Ðề: Bản quyền ngoại hạng Anh nóng trở lại
ICTnews - Trong khi VTV chưa có công văn trả lời yêu cầu của Bộ TT&TT liên quan đến việc từ chối nhận bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh từ Canal+ thì Bộ KH&ĐT lại có công văn đề nghị VTV có giải pháp với hoạt động kinh doanh của K+ vì đơn vị này đang bị lỗ "vượt" mức vốn đầu tư ban đầu.
VTV "phớt lờ" ý kiến của Bộ TT&TT?
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Cục PTTH&TTĐT) cho biết, tính đến ngày 26/6/2013 Cục vẫn chưa nhận được công văn phản hồi của VTV. Trong khi đó, báo Lao Động ngày 25/6/2013 đưa tin, tại cuộc họp hội đồng thành viên VSTV hôm 24/6/2013, VTV đồng ý để K+ nhận chuyển giao từ đối tác Canal+ hai gói độc quyền bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh đang gây nhiều tranh cãi.
Theo Báo Lao Động, hai đơn vị khác của VTV là SCTV và VTVcab cũng nhận được tín hiệu cho phép mua gói phát sóng thứ 3 (gồm 282 trận đấu còn lại của Ngoại hạng Anh) mà IMG đang chào bán. Với động thái này, nhiều khả năng VTV đã "phớt lờ" chỉ đạo của Bộ TT&TT cũng như ý kiến của VNPayTV (Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam) và ban điều hành đàm phán.
Ngày 7/6/2013, Cục PTTH&TTĐT đã có công văn gửi VTV yêu cầu: VTV nghiên cứu phương án mà Ban điều hành đàm phán mua bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh (mùa giải 2013 - 2016) đưa ra.
Trước đó, ngày 7/5/2013, Ban điều hành đàm phán đã có công văn gửi Cục PTTH&TTĐT kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần có ý kiến can thiệp để VTV “buộc" VSTV không được nhận chuyển nhượng bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh từ Canal+ để Ban điều hành đàm phán đại diện cho các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đàm phán lại việc mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, Ban điều hành đàm phán cũng kiến nghị Bộ TT&TT "buộc" VSTV phải chia sẻ bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh với các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong cả nước theo hướng học hỏi Quy định CCM của Singapore. Cụ thể, VTV và VSTV cần tận dụng hạ tầng của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền khác để truyền dẫn bóng đá Anh tại Việt Nam.
Liên quan đến chống độc quyền Ngoại hạng Anh, ngày 13/6/2013, đại diện của VTC, SCTV, HTV, Viettel và AVG đã cùng ký tên vào bản kiến nghị gửi VNPayTV đề nghị hỗ trợ xóa bỏ độc quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh của K+. Theo đó, 5 đài cho biết sẽ không chấp nhận độc quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh ở Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, các đài không quan tâm đến gói 3 bản quyền phát sóng ngoại hạng Anh theo như cách phân chia của IMG. Các đơn vị này chỉ cân nhắc việc tham gia đàm phán chia sẻ bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh khi giá bản quyền mùa giải này không cao hơn giá của 3 mùa giải trước từ 15% đến 20%.
Ngày 17/6/2013, VNPayTV có văn bản gửi Bộ TT&TT bày tỏ đồng thuận chỉ đạo của Bộ trong việc yêu cầu VTV, hoặc chấp nhận phương án chia sẻ quyền phát sóng Ngoại hạng Anh hay dùng quyền phủ quyết từ chối nhận chuyển giao bản quyền Ngoại hạng Anh từ đối tác Canal+. VNPayTV cũng đề nghị Bộ yêu cầu VTV phải có câu trả lời về bản quyền Ngoại hạng Anh trước ngày 30/6/2013.
K+ lỗ nặng, hàng loạt câu hỏi đặt ra cho VTV
Trong khi VTV đang chịu nhiều sức ép phải từ chối nhận chuyển giao bản quyền Ngoại hạng Anh từ Canal+, thì ngày 17/6/2013 Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 4089/BKHĐT-PTDN về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc VTV. Trong văn bản này, Bộ KH&ĐT nêu một chi tiết liên quan đến K+, theo đó: "Tính đến ngày 31/12/2012 lỗ lũy kế của VSTV là hơn 1.300 tỉ đồng. Bộ KH&ĐT đề nghị VTV chỉ đạo VSTV có giải pháp khả thi để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới". Sau 3 năm kinh doanh, VSTV đã bị lỗ tương đương với 65 triệu USD, cao hơn cả tổng mức đầu tư của VSTV được Chính phủ phê duyệt khi mới thành lập.
Ngày 12/01/2010, Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) - liên doanh của VTV với Tập đoàn Canal+ (Pháp) chính công bố thương hiệu truyền hình số vệ tinh K+. Tổng mức đầu tư của VSTV được Chính phủ phê duyệt là 54 triệu USD (VTV góp 51%, Canal+ góp 49%). Theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và cộng sự), theo các quy định của nhà nước về đầu tư nước ngoài VSTV chỉ được hoạt động trong số vốn được phê duyệt (54 triệu USD). Trong trường hợp các bên muốn bổ sung vốn vào VSTV thì phải được sự phê duyệt và giám sát chuyển giao vốn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cho biết, dù gói bản quyền trị giá lên đến 40 triệu USD này được Canal+ chuyển giao dưới hình thức nào (bổ sung vốn hoặc cho không) thì cũng là góp vốn vào liên doanh VSTV. Do vậy, bắt buộc phải thực hiện đúng thủ tục bổ sung vốn đầu tư theo quy định của Chính phủ Việt Nam và được cơ quan chức năng của Việt Nam phê duyệt, giám sát. Nghĩa là, để mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh mùa giải tới, VTV buộc phải góp thêm vốn vào liên doanh.
Với khoản lỗ "khủng" của VTSV, dư luận đang đặt ra các câu hỏi sau: Đồng vốn góp của VTV vào liên doanh (từ tiền thuế của dân) không hiệu quả, trách nhiệm của VTV thế nào? Và khoản tiền lỗ "vượt" trên 11 triệu USD so với vốn điều lệ, VSTV đã huy động từ đâu và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt hay chưa? Thêm nữa, VTV có nên tiếp tục góp thêm hàng chục triệu USD vào liên doanh (để mua bản quyền Ngoại hạng Anh) khi mà việc kinh doanh của K+ chưa có dấu hiệu hết lỗ?