Vấn đề truyền hình giải ngoại hạng Anh: Chưa phát sóng đã “ghi bàn”
18 giờ hôm qua, chỉ một chữ K+ search trong Google đã cho ra 9.390.000 kết quả trong vòng 0,14 giây.
Con số trên tăng gấp cả chục ngàn lần so với ngày K+ được lên sóng trong chương trình thời sự của VTV giới thiệu kênh thể thao mới này.
Từ không biết đến ai cũng biết
Suốt hai tuần qua, rất nhiều phương tiện truyền thông đã đổ xô vào việc thông tin về “bất hợp lý” của kênh truyền hình trả tiền K+. Việc ra rả thông tin liên quan đến một kênh truyền hình mới chân ướt chân ráo vào làng và chưa phát sóng ngày nào đã là sự bất bình thường trong làng.
Đến giờ, chưa biết đúng sai thế nào hay dư luận bất bình ra sao từ gói bản quyền độc quyền những trận đấu trong hệ “Supper Sunday” giải ngoại hạng Anh của K+ nhưng rõ ràng là đơn vị này đã thắng lớn.
Scandal trong giới truyền thông ấy được dân trong nghề nhận xét là sự chủ đích được lên kế hoạch rất chi tiết. Chi tiết từ khi kênh truyền hình mới mẻ ấy được công bố có giấy phép hoạt động đến thời điểm tung ra “quả đấm” với chủ đề “lên án K+”.
Trong vô số kênh truyền hình, việc một kênh mới ra mắt có được sự tung hứng theo kiểu “Hãy chọn giá đúng” không còn là chuyện lạ.
Rất nhiều tờ báo đã “tiếp” cho chiến dịch ấy với đủ mọi kiểu khai thác cùng những hình ảnh với logo K+ rất hoành tráng. Thậm chí là có cả những “chuyên đề” với những bài phỏng vấn đậm đặc của người trong cuộc thanh minh lẫn người ngoài cuộc hay đối thủ tương lai của K+ lên tiếng.
Đến giờ thì nhờ giới truyền thông, nhờ scandal có tổ chức mà kênh truyền hình sinh sau đẻ muộn có vốn của VTV từ không ai biết đến đã có rất rất nhiều người biết.
Câu chuyện về những cái đầu
Khi Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC được cấp phép hoạt động, cú đấm mạnh nhất của đài này là lĩnh vực thể thao. Bằng chứng là với cơ chế thoáng, thu nhập cao trả theo tuần, VTC đã hút rất nhiều nhân tài của VTV, đặc biệt là lĩnh vực thể thao, trong đó có hai tay bình luận cứng nhất là Quang Huy và Quang Tùng.
Với kiểu làm rất phóng khoáng và cơ chế ít dấu ít cửa, VTC đã chủ động đi trước trong việc thương thảo nhiều bản quyền thể thao và đặc biệt là bóng đá. Việc đi sau nhưng về trước ở lĩnh vực thể thao của VTC đã buộc VTV phải thay đổi rất nhiều do mất thế độc quyền và phải lao vào cạnh tranh.
Trong khi VTV còn đang tìm cơ chế thoáng với những kênh thể thao cáp và năng động hơn với những bộ phận thể thao qua việc chủ động tìm và mua bản quyền thì VTC làm luôn “quả” giải ngoại hạng Anh ba mùa liền với yêu cầu các “thượng đế” phải mua đầu số và thuê bao. Nhờ cú đấy, VTC phát triển rất đông lượng thuê bao trong khi VTV hằng tuần vẫn phát Bundesliga vừa trái múi giờ vừa không cuốn hút nhiều khán giả bằng.
Ngay đến số lượng đầu mà VTC bán ra cũng là một bài toán không nhỏ bởi sự chênh lệch rất lớn giữa đầu vào và đầu ra.
Bây giờ thì kênh mới K+ có vốn trên 50% của VTV cũng đi theo hướng đấy. Cũng bán đầu thu như VTC ngày nào và chỉ khác là giá thuê bao rất cao mà người xem chưa quen. Cái giá được nhiều báo “tiếp tay” làm lớn và được giải thích là do mua bản quyền cao nên “thượng đế” phải trả nhiều.
Thực chất thì các “thượng đế” phải trả cho cái sự độc quyền của gói “Supper Sunday” mà K+ đã mua đội lên rất cao từ một đối tác bỏ giá thầu rất lớn.
Khách hàng có bức xúc nhiều như báo chí nêu không?
Nhìn vào những trích dẫn của một số báo thì nghe có vẻ như khách hàng rất bức xúc, trong đó đa số là người nghèo. Thực chất thì nói người nghèo không xem được bóng đá chỉ là một cái cớ để tạo scandal theo kế hoạch. Nói người hâm mộ sôi lên vì phải mua đầu K+ mới được xem là chưa chuẩn vì thực chất không phải nhà nào cũng khát như đã dẫn dắt hoặc bị dẫn dắt.
Bài toán kinh doanh của các nhà đài có thu tiền thực chất cũng chỉ là bài toán của một công ty làm ăn phải có lãi. Chỉ có điều sự khác biệt ở nhà đài chúng ta là không theo nguyên tắc thị trường càng nhiều sự cạnh tranh thì “thượng đế” càng hưởng lợi.
Ngoài ra còn có một bài toán kinh tế mà K+ chưa bấm nút phát sóng nhưng đã thắng lớn, đó là những scandal tạo ra quanh K+ đã đẩy cái thương hiệu chẳng ai biết trở thành hot nhất trong hai tuần qua.
Rõ ràng là la kiểu gì, mắng kiểu gì và phản ánh kiểu gì thì K+ vẫn cứ rung đùi vì chưa “bán” nhưng đã có thương hiệu.
Vụ này thì chỉ mỗi chuyện ai cũng hùa vào la làng cũng đã là chuyện lạ mà nghĩ xâu xa thì lại không lạ tí nào.
Nguồn:
http://www.baomoi.com/Home/CNTT/www...ang-Anh-Chua-phat-song-da-ghi-ban/4618878.epi
--> mấy bác K+ sướng quá nhé