Ðề: AVG đề nghị các đơn vị truyền hình hợp tác mua bản quyền giải Anh
Theo TT&VH
Xem bóng đá quốc tế qua truyền hình ở Việt Nam: Đắt nhất Đông Nam Á!
Thứ Hai, 01/10/2012 13:09
(TT&VH)- Nếu so sánh với các quốc gia láng giềng, số tiền mà người hâm mộ Việt Nam phải bỏ ra để xem tất cả các giải bóng đá hấp dẫn nhất châu Âu trên truyền hình chỉ là 270.000 đồng (khoảng 13 USD), thấp nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, nếu so sánh trên mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) thì người xem bóng đá Việt Nam lại đang phải gánh mức phí bản quyền cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Cách đây hơn 2 năm, khi BTC giải Ngoại hạng Anh tổ chức đấu giá bản quyền 3 mùa giải 2010/2011, 2011/2012, 2012/2013, MP&Silva lần đầu tiên xuất hiện nhưng ngay lập tức đã vượt qua ESPN STAR SPORTS để giành lấy quyền sở hữu bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam.
Số tiền mà MP&Silva bỏ ra để mua được bản quyền vào khoảng 11 đến 13 triệu USD cho 3 mùa. Thế nhưng, ngay sau đó, MP&Silva đã nhanh chóng thu về khoảng 16 đến 19 triệu USD sau khi bán lại cho rất nhiều Đài truyền hình và hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam với những mức giá khác nhau.
Phải trả nhiều tiền nhất cho MP&Silva là Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) với 9 triệu USD để độc quyền các trận ngày Chủ Nhật và không độc quyền các trận đá các ngày còn lại. Các đài truyền hình khác như Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), Truyền hình Hà Nội (HTV) hay Truyền hình TPHCM (HTVC), mỗi đài phải trả 2 đến 2,5 triệu USD, trong khi Truyền hình kỹ thuật số (VTC) cũng phải bỏ ra 1,5 đến 2 triệu USD để có bản quyền các trận bóng đá của giải Ngoại hạng Anh (trừ các trận diễn ra vào ngày Chủ nhật).
Để thưởng thức những trận cầu đỉnh cao của giải ngoại hạng, người hâm mộ Việt Nam phải bỏ ra không ít tiền. Ảnh: AFP
Với mức giá mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh đắt như vậy (cùng với bản quyền của các chương trình truyền hình khác), không có gì là ngạc nhiên khi cước phí thuê bao hàng tháng của các Đài truyền hình và các hệ thống truyền hình trả tiền đã tăng lên một cách đều đặn và nhanh chóng trong thời gian gần đây
Mức giá thuê bao cao nhất hiện nay thuộc về Truyền hình số vệ tinh Việt Nam. K+ hiện đưa ra 3 mức giá: 65.000/tháng cho gói Accces+ (58 kênh SD), 190.000/tháng cho gói Premium+ (72 kênh SD) và 270.000/tháng cho gói HD+ (72 kênh SD & 8 kênh HD), trung bình 175.000 đồng/tháng.
Xếp thứ hai về giá thuê bao là Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV). 3 gói Analog, SD và HD của SCTV hiện có phí thuê bao tháng lần lượt là 88.000 đồng, 139.000 đồng và 167.000 đồng, trung bình 131.000 đồng/tháng.
Truyền hình cáp TPHCM (HTVC) cũng có mức giá thuê bao xấp xỉ SCTV. Gói HD gồm đầu thu, thẻ xem truyền hình và phí thuê bao 12 tháng hiện có giá 2,9 triệu đồng, còn gói Analog có cước phí 65.000 đồng/tháng, tính trung bình khoảng 120.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, kể từ năm 2009 đến nay, Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) và Truyền hình cáp Hà Nội (HCTV) đã liên tiếp tăng giá từ 44.000đồng/tháng, lên 65.000 đồng/tháng, năm 2011 tăng lên 88.000 đồng và bắt đầu từ ngày 1/9/2012 tăng lên 110.000 đồng/tháng.
Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) hiện cũng có 2 mức giá thuê bao: HD 1.200.000 đồng/năm và SD 720.000 đồng/năm, trung bình 80.000 đồng/tháng. Cước phí thuê bao thấp nhất hiện nay thuộc về Truyền hình An Viên (AVG) với mức 33.000 đồng cho gói “Cơ bản”, 66.000 đồng cho gói “Như ý” và 88.000 đồng cho gói “Cao cấp”, trung bình 62.000 đồng/tháng.
Những số liệu thống kê trên đây cho thấy để có thể thưởng thức tất cả các trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh cũng như các giải bóng đá hàng đầu châu Âu khác, người hâm mộ Việt Nam hiện phải móc hầu bao mỗi tháng tối đa là 270.000 đồng (gói HD+ của K+), tương đương khoảng 13 USD.
Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì con số này đang là thấp nhất (mỗi tháng người hâm mộ Malaysia, Thái Lan, Singapore lần lượt phải bỏ ra 15 USD, 40 USD, 64 USD để chứng kiến trực tiếp các trận đấu của Premier League). Thế nhưng, nếu so sánh trên mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) thì người xem bóng đá Việt Nam lại đang phải gánh mức phí bản quyền cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo công bố vào cuối năm 2011 vừa qua thì thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam (GDP) mới chỉ là 1.300 USD/năm. Như vậy, phí tổn để xem tường thuật trực tiếp các trận đấu ở Premier League cũng như các giải vô địch bóng đá hàng đầu châu Âu hiện chiếm khoảng 12% thu nhập mỗi năm của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Trong khi đó, với GDP lần lượt là 16.186 USD/năm, 56.797 USD/năm và 5.300 USD/năm, người hâm mộ Malaysia, Singapore và Thái Lan chỉ phải bỏ ra số tiền lần lượt là 1,11%, 1,4%/năm và 9%/năm để thưởng thức các trận cầu đỉnh cao của bóng đá quốc tế.