Uchiha_Madara
Nghỉ hưu
Ông bà ta thường bảo “có tật giật mình”, khi mà niềm hoảng hốt hiện rõ trong từng hành động, đôi khi dễ mắc sai lầm. CGV trong cơn hốt hoảng của mình đã liên tục tung 2 thông cáo báo chí chỉ trong 2 ngày, với 2 mục đích, phân trần và đổ lỗi.
Đổ lỗi và “cao thượng”
Bất cứ nhà làm phim nào cũng muốn phim của mình được chiếu ở nhiều rạp nhất, đồng nghĩa với đạt doanh thu cao nhất. Chính vì vậy nên từ trước đến nay, họ luôn nhún nhường để cho CGV chèn ép với tỷ lệ bất hợp lý. Đến hôm nay, khi có đoàn phim phản kháng lại điều đó, CGV lại bảo rằng lỗi là do đoàn phim không chịu, chứ không phải vấn đề ở cái tỷ lệ ăn chia “độc đáo” kia. Vâng, đổ lỗi cho nạn nhân là điều nghịch lý thường thấy.
Cũng nói thêm luôn, Tấm Cám không phải là phim đầu tiên không chịu nổi cái tỷ lệ kia và quyết định không chiếu ở CGV khi không đàm phán thay đổi được. Trước đó bộ phim Vợ ơi Em ở đâu của Thủy Tiên cũng từng lâm vào trường hợp tương tự, khác chăng là phim đó không có tiếng vang lớn nên không ai để ý.
CGV tiếp tục nói về cái gọi là “10.000 suất chiếu giả tưởng và doanh thu 30 tỷ đồng nếu chiếu ở CGV”. Đáng tiếc, BHD ngay sau đó khẳng định rằng chưa hề có những cam kết như thế được đưa ra trong bất cứ cuộc họp hay email nào. Chắc đội ngũ viết TCBC của CGV trong một phút phấn khích đã nghĩ ra con số đó để tăng thêm sức nặng, tạo cảm giác “con cá mất là con to nhất”.
Tiếp tục sau đó là quay sang công kích “BHD vẫn chưa chấp nhận bộ phim “Găng Tay Đỏ” của họ sắp phát hành”. Ngạc nhiên chưa, đâm người ta lút cán nhưng vẫn muốn người ta ôm hôn thắm thiết sao? Rất nhiều người đã nói về giải pháp này, nếu CGV áp đặt cái tỷ lệ kia cho phim của bên khác, thì khi CGV phát hành, cũng sẽ phải chịu tỷ lệ y chang như vậy, đó mới gọi là công bằng, minh bạch như CGV mong muốn. Triết lý nhà Phật cũng đã nói “gieo nhân nào gặt quả đó”.
Tiếp tục là chuyện “CGV đã hỗ trợ quảng bá rất nhiều cho Tấm Cám”. Trước khi buổi công chiếu diễn ra, kết quả đàm phán mới ngã ngũ, nghĩa là trước đó, CGV vẫn có khả năng chiếu, vậy quảng bá là vì lợi ích của họ, để họ bán vé được nhiều. Tất nhiên, giống như kiểu vớt vát thường thấy, khi không chiếu thì tỏ ra cao thượng rằng “tôi đã giúp anh rất nhiều dù tôi không chiếu”. Cái này đem lòe trẻ con thì được, chứ còn lớn hết rồi, ai lại làm thế.
“Tự tôn dân tộc cho lợi ích cá nhân” là cái gì?
Ông Dong Won Kwak, Tổng giám đốc Công ty CJ CGV Việt Nam trong TCBC đã đanh thép: “Nếu ai đó nghĩ rằng khách hàng Việt Nam sẽ tẩy chay CGV do thông tin sai lệch được cung cấp bởi một nhóm nhỏ những người không quan tâm đến pháp luật và đang cố gắng khai thác lòng tự tôn dân tộc cho lợi ích thương mại cá nhân, sẽ là một sự xúc phạm đến cộng đồng nói chung, bởi người có tri thức cao và nhận thức tốt sẽ không bị dẫn dắt một cách vô lý”.
Đầu tiên, hãy nói về lòng tự tôn dân tộc. Bất cứ quốc gia nào, bất cứ dân tộc nào cũng phải có lòng tự tôn dân tộc và ưu tiên hàng hóa do nước mình làm ra là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất, bản thân Hàn Quốc cũng là nước có tinh thần tự tôn dân tộc rất cao. Tự tôn dân tộc là điều cần thiết, thậm chí rất cần thiết nếu không muốn trở nên yếu hèn, nhược tiểu.
Ông Kwak không biết dựa trên kết quả điều tra nào, của cơ quan công an hay thám tử tư, nhưng ông dựa vào việc kêu gọi “người Việt ủng hộ phim Việt, ủng hộ phim về văn hóa Việt” mà kết luận rằng đó là hành vi “khai thác lòng tự tôn dân tộc cho lợi ích thương mại cá nhân” là rất không chính xác. Hàn Quốc cũng từng kêu gọi nhân dân mình ủng hộ phim nội trước sự xâm chiếm của Hollywood, lẽ nào ông cũng cho rằng đó là khai thác lòng tự tôn cho lợi ích cá nhân. Thứ đến, không biết cái lợi ích cá nhân đó là lợi ích gì, hy vọng ông sẽ giải thích rõ ràng ngọn ngành cho người đọc biết rõ cái lợi ích cá nhân xấu xa khi người Việt ủng hộ phim Việt.
Tiếp đến, ông cho rằng: “người có tri thức cao và nhận thức tốt sẽ không bị dẫn dắt một cách vô lý”. Đây là kiểu đả kích và lợi dụng tâm lý ngược, không ai muốn mình trở thành người trí thức thấp và không có nhận thức. Nghe ông nói, tôi có cảm giác như đang nghe tuyên truyền về phần tử Việt Tân kích động và khuyên dân chúng đừng nghe theo nếu không muốn trở thành “phản động”.
Nhân đây cũng muốn nhắc luôn, Hàn Quốc để chống lại sự xâm lấn của Hollywood, từ đầu thập niên 90 đã cho rất nhiều du học sinh sang Mỹ học làm phim. Tiếp đó là đích thân Tổng thống Kim Young-sam ra sắc lệnh quy định hạn ngạch 146 ngày/năm chiếu phim Hàn với mỗi cụm rạp, nếu không thực hiện sẽ bị rút giấy phép. Song song đó là dựa vào lòng tự tôn dân tộc để người dân ủng hộ nền điện ảnh non nớt, đến hôm nay mới đạt được thành công to lớn.
Mong mỏi công bằng chứ không phải kêu gọi tẩy chay
Rất nhiều người đánh đồng đây là vấn đề kinh doanh, “thuận mua vừa bán”, nhưng thực tế, nếu có sự chèn ép dựa vào vị thế ông lớn thì không có thuận mua vừa bán nào cả. Quan trọng hơn, kinh doanh phim ảnh còn bao gồm trong đó là văn hóa, dù ít dù nhiều, bộ phim nào cũng chuyên chở văn hóa trong đó, mà bản thân Hàn Quốc cũng từng áp dụng chính sách “xâm lấn văn hóa bằng phim ảnh” ở khắp Châu Á. Vậy nên kinh doanh phim ảnh nó không đơn thuần như bán chai nước mắm, bán cái băng vệ sinh.
Nhìn cái cách CGV tung TCBC để phân trần là đủ thấy sự lo sợ làn sóng tẩy chay của khán giả, giống kiểu như làn sóng bài Tàu khi mà giàn khoan HY981 vào biển Đông 3 năm trước. Nhưng thực thế, đấy là một sự nhầm lẫn. Kêu gọi ủng hộ phim Việt là một hình thức ủng hộ cuộc đấu tranh giành lấy công bằng cho các nhà phát hành phim Việt (nếu như không phải phim của CGV làm).
“Tấm Cám – Chuyện chưa kể” lần này thành công hay thất bại có ảnh hưởng rất lớn. Nếu phim đạt doanh thu từ hòa vốn trở lên, chắc chắn những nhà phát hành phim Việt khác sẽ tự tin hơn trong việc đàm phán một cách ngang bằng với CGV sau này, ngược lại, tất cả phải quỳ gối để được chiếu ở 40% cụm rạp cả nước nếu như không muốn tiền bạc đầu tư đổ sông đổ biển.
Những người yêu mến điện ảnh và mong muốn phim Việt phát triển mong mỏi một sự công bằng, thuận lợi khi phát hành phim, không ai mong muốn và cũng không nên kêu gọi tẩy chay một rạp phim nào cả.
Quan trọng nhất là đi xem phim ủng hộ Tấm Cám, dù phim không đến mức hay xuất sắc nhưng chắc chắn không khiến người xem cảm thấy bực tức hay phí tiền vé.
Bùi An