Hầu hết các thiết bị điện tử, công nghệ cao cấp hiện nay đều đã "không dây hóa" và việc cuộc sống hiện đại này mà thiếu đi Wi-Fi thì chắc kinh khủng lắm đây. Wi-Fi quả thật là một cuộc cách mạng trong truyền tải và vẫn còn tiếp tục được cải tiến tốt hơn nữa. Bước phát triển sắp tới của WiFi được phong cho cái tên mỹ miều là Wi-Fi Aware với mục đích thay đổi cuộc sống của người dùng. Tương lai ấy không còn quá xa nữa. Vậy thì Wi-Fi Aware là gì và nó tác động lên cuộc sống chúng ta như thế nào? Bài tổng quan sau đây do biên tập viên của trang Make Use Of sẽ giải đáp những thắc mắc ấy cũng như mang đến một tầm nhìn không dây tuy xa mà lại rất gần gụi trong sinh hoạt hằng ngày của người dùng.
Wi-Fi Aware: Cốt mang đến sự tiện nghi cho người thụ hưởng
Wi-Fi Aware, đôi khi được gọi ngắn gọn là Aware, được xem là kết tinh và đỉnh cao của rất nhiều nghiên cứu và phát triển từ các cây đa cây đề trong làng công nghệ thế giới. Điều này không có gì quá lời bởi những cái tên đó bao gồm Microsoft, Apple, Samsung, Cisco, và cả các thành viên thuộc liên minh Wi-Fi Alliance như Dell, Intel, Sony, Samsung, Qualcomm, Texas Instruments...
Ý tưởng cơ bản giúp định hình nên WiFi Aware chính là các thiết bị và các ứng dụng sẽ có thể tự động phát hiện và giao tiếp với nhau chỉ dựa vào cự ly khoảng cách gần mà thôi — và bởi vì các kết nối này sẽ chỉ thiết lập với các thiết bị nội bộ trong nhóm thông qua sóng Wi-Fi, do đó sẽ không bị lãng phí dữ liệu viễn thông (cellular data) hay băng thông Internet.
Vậy WiFi Aware hoạt động ra sao?: Các thiết bị Wi-Fi Aware có thể đóng vai trò của một publisher (tạm hiểu như máy chủ phát sóng kết nối), subscriber (tạm hiểu như máy khách cần đăng ký kết nối), hoặc là cả hai. Cụ thể hơn, các thiết bị publisher sẽ liên tục phát tín hiệu chỉ báo cho phép kết nối đến nó, trong khi đó các thiết bị subscriber lại liên tục dò quét tìm các thiết bị publisher để kết nối, và khi tìm được nhau thì sẽ có thể kết nối sau khi một yêu cầu kết nối được gửi đi.
Hay nói cách khác thì đây là một ví dụ rõ nét hơn về thế giới Internet of Things, một mạng lưới các thiết bị kết nối với nhau - nơi mà tất cả các thiết bị luôn trong tình trạng gửi và nhận thông tin tới lui mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào của con người.
Trong một chừng mực nào đó thì Wi-Fi Aware cũng kha khá giống với chuẩn kết nối iBeacon của Apple, cũng dựa vào cự ly giao tiếp gần để thiết lập hệ thống kết nối, song lại dùng sóng Bluetooth năng lượng thấp để giao tiếp thay vì Wi-Fi. iBeacon sẽ có thể không bao giờ hoàn thành được tham vọng của nó song Wi-Fi Aware dường như sẽ nhận được nhiều thành công hơn.
Các mặt tích cực và tiêu cực của Wi-Fi Aware
Bởi vì Wi-Fi Aware vẫn còn quá mới nên rõ ràng là chúng ta chưa có được nhiều dữ kiện để phán xét nó, song không vì thế mà không thể luận ra một số mặt tích cực và tiêu cực của chuẩn kết nối này.
Trước tiên đó là sự bùng nổ của các hệ thống nhà thông minh. Mà các sản phẩm nhà thông minh sẽ phải dựa trên sự tương tác, kết nối các thiết bị với nhau thì mới có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người dùng giao phó. Vậy liệu còn có gì tốt hơn một giao thức chuẩn như Wi-Fi Aware?
Một dẫn chứng khác thực tiễn hơn là khi người dùng đi mua sắm tại một trung tâm mua sắm lớn. Hãy tưởng tượng chỉ cần bước vào khu vực gần các quầy hàng yêu thích là ngay lập tức người dùng sẽ nhận được thông báo về các đợt bán hàng giảm giá hay chính sách khuyến mại khủng, còn gì hạnh phúc hơn phải không các bà nội trợ rành công nghệ? Hoặc gặp trường hợp cả nhà cùng nhau chen lấn mua hàng trong các đợt giảm giá siêu khủng, và trong quá trình mải mê lựa đồ thì lạc mất nhau, lúc này đây Wi-Fi Aware sẽ có thể giúp định vị nơi các thành viên bị lạc của gia đình đang đứng mà không cần phải nhờ phát loa tìm người lạc.
[video=youtube;xwSYPqqhTsQ]https://www.youtube.com/watch?v=xwSYPqqhTsQ[/video]
Hoặc thú vị hơn là các bạn đi du lịch đến một thành phố xa lạ, và nhờ có WiFi Aware mà điện thoại sẽ gửi thông báo cho biết một người bạn cũ lâu ngày không gặp đang ngồi chơi đâu đó cách nơi bạn đứng chừng vài mét. Đó là những ví dụ sơ sơ cho thấy mặt tích cực của WiFi Aware còn tiếp theo là một số mặt còn yếu.
Vấn đề mà người dùng quan tâm nhất chính là thời gian pin dùng. Mặc dù Wi-Fi Aware được hứa hẹn sẽ là chuẩn kết nối tiết kiệm năng lượng, thậm chí hiệu quả tiết kiệm năng lượng còn hơn cả so với Wi-Fi truyền thống — nhưng có một sự thật không thể chối cãi rằng thiết bị Wi-Fi Aware sẽ tiêu thụ năng lượng nhiều hơn so với một thiết bị không phải Wi-Fi Aware, đó là bởi thiết bị WiFi Aware luôn trong tình trạng phát và thu tín hiệu để có thể thiết lập kết nối ngay tức thì.
Bảo mật sẽ là mối lo ngại lớn tiếp theo. Viễn tưởng về một thế giới Internet of Things thì thú vị thật, từ đó giúp cho chuẩn Wi-Fi Aware trở nên hấp dẫn hơn, song sẽ thật ngây thơ đến độ thiếu iode khi mà cho rằng bất chấp việc có quá nhiều kết nối nhưng sẽ không có lỗ hổng nào để khai thác. Chưa hết, cũng liên quan đến bảo mật còn là vấn đề quyền riêng tư. Dù là người dùng được cho rằng có thể tùy ý lựa chọn tắt hay mở Wi-Fi Aware, nhưng cũng như người tiền nhiệm WiFi, trong một nhịp sống và văn hóa hiện đại cần luôn "online" ngày nay thì liệu người dùng có thể tắt WiFi Aware bao lâu? Đó là chưa kể có những trường hợp họ không thể tắt. Vậy thì sẽ có bao nhiêu thông tin cá nhân bị-tự-nguyện cho đi? Và các thông tin ấy sẽ được dùng để chống lại người dùng ra sao vào một ngày đẹp trời nào đó?
Vậy thì nên chọn thái độ nào?
Nhìn chung, trừ khi người dùng chọn cách sống ẩn dật, tách biệt hoàn toàn khỏi nhịp sống hiện đại thì rõ ràng một điều là họ không bao giờ có thể cưỡng lại guồng xoáy của công nghệ một khi vẫn còn phải học tập và làm việc chung trong thế giới @ và hậu @. Wi-Fi Aware chắc chắn sẽ là một xu thế định hình đời sống tương lai với các ứng dụng và sản phẩm tuyệt vời. Nhưng nếu vấn đề bảo mật và sự riêng tư là điều người dùng quan tâm hàng đầu, thì họ có thể chọn cách tạm hòa hoãn rằng khoan mua các thiết bị WiFi Aware hay nâng cấp mạng WiFi Aware để chờ đợi thêm một vài năm khi mà công nghệ thật sự hoàn thiện cả về khía cạnh bảo mật.
Các bạn đánh giá thế nào về Wi-Fi Aware? Thích? Phát ốm khi nghĩ đến? Có cũng được, không có cũng chẳng sao? Hãy chia sẻ ý kiến với diễn đàn ở bình luận bên dưới nhé!
Nguồn Make Use Of