Ðề: Chuyên mục 2 kênh - HD Quảng Ninh
BÍ QUYẾT CHỌN LOA CHO AMPLI ĐÈN
Ampli đèn ngày càng được nhiều bạn yêu nhạc quan tâm bởi chất âm ấm áp, dịu dàng, giàu nhạc tính… Tuy nhiên, một cặp loa tốt là điều kiện rất cần thiết để ampli đèn phát huy được tối đa ưu thế của mình. Vậy bí quyết để chọn và ghép loa với ampli đèn như thế nào?
Từ cấu tạo của tầng công suất
Ampli đèn có tầng công suất được thiết kế theo 2 mạch điện cơ bản như sau:
Mạch đẩy kéo (push - pull): là loại mạch điện thường gặp nhất trong các ampli hàng hiệu của các hãng. Nguyên lý làm việc của mạch yêu cầu tầng công suất phải có tối thiểu 2 đèn. Mỗi đèn phụ trách khuếch đại một nửa chu kỳ tín hiệu âm thanh, trong khi đèn này làm việc thì đèn kia “tạm nghỉ” và ngược lại, hiệu suất mạch điện đẩy kéo khá cao, công suất ra vì thế mà cũng lớn hơn single-end. Tùy theo yêu cầu, mạch đẩy kéo có thể chạy class A hoặc AB. Mạch đẩy kéo có thể dùng biến thế xuất âm hoặc không dùng biến thế xuất âm (OTL-Output Transfomer Less).
Các thương hiệu ampli đèn thường gặp trên thị trường Việt Nam như Audio Research, VTL, Luxman, Luxkit, Sansui v.v. đều ráp theo mạch đẩy kéo.
Mạch ra đơn (single-end): là loại mạch điện ít gặp hơn đẩy kéo, nhất là trên thị trường Việt Nam. Công suất ra của mạch single-end nhỏ hơn so với đẩy kéo. Mạch single-end chỉ cần tối thiểu 1 đèn công suất, đèn này khuếch đại cả 2 nửa chu kỳ của tín hiệu. Ưu điểm vượt trội của mạch single-end là âm thanh rất tự nhiên, giàu nhạc tính. Mạch single-end chỉ có thể chạy theo class A mà thôi.
Trên thị trường Việt Nam các ampli single-end rất hiếm, chỉ gặp một số sản phẩm của Audio Note, Cary Audio… và một số ampli do dân chơi tự ráp.
Đến độ nhạy và trở kháng của cặp loa
Chọn loa cho ampli đèn, quan trọng nhất là độ nhạy và trở kháng của loa.
Về độ nhạy
Theo lý thuyết, yêu cầu tối thiểu về độ nhạy của loa so với công suất của ampli như sau:
Công suất ra của ampli Độ nhạy cần thiết của loa
3W --> 94dB
8W --> 90dB
15W --> 88dB
25W --> 86dB
Đó là những hướng dẫn chung, trên thực tế có thể cho phép thay đổi trên dưới 2 dB phụ thuộc vào trở kháng loa, loại nhạc mà bạn nghe, kích thước phòng nghe và mức âm lượng bạn thường nghe.
Độ nhạy của loa và công suất của ampli có mối quan hệ rất chặt chẽ, ampli có công suất ra càng nhỏ càng cần loa có độ nhạy cao. Trên một số thùng loa hoặc tài liệu hướng dẫn có ghi rõ độ nhạy của loa. Tuy nhiên độ nhạy đó là được đo trong điều kiện tiêu chuẩn, tức là đo trong phòng câm (anechoic), với công suất đưa vào loa là 1W/8 Ohm, một micro đo thử đặt cách loa đúng 1m. Trong thực tế phòng nghe của bạn, do cấu trúc khác phòng câm và vị trí ngồi nghe thường xa hơn 1m nên độ nhạy thực tế có thể khác biệt so với lý thuyết.
Theo kinh nghiệm, loa cho ampli đèn cần phải có độ nhạy tương đối cao thì mới phát huy hiệu quả.
Một điểm cần lưu ý, trên cùng một đôi loa, để cảm giác nghe thấy âm thanh từ loa phát ra to gấp đôi, công suất ampli phải lớn gấp 4 lần trước đó chứ không phải là chỉ cần lớn gấp đôi. Đây cũng là điểm bạn cần chý ý khi chọn mua loa và ampli.
Về trở kháng
Đèn điện tử có trở kháng ra rất lớn, lại đánh vào loa có trở kháng nhỏ nên cần phải có biến áp xuất âm để phối hợp 2 mức trở kháng chênh lệch này cho phù hợp. Trong phần lớn các ampli đèn, đầu ra loa thiết kế có 3 mức trở kháng ra là 4/ 8/ 16 Ohm để có thể phù hợp với mọi loại loa trên thị trường. Tuy nhiên kinh nghiệm của những người chơi đồ đèn lâu năm cho biết, không nên chơi loa 4 Ohm vào ampli đèn, âm thanh sẽ khó hay. Trở kháng loa thích hợp nhất cho ampli đèn là 8 Ohm trở lên (thậm chí trong một số loa đời cổ, trở kháng còn là 15 hoặc 16 Ohm).
Đối với ampli đèn chạy theo mạch không biến áp xuất – OTL, trở kháng loa lại càng quan trọng hơn. Loại OTL chỉ chạy tốt với các loa 8 Ohm trở lên. Nếu loa 4 Ohm, khi vặn to, âm thanh thường bị méo rất rõ rệt.
Cách chọn loa cho ampli đèn
So với ampli bán dẫn, ampli đèn thường có công suất nhỏ hơn. Công suất điển hình của ampli đẩy kéo thường là từ 10 – 100W, của ampli single-end thường là từ 2 – 20W.
Đối với ampli đẩy kéo, tùy công suất ra, bạn có thể chọn những cặp loa có độ nhạy tương xứng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy như sau:
Loại đèn đẩy kéo Công suất ra Độ nhạy loa
6V6, EL-84 --> 10-15W --> 90 dB
6L6, 6P3C-E --> 20-25W --> 89 dB
EL-34, 807 --> 30-40W --> 88 dB
KT-88, 6550 --> 40-60W --> 87 dB
Đối với ampli single-end, cần loa có độ nhạy cao hơn do công suất ra nhỏ hơn ampli đẩy kéo. Kinh nghiệm thực tế như sau:
Loại đèn single-end Công suất ra Độ nhạy loa
2A3, 6B4G, VT-62 2 – 3W 95 dB
6V6, EL-84, 6L6 3 – 5W 93 dB
300B, KT-88, 6550 7 – 12W 91 dB
Độ nhạy theo kinh nghiệm thực tế trong các bảng trên phần lớn được thử trong phòng nghe kích thước từ 14 - 21 mét vuông và mức nghe vừa phải. Nếu bạn nghe trong những căn phòng lớn hơn, với âm lượng cao hơn thì độ nhạy thực tế của loa cần chọn cao hơn.
Theo kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, nếu bạn là người ưa dòng nhạc cổ điển, jazz, hòa tấu, vocal… thì trong một phòng nghe cỡ 20 mét vuông, chỉ cần cặp loa độ nhạy 91 dB với 1 ampli đèn 10W/ một kênh là đủ.
Sam Tellig, Ron Welborne (Mỹ) và nhiều dân chơi khác trên thế giới cũng cho biết họ đã thử ampli 2A3 single-end (3W) với loa có độ nhạy 90 dB, mà kết quả vẫn chấp nhận được. Tất cả phụ thuộc vào cách nghe. Người nghe to không chắc là người nghe tinh, ampli mạnh không chắc là ampli hay!
Những dòng loa cho ampli đèn
Với “anh bạn” ampli đèn khó tính, việc chọn loa là cả một nghệ thuật và là cả một sự công phu, đòi hỏi khá nhiều thì giờ, công sức và tài chính của bạn thì mới có được kết quả mỹ mãn. Chúng tôi xin giới thiệu một số hãng làm loa và thùng loa đặc sắc trên thế giới mà sản phẩm của họ là những “đối tác truyền thống” của ampli đèn.
Avantgarde Acoustic: hãng loa kèn nổi tiếng về chất lượng âm thanh của Đức, sản phẩm đắt tiền, độ nhạy cực cao (97-107dB) chuyên dùng với ampli SE
BD-Design: hãng loa kèn của Hà-Lan với sản phẩm Oris horn, dùng driver của hãng Lowther, chuyên dùng với ampli SE
Edgahorn: hãng loa của Mỹ, chế tạo loa dạng kèn, độ nhạy cao chuyên dùng với ampli SE.
JBL: hãng loa Mỹ, sản phẩm rất đa dạng, nổi tiếng với dòng loa studio monitor, có thể dùng với ampli PP và SE.
Klipshorn: hãng loa Mỹ, sản phẩm dùng với ampli PP và SE.
Lowther: hãng loa Anh quốc với các sản phẩm loa toàn dải rất nổi tiếng về độ nhạy cao (96 - 99 dB), chuyên dùng với ampli SE.
TAD (Technical Audio Devices): hãng loa Nhật, nổi tiếng độ nhạy cao, hay dùng trong studio. Sản phẩm dùng với ampli PP và SE.
Tannoy: dòng loa đồng trục Anh Quốc nổi tiếng về độ trung thực và độ nhạy cao, giá cao. Sản phẩm dùng với ampli PP và SE.
Westlake Audio: hãng loa của Mỹ, nổi tiếng với các loa độ nhạy cao và đắt tiền.
Zingali: hãng loa của Italia. Độ nhạy cao (95 – 100dB), loa treble dạng kèn gỗ. Dùng cho ampli SE.