pegasus3390
Well-Known Member
Asus cho rằng mình là người định hình thị trường máy tính di động
Vừa mới đây Asus đã tổ chức sự kiện Zenvolution hứa hẹn giới thiệu những sản phẩm hot nhất của mình đến thị trường Việt Nam. Ngay chính cái tên của sự kiện Zenvolution (Zen + Evolution) đã cho thấy tham vọng của Asus khi muốn tung ra hàng loạt các sản phẩm cao cấp nhất của mình đối đầu với những sản phẩm tốt nhất của các ông lớn công nghệ. Tuy nhiên, cái tên thì to, tham vọng thì lớn còn lại thì…
Zen và những vòng tròn
Thương hiệu “Zen” đã được Asus sử dụng trong nhiều năm với thiết kế đường tròn đồng tâm trên một bề mặt sáng bóng. Về cơ bản thì thiết kế này khá đặc biệt và thực sự có phần hào nhoáng và thu hút, tuy nhiên nó cũng có điểm hạn chế chết người đó là nếu như được thiết kế và gia công không tốt chúng sẽ thực sự trông rất rẻ tiền dù là trên chất liệu nhựa hay kim loại (thực tế thì trên bề mặt kim loại thì lại càng dễ lộ ra khuyết điểm nhìn giống như chưa hoàn thiện). Và kết quả đúng là như vậy thật.
Chúng ta vẫn nhìn thấy hình ảnh quảng cáo của Asus được render bằng máy tính rất đẹp nhưng hình ảnh đúng theo nghĩa đen của nó “chỉ mang tính chất minh họa”. Nếu như với những sản phẩm cao cấp như Apple hoặc Samsung hình ảnh quảng cáo phản ánh rất thực tế sản phẩm và đôi khi sản phẩm thực sự còn gây ấn tượng hơn cả hình ảnh quảng cáo. Còn với Asus có lẽ hãng vẫn còn quen với cách làm của những sản phẩm giá rẻ với việc sử dụng hình ảnh được render để làm sáng sủa hơn sản phẩm thực thế. Ừ thì chỉ dành cho giá rẻ thôi, khách hàng cũng tương đối dễ tính mà, điều đáng tiếc là những sản phẩm mới lại không chọn đó làm mục tiêu. Họ muốn cao cấp!!!
Có lẽ Asus đã quá ép bản thân vào chữ Zen nhưng lại thiếu đi sự tinh tế trong thiết kế làm cho tổng thể sản phẩm mới có phần lệch tông. Ví như Zenbook thì kiểu dáng Macbook 12 nhưng phẩn vỏ ở màn hình lại là Asus Zen, hay Zenfone 3 Deluxe mặt sau hoàn thiện khá tốt nhưng mặt trước lại nhình rất rẻ tiền, thậm chí 3 phím điều hướng còn không nằm được ở ngay giữa (đó là lý do chúng ta hiếm khi thấy hình mặt trước của chiếc Zenfone 3 Deluxe rõ ràng). Không thể phủ nhận rằng Asus cũng đã rất cố gắng để áp dụng các phương thức chế tác hiện đại hơn để đưa sản phẩm đến tầm của một sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, nỗ lực không trọn vẹn tạo ra hình ảnh nửa mùa và được lấp đầy bằng các hình ảnh thiếu tính thực tế. Nếu bạn không tin, cứ cầm sản phẩm thật thì biết.
Lột xác bằng cách… so sánh.
Nếu chúng ta có dịp xem video buổi giới thiệu Zenvolution của Asus thì chưa thấy sự lột xác ở đâu nhưng có đến gần 30% thời lượng giới thiệu là để so sánh. Toàn bộ video, chúng ta sẽ tự hỏi đây là video giới thiệu sản phẩm hay video so sánh sản phẩm khi thấy Asus “tả xung hữu đột” với các thương hiệu khác từ Apple, Samsung, Microsoft, và thậm chí cả… Oppo. Và phần nhiều trong số đó nghe rất buồn cười.
Hiệp thứ nhất: Zenfone 3 vs Oppo F1 Plus. Asus đã so sánh rất nhiều thông số từ khẩu độ cho đến hệ thống lấy nét chống rung. Đồng ý là Oppo F1 Plus là chiếc máy điện thoại được giới thiệu nhiều về khả năng chụp hình, nhưng là chụp hình… selfie. So sánh với chiếc điện thoại chuyên selfie mà lôi camera sau ra để đánh giá thì…
Hiệp thứ 2: Zenfone 3 Deluxe vs iPhone 6s Plus và Samsung Galaxy S7 Edge. Đầu tiên Qualcomm công bố con chip Snapdragon 821 (trang bị trên Zenfone 3 Deluxe) nhanh hơn 10% so với con chip Snapdragon 820 (trên S7 Edge) vậy làm thế nào mà Zenfone 3 Deluxe lại có hiệu năng CPU cao hơn S7 Edge đến 1,2 lần, Asus vừa tạo ra được khả năng “boost” hiệu năng trên Android sao? So sánh với iPhone 6s Plus, mẫu điện thoại ra mắt gần 1 năm rồi mà cũng chỉ hơn có 1,2 lần chưa nói đến trải nghiệm thực tế trên hệ điều hành iOS luôn tốt hơn trên Android với cùng một phần cứng. Tiếp theo là RAM 6GB, đúng là lớn hơn thật nhưng nên nhớ RAM 2GB trên iPhone 6s đã là khá rộng rãi, RAM 4GB trên Samsung cũng thuộc dạng không bao giờ xài hết, vậy thêm 2GB RAM nữa cũng chẳng làm chiếc điện thoại của chúng ta hoạt động tốt hơn, đặc biệt là màn hình chỉ full HD thì làm sao cần đến 6GB RAM.
Hiệp thứ 3: Zenbook 3 vs Macbook Air và Macbook. Đầu tiên là sản phẩm của Apple được phân chia rất rõ ràng, Macbook và Macbook Air là những mẫu máy nhắm tới thời gian sử dụng dài lên đến 11, 12 giờ sử dụng với dòng Air, Zenbook 3 có màn hình Full HD có được nói đến không và lại so với Macbook màn hình Retina và thời lượng pin đến 11 tiếng, bàn rê cảm ứng lực. Thứ 2, một sản phẩm copy gần như y hệt về kiểu dáng sau đó lại đi so sánh rằng mỏng hơn, nhẹ hơn so với thiết kế nguyên gốc. Thời lượng pin ít hơn thì tất nhiên là sẽ mỏng hơn và nhẹ hơn rồi. Thứ 3, nếu về sức mạnh thì liệu Zenbook 3 có thể sánh được với Macbook Pro 13 inch sức mạnh đầy đủ nhất của Apple trong khi trọng lượng không tăng hơn bao nhiêu và vẫn giữ được sự sang trọng và nhiều tính năng hơn rất nhiều so với chiếc Zenbook 3. Điều quan trọng nhất là chiếc Zenbook 3 với giá gần $2.000 đang ngang ngửa với 1 chiếc Macbook Pro 15 inch, đắt hơn chiếc Macbook Pro (cấu hình 13 inch cao nhất $1.800), hơn khoảng 25% so với Macbook 12 (cấu hình cao nhất $1.600) và gần gấp đôi Macbook Air (cấu hình cao nhất $1.100) đó là chưa tính chênh lệch giá trị thương hiệu cực lớn giữa 2 Apple và Asus. So sánh như vậy mà cũng so được à!!!
Hiệp thứ 4: Asus Transformer 3 Pro vs Surface Pro 4 và Asus Transformer 3 vs iPad Pro. Lại một lần nữa chúng ta thấy thiết kế tương tự và lại tự cho mình mỏng hơn. Tiếp theo là so sánh về màn hình, anh em nào có sở hữu Surface Pro 4 hoặc có dịp sử dụng qua nói xem Surface Pro 4 cho màu sắc nhợt nhạt như khi Asus đem ra so sánh à? Nếu thật như vậy thì chiếc Surface Pro 4 của Microsoft không bao giờ trở thành một trong những mẫu máy tính 2-trong-1 được yêu thích nhất thời gian vừa qua. Cũng tương tự khi Asus so sánh Transformer 3 và iPad Pro, iPad Pro cho cái màu nhìn chán đến vậy sao???
Đó là chưa nói đến kiểu so sánh chênh lệch không đáng kể khoảng dưới 20% các thông số. Mọi người đều biết sản phẩm ra sau sẽ nhỉnh hơn sản phẩm trước đó một chút với phần cứng tốt hơn. Ví như mật độ điểm ảnh của Surface Pro 4 là 267 PPI và Transformer 3 Pro vượt trội hơn với… 275 PPI, và suốt buổi chúng ta chỉ thấy được những kiểu so sánh vớ vẩn như thế. Tại sao không có một sản phẩm vượt trội nào hoàn toàn được đưa ra để khẳng định một Asus đã chuyển mình lớn hơn, hay một thiết kế đáng ngưỡng mộ. Tất cả chỉ là so sánh khập khiển, hạn hẹp. Tưởng chừng chúng ta thấy một Asus chưa lớn so với tham vọng “evolution” mà hãng đặt ra.
Và có lẽ là một Zenillusion
Nhìn lại quá trình phát triển của Asus. Hãng đi lên từ một công ty gia công phần cứng máy tính chất lượng cao cũng tương tự như HTC trước đây và dần đần tạo cho mình thương hiệu với những sản phẩm tốt trong mắt người tiêu dùng. Đồng thời cũng gây được tiếng vang và tên tuổi bắt đầu được biết đến thông qua các sản phẩm hợp tác với Lamborgini, tuy nhiên nói thật lòng thì người ta biết nhiều đến Asus trong mảng máy tính một phần nhờ những mẫu Eee PC giá rẻ với trào lưu netbook và mảng điện thoại với những mẫu Zenfone. Chúng đều là những sản phẩm vừa túi tiền và chất lượng tạm ổn đủ để Asus tạo ấn tượng tốt với người dùng. Cũng giống như người đồng hương HTC của mình, Asus có vẻ cũng đang sa lầy vào vấn đề phần cứng. Nếu như với HTC tập trung vào chất lượng chế tác và mức độ hoàn thiện của sản phẩm thì giờ đây Asus lại đang cố “nhồi nhét” các phần cứng có thông số ấn tượng nhất có thể. Tuy nhiên sự đồng bộ về phần cứng, thiết kế phần mềm và cả thiết kế bên ngoài của Asus là chưa đủ. Đơn cử như Asus nói rằng sản phẩm của mình hỗ trợ nền tảng VR Daydream của Google, nhưng màn hình máy chỉ có Full HD thì trải nghiệm VR chỉ là thứ để khoe mẽ, đến màn hình 2K trên Samsung Galaxy Egde còn nhìn chỉ tạm ổn mà. Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là phần cứng, là thông số, thông số và thông số. Samsung đã từng đi con đường này trước đây và hãng cũng đã gánh lấy hậu quả của mình, nhưng vị thế của Samsung thời điểm đó và Asus bây giờ là không giống nhau. Một kẻ đang ở đỉnh cao về sản xuất phần cứng và một công ty sản xuất hàng giá rẻ đang muốn bước chân vào cuộc chơi cao cấp. Và thất bại của kẻ đi trước có lẽ vẫn chưa đủ làm bài học cho kẻ đến sau.
Với thông số rất “khủng” mà Asus đã cố nhồi nhét được vào trong các sản phẩm của mình, những người yêu thích thương hiệu này có lẽ sẽ kỳ vọng hàng loạt sản phẩm cấu hình cực cao với giá thành phù hợp. Tuy nhiên, Asus đưa ra một cái giá mà gần như chắc chắn mọi người sẽ nói là “hoang tưởng” đối với một sản phẩm đến từ Asus. Thiết kế được làm tương tự như những thương hiệu lớn mà không có gì khác biệt về tính năng lẫn phần mềm. Với những ai từng hy vọng mức giá $499 cho một chiếc Asus Zenfone 3 Deluxe sẽ nghĩ gì khi họ công bố rằng sẽ sẽ bán với giá 16 triệu VND hay chiếc cấu hình cao hơn có giá lên đến 18.5 triệu đồng. Trong khi đó chiếc Galaxy S7 Edge cũng có giá như vậy nhưng lại được gói quà tặng đến 3 triệu đồng, và nhìn thiết kế của chiếc Deluxe thì tuổi nào so với Edge. Kể cả mẫu laptop siêu di động cũng không thể nào… đắt hơn.
Loạt sản phẩm mới của Asus sẽ một sự lột xác hay chúng ta sẽ có một “Hoang Tưởng Company” thứ hai. Tất cả còn chờ kết quả cuối cùng để giải đáp. Tuy nhiên, nếu các bạn đang chờ đợi những sản phẩm cấu hình cao, giá rẻ, kiểu dáng sang trọng thì có lẽ nên đánh giá kỹ mọi thứ, dù sao chúng ta vẫn còn phải xem xem liệu những sản phẩm như vậy có thể đứng ngang hàng với Apple, Samsung hoặc Microsoft hay không.