CÁCH CHỈNH AMPLI 604D:
(hướng dẫn chi tiết cho người chưa quen, bác nào đã am hiểu xin bỏ qua)
Em có nhận được một lời nhắn, đề nghị chụp màn hình các nút chỉnh của ampli 604D:
Tuy nhiên, việc dựa theo hình trên để chỉnh âm thanh không phải là ý hay, vì 4 lý do sau:
- Việc chỉnh phải căn cứ theo thực tế: thiết bị đang có, không gian,...
- Dù ampli 604D được giới thiệu là ampli số thế hệ mới, nhưng các nút chỉnh vẫn sử dụng các biến trở liên tục, 2 ampli khác nhau chỉnh cùng 1 vị trí vẫn có thể cho giá trị khác nhau.
- Vị trí các nút dễ dàng bị xáo trộn vì một ai đó táy máy hoặc khi lau chùi ampli.
- Trong quá trình hát, tùy giọng và tùy nhạc vẫn có thể phải chỉnh đi một chút ít.
Do đó, quan trọng nhất phải hiểu được ý nghĩa mỗi thông số, từ đó tự chỉnh theo nhu cầu. Thứ tự điều chỉnh dưới đây không bắt buộc, nhưng được khuyến khích làm theo:
- Chỉnh hiệu ứng chung (echo, reverb).
- Chỉnh từng micro cụ thể.
- Chỉnh phần nhạc.
- Chỉnh phần master.
1) Chỉnh khối 1: hiệu ứng chung (echo, reverb)
Khối hiệu ứng chung sẽ tác động lên toàn bộ micro, do đó đang cắm micro ở lỗ nào thì phải tạm thời để toàn bộ dàn nút chỉnh của micro đó vào vị trí giữa (vị trí 12 giờ). Mục đích là để thấy được tác dụng khi đang chỉnh echo, reverb.
Đa số các ampli dùng để karaoke chỉ có hiệu ứng echo, một số ampli khác có thêm hiệu ứng reverb. Về mặt từ ngữ, echo dịch là “tiếng vang”, còn reverb là “tiếng dội”. Nhưng theo em thì phải hiểu ngược lại thì mới phù hợp với cảm nhận ngoài đời.
a) Hiệu ứng reverb:
Reverb là hiệu ứng âm thanh giống như tiếng nói bị vang vang ở trong một không gian kín như: khán phòng, viện bảo tàng, thánh đường... Trước hết hãy nhấn nút tắt
ECHO và mở
REVERB (có 2 đèn LED báo trạng thái tắt/mở).
Hiệu ứng Reverb được quy định bởi 2 nút chỉnh:
DECAY và
VOL.
- Nút
DECAY (thời gian tiêu tán âm thanh): Nút này quy định độ dài thời gian của hiệu ứng reverb, kể từ khi hiệu ứng này phát sinh đến khi biến mất.
- Nút
VOL (Volume): Quy định độ mạnh của hiệu ứng reverb. Mức chỉnh như trong hình chụp phù hợp với việc hát nhỏ. Nếu hát lớn tiếng, nên giảm
DECAY đi một chút, nếu không âm thanh sẽ “nhộn nhạo” nghe rất lộn xộn.
Nguyên tắc chỉnh hiệu ứng reverb: chỉ chỉnh sao cho tiếng vang vang vừa phải thôi. Lúc này nghe chưa hay đâu. Nhưng sau khi hoàn thành phần chỉnh echo, mọi chuyện sẽ khác hẳn.
Trong karaoke đại chúng, người ta chỉ coi trọng hiệu ứng echo. Nhưng trong ca hát chuyên nghiệp (dùng mixer bàn), tùy vào không gian cụ thể, người ta thường chọn các hiệu ứng reverb như: small hall, large hall...
b) Hiệu ứng echo:
Để chỉnh echo, tạm thời phải tắt hiệu ứng reverb đã chỉnh ở trên. Rồi phải tự tạo âm thanh gốc bằng 1 trong những cách sau:
- Gõ nhẹ vào đầu micro.
- Chắt lưỡi.
- Nói “Alô” trong đó tiếng “lô” phải thật mạnh và dứt khoát (để nghe âm echo: Alô...lô...lô...)
Một vài kỹ thuật thử micro được dùng để chỉnh hiệu ứng echo, mời các bác xem lại Phụ lục 3.
Hai chức năng quan trọng nhất của echo là delay và repeat:
- Nút
RPT (repeat): Chỉnh số lần lặp lại. Sau khi phát sinh âm thanh gốc, âm thanh lặp lại từ 3-6 lần tùy sở thích mỗi người. Lặp lại ít quá nghe “mỏng”, lặp lại nhiều quá nghe “loạn”.
- Nút
DLY (delay): Chỉnh tốc độ lặp lại nhanh hay chậm (hay nói khác đi là chỉnh khoảng thời gian giữa 2 lần lặp lại). Chỉnh delay sao cho số lần repeat được lặp lại kéo dài trong khoảng 1-2 giây.
Nguyên tắc chỉnh (theo cảm tính): Những bài chậm buồn thì
DLY chậm và
RPT lặp nhiều, những bài hát sôi nổi thì
DLY nhanh và
RPT lặp ít.
Nguyên tắc chỉnh (theo kỹ thuật): Chỉnh theo cảm tính như trên đòi hỏi một chút kinh nghiệm cảm nhận. Để chỉnh cách khác chính xác hơn, thì làm theo 1 trong những cách như sau:
- Hãy nhịp nhịp chân theo điệu nhạc (ai cũng biết làm việc này!), sau đó chỉnh tốc độ echo gấp đôi nhịp chân đó.
- Hoặc nếu biết nhạc lý, chỉnh tốc độ echo bằng nửa phách.
- Hoặc chẳng cần biết nhạc lý, lắng nghe tiếng treble “chắt, chắt...” là tiếng động do người đánh trống gõ gõ vào chập chã (hãy nhìn tay phải của anh ta!); từ đó chỉnh tốc độ echo bằng tốc độ này.
Nguyên tắc chỉnh theo kỹ thuật như trên được vận dụng vào một số mixer chuyên nghiệp: thay vì xoay nút để chỉnh tốc độ echo, thì gõ
Tap Tempo 2 lần để tạo nhịp.
Hai nút repeat
RPT và delay
DLY là linh hồn của hiệu ứng echo, chúng thường được chỉnh phối hợp cùng nhau. Sau khi tìm ra vị trí tối ưu, chỉ cần nhích nhẹ là kết quả sẽ khác, cho nên phải xoay chỉnh từng chút một.
Khi đã hoàn tất repeat và delay, chỉnh tiếp 2 nút
LO (low) và nút
HI (high), để thay đổi mức độ âm trầm và âm bổng của hiệu ứng echo. Nếu muốn tiếng echo lặp lại được thanh thoát hơn âm gốc ban đầu, ta giảm
LO và tăng
HI (so với mức trung bình 12 giờ).
Các bà bán hàng rong đã vô tình vận dụng rất tốt nguyên lý echo vang xa ở trên: khi rao hàng “ai mua bánh không?”, người ta luôn luôn phải lên giọng. Bởi vì âm bổng sẽ lan truyền xa hơn âm trầm, càng rao lảnh lót thì càng vang xa và càng dễ nghe. Chẳng có ai rao hàng bằng cách xuống giọng trầm cả.
Cuối cùng, chỉnh nút
VOL (volume) là độ mạnh của hiệu ứng echo. Nếu hát lớn, các bác giảm đi một chút này so với vị trí trong hình chụp.
Sau khi hoàn chỉnh hiệu ứng echo, lúc này mới bật hiệu ứng reverb trở lại. Kết quả tổng hợp của 2 hiệu ứng này rất ép-phê. Cô bé Quỳnh Anh VN’s Got Talent cứ gào toáng lên là bị tắt mất reverb nên hát mới dở, là các bác đủ hiểu vai trò của reverb rồi đấy! Nói chung, ampli nào có cả echo và reverb thì thường là hay hơn ampli chỉ có echo.
2) Chỉnh khối 2: chỉnh cụ thể cho từng micro
Nhắc lại là khi đang chỉnh ở khối 1, thì toàn bộ nút chỉnh micro đang để tạm thời ở vị trí giữa. Do đó sau khi chỉnh khối 1 xong thì ta bắt đầu tinh chỉnh lại khối micro này.
Ampli 604D có 2 dãy chỉnh micro giống nhau. Dãy trên áp dụng cho MIC1 và MIC2, dãy dưới áp dụng cho MIC3 và MIC4.
Nếu các bác sử dụng một cặp micro xịn, chất lượng đồng đều thì nên cắm chung 1 dãy. Nhưng nếu dùng một cặp micro chất lượng không đồng đều thì nên cắm riêng mỗi cái một dãy, rồi chỉnh sao cho kết quả cuối cùng là 2 micro tương đương nhau.
Trong các nút chỉnh micro, 2 nút
GAIN và
VOL cho ra cùng một kết quả là điều chỉnh âm lượng lớn nhỏ cho micro. Tuy nhiên, bản chất hoạt động của chúng là khác nhau:
- Nút
GAIN (độ lợi): dành cho mục đích xử lý tín hiệu vào.
- Nút
VOL (âm lượng): nút này mới đúng là dành cho mục đích điều chỉnh lớn nhỏ của người sử dụng.
Sở dĩ có sự khác biệt này là vì nút
GAIN điều chỉnh độ khuếch đại tín hiệu
trước khi đi vào phần xử lý micro. Còn nút
VOL điều chỉnh độ khuếch đại tín hiệu
sau khi đi ra phần xử lý micro. Ta biết rằng các mạch xử lý luôn chỉ có một vùng làm việc lý tưởng (vùng tuyến tính). Điều chỉnh nút
GAIN đảm bảo tín hiệu vào sẽ làm việc ở vùng lý tưởng đó.
Thật ra cũng khó lòng mà biết thế nào là vùng làm việc lý tưởng. Em cứ tạm tính thế này: với các micro nhạy và tốt, chỉnh
GAIN ở mức 5-6, nếu micro không nhạy và tốt lắm thì tăng thêm 1-2 mức nữa. Nếu cắm nhạc cụ vào lỗ MIC thì chỉnh
GAIN ở mức dưới 5.
Các mixer chuyên nghiệp có đèn PEAK giúp xác định chính xác vùng lý tưởng. Ta chỉnh
GAIN sao thỉnh thoảng PEAK mới lóe lên một cái, tức là thỉnh thoảng tín hiệu mới “lên đỉnh”. Điều này đồng nghĩa với phần còn lại đang làm việc ở vùng khuếch đại tuyến tính.
Sau khi đã chỉnh
GAIN thì giữ luôn ở mức đó, từ đây về sau muốn chỉnh micro lớn nhỏ theo nhu cầu thì chỉ dùng nút
VOL mà thôi.
Lưu ý: Trong quá trình ca hát, ta có thể chỉnh lớn nhỏ tùy thích, nhưng trong quá trình chỉnh các nút tiếp theo thì nút
VOL phải đặt ở độ lớn nhất mà ta dự tính (không đặt quá nhỏ).
- Nút
ECHO: Hiệu ứng echo chung thì phụ thuộc vào các thông số echo đã chỉnh ở khối 1. Nút này nhằm mục đích gia giảm thêm hiệu ứng echo cho từng micro.
Ở khối 1, ta đã dùng các nút
LO/HI để
chỉnh tone cho âm echo (là âm lặp lại từ âm gốc). Còn ở khối 2 này, ta sẽ
chỉnh tone cho âm gốc, thông qua nút
LO/MID/HI:
- Nút
LO: Hãy nói giọng trầm “Alồ, Alồ” (xem lại Phụ lục 3 về kỹ thuật nói giọng trầm). Nếu tiếng bị “rạn rạn” trong loa thì ta phải lùi
LO về một mức.
- Nút
MID: Nút này tác động lên âm trung nên tác động rất mạnh lên tiếng hát. Trong phần lớn trường hợp, ta để nút
MID ở vị trí giữa. Nhưng nếu người hát có giọng hơi yếu, ta thêm 1-2 mức. Ngược lại, nếu người hát có giọng quá rổn rảng thì nên giảm 1-2 mức.
- Nút
HI: Dùng kỹ thuật suỵt gió và tắc lưỡi trong Phụ lục 3, lắng nghe và chỉnh nút
HI để âm cao được sắc bén. Trong phần lớn trường hợp, nút
HI ở loanh quanh vị trí 3 giờ là hợp gu ca hát của người VN. Tuy nhiên đừng lạm dụng nút chỉnh này trong trường hợp micro quá nhạy hoặc ampli chất lượng kém, chỉnh
HI cao quá sẽ khiến giọng hát bị “loẹt xoẹt”.
Sau khi đã chỉnh xong phần micro, đừng vội vàng chuyển qua phần khác mà hãy rà soát lại toàn bộ các nút này một lần nữa (gọi là tinh chỉnh từng milimét), đặc biệt là nút
VOL:
- Nếu tự alô thì chính âm thanh từ miệng ta phát ra (tuy nhỏ nhưng lại rất gần với tai) sẽ khiến ta cảm nhận không chuẩn về âm thanh từ loa phát ra. Hãy nhờ một người khác alô để nghe chính xác nhất và tinh chỉnh các nút cho phù hợp nhất.
- Tuy nhiên người khác nói thì ta lại không cảm nhận được độ “hút âm” của micro, có thể chỉnh
VOL chưa đủ nhạy, khiến việc ca hát bị “tốn hơi tốn sức”. Lúc này, ta phải tự alô bằng giọng nhỏ nhẹ rồi đẩy
VOL lên tối ưu, nếu bị hú loa thì phải lùi về 1 mức. Việc này sẽ đảm bảo cho việc ca hát luôn được nhẹ nhàng, không tốn hơi sức mà tiếng vẫn vang!
3) Chỉnh khối 3: chỉnh nhạc
Nhạc là phần chỉnh dễ nhất, đa số mọi người thích tăng bass (nút
LO) và tăng treble (nút
HI). Nút
MID thường để ở giữa. Nếu kỹ tính, vào lúc nhạc dạo hoặc nhạc giữa bài thì có thể tăng
MID lên 1 mức, lúc vào phần ca thì giảm
MID xuống 1 mức. Trong thực tế chẳng ai siêng năng đến thế, vả lại hát karaoke là để giải trí, cứ chỉnh chọt suốt như vậy cũng mệt!
Ampli 604 cho phép gắn đến 4 loa nên có 2 hàng chỉnh nhạc: hàng trên để chỉnh cặp loa front, hàng dưới để chỉnh cặp loa rear. Ngoài ra, cũng như phần lớn ampli khác, nó có nút chọn kênh A/B để chọn 1 trong 2 nguồn phát nhạc.
Các ampli thường có thêm 1 nút để tăng cường hiệu ứng bass/treble. Mỗi khi nhấn vào là bass/treble tăng 10-20%, hoặc tạo ra hiệu ứng âm thanh nổi. Các hãng thường đặt cho nút này các tên thương mại khác nhau, VD: Dynamic, Enhanced, S. Sound... Còn ampli 604D đặt tên là nút
MUSIC TONE. Tiếc là hiệu quả tăng cường bass/treble rất ít (khoảng 5%) nên đôi khi khó biết nút này đang bật hay tắt.
4) Chỉnh khối 4: chỉnh phần tổng thể (Master)
Nút
CH. TEST (channel test): Dùng để kiểm tra các kênh âm thanh. Chức năng này tiện lợi khi đang ráp nối loa vào ampli.
Nút
FADER: Chỉnh độ cân bằng giữa cặp loa front và rear. Nếu chỉ dùng 2 loa, có thể đặt nút này ở giữa hoặc vặn hết về bên front cũng được. Nếu dùng 4 loa, nên đặt tỷ lệ giữa cặp front/rear là 6/4 hoặc 7/3.
Nút
BAL (balance) và
MASTER: 2 nút này chắc không cần giải thích!
Trong khối chỉnh này, mới đầu em tưởng 4 đèn LED từ
CH1-CH4 có tính năng tương tự như đèn PEAK thì thật hoàn hảo. Tiếc là 4 đèn này lấy tín hiệu ở sau tầng công suất nên không giúp ích được gì nhiều. Giả sử nhà sản xuất thay bằng dàn đèn Main Meters thì sẽ tiện lợi hơn.