Ðề: Chương Trình "Chào Ngày Mới" Của HD Sài Gòn
6 quán cà phê xưa và độc đáo ở Sài Gòn.
Cà phê với người Sài Gòn dường như đã trở thành văn hóa, thành phong cách sống hàng ngày. Từ anh xe ôm cho đến tầng lớp doanh trí đều có cách thưởng thức cà phê cho riêng mình. Thi sĩ Tản Đà xưa đã cho rằng, muốn ăn ngon cần phải hội đủ ba yếu tố: món ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon. Mở rộng ra cho việc uống cà phê, có lẽ điều này vẫn đúng.
Nếu nói về khía cạnh sang trọng, sành điệu thì 6 quán cà phê đặc biệt này đều được điểm... dưới 0 trong thang 10. Bạn chỉ hợp với nó khi muốn tìm lại hồn Sài Gòn xưa cũ, hay chí ít đang mang một tâm hồn níu vãng. Quán hay bởi cà phê ngon, chắc chắn rồi, quán hay còn bởi người, bởi cảnh. Nơi ấy, người ta "bán những khoảng lặng, và thu về những khoảng lặng để làm vốn cho mình".
1. Cà phê Cheo Leo
Quán cà phê Cheo Leo do ông Vĩnh Ngô mở ra bán tại số 109/36 Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3 vào khoảng năm 1938 và tồn tại cho đến nay đã 75 năm. Hiện quán được bà Lê Thị Tuyết năm nay đã 64 tuổi là con gái đầu của ông tiếp tục nghề cà phê của gia đình. Quán có tên là Cheo Leo do ngày xưa chung quanh quán chỉ toàn là đồng trống. Mỗi ngày từ 4 giờ sáng quán đã treo những chiếc đèn dầu lay lắt sáng để bán cà phê. Do quán đứng trơ trọi giữa đồng không mông quạnh với ánh sáng leo lét đã gợi ý cho ông Vĩnh Ngô đặt tên quán là Cheo Leo.
Cheo Leo vẫn giữ một cách pha cà phê qua 75 năm. Cà phê được tuyển chọn từ nhà vườn về, tự tay gia đình rang xay và pha bằng vợt. Trên cái lò than khổng lồ luôn cháy đỏ là những chiếc siêu sắc thuốc bắc đựng sẵn cà phê đã được pha. Theo bà Tuyết thì cà phê pha vợt với nước sôi già luôn cho thứ cà phê thơm ngát, đậm đà. Cà phê đựng trong siêu không hề bị thoát mùi...
Bên ly cà phê nóng hổi, thơm lừng trong không gian cũ kỹ ám mùi thuốc lá, bạn sẽ tự hỏi rằng Hồn SG ở đâu? Có phải nằm trên tường vôi loang lỗ nứt nẻ? Hay trần nhà ám đen màu than thoảng mùi cà phê? Hay trên dòng khói thuốc đang lửng lơ vương lên từng mái đầu bạc? Hay của tà áo tím đã chậm bước chân dẫu không thiếu nụ cười mỗi khi đặt ly cà phê xuống mặt bàn đã bóng màu? Phải chăng hồn Sài Gòn đã chán lang thang qua những tòa nhà vô tâm, những hàng cây thôi rớt lá cài lên tóc của áo dài để về ngự trong không gian nhỏ hẹp nhưng quánh đặc nơi đây?
Địa chỉ: 109/36 Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3. Giá từ 8.000-15.000đ
2. Cà phê Hoa Vàng
Có một góc nhỏ không lấy gì đặc biệt ở thiên đường cà phê - cư xá Bắc Hải. Ở đây không có "chưn dài", không máy lạnh, chỉ có một không gian cà phê nhỏ trong nhà và một góc vỉa hè kế bên... trạm điện.
Người ta đến quán này vì dùng wifi miễn phí cả ngày không ai làm phiền, vì tivi LCD treo tường được nối với kho phim cùa FPT. Và người ta đến quán này còn là vì một cụ già ngồi lim dim kế bãi giữ xe, cụ hay khoe hàm răng vẫu mỗi khi đắc ý trong câu chuyện thường ngày. Khách mới tới lần đầu cứ ngỡ đấy là ông giữ xe, riêng khách quen và người nhà trìu mến gọi "bác Thư". Cụ chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư, người đã viết nên nhiều bài thơ nổi tiếng cho NS Phạm Duy phổ nhạc: Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Em Lễ Chùa Này...
Biết đâu, trong 1 chiều mưa nào đó, khi đang nghe giai điều du dương "Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ..." bạn sẽ được Phạm Thi Sĩ chỉ cho 1 bài khí công dưỡng tinh thần hay chí trước vài sự cố mà bạn sẽ gặp phải trong tương lai.
Địa chỉ: Y1Bis đường Hồng Lĩnh, P.15, Q.10. Giá từ 13.000đ-35.000đ
3. Tiệm nước của ông Lưu Nhân Thanh
Ngày nay người ta thường nói nhiều đến chuyện văn hoá cà phê, nhưng bằng cách nào mà liên hệ với văn hoá cà phê khi không mở lại những không gian quán cà phê vợt từng đập cùng nhịp sống với cả thế hệ thị dân. Tìm đến quán cà phê vợt còn sót lại của ông Lưu Nhân Thanh trên đường Tân Phước, bên hông chợ Thiếc, bước vào cái quán cũ kỹ nhưng tràn ngập hương cà phê này người ta mới hay rằng, chỉ có pha cà phê bằng vợt, chỉ có giữ nóng cà phê bằng cái siêu đất thì hương cà phê vợt tự do hơn hẳn hương cà phê bị nhốt trong cái phin bằng kim loại. 31 năm, quán tiếp tục tồn tại và tạo nên hơi thở Chợ Lớn mỗi ngày, vào buổi sáng. Từng cái bàn, bộ ấm nấu nước và ấm nấu cà phê toát lên vẻ cũ kỹ, lâu đời. Cả ông chủ quán cũng vậy.
"Nhìn những cụ bà, cụ ông và người trung niên người Việt lẫn người Hoa ngồi im lặng thưởng thức từng ngụm cà phê vợt, người ta mới cảm nhận rõ rằng sự thay đổi không gian bán càphê, thay đổi cách thức pha cà phê không có nghĩa cà phê vợt bị loại khỏi nguồn hương cà phê ký ức của những thị dân cần một ly cà phê để tỉnh thức mỗi đầu ngày."
Địa chỉ: 313 Tân Phước, P.6, Q.11. Giá từ 8.000-20.000đ
4. Thư quán Cội Việt
Quán được lập ra làm nơi sinh hoạt và gặp gỡ của những người trẻ yêu thích lịch sử - văn hóa Việt Nam. Nếu bạn muốn tìm một nơi yên tĩnh để làm việc, học tập hay đọc sách thì quán là lựa chọn rất tốt. Và khi cần tìm hiểu về Sài Gòn, về Hòn Ngọc Viễn Đông của một thời xưa cũ, nơi đây cũng là địa chỉ đỏ cho bạn lui tới.
Chỉ có 3 loại thức uống, nhưng không bắt buộc khách phải dùng. Quán luôn chào đón những tấm lòng quan tâm đến giá trị Việt truyền thống. Đọc sách, sử dụng internet được hoàn toàn miễn phí. Khách có lòng thơm thảo có thể góp thêm sách vở để chung tay duy trì hoạt động cho quán.Địa chỉ: Nhà 306, lầu 2, 179C Hai Bà Trưng, P.6, Q.3. Giá cả: 10.000đ-15.000đ.
5. Cà phê "Bông Giấy"
Ở Sài Gòn, nơi nào có đường, có hẻm thì nơi đó có cà phê cóc. Chỉ cần một chiếc xe đẩy, vài chiếc ghế xúp bằng nhựa là đủ dựng thành một quán cà phê. Cà phê cóc dường như giống nhau về cách thức pha chế và mùi vị. Một cái phin to đùng, chủ quán đổ vào đó cả nửa ký cà phê nhểu xuống cái ly khổng lồ. Tất cả được sang ra các chai nhựa rồi ngâm vô thùng đá. Cứ thế, chất nước màu đen được gọi là cà phê này bày bán cả ngày. Có khách đến gọi cà phê, chủ quán rót ra ly, bỏ đường vào đánh cho sủi bọt, tọng vô tràn trề nước đá rồi bưng ra. Người Sài Gòn uống cà phê như mọi thứ nước giải khát vậy.
Người Sài Gòn còn thích làm một ly cà phê đá ở vỉa hè để được chườn cái mặt mình ra cho thiên hạ dòm và được dòm thiên hạ đang tất tưởi đi lại. Cà phê cóc Sài Gòn đa phần không có bảng hiệu nhưng đều có tên gọi riêng do khách đặt.
Giới văn nghệ Sài Gòn có những quán cóc của riêng mình, cà phê Dung là một trong số đó. Họ quen gọi là quán Bông Giấy, vì sát vỉa hè của quán này có một giàn cây bông giấy nở hoa quanh năm. Có chút sắc màu thế thôi mà các thi sĩ ngồi đây đã hè nhau làm thơ và xuất bản cả một thi tập mang tên Bông & Giấy.Địa chỉ: 53 Bis, Trần Quốc Thải, P.7, Q.3. Giá cả: 15.000đ-30.000đ.
6. Cà phê Chiêu Cao Thắng
Quán được mở cửa từ năm 1969, nằm trong hẻm cụt, không phô trương, không lòe loẹt và cũng chẳng ồn ào. Cảnh vật bên ngoài lẫn bên trong quán làm cho lòng người lắng lại. Chiêu chỉ sử dụng một màu chủ đạo là màu nâu gỗ ấm áp. Những bức tranh ở Chiêu rất đẹp. Những tấm gỗ treo trên đầu, những tấm gỗ ốp trên tường, những chiếc lồng đèn đều mang nỗi niềm níu vãng.
Chiêu lặng thầm giữ cái hồn của Sài Gòn những năm trước 1975, tức là chứa đựng tuổi trẻ say mê và cuồng nhiệt của hòn ngọc Viễn Đông một thời với văn hóa, văn nghệ đa dạng, thăng hoa. Nay Chiêu đã được tu sửa lại ít và người chủ cũ cũng đã định cư ở nước ngoài, nên ít nhiều Chiêu vơi bớt cái thần của mình, nhưng hoài niệm thì còn đó nguyên vẹn. Nhiều người thích tìm lại Chiêu để nhớ về thời sinh viên, khắc khoải nghe lại những giai điệu từ thập kỉ trước của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên… qua giọng ca Khánh Ly, Elvis Phương, Thái Thanh, Tuấn Ngọc…Địa chỉ: 124/1 Cao Thắng, P.4, Q.3. Giá: 22.000-60.000đ.
ST