Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ (WIPO), Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thể hiện vai trò là hai quốc gia dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo (AI).
IBM của Mỹ là một trong những hãng sở hữu bằng sáng chế AI lớn nhất thế giới với khoảng 8.920 bằng sáng chế. Con số này cao hơn nhiều so với 5.930 bằng sáng chế của Microsoft và các hãng công nghệ Nhật Bản. Nhưng ngay cả khi là quốc gia có số lượng bằng sáng chế lớn, Mỹ vẫn thua Trung Quốc ở một điểm khá bất ngờ.
Trung Quốc có tới 17/20 tổ chức học thuật hàng đầu có nhiệm vụ cấp phép bằng sáng chế AI. Nước này cũng rất mạnh trong lĩnh vực phát triển deep learning, một kỹ thuật học tập của máy móc bao gồm cả công nghệ nhận dạng giọng nói.
Mặc dù vậy, tổng thống Donald Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ và sáng kiến của Mỹ. Trong một động thái mạnh tay, Trump đã áp mức thuế quan hơn 200 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc để trừng phạt nước này vì có những hành vi đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Đáp trả những cáo buộc trên, phía Trung Quốc cũng kiên quyết bác bỏ những lời buộc tội của Mỹ và các đồng minh cho rằng, nước này đang hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp tài sản trí tuệ của các quốc gia khác.
Tổng giám đốc WIPO, ông Francis Gurry chia sẻ: "Mỹ và Trung Quốc rõ ràng là những người dẫn đầu. Họ luôn tiên phong trong lĩnh vực này, cả về số lượng các ứng dụng và ấn phẩm khoa học".
Chính Gurry cũng thừa nhận những cáo buộc liên quan đến ăn cắp bí mật thương mại của Trung Quốc. Nhưng ông cho rằng, Trung Quốc không hời hợt khi tiếp cận AI. Bằng chứng là họ có cả hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu, văn phòng cấp bằng sáng chế lớn nhất thế giới và số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế thuộc top đầu. Gurry nhận định: "Trung Quốc là một tay chơi nghiêm túc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ".
Ứng dụng bằng sáng chế AI phổ biến nhất là thị giác máy tính, chủ yếu được ứng dụng trên xe hơi tự lái và chiếm tới 49% trong tổng bằng sáng chế AI.
Nghiên cứu của WIPO dựa trên việc phân tích các hồ sơ bằng sáng chế quốc tế, các ấn phẩm khoa học, hồ sơ kiện tụng và hoạt động mua lại bằng sáng chế của các quốc gia. WIPO nhận thấy ngày càng có nhiều bằng sáng chế được cấp cho lĩnh vực AI kể từ năm 2013 và đã hơn nửa thế kỷ từ khi thuật ngữ AI xuất hiện vào những năm 1950.
Các ứng dụng bằng sáng chế trong lĩnh vực AI chủ yếu liên quan đến máy học đã tăng trưởng trung bình 28% từ năm 2013 đến 2016.
Với tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu về AI vào năm 2030, Trung Quốc đã lên rất nhiều kế hoạch nhằm sớm vượt Mỹ trong cuộc đua AI. Trước hết Trung Quốc sẽ tìm cách rút ngắn khoảng cách về công nghệ AI thông qua việc mua lại nhiều công ty đối thủ và cả công nghệ của họ. Bên cạnh đó, nước này cũng tạo mọi điều kiện để thu hút nhân tài về nước làm việc. Sau giai đoạn này, Trung Quốc sẽ hướng tới việc tạo ra những thành tựu AI đột phá và vươn lên dẫn đầu vào năm 2030.
Ước tính trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đóng góp khoảng 15,7 ngàn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030. Trong đó Trung Quốc dự kiến có thể hưởng khoảng 7 ngàn tỷ USD từ AI và Mỹ là 3,7 ngàn tỷ USD.
Theo Vn review