"2012": một bộ phim ấn tượng
Đi xem phim này ngay từ ngày đầu tiên khởi chiếu trên rạp nhưng phần vì quá bận không có nhiều thời gian, phần vì phim chủ yếu gây ấn tượng với khán giả thông qua những kĩ xảo hình ảnh và âm thanh hoành tráng chứ không đầu tư quá nhiều vào khâu kịch bản, mà mình không có ý định review cho phim. Nhưng phim thì đã xem đến 2 lần rồi, lại là phim thuộc hàng bom tấn, rồi còn có anh
poly khuyến khích nữa, nên mình cũng góp vài lời cho xôm tụ vậy!
Cảm nhận về phim thì có lẽ mình dễ tính hơn anh
poly, mình cảm thấy phim này rất hay và thỏa mãn với những gì bộ phim mang lại cho khán giả. Khi xem bộ phim này lần đầu, mình vô cùng ấn tượng với những hình ảnh kinh hoàng của bộ phim, cảm giác thích thú y như khi đang xem phim "
Transformers: Revenge of the Fallen" trong dịp hè vừa rồi, chỉ khác là khi xem phim "
2012" đến lần thứ 2 thì cảm giác thích thú đó không còn nữa, trong khi đối với "
Transformers: Revenge of the Fallen" thì mình lại mò lên rạp xem những 4 lần.
Roland Emmerich quả là một bậc thầy về sự hủy diệt! Những trận động đất kinh hoàng, những vụ nổ long trời lở đất của ngọn núi lửa với dung nham sôi sùng sục tạo nên cột khói hình cây nấm khổng lồ tựa như cả trăm quả bom nguyên tử nổ cùng một nơi tại cùng một thời điểm, để rồi những mảng đất đá trộn cùng dung nham thi nhau bay lên trời tạo thành hàng nghìn quả cầu lửa lớn nhỏ nối đuôi nhau lao thẳng xuống mặt đất đang rung chuyển rồi nổ tung tựa như cả nghìn quả bom napalm trong một trận chiến vô cùng khốc liệt, để lại trên mặt đất những cuộn khói bụi đen ngòm không ngừng vươn ra đến vô tận che kín cả ánh sáng của mặt trời như cánh tay của thần chết đang kéo cả nhân loại vào màn đêm sâu thẳm, và những vực thẳm sâu hun hút không thấy đáy trải dài vằn vện trên mặt đất như miệng của một con quái vật khổng lồ với hàm răng lởm chởm gớm ghiếc đang mở thật to và nuốt chửng cả thành phố... Những hình ảnh quá đỗi hoành tráng, những kĩ xảo dàn dựng tuyệt vời mang lại cho khán giả những cảm nhận chân thực và sống động hơn bao giờ hết về một ngày tận thế đang đến gần.
Chuỗi thảm họa của Ngày tận thế được kết thúc bằng những đợt sóng thần khổng lồ chưa từng thấy mà chỉ có đỉnh Everest mới có thể khuất phục được nó. Hình ảnh thủ đô Washington, D.C. của Mỹ dần chìm trong biển nước và Nhà Trắng cùng vị tổng thống cuối cùng lại bị đè bẹp bởi chiếc hàng không mẫu hạm USS John F. Kennedy khiến khán giả cảm thấy sững sờ và ngậm ngùi, lần này không chỉ cho một mình vị tổng thống trẻ tuổi
John F. Kennedy mà là cho nước Mỹ nói riêng và cả nhân loại nói chung.
Hình ảnh
Yuri Karpov ngồi trong khoang của chiếc máy bay Nga mà ngậm ngùi nhìn tấm ảnh của người vợ cũ cùng 2 đứa con trai của mình mới thấy, một người đàn ông cho dù có thành đạt đến đâu đi nữa thì đối với họ, những đứa con mang dòng máu của mình vẫn là quan trọng nhất và họ luôn biết ơn người phụ nữ đã giúp mang lại những gì thiêng liêng quý giá nhất ấy đến với họ trong cuộc đời.
Về sự bất đồng quan điểm giữa nhà khoa học
Adrian Helmsley (
Chiwetel Ejiofor) và
Carl Anheuser (
Oliver Platt), theo mình là cần thiết. Nếu đứng trên quan điểm tổng thể, trên phương diện khoa học, vì tương lai của cả nhân loại, vì một khởi đầu mới cho loài người, thì việc chọn lựa ra những thành viên ưu tú nhất, những người mang bộ gien hoàn thiện nhất là hành động đúng đắn và hợp lí. Thế nhưng nếu đứng trên phương diện đạo đức, nhân văn thì cách làm trên lại quá độc đoán và thiếu tình người. Trước đây trong lịch sử đã có nhà độc tài
Adolf Hitler với Đảng Quốc xã tuyên truyền tư tưởng ý thức hệ chủng tộc, đề cao dân tộc này là dân tộc này là dân tộc thượng đẳng, áp đặt dân tộc kia là dân tộc hạ đẳng, quyết định người nào đáng sống, người nào đáng chết... Nếu đứng trước đại thảm họa mà ta cũng quyết định ai mới là người đáng được sống, ai là người phải chết như thế thì thử hỏi ta có khác gì
Adolf Hitler?!
Mỗi một con người khi được sinh ra và tồn tại trên đời này đều là những cá thể có ý thức, đều là những sinh linh của tạo hóa. Mọi người đều bình đẳng như nhau, ít nhất là bình đẳng ở quyền được sống. Do đó, nếu có sự chọn lựa ai được sống và ai phải chết, ai mới là người được lên tàu, thì đó phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên với phần trăm cơ hội được sống chia đều cho tất cả mọi người. Nói như vậy không có nghĩa là mình nghiêng về phía quan điểm nào, phương diện khoa học lí trí hay phương diện đạo đức tình cảm, vì để chọn một trong hai là rất khó, không phải lúc nào con người ta cũng có thể chọn lựa dứt khoát được. Không cần nói chi chuyện phim xa xôi hay hoang đường, mà trong cuộc sống thực tại chẳng phải con người ta vẫn thường đối mặt với ngã ba đường giữa một bên là lí trí và một bên là tình cảm hay sao?... =((
Sau thảm họa thì các châu lục di chuyển hợp lại với nhau thành một lục địa duy nhất như thuở sơ khai ban đầu mới hình thành nên sự sống, và con người dù trước đây thuộc quốc gia nào, dân tộc nào thì giờ đây cũng trở thành một khối đại đoàn kết thống nhất vững chắc với mục tiêu chung là cùng nhau tái thiết xây dựng ổn định cuộc sống cho loài người. Cái đặc tính đó của loài người nghĩ lại cũng thật buồn cười, bình thường thì suốt ngày tranh giành tính toán tư lợi riêng, đến khi gặp nạn diệt vong mới biết bám víu ôm lấy nhau mà sống...
Tóm lại, theo mình thì bộ phim "
2012" - "
Năm đại họa 2012" là một bộ phim bom tấn rất hay, bạn nào chưa xem thì nhớ đi xem liền đi nhé!
m: