(Seatimes) “Trường hợp cơ quan chức năng sau khi vào cuộc xác định mì tôm nhiễm độc như thông tin mà một nhà khoa học đã công bố thì cũng cần áp dụng các biện pháp mạnh như thu hồi, tiêu hủy sản phẩm. Kể cả trường hợp phải thu hồi hàng tỉ gói mì tôm vẫn phải làm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng”.
Những ngày qua, thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận" được công bố bởi GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM vào chiều ngày 26/12 khiến dư luận hết sức bàng hoàng.
Cụ thể, từ cuối tháng 6 đến ngày 10/12/2013, công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng đã tiến hành phân tích 62 mẫu mì tôm (trong nước lẫn nhập khẩu), kết quả 100% đều có sự hiện diện của axit oxalic với nồng độ khoảng (30,8 - 449mg/kg).
Theo GS Sơn, nếu phân loại theo hệ thống quốc tế GHS thì axít oxalic được cảnh báo nguy hiểm được dùng để tẩy rửa trong công nghiệp. Đến thời điểm này tại Việt Nam, axít oxalic không có trong danh sách phụ gia thực phẩm cho phép nên không được cho vào thực phẩm vì bất cứ lý do gì.
Axít oxalic rất có hại cho sức khỏe của con người. Vào cơ thể, chúng có xu hướng kết tủa khi gặp dinh dưỡng có chứa canxi. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axít oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương.
Trao đổi với PV Thời báo Đông Nam Á về những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng VPLS Phúc Thọ cho hay: “Khi phát hiện ra thực phẩm mà mình sản xuất có dấu hiệu không an toàn hoặc không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có trách nhiệm:
e) Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện thực phẩm không an toàn hoặc không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
h) Thu hồi, xử lý thực phẩm quá thời hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn. Trong trường hợp xử lý bằng hình thức tiêu hủy thì việc tiêu hủy thực phẩm phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định khác của pháp luật có liên quan và phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu hủy đó;
l) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn do mình sản xuất gây ra. (khoản 2 Điều 7 Luật an toàn thực phẩm)
“Và có các biện pháp Khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm (Điều 53 Luật an toàn thực phẩm), Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn (Điều 54 Luật an toàn thực phẩm) và Thu hồi, xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn (Điều 55 Luật an toàn thực phẩm). Cụ thể hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn trong trường hợp này là tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số mỳ tôm bị nhiễm độc.
Ngoài ra theo qui định tại khoản 1 và 3 Điều 6 Luật an toàn thực phẩm thì: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.:, luật sư Quyền phân tích thêm.
Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng: Với thông tin hiện tại chưa thế kết luận chính xác các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mì tôm có vi phạm pháp luật không và cũng chưa thể khẳng định sản phẩm mì tôm có nhiễm độc và nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.
Tuy nhiên, vì thông tin đã được công bố và lan rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông cho nên có thể khiến người dân hoang mang và mong muốn có một câu trả lời thích đáng. Điều này hơn bao giờ hết cần cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng để có thông tin chính thức về vụ việc.
“Trường hợp cơ quan chức năng sau khi vào cuộc xác định mì tôm nhiễm độc như thông tin mà một nhà khoa học đã công bố thì cũng cần áp dụng các biện pháp mạnh như thu hồi, tiêu hủy sản phẩm. Kể cả trường hợp phải thu hồi hàng tỉ gói mì tôm vẫn phải làm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng.”