torune
Film critic
Cá nhân mà nói, tâm lý khán giả đang và sau khi xem phim này có hai loại. Loại một chán chường, uể oải, đỉnh điểm là ra về giữa chừng. Loại hai căng thẳng, nghiêm trọng, chăm chú săm soi từng chi tiết của phim. Cũng có thể tồn tại loại ba, nhưng người viết bài không biết mô tả như thế nào với kiến thức ngôn ngữ và thế giới quan cực kỳ hạn hẹp đã được 'Arrival' khai sáng phần nào sau khi lãnh hội tư tưởng 'giải phóng giác quan chỉ qua ngôn ngữ'.
Hãy tưởng tượng, cuộc đời là một bức tranh với nhiều mảnh ghép nhỏ. Trên dòng thời gian tuyến tính, chúng ta từ từ ghép những mảnh nhỏ đấy lại với nhau. Một ngày nào đó, ta có được siêu năng lực nhìn thấu bức tranh, trước và sau khi hoàn tất trò chơi xếp hình. Chưa hết, chỉ với một từ khóa của ngôn ngữ, ta có thể kích hoạt được những khoảnh khắc mà mình muốn trên dòng thời gian đó. Không biết, cảm giác lúc ấy sẽ ra sao?
Phim vay mượn các giả thuyết từ phạm trù "ngôn ngữ", lấy "thời gian" làm công cụ để kể một câu chuyện sci-fi chậm rãi, có một dòng thời gian chính cùng các cảnh quay lộn tùng phèo, thích hợp với khán giả vừa xem vừa nín thở, cóp nhặt từng chi tiết trên màn hình để giải đố trong thời gian thực.
'Arrival' khiến khán giả cảm nhận được cảm giác hoài nghi, mơ hồ, hối hả, dồn dập, lo sợ... như chính nhân vật chính trước quỹ thời gian và nguồn dữ liệu giới hạn từ người ngoài hành tinh. Nếu như mục đích của nữ chính là tìm ra lời đáp cho câu hỏi: "Mục đích của bạn khi đến Trái Đất là gì?" thì mục đích của khán giả (một khi đã quyết không bỏ về) là giải đố cốt truyện từ dữ liệu ít ỏi, những cảnh quay phi tuyến tính, lời thoại ẩn chứa đầy nghịch lý... Điểm chung bỗng xuất hiện giữa hai đối tượng, tồn tại song song, cách nhau chỉ một cái màn bạc!
Với những dữ kiện trên đây, 'Arrival' thành công trót lọt trong việc đưa khán giả vào mê cung giả thuyết thường thấy trong những phim sci-fi. Cứ mỗi nghịch lý phát sinh là mở ra cánh cửa cho một giả thuyết mới. Do đó, từng khán giả được phim trao cho quyền vẽ trên cốt truyện của riêng mình nhưng vẫn đảm bảo xoay quanh mạch phim chính: hành trình lĩnh hội ngôn ngữ ngoài hành tinh của một nhà ngôn ngữ học.
'Arrival' có lẽ là một phim cực kỳ khó xem với những ai đã quen với kiểu hành động như 'Independence Day', kinh dị như 'Aliens', phiêu lưu như 'Interstellar', giật gân như 'Gravity'... Một phim khác cho torune cảm giác gần giống nhất với cảm giác khi xem 'Arrival' là 'Coherence'. Hai cốt truyện đều theo trường phái 'ít mà nhiều' (less is more). Phim cho khán giả dữ kiện không chỉ để giải đố mà để rơi vào 'bẫy tâm lý' tương tự như nhân vật. Khác với 'Coherence', cách hành xử của nhân vật chính trong 'Arrival' có phần 'uyên bác' hơn (cũng bởi nhân vật là người có trình độ học thức cao).
Một tình tiết mà torune tâm đắc trong 'Arrival' là phim đưa ra "thuyết tương đối của ngôn ngữ" (đại khái: một ngôn ngữ ảnh hưởng, thậm chí giới hạn, thế giới quan và phạm trù hiểu biết của người sử dụng ngôn ngữ đó), sau đó lèo lái cốt truyện để cho ra hàng loạt hệ quả cho giả thuyết này. [Phương pháp này được rất nhiều phim sci-fi áp dụng].
Điểm tiếp theo của phim khiến mình thích nằm ở cách nhà làm phim vận dụng âm thanh và đồ họa để vẽ nên bối cảnh, chiếc tàu, người ngoài tinh... Mọi thứ rất chừng mực, giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật lẫn khán giả. Từ đó, những cơ hội tương tác đầy thận trọng giữa đôi bên lại là những điểm nút gây căng thẳng, kịch thích. Nó không huỵt toẹt như cách mà những 'Independence Day' hay 'Aliens' rập khuôn rằng người ngoài hành tinh luôn xấu trong khi kết quả tạo hình của các 'alien' lại là hình ảnh phản chiếu từ ác mộng của con người, ác mộng bị đóng khung trong thế giới quan của họ.
Có thể ví 'Arrival' như một quyển sách. Khán giả là người đọc, lật từng trang, không ngừng tưởng tượng ra những gì đang hiện diện trước mặt mình. Phim định hướng nhưng không áp đặt quan điểm của nó lên tâm trí khán giả, mang đến những thứ mà họ có thể hoặc không thể nghĩ ra. Một hành trình khai sáng đầy mơ hồ, đậm chất viễn tưởng.
torune@hdvietnam
Đính kèm
Chỉnh sửa lần cuối: