[KHÔNG CÓ SPOIL PHIM NÀO CẢ]
Du hành thời gian luôn là một vấn đề rối não trong các câu chuyện / bộ phim. Nhưng vì tính thú vị của nó, du hành thời gian thường được đưa vào phim với những phong cách khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu xem các nhà làm phim giải thích về du hành thời gian như thế nào.
Trước hết hãy nói sơ về một số khái niệm và một số lý thuyết trong du hành thời gian:
I. Khái niệm thời gian:
1. Dòng thời gian (timeline): Xem thời gian như một dòng chảy, một đường thẳng, tại đó mỗi điểm là một mốc thời gian.
2. Dị biến thời gian (Time paradox): Một hành động không đi theo dòng chảy thời gian và có ảnh hưởng đến dòng thời gian được gọi là dị biến thời gian.
3. Trường không thời gian (Spacetime): Theo Einstein, không gian và thời gian là tuyến tính với nhau (thay đổi thứ này làm thứ kia thay đổi theo tương ứng), do đó không gian và thời gian có thể được xem là một trường duy nhất, được gọi là trường không thời gian.
4. Vùng lượng tử (Quantum realm): Khu vực giả tưởng siêu nhỏ nơi đó mọi thứ hoạt động theo một lý thuyết ngẫu nhiên và mọi định luật vật lý về không gian, thời gian đều hoàn toàn khác với thế giới chúng ta hiện tại.
II. Một số lý thuyết trong du hành thời gian:
1. Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly effect): Một thay đổi nhỏ do dị biến thời gian trong quá khứ sẽ tạo ra một thay đổi lớn đến dòng thời gian trong hiện tại. Lý thuyết này cho rằng dòng thời gian là duy nhất và nó bị ảnh hưởng tuần tự. Sau này lý thuyết này không được thừa nhận nữa vì tạo ra nhiều mâu thuẫn, nhưng nó vẫn thường được nhắc đến để cảnh báo độ nguy hiểm của việc thay đổi quá khứ.
Trong lý thuyết này, mọi hành động du hành thời gian về quá khứ và thay đổi quá khứ sẽ tạo thay đổi lớn đến hiện tại ngay lập tức, ví dụ như nó có thể xóa bạn ra khỏi lịch sử như chưa hề tồn tại.
Ví dụ phim: Terminator, Days of Future Past, Back To The Future...
2. Dòng thời gian bất biến (Invincible Timeline): Lý thuyết này cho rằng dòng thời gian là bất biến, mọi dị biến trong dòng thời gian đều được chính dòng thời gian tự giải quyết. Ví dụ như nếu bạn muốn quay về quá khứ để giết chính mình, bạn sẽ thất bại thảm hại, vì nếu bạn thành công, bạn đã không bao giờ có thể quay về quá khứ. Hoặc mọi hành động vô tình bạn gây ra trong quá khứ, vốn dĩ nó đã xuất hiện từ trước rồi, nhưng sau đó bạn mới phát hiện ra chính mình là người "sẽ" gây ra nó.
Ví dụ phim: Doraemon
(Nobita chạy đến tương lai đọc được một bộ truyện hay, thích quá nên quay về quá khứ copy lại định đăng để nổi tiếng, bị Doraemon chửi bới quá nên chán nản vứt tập bản thảo vào thùng rác. Người nhặt được tập bản thảo đó mừng rỡ vì ý tưởng độc đáo này và bắt đầu viết truyện về nó. Người ấy không ai khác chính là ông tác giả của chính bộ truyện đó trong tương lai)
3. Đa vũ trụ (Multiverse): Lý thuyết này cho rằng mỗi khi có một dị biến thời gian mà dòng thời gian tự nó không thể sửa chữa được, một dòng thời gian mới sẽ sinh ra tách biệt với dòng thời gian cũ, phát triển tiếp theo dòng sự kiện đã xảy ra dị biến.
Lý thuyết này sau này được ủng hộ bởi giới viết truyện và làm phim vì tính khả thi của nó, là lý thuyết phổ biến nhất trong thế giới truyện tranh Marvel.
Ví dụ: Songoku
Trunk (tên cũ là Calích) ở thế giới tương lai bị Android 17-18 (tên cũ Pic-Poc) tàn phá nên quay ngược thời gian trở về cảnh báo cho nhóm Goku. Sau khi mọi chuyện được giải quyết hết, Cell (tên cũ Xên bọ hung) bị tiêu diệt, Android 17 - 18 cải tà quy chính trở thành bạn nhóm Goku (và vợ Krillin) thì Trunk quay lại dòng thời gian của chính mình. Ở đó Android 17, 18 vẫn còn tàn phá thế giới, và nhóm Goku vẫn chết sạch, chứ không có gì thay đổi. Thứ duy nhất thay đổi là Trunk lúc này đã siêu mạnh nên xử lý Android 17, 18 nhanh gọn. Ta có thể thấy ngay thời điểm Trunk tạo ra dị biến thời gian và cứu Goku, thời gian đã rẽ sang một nhánh mới an toàn hơn cho nhóm Goku, nhưng nhánh cũ (vốn đã bị tàn phá) thì nó vẫn còn ở đó chứ không mất đi đâu.