Giặt với xà phòng sẽ không giết chết được hết vi khuẩn trên mớ rửa bát. Ngược lại, điều đó có thể còn khiến chúng tiến hóa để trở nên mạnh mẽ hơn.

Bạn không hề đọc nhầm đâu. Giả sử vi khuẩn biết nói và có một phóng viên đến phỏng vấn chúng: "Bạn thích sống ở đâu nhất?", thì kiểu gì cũng có một vài con vi khuẩn đồng thanh thốt lên: "Chúng tôi muốn sống trên cái mớ rửa bát".
Vi khuẩn vốn là một sinh vật có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện sống khắc nghiệt. Người ta đã tìm thấy chúng bên trong miệng núi lửa, giữa sa mạc mênh mông, dưới lớp băng vĩnh cửu và tận đáy đại dương, trong những lỗ thông thủy nhiệt.
Nhưng làm sao phải sống khổ sở ở những nơi như vậy, khi vi khuẩn cũng có thể tìm thấy cho mình một thiên đường, ngay trong nhà bếp của con người, cụ thể là trên cái mớ rửa bát.

Ảnh chụp bề mặt một cái mớ rửa bát bằng kính hiển vi điện tử quét màu (SEM) với độ phóng đại 580 lần. Trong đó, bề mặt miếng bọt biển (màu xanh lam); vi khuẩn (hình que, màu tím và xanh lục); nấm sợi (sợi mỏng và dày, màu tím và đỏ); nấm men (hình cầu tròn, màu vàng, xanh lục).
Mỗi centimet vuông trên mớ rửa bát có tới 54 tỷ vi khuẩn, tương đương mật độ vi khuẩn trong phân người
Markus Egert, một nhà vi sinh vật học tại Đại học Furtwangen, đã từng làm một khảo sát. Ông đi thu thập tất cả mớ rửa bát đã qua sử dụng trong các nhà bếp ở Đức, mang về phòng thí nghiệm rồi phân lập các mẫu vi khuẩn tìm được trên đó.Kết quả, Egert phát hiện được tới 362 loài vi sinh vật, tồn tại trên những chiếc mớ rửa bát với mật độ rất cao. Mỗi centimet vuông trên đó có tới 54 tỷ cá thể vi khuẩn. "Đây là một con số rất lớn, tương đương với lượng vi khuẩn bạn tìm thấy trong một mẫu phân người", Egert nói.
Cũng phải thôi, mớ rửa bát là một môi trường hội tụ đầy đủ những điều kiện sống tốt nhất cho vi khuẩn: Chúng ẩm, ấm nếu bạn rửa bát bằng nước nóng và đầy rẫy những mẩu vụn thức ăn để vi khuẩn tha hồ "tiệc tùng".
Mớ rửa bát cũng chứa đầy lỗ và khe hở, mỗi chỗ này đều trở thành một "góc riêng" cho một quần thể vi khuẩn có thể định cư và phát triển.

Mật độ vi khuẩn trên mớ rửa bát tương đương với phân người.
Trong một nghiên cứu năm 2022, Lingchong You, một nhà sinh học tổng hợp tại Đại học Duke, đã dùng máy tính để mô phỏng môi trường phức tạp của cái mớ rửa bát. Ông nhận thấy những cái mớ rửa bát càng có nhiều lỗ hổng thì càng chứa nhiều chủng vi khuẩn và số lượng của chúng cũng nhiều hơn.
"Điều này hợp lý, vì vi khuẩn cũng có vi khuẩn hướng nội, thích ở một mình, và cũng có vi khuẩn hướng ngoại cần sự đồng hành của đồng loại. Trong cái mớ rửa bát, có vô số cấu trúc hay ngóc ngách khác nhau để mọi loại vi khuẩn đều vui vẻ và thoải mái phát triển", Egert nói.
Vi khuẩn có thể dính ngược lại bát đĩa nhà bạn, nhưng không thể chỉ đơn giản giặt bằng xà phòng là hết
Không còn gì phải nghi ngờ, cái mớ rửa bát rõ ràng là ngôi nhà lý tưởng cho vi khuẩn. Câu hỏi quan trọng bây giờ là: Liệu sự xuất hiện của chúng có đáng lo ngại hay không?Trong nghiên cứu của mình, Egert đã giải trình tự DNA của các loài vi khuẩn phổ tồn tại với số lượng nhiều nhất trên mớ rửa bát. Dù không thể xác định chính xác từng loài vi khuẩn, ông phát hiện 5 trong số 10 loài phổ biến nhất có họ hàng gần với vi khuẩn gây nhiễm trùng ở người có hệ miễn dịch yếu.
Ngay cả với những cái mớ rửa bát đã được người sử dụng giặt sạch bằng xà phòng và nước tẩy sau khi rửa, vẫn có những vi khuẩn sót lại và tồn tại dai dẳng trên đó. Và chính những vi khuẩn này mới là thứ mà chúng ta phải lo ngại.

Giặt bằng xà phòng và nước tẩy không tiêu diệt được toàn bộ vi khuẩn trên mớ rửa bát.
"Giả thuyết của chúng tôi là các biện pháp làm sạch mớ rửa bát có thể dẫn đến một quá trình chọn lọc tự nhiên, nơi những vi khuẩn sống sót ít ỏi có thể sinh sôi trở lại với số lượng lớn, và chúng ngày càng có khả năng kháng cự tốt hơn", Egert nói.
"Chỉ cần giặt đi giặt lại vài lần, bạn có thể khiến toàn bộ vi khuẩn trên mớ rửa bát phát triển khả năng thích nghi với việc giặt sạch đó".
Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu bạn dùng mớ rửa bát để rửa các dụng cụ như thớt và dao, dùng để sơ chế đồ ăn sống, sau đó lại dùng chính chiếc mớ rửa bát đó để rửa bát đĩa sau khi ăn. Các loại vi khuẩn nguy hiểm như Escherichia coli, Salmonella và Campylobacter, sau đó có thể dính trở lại bát đĩa của bạn, gây ra ngộ độc thực phẩm.
Thực tế cho thấy 90% ca nhập viện do bệnh từ thực phẩm bắt nguồn từ chỉ 5 mầm bệnh, trong đó có 3 vi khuẩn là Escherichia coli, Salmonella và Campylobacter.
"Thường thì với người khỏe mạnh, vi khuẩn trong mớ rửa bát không đủ để gây hại. Nhưng chúng có thể trở nên nguy hiểm với người già, trẻ em hoặc người có hệ miễn dịch yếu", Egert nói.

Vậy phải làm gì để rửa cái mớ rửa bát bây giờ?
Jennifer Quinlan, một giáo sư về an toàn thực phẩm tại Đại học Prairie View A&M cho biết về góc độ vệ sinh, bạn nên thay mớ rửa bát mới mỗi tuần một lần.Năm 2017, Quinlan cùng đồng nghiệp đã thu thập miếng rửa bát trong nhà bếp của 100 hộ gia đình ở Philadelphia. Kết quả cũng phát hiện nhiều vi khuẩn liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, bà khuyến cáo ngoài việc thay mới thường xuyên, bạn cũng nên khử trùng chúng trong khi sử dụng.
"Có hai cách đơn giản để làm sạch chúng. Bạn có thể cho chúng vào máy rửa bát vào cuối ngày, hoặc cho vào lò vi sóng quay một phút cho đến khi thấy hơi nước bốc lên. Điều đó sẽ tiêu diệt phần lớn các mầm bệnh", Quinlan cho biết.

Để mớ rửa bát vào lò vi sóng vài phút có thể giết chết vi khuẩn trong đó.
Ngoài ra, Egert cũng khuyến cáo việc ngâm mớ rửa bát trong xà phòng hoặc thuốc tẩy không thể tiêu diệt hết vi khuẩn bên trong đó. Đó là bởi những vi khuẩn này thường có một lớp màng sinh học có khả năng bảo vệ chúng khỏi xà phòng.
Khi bạn rửa bát bằng xà phòng, bạn chỉ có thể rửa trôi chúng, chứ không thể tiêu diệt chúng. Ngược lại, ngâm mớ rửa bát sẽ không rửa trôi được vi khuẩn có màng nhầy, chúng sau đó sẽ nhiễm lại bát đũa trong lần rửa sau của bạn.
Vì vậy, sau mỗi lần rửa bát và khử trùng mớ rửa bát, bằng nước nóng già hoặc lò vi sóng, bạn nên vắt thật kiệt nước rồi phơi khô nó. Đừng quên loại bỏ hết vụn thức ăn vì chúng cùng với nước chính là thứ nuôi dưỡng vi khuẩn.

Dùng bàn chải để rửa bát sẽ giảm được đáng kể nguy cơ nhiễm khuẩn.
Cuối cùng, Egert gợi ý một thay đổi nhỏ, đó là bạn có thể sử dụng bàn chải nhựa để rửa bát thay cho mớ bằng lưới hoặc bọt biển. Một nghiên cứu năm 2022 của Viện nghiên cứu thực phẩm Na Uy Nofima cho thấy bàn chải rửa bát chứa ít vi khuẩn hơn đáng kể so với mớ rửa bát, có lẽ vì chúng không đọng nước và khô nhanh hơn.
"Ở nhà, chính tôi cũng chẳng bao giờ dùng mớ rửa bát. Thực sự với tôi, dùng một thứ như vậy trong môi trường ẩm ướt của nhà bếp chẳng hợp lý tí nào. Bàn chải thì tốt hơn nhiều vì nó chứa ít vi khuẩn hơn, khô nhanh hơn, và cũng dễ làm sạch hơn", Egert nói.