng V-League cũng dày hơn rất nhiều và VFF không còn lo chuyện có sóng hay không có sóng và giờ thi đấu phải điều chỉnh thế nào để phù hợp với “đài mẹ”. Đến lúc này thì không ít CLB bày tỏ sự thoải mái trong việc ăn chia từ tiền bản quyền truyền hình, đặc biệt là các CLB ít tiếng tăm, thấp cổ bé miệng mà trước đây vì nhiều lý do sân đấu của đội đấy ít được các nhà đài “thăm” và trực tiếp.
Chính đại diện đội ĐT Long An của bầu Thắng (nay là Chủ tịch HĐQT VPF) đã phát biểu rằng: “Bán một cục như thế các đội có lợi khi tiền nhiều hơn mà số trận được trực tiếp trên các đài cũng dày hơn”.
Giá bản quyền lên quá cao hay chỉ là “mồi” cho cuộc chiến?
Để lấy lý do cho việc VFF bán 20 năm với cái giá quá bèo, bầu Kiên khi mở đầu cho cuộc chiến bản quyền đã làm việc với VTV và thông báo cái giá cao hơn giá mà VFF đã bán cho AVG rất nhiều: 20 tỷ cho một năm (giá này được đưa ra theo lý thuyết chưa được VTV xác nhận và cũng chưa có văn bản nào xác nhận).
Rõ ràng là cái giá kia cho thấy bản quyền bóng đá Việt Nam chỉ sau 1 năm để AVG khai thác đã vượt lên rất cao. Đó cũng là một trong những lý do phụ để nói rằng cần phải thương lượng lại với AVG về việc mua với cái giá quá rẻ hoặc cần phải phá vỡ hợp đồng đã ký 20 năm.
Qua cách lập luận của VPF và qua cái giá được đưa ra như thế nếu “làm ăn” với VTV lại cho thấy từ việc không quan tâm không mặn mà lắm với bản quyền truyền hình bóng đá, giờ thì VTV lại là đối trọng nặng ký và sẵn sàng “mua” với giá cao hơn rất nhiều so với cái giá mà cuối năm 2010 khi ký với AVG (?) thì nhiều người vỗ tay.
Cuộc chiến bản quyền dù bên này thắng hay bên kia thua thì cũng không thể phủ nhận đã làm thay đổi rất nhiều về nhận thức liên quan đến bản quyền truyền hình bóng đá và nó đang mang lợi lại cho bóng đá bởi giá trị được nâng lên.
Từ việc phải cầu cạnh truyền hình đến việc bán nhưng phải lệ thuộc rất nhiều, thì gần đây bầu Kiên lại cho thấy VTV sẵn sàng vào cuộc với cái giá rất rất cao so với những gì mà bóng đá Việt Nam đang hưởng. Và cuộc chiến mà hai tuần qua người hâm mộ chứng kiến hóa ra lại là cuộc chiến của rất nhiều đại gia và nhiều thế lực.
(Theo: BĐVN: Miếng bánh truyền hình - 1/10/2012 - 24h.com.vn)