Ðề: Cô chửi trò!!!!
Việt Nam đang xem xét áp dụng án lệ, dù điều này chính đáng và tự nhiên như hơi thở! Án lệ thực ra không chỉ áp dụng ở tòa án, mà đã hiện hữu một cách khách quan trong dư luận xã hội xưa nay. Sự việc cô chửi trò này, về bản chất chính là một án lệ, nó không chỉ tác động đến 2 đối tượng cụ thể, mà còn quy định cách hành xử cho mọi người trong những trường hợp tương tự (hoặc để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra).
Về hai đối tượng trên, rõ ràng ai cũng đáng trách. Cậu bé dễ được thông cảm hơn, vì đang trong quá trình hình thành nhân cách. Cô giáo đáng trách nhiều hơn, vì đã không đủ bản lĩnh xử lý sự việc. Trách nhiệm này cần được quy rộng ra, bản thân cô giáo ấy có phải được gửi gắm gì không; cũng như, ta không thể đòi hỏi mọi người giáo viên đều có được những tiêu chuẩn lý thuyết của một nhà giáo. Muốn nâng chất đội ngũ nhà giáo, cần phải tăng cường sàng lọc đi kèm với đãi ngộ, về cả vật chất và tinh thần. Sàng lọc nghĩa là có những tiêu chuẩn định lượng minh bạch và khách quan để sát hạch về trình độ chuyên môn cũng như tác phong sư phạm. Đãi ngộ về vật chất, nghĩa là có mức lương đủ cao để thu hút những học sinh thông minh vào học các trường sư phạm, chứ không phải là sự rẻ rúng để chỉ có chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm như hiện nay. Đãi ngộ về tinh thần, chính là thái độ trân trọng của xã hội đối với nghề này. Hai khía cạnh đãi ngộ này bổ túc cho nhau. Ví dụ, nếu các giáo viên nhận lương tối thiểu vào khoảng 30 triệu đồng / tháng. Thì tất nhiên chỉ những người ưu tú nhất của xã hội mới thi đậu được vào các trường sư phạm. Và nếu trung bình các phụ huynh chỉ có mức lương 15 triệu / tháng, tất nhiên họ không dám khinh bỉ chê bai các thầy cô giáo. Cũng với mức lương cao như vậy, các giáo viên mới phải ra sức nâng cao trình độ và trao dồi tác phong sư phạm, đáp ứng các yêu cầu sát hạch gắt gao, để giữ nồi cơm của mình, và cũng là vị trí xã hội của mình.
Bây giờ bàn đến ý thứ hai, án lệ của dư luận. Tai nạn của cô giáo kia giờ đây sẽ là bài học cho tất cả mọi giáo viên. Nếu bạn biết rằng lúc nào bạn cũng có thể bị ghi âm, rõ ràng bạn sẽ nói những điều an toàn nhất. Cho dù bạn cảm thấy có thể giáo hóa cậu bé kia, bạn biết rằng điều đó là phiêu lưu cho chính bạn. Cho dù chỉ một lời nói bạn có thể cảnh tỉnh đứa bé, nhưng bạn chỉ cười lạnh lùng và tự nhủ "đồ mất dạy, rồi cuộc đời sẽ dạy con, con ạ". Sẽ không còn tình cảm và lương tâm trong nhà trường, sẽ không còn sáng tạo và thăng hoa trong các bài giảng. Giáo viên mỗi ngày đến lớp, bán cho con em bạn một mớ kiến thức rẻ rúng, nói những điều thật tròn trịa, để cuối tháng nhận ít lương còm. Họ con lại trong chiếc vỏ ốc để cho dư luận chỉ có thể phê phán chung chung. Và chúng ta những người đã, hoặc đang, hoặc sẽ trở thành phụ huynh, sẽ biết rằng con em của mình ngày nay đến trường, chúng sẽ không học được gì cả, và cũng sẽ không ai màng giáo dục uốn nắn chúng cả! Trong khi đó, chúng vẫn phải đi học, và phụ huynh chúng ta vẫn phải tốn kém rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức cho việc học của chúng. Những đứa trẻ tội nghiệp thiếu giáo dục sẽ mang cái nhân sinh quan lệch lạc của chúng bước vào đời, đấu đá đâm chém chà đạp nhau ở đó. Đó là cái giá mà chúng ta phải trả cho việc sỉ nhục giáo viên thông qua một trường hợp cụ thể, thay vì nhắm đến một áp lực mạnh mẽ kêu gọi giải pháp toàn diện cho vấn đề giáo dục.