Alien Covenant (2017)
Cái gì mà còn nhiều bí ẩn trong sự bất lực của cố gắng khám phá càng khiến người ta tò mò, càng khiến người ta hứng thú dằn vặt suy nghĩ tưởng tượng. Prometheus (2012) đã dọn ra rất nhiều câu hỏi mà tạo một cơn phấn khích khi Elizabeth Shaw lên con tàu bay vào vũ trụ xa thẳm đến hành tinh khác tìm sự sống.
Alien Covenant được coi là phần tiếp theo của Prometheus nhưng lại xoay chuyển câu chuyện sang hướng khác, vẫn kích thích, vẫn giật gân, vẫn hấp dẫn nhưng không còn nhiều "câu hỏi" đau đáu cho người xem nữa. Thay vào đó là câu chuyện tình đam mỹ hỗn loạn đẳng cấp xuyên không của một con đĩ điên FA lâu năm mắc chứng "hận thù cả vũ trụ".
Về tổng thể thì phim xem được, con quái vật huyền thoại Xenomorphs của Alien đã trở lại chiều lòng fan, nhiều bối cảnh hành động cũng gọi nhớ. Nhịp phim chậm rãi ban đầu với cuộc nói chuyện cài cắm giải thích toàn bộ hành động phía sau của con đĩ điên kia, sau khoảng 30p thì bắt đầu dồn dập và kéo dài đến hết phim.
Tuy nhiên, xây dựng nhân vật còn nhiều điểm chưa hợp lý, đám phi hành gia thể hiện rất tốt sự ngu dốt và chết nhát của mình, như kiểu những thằng ngu được chọn chết trước trong những phim kinh dị rẻ tiền. Hay màn "đánh tráo" đầy kỳ ảo chỉ trong vòng vài phút mà có thể làm đủ thứ việc, kể cả chặt tay cho giống, hơn cả ảo thuật gia. Nhiều cái chết cũng khá là ngớ ngẫn
Thông điệp của phim lại không hướng về vũ trụ, về hành trình sự sống, mà lại chuyển sang tâm tư nguyện vọng của con kia. Điển hình là đạo diễn Riley Scott đã cài khá nhiều những đoạn thơ của Shelley về Ozymandias.
"Ta là Ozymandias đây, vua của những nhà vua
Hỡi ngươi, kẻ quyền thế kia ơi
Hãy nhìn công tích ta, và thất vọng!"
Chẳng có gì còn lại đâu - Ngoài cát bỏng
Cát mênh mông, cát trần trụi, cô đơn
Quanh cái vật khổng lồ đã sụp đổ tan hoang.
Ozymandias là tên gọi khác của pharaon Ai Cập Ramesses II. Vị pharaon này là pharaon thứ ba của Vương triều thứ 19 của Ai Cập. Ông được ghi nhận là một trong những pharaon vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.
Với việc nhắc tới Ozymandias, Riley Scott muốn gián tiếp thể hiện lối suy nghĩ của nhân vật, cũng như kết cục của những huy hoàng, mãi mãi chôn vùi trong cát, chôn vùi trong bụi mờ thời gian. Khi cài cắm những chi tiết đầu phim về những ẩn ức nô lệ phản kháng, kết phim đã thể hiện rõ tham vọng “vua của những vị vua”, tham vọng thay Chúa trời sáng tạo mọi thứ.
Bên cạnh đó, Riley còn dùng khúc nhạc "Ride of the Valkyries" (Sự xuất hiện của những nàng Valkyrie), vốn thuộc vở thứ 2 trong chùm 4 opera dài dằng dặc mang tên "Der Ring des Nibelungen" (Chiếc nhẫn của người Nibelung) của nhà soạn nhạc lừng danh Richard Wagner. Bản thân Hitler cũng rất thần tượng ngưỡng mộ Wagner, có lẽ vì vậy mà cuộc phản loạn do Claus von Stauffenberg cầm đầu nhằm ám sát lật đổ Hitler cũng lấy tên là Valkyrie. Việc sử dụng bài nhạc này ngoài yếu tố hùng tráng, mạnh mẽ, dứt khoát phù hợp thì có khi cũng cài cắm ý tưởng ẩn dụ bắt cầu về phản loạn tuyệt diệt, biết đâu được. À, "Ride of the Valkyries" cũng được dùng trong đoạn mở đầu của phim "Apocalypse Now".
Tóm lại thì phần mới nhất của Alien này mình đánh giá vẫn ổn về yếu tố hành động, giải trí, kinh dị, nhưng lại chưa được như kỳ vọng về một phim vũ trụ với những thông điệp lớn lao hơn, những câu chuyện bi thương cảm động, những câu hỏi vĩ đại về nguồn gốc con người và “lý do con người xuất hiện”.