Ðề: Châu Tinh Trì - King Of Comedy
phần 2 cop từ nguồn
http://grenouille-vert.blogspot.com/2010/02/chau-tinh-tri-king-of-comedy-part-2.html#comments
From Beijing with Love - thế chỗ cho khẩu Walther PPK sẽ là ... dao thái thịt
Không dừng lại ở vai trò diễn viên, Châu Tinh Trì bắt đầu tham gia viết kịch bản và đạo diễn với From Beijing with Love (đồng đạo diễn với Lý Lực Trì). Nhại 007 từ cái tên (From Russia with Love), đây là một phim gián điệp hài không có mặt Trương Mẫn hay Ngô Mạnh Đạt nhưng bù lại bạn diễn của Châu là Viên Vịnh Nghi - cựu hoa hậu Hồng Kông và là diễn viên đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp (người đầu tiên giành 2 giải HKFA cho nữ diễn viên chính liên tiếp, trước cả Trương Mạn Ngọc) . Vị trí mới giúp Châu có thêm điều kiện để thể hiện khả năng và sức sáng tạo đáng kinh ngạc của anh, From Beijing with Love không còn dừng lại ở việc nhại các bộ phim "nội địa" và gây cười chủ yếu bằng những đoạn thoại hài "nhảm" cũng mang nặng tính "nội địa", thay vào đó tác phẩm đầu tay của Châu quay sang ... nhại hình ảnh của những hiện tượng văn hóa ở tầm quốc tế như 007, loạt phim/truyện Jurassic Park và cả ... phim khoa học viễn tưởng Nhật - một "nồi lẩu" về phong cách điện ảnh nhưng vẫn "ngon miệng" đối với khán giả nhờ vào "gia vị" Châu Tinh Trì. Nửa đầu thập niên 1990 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường điện ảnh Hồng Kông khi các ngôi sao lớn tầm Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc mỗi năm tham gia tới cả chục bộ phim, Châu Tinh Trì cũng không nằm ngoài trào lưu "tăng gia sản xuất" đó, năm 1995 Châu đồng đạo diễn và thủ vai chính (Tôn Ngộ Không/Chí Tôn Bảo) trong liền hai tập phim A Chinese Odyssey, chuyển thể từ tiểu thuyết bất hủ của văn học Trung Quốc là Tây du ký (và nhại thêm vô số tác phẩm khác như tiểu thuyết của Cổ Long hay Back to the Future). Tiếp nối thành công của bộ đôi Royal Tramp một năm trước đó, A Chinese Odyssey 1 và 2 cũng được người xem Hồng Kông đón nhận nồng nhiệt. Trong phim Châu thể hiện xuất sắc hình ảnh một Tôn Ngộ Không/Chí Tôn Bảo vừa phớt đời lại vừa bị giằng xé vì mối tình mới Tử Hà tiên tử, nàng tiên nữ xinh đẹp do Chu Ân thủ vai trong một mối tình theo kiểu ... Vương Gia Vệ (đây là giai đoạn Vương Gia Vệ đang thống trị dòng phim tâm lý Hồng Kông và Châu Tinh Trì cũng không bỏ qua việc "nhại" phim của Vương, trong A Chinese Odyssey nhân vật tử Hà tiên tử được xây dựng với hình ảnh "đa nhân cách" rất giống với vai Mộ Dung Yên/Mộ Dung Yến của Lâm Thanh Hà trong Đông Tà Tây Độc). Nếu như khả năng chọc cười của Châu trong phim không làm ai ngạc nhiên (vì đó là chuyện ... tất lẽ dĩ ngẫu) nhưng khán giả phải thực sự thán phục khi chứng kiến Châu Tinh Trì hoàn thành xuất sắc cả những trường đoạn bộc lộ tâm trạng dằn vặn của nhân vật, đây cũng là vai diễn đem lại cho Châu giải thưởng diễn xuất đầu tiên - giải vai nam chính xuất sắc nhất của Hội phê bình điện ảnh Hồng Kông. Do làm ... rất nhiều phim nên trong một năm Châu thường làm cả phim hài cổ trang (lấy bối cảnh lịch sử của Trung Quốc) và hiện đại (lấy bối cảnh hiện đại), năm 1995 nếu như hài cổ trang của Châu là A Chinese Odyssey 1, 2 thì hài hiện đại là hai tác phẩm Sixty Million Dollar Man và Out of the Dark. Out of the Dark của đạo diễn Lưu Trấn Vĩ là một trong những "thất bại" hiếm hoi trong giai đoạn này của Châu Tinh Trì khi nó không được ăn khách như các bộ phim khác của anh, lý do khá đơn giản là vì bộ phim theo bước From Beijing with Love "nhại" rất nhiều phim nước ngoài nhưng lại là những phim "độc" và không hẳn đã thuộc gu thưởng thức của số đông khán giả. Nói như vậy không có nghĩa đây là một phim tồi, trái lại nó có thể coi là một dấu ấn trong nửa đầu sự nghiệp của Châu vì ... chưa bao giờ Châu Tinh Trì tham gia một cái "nổi lầu" nhiều thức như Out of the Dark, từ Léon của Luc Besson (Châu đeo kính đen, mặc áo khoác, tay cầm chậu cây cảnh theo đúng kiểu Léon) đến phim kinh dị Mỹ như Poltergeist và cả ... (lại) phim Vương Gia Vệ (trong Out of the Dark Mạc Văn Úy đóng một vai có bề ngoài giống hệt với vai cô đã đóng trong Fallen Angels của Vương).
Năm 1996 có thể coi là một bước ngoặt khi Châu Tinh Trì bắt đầu "hãm" lại tốc độ làm việc của anh, trong năm nay Châu chỉ tham gia hai bộ phim là Forbidden City Cop (Châu kiêm đạo diễn và biên kịch) và God of Cookery (Châu đồng đạo diễn). Forbidden City Cop thuộc dòng hài cổ trang, bộ phim nhại rất nhiều các tác phẩm khác nhau mà nhiều nhất là tiểu thuyết/phim chưởng Cổ Long, đoạn đầu của phim dựng lại gần như y nguyên bối cảnh cuộc quyết chiến trên đỉnh Tử Cấm Thành của Lục Tiểu Phụng, Diệp Cô Thành, Hoa Mãn Lâu và Tây Môn Xúy Tuyết, nhưng với tài đạo diễn của mình, Châu đã biến cái không khí căng thẳng, máu lửa của Cổ Long thành câu chuyện hài hước mà đến những độc giả trung thành nhất của họ Cổ cũng phải ôm bụng cười vì cách Châu "bóp méo" thần tượng của họ. Bộ phim thứ hai trong năm 1996 của Châu, God of Cookery, có nội dung khá "đơn giản" - một cuộc thi nấu ăn nhại theo chương trình Iron Chef của Nhật Bản cùng các manga ẩm thực Nhật và phim truyền hình TVB. Chữ đơn giản được đặt trong ngoặc kép vì thực sự God of Cookery không đơn giản chút nào, "thần ăn" Châu Tinh Trì bằng tài năng của mình đã cho ra đời bộ phim về ẩm thực xuất sắc nhất của điện ảnh Hồng Kông trong suốt mấy chục năm, bộ phim vừa hài hước, vừa ý nghĩa, vừa độc đáo tới mức sau đó nhiều đạo diễn ở Hồng Kông và ngoài Hồng Kông đã làm theo hướng đi của Châu mà không thể nào có nổi một bộ phim xuất sắc dù chỉ bằng một nửa của God of Cookery. Trong phim Châu Tinh Trì thủ vai "Thần ăn", một chuyên gia nấu nước bị "đệ tử" cùng tay tài phiện Ngô Mạnh Đạt lật đổ rồi phải tìm đường trở lại với vinh quang thông qua món bò viên với sự giúp sức của chị Gà tây - một trong những vai diễn ấn tượng nhất của Mạc Văn Úy. Bên cạnh ẩm thực, God of Cookery còn có cách nhại rất hài hước các bộ phim xã hội đen và võ thuật của Hồng Kông, từ bộ dạng kiểu "Bạch phát ma nữ" (tóc trắng) của Châu cho tới 18 người đồng Thiếu Lâm mà "Thần ăn" phải vượt qua. Tiếp nối phong cách của A Chinese Odyssey, chất tâm lý/bi kịch được Châu đưa vào God of Cookery nhiều hơn và giúp phim, dù vẫn hài hước, có được sự cân bằng và nhiều ý tưởng mới để khai phá, nó chứng tỏ rằng với tài nghệ của mình thì Châu chỉ có thể cho ra đời những bộ phim luôn hay và mới lạ hơn những tác phẩm đi trước nó.
Phát hiện ra Trương Bá Chi cũng có thể coi là một trong những "tác phẩm" thành công nhất của Châu Tinh Trì
Bộ phim lớn cuối cùng của Châu trong thập niên 1990 là King of Comedy (1999) - bộ phim "bi" nhất trong số các phim hài của anh trong giai đoạn này (nếu không kể A Chinese Odyssey - bộ phim có "sad ending" duy nhất trong sự nghiệp của Châu). Trong phim Châu thủ vai Doãn Thiên Cừu, một diễn viên kiểu "method actor" (diễn xuất nhập vai) nhưng không gặp thời, thi thoảng Thiên Cừu mới kiếm được những vai quần chúng trong các bộ phim lớn, và anh thường xuyên làm các đạo diễn điên tiết vì cách tiếp cận vai quần chúng ... theo kiểu "method actor" của mình. Còn công việc chính của Thiên Cừu là ... trông nom nhà văn hóa của khu phố và ... dạy diễn xuất miễn phí cho các cô tiếp viên nhà hàng. Một trong số đó là Liễu Phiêu Phiêu (vai diễn giúp Trương Bá Chi vụt sáng trong làng điện ảnh Hồng Kông), cô tiếp viên đanh đá tới mức sẵn sàng cầm ghế "xử lý" Thiên Cừu vì tội dám gọi các cô là "gái nhà hàng". Tình cảm của Liễu Phiêu Phiêu dành cho Thiên Cừu sau đó đã giúp anh có được tự tin với nghề diễn xuất, nhưng thành công chỉ đến với Thiên Cừu theo một cách mà không một khán giả nào có thể đoán ra (và tất nhiên cũng không đi theo lối mòn của bất cứ bộ phim Hồng Kông nào khác). Trong khi đạo diễn bộ phim này, có lẽ Châu đã đưa vào rất nhiều những chi tiết mà chính anh đã phải trải qua trong giai đoạn đầu khó khăn của sự nghiệp, những chi tiết đó cùng mối tình đẹp của Thiên Cừu và một Liễu Phiêu Phiêu trẻ trung, xinh tươi đã khiến khán giả thực sự cảm động, một hiệu ứng mà những bộ phim hài thời đầu thập niên 1990 của Châu, dù xuất sắc đến mấy, cũng khó lòng có được.
"Thằng Tinh" và "chú Đạt" - hình ảnh quen thuộc nhất của phim hài Châu Tinh Trì, Shaolin Soccer là phim cuối cùng hay người đóng chung cho tới nay
Phải hai năm sau King of Comedy, Châu mới lại cho ra đời bộ phim tiếp theo của mình, Shaolin Soccer. Bộ phim hài về đề tài bóng đá này đã không phụ lòng những khán giả hâm mộ Châu vốn đã phải "dài cổ" chờ đợi suốt 2 năm, hơn thế nó còn chinh phục cả những người chưa từng biết đến cái tên Châu Tinh Trì hoặc coi phim hài của anh là thứ "hài rẻ tiền". Trong bộ phim này, Châu đã tập hợp tất cả những gì tinh túy nhất của anh - từ niềm đam mê Lý Tiểu Long (phim có hẳn một nhân vật để pay homage cho họ Lý, và theo cái cách hào hùng nhất mà điện ảnh Hồng Kông có thể tạo được) và truyện tranh Nhật Bản (có thể coi Shaolin Soccer = Tsubasa + Thiếu Lâm), các câu thoại tung hứng hài hước với Ngô Mạnh Đạt, cách diễn hài tỉnh rụi, vô số chi tiết bất ngờ gây cười,... rồi đưa chúng lên một tầm cao mới cho thể loại phim thể thao. Shaolin Soccer dễ dàng phá vỡ kỷ lục phim ăn khách nhất ở Hồng Kông, chinh phục các thị trường điện ảnh quốc tế (rất nhiều khán giả chỉ biết tới Châu nhờ bộ phim này) và đặc biệt là khiến chính giới phê bình điện ảnh Hồng Kông phải ngả mũ kính phục khi trao cho Shaolin Soccer hầu hết các giải thưởng lớn trong lễ trao Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông năm 2002, riêng Châu thì trở thành người đầu tiên trong lịch sử giải thưởng này giành cả giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Vai nam chính xuất sắc nhất.
Châu luôn muốn "biến thành" thần tượng Lý Tiểu Long, kể từ những bộ phim thời đầu như Fist of Fury 1991 cho tới ở đây là Kung Fu Hustle
Lên đến đỉnh cao với Shaolin Soccer, Châu sẽ làm gì? Anh tiếp tục bắt người hâm mộ chờ đợi, lần này là ba năm, trước khi cho ra đời một bộ phim có tên Kung Fu Hustle. Tán tụng về những thành công thương mại hay nghệ thuật mà bộ phim này đạt được có lẽ là việc thừa thãi, vì hẳn ai thích phim hài và phim võ thuật đều đã xem qua (và đã thích) bộ phim này cũng như biết rằng nó là phim phá vỡ kỉ lục phim ăn khác nhất tại Hồng Kông (do Shaolin Soccer của chính Châu nắm giữ trước đó) và vượt qua cả 2046 và One Nite in Mongkok để giành giải phim hay nhất tại Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông năm 2005. Nhưng đây cũng là bộ phim khiến các "fan ruột" của Châu Tinh Trì bắt đầu cảm thấy chút gì đó bất an vì nó đã tách khỏi cái "gốc" vốn khiến Châu trở nên nổi tiếng - mo lei tau (Ngô Mạnh Đạt không còn xuất hiện trong phim của Châu kể từ sau Shaolin Soccer), Kung Fu Hustle gây cười và gây ấn tượng nhờ phần kĩ xảo cực kì sáng tạo (cảnh chạy đua "kiểu hoạt hình" của Châu bắt chước những phim hoạt hình Hollywood từ thập niên 1930, 1940 nhưng vẫn khiến chính khán giả Mỹ phải "há hốc mồm" kinh ngạc vì chưa từng có phim Hollywood nào sử dụng kỹ xảo kiểu này). Có lẽ trong khi làm (=sản xuất, viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất) Kung Fu Hustle, Châu muốn bộc lộ mơ ước từ nhỏ của anh là ... biến thành Lý Tiểu Long với công phu tuyệt đỉnh kiểu ... Kim Dung - những kĩ xảo thượng thăng của Hollywood đã giúp anh hiện thực hóa giấc mơ này. Có lẽ lúc này Châu đã có quyền ngừng làm phim mà vẫn trở thành huyền thoại của điện ảnh Hồng Kông, và có khi điều đó lại tốt hơn cho những người hâm mộ Châu ngay từ ngày đầu thay vì việc họ "phải" chứng kiến một bộ phim không thành công như mong đợi - CJ7 hay những bộ phim nhảm (nhảm thực sự chứ không phải "nhảm" kiểu Châu Tinh Trì) như Dragonball Evolution hay Shaolin Girl mà Châu sản xuất.