Batman v Superman: Dawn of Justice 2016 – Không ai tốt được mãi ở thế giới này
Batman v Superman: Dawn of Justice 2016 – Không ai tốt được mãi ở thế giới này
“Đấng toàn năng không thể nào chỉ có tốt. Nếu ông ta chỉ toàn tốt, ông ta không phải là đấng toàn năng”. DC Comic luôn thích triết lý kiểu như thế và xây dựng hình tượng các siêu anh hùng đầy mâu thuẫn, để có được cái chất người, cái chất thực. Ví như Batman, một anh hùng đậm chất người, chuyện tốt chuyện xấu bất phân, cứ làm theo lý tưởng của mình là được, đạp lên pháp luật. Hay như Superman, luôn cố gắng rũ bỏ cái chất thần thánh, làm người tốt, bi kịch của anh là “luôn luôn phải tốt”. Batman và Superman chẳng có lý do gì để đối đầu với nhau cả.
Lần đầu tiên lên màn ảnh rộng hai nhân vật siêu anh hùng có thể nói là được biết đến nhiều nhất trên thế giới, đương nhiên ai cũng phấn khích. Không phải chỉ có chuyện Superman sẽ đánh với Batman như thế nào, mà còn bởi người ta đã quá nhàm với kiểu siêu anh hùng tưng tửng vui đùa khi đánh nhau, siêu anh hùng giải cứu thế giới với những lý do cao đẹp. Nhưng thực tế, có lẽ phim chỉ làm được một ít so với sự trông đợi quá lớn của người xem và fan hâm mộ.
Thông điệp yếu
Người ta hay nhắc đến bộ ba Batman của Nolan, không phải vì nó hành động hoàng tráng hay tính giải trí hấp dẫn, mà bởi cái thông điệp mà Nolan đưa vào phim rất mạnh, nó chặt chẽ và xoáy sâu vào khiến cho ai xem xong cũng thẫn thờ suy nghĩ. Có người thích kiểu đấy, có người thích kiểu nhẹ nhàng, nhưng thông điệp là thứ chính yếu tạo nên thương hiệu DC Comic đầy tăm tối.
Batman v Superman: Dawn of Justice giống như là một phim mở đầu mang tính giới thiệu hơn là một phim bùng nổ. Thông điệp của phim đưa ra rất nhạt nhòa, nhiều người xem xong sẽ chẳng hiểu phim muốn nói về cái gì, mà có khi nhớ đến bộ giáp của Wonder Woman nhiều hơn.
Người xem sẽ khó hiểu lý do tại sao Batman lại quyết chiến với Superman, dù vẫn luôn ra rả về thế giới tương lai, về những hiểm họa của chữ “nếu”. Người ta thấy lý do chính yếu lại rất tào lao như chuyện Superman gián tiếp gây nên những mất mát ở Metropolis, trong đó có công ty của Batman. Nếu như coi Superman là một anh hùng mã thượng thì Batman là một kẻ ích kỷ, nhỏ nhen, lấy lý do to lớn để biện minh cho cái tôi cá nhân.
Toàn cảnh của phim là những phần hồi tưởng và giới thiệu nhân vật. Có lẽ, việc mang nhiều nhân vật vào phim như thế, Batman, Superman, Lex, Lois, Wonder Woman… khiến cho mọi thứ trở nên dàn trải. Thông điệp phim vì vậy bị phớt lờ đi, hoặc chỉ thông qua một vài câu nói sáo rỗng.
Chưa đủ hấp dẫn
Nếu xét ở mức độ giải trí thì phim làm chưa tốt, suốt hơn 100 phút phim đầu tiên chỉ là những màn nói chuyện hoặc kể chuyện, không có một pha đánh đấm nào ra hồn. Đây là cái thất bại trong việc phân bố cảnh hành động để giữ chân khán giả và tạo nhịp điệu hào hứng trong phim. So với Avenger 2 có khoảng 3 trận hoành tráng dàn đều, thì phim này là một bữa tiệc nhàm chán toàn điệu valse dìu dặt mà thiếu những bước dance sôi động.
Việc tạo cao trào bằng nhân tố Lex Luthor cũng chưa thực sự đã. Khán giả không thấy được sự gấp gáp, mức độ nguy hiểm hay lý do mạnh mẽ nào để tạo xung đột. Có nghĩa là ai cũng cố gắng ngồi xem để đến đoạn cuối coi thử như thế nào. Lê thê quá nhiều ở đoạn giữa tạo cảm giác mệt mỏi. Nếu như Avenger 2 dọn 3 món chính một lượt khiến hơi ngán thì ở BVS lần này người xem chỉ được ngồi nẻ hột dưa uống nước trà suông, xong đến cuối buổi nó dọn cho mỗi người 1 con heo quay, ăn chết mẹ luôn.
Thần thánh phải chết
Con người sợ nhất điều gì, chắc chắn là sợ nhất thánh thần. Họ vẽ ra những vị thần để tạo niềm tin, nhưng khi có thần xuất hiện, họ phải tìm cách tiêu diệt. Nó là nỗi sợ bản năng, nỗi sợ của kẻ độc tôn, nỗi sợ của kẻ yếu đuối. Cho dù vị thần ấy có tốt thì thần cứ vẫn phải chết, vì thần đe dọa vị thế và gieo rắc nỗi sợ hãi của con người.
Nói cho công bằng, nếu bạn là thần, đối diện với những kẻ nhỏ nhoi nhưng tự cao, hèn nhát nhưng ích kỷ kia, liệu bạn có tốt mãi với họ được không. “Không ai tốt được mãi ở thế giới này” chính là ở lẽ đó, đừng mong có một vị thần chỉ làm điều tốt cho bạn, thần cũng chả có sức chịu đựng vô hạn đâu.
Xây dựng nhân vật ổn
Hình tượng Superman từ Man of Steel đã gây nhiều tranh cãi, nhưng khán giả vẫn chấp nhận một siêu nhân như thế, một siêu nhân hy sinh vì nơi không phải là quê hương mình, hy sinh vì những kẻ không cùng dòng máu với mình. Đến phần này thì hình tượng Superman đã trở nên sáng hơn và được lòng người xem hơn, dù so ra thì anh vẫn ngu vãi.
Batman xuất hiện với dáng vẻ cục mịch nhất từ trước đến nay, lầm lỳ, trầm lắng. Ben Affleck dường như đã làm tốt việc của mình, diễn xuất rất ổn. Nhưng nhìn đi nhìn lại thì chưa toát được vẻ thông minh toan tính của kẻ “thông minh nhất DCU” và lúc đeo mặt nạ nhìn hàng râu thô và xấu, có lẽ chỉ có Bale là có nửa mặt dưới đẹp nhất để đóng Batman.
Lois vẫn như thường lệ là “bánh bèo vô dụng” chạy lăng xăng thôi, đất diễn không nhiều và hơi phí với một tài năng như Amy Adams. Nhưng mà thôi, nhân vật phụ vậy cũng được. Wonder Woman xuất hiện quá xuất sắc ở đoạn cuối, khán giả ai cũng vỗ tay, đây có lẽ là nhân vật nên làm phim riêng nhất cho DCU, đủ sức cạnh tranh với các siêu anh hùng khác.
Lex Luthor của Eisenberg thể hiện mang đậm tính trẻ trâu và trào phúng. Có lẽ do cố gắng làm theo hình tượng bất hủ của Joker, một kẻ nguy hiểm tưng tửng nên Eisenberg diễn hơn bị quá lố. Nhìn hài không ra hài, mà nguy hiểm cũng chẳng mấy nguy hiểm. Tuy nhiên, vai Lex là một vai rất nặng ký, làm mới được như vậy cũng là đáng ghi nhận, phim sau nên chững chạc và thâm hiểm hơn nữa là ngon.
Nên xem
Dù cho đoạn mở đầu có dài lê thê thì 30 phút cuối phim cực kỳ đáng giá. Một trường đoạn chiến đấu kéo dài và những màn tung vũ khí mạnh mẽ, kể cả vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ. Những pha cháy nổ và hành động rất mãn nhãn.
Batman v Superman: Dawn of Justice 2016 có thể chưa được như kỳ vọng nhưng nó đã hoàn thành tốt mục tiêu giới thiệu thế giới siêu anh hùng của DC Comic, một thế giới tăm tối và đáng sợ. Những siêu anh hùng đầy tính người và luôn muốn cứu người, cứu những kẻ chực chờ xóa sổ họ khỏi thế giới.