WD My Cloud Home 3TB (2017): lên mây không thể dễ dàng hơn!

Uchiha_Madara

Nghỉ hưu
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu thì WD My Cloud Home chỉ là một đám mây thuộc sở hữu của riêng cá nhân người dùng với khả năng truy xuất dữ liệu ở bất cứ đâu, trên bất cứ thiết bị nào. Những tưởng sản phẩm này không có gì đặc sắc và hấp dẫn, tuy nhiên trên thực tế chiếc ổ cứng đến từ Western Digital lại tỏ ra vô cùng hữu dụng trong rất nhiều trường hợp.

34ac2bcf6b8123e2f2c36468b19ff91c.jpg

Đúng với tên gọi của mình, WD My Cloud Home là một chiếc ổ cứng để bàn được phát triển lên một bậc cao cấp hơn – đám mây cá nhân, trở thành một thiết bị lưu trữ đa năng có thể đáp ứng được mọi nhu cầu về dữ liệu cho mọi thành viên trong gia đình mà vẫn đảm bảo tính riêng tư cho mỗi người.

Sản phẩm này thực sự không mới, bởi nó đã được WD phát triển theo hướng chuyên biệt hơn từ dòng ổ cứng My Cloud vốn dĩ đã dành được rất nhiều thành công. Để phân biệt với dòng ổ cứng My Cloud trước đây, Western Digital đã thay đổi thiết kế theo ngôn ngữ mới mà họ đang theo đuổi và gán chiếc ổ cứng này vào một cái tên mới: My Cloud Home.

Cần phân biệt rõ rằng Western Digital vẫn duy trì hai dòng ổ cứng đám mây của mình, một loại là My Cloud, và loại còn lại là My Cloud Home mà chúng ta đang có hôm nay. Tuy hai loại này đều cung cấp được giải pháp truy vấn dữ liệu từ xa, nhưng xét một cách toàn diện thì rõ ràng My Cloud Home sẽ đơn giản hơn rất nhiều trong vấn đề sử dụng bởi không vướng phải quá nhiều khó khăn về thiết lập.

Bên trong sản phẩm này vẫn là chiếc ổ cứng WD Red 3TB 64MB cache danh tiếng vốn bền bỉ và ổn định được thiết kế dành riêng cho nhu cầu lưu trữ mạng. Bởi My Cloud Home chỉ có một ổ cứng nên chúng ta không thể thiết lập RAID để đáp ứng được các ý đồ riêng về truy xuất, tuy nhiên nếu cần thiết nhu cầu này chúng ta có thể chọn cho mình My Cloud Duo với hai ổ cứng cho phép thiết lập RAID0 hoặc RAID1.


Thiết kế tinh tế

Ấn tượng đầu tiên đối với My Cloud Home đó là thiết bị này đã được Western Digital khoác lên vẻ ngoài bắt mắt ấn tượng bởi hai mảng thiết kế đối lập. Thiết kế này đã được WD áp dụng lên dòng sản phẩm My Passport và My Passport SSD mới, và giờ đây nó đã bước chân lên dòng ổ cứng đám mây My Cloud Home.

a57325c9ab5c1868da6d3c98c37b2581.jpg

Có thể nói, thiết kế này đã thổi một làn gió tươi mới lên các sản phẩm của WD, tạo nên một vẻ ngoài sang trọng giúp cho không gian của người dùng trở nên tinh tế hơn rất nhiều. Nếu như trên My Passport là các đường vân sọc, thì trên My Cloud lại là các tam giác được sắp xếp tạo nên những hình vuông chéo góc hấp dẫn một cách khó tả. Chính sự kết hợp giữa các họa tiết này với mảng nhựa bóng phía trên đã tạo nên một ấn tượng thị giác cực mạnh. Giữa hai mảng thiết kế này ở mặt trước chính là dải đèn led chạy dài giúp My Cloud Home cung cấp đủ thông tin trạng thái trong khi vẫn giữ được nét hài hòa về dáng vẻ bên ngoài.

447a820a57836a432c8be887f0014c85.jpg

Thiết kế của My Cloud Home đã được tối giản triệt để, tất cả các kết nối đều được đưa về phía sau. Trên My Cloud home chúng ta sẽ có một cổng USB tốc độ cao 5Gps để chép dữ liệu trực tiếp từ thiết bị nhớ khác, cổng kết nối Gigabit Ethernet, nguồn cấp và một nút chìm không thể thiếu trên một thiết bị: reset.

44a832449b9692f21dcf907e58795326.jpg

Do sử dụng ổ cứng quay 7200 vòng/phút truyền thống, do đó nhiệt lượng sinh ra trong quá trình sử dụng là không thể tránh khỏi. Western Digital đã thiết kế hai mặt trên và dưới là các khe hở lớn để làm mát chiếc ổ cứng phía bên trong, có thể trong mắt người dùng thông thường, họ sẽ cảm thấy có một chút gì đó không hài lòng với khe hở này, tuy nhiên trong mắt tôi thì thiết kế này vẫn có một chút gì đó khá lôi cuốn.

8e4114ad2790e9ae96483580ba8cbd12.jpg

Phần đỉnh với các khe tản nhiệt chéo

021e51108968a21ddb75da791aaec015.jpg

Thông tin ổ cứng được in dưới mặt đáy


Thiết lập đơn giản

Ngay từ giây phút mở hộp, một tờ giấy xinh xắn rơi ra, và chỉ có thế! Thiết lập ban đầu chỉ gói gọn trong tờ giấy nhỏ gọn nhưng đầy đủ thông tin này

751f815df354626fbef19b95e69ef6f0.jpg

Bước 1: mở hộp, lấy ổ cứng để ra ngay ngắn và gắn vào modem (chú ý gắn vào cổng 1Gbps để đạt được tốc độ truy xuất cao nhất trong mạng nội bộ)

Bước 2: Gắn nguồn cho thiết bị

Bước 3: Chờ tín hiệu đèn không còn nhấp nháy

Bước 4: là bước cuối cùng nhưng cũng tốn nhiều thời gian nhất, truy cập website mycould.com/hello để đăng ký tài khoản và thêm ổ cứng vào tài khoản dựa vào mã số bao gồm 9 ký tự (đã được che mờ ở hình trên)

4e1c72315d47261946fa9cb922932152.jpg

Nhập mã số để thêm thiết bị vào tài khoản của mình

9e559259817e9adbb3954d90c1a22b6e.jpg

Thiết lập vô cùng nhanh chóng và đơn giản

Chỉ với vài bước đơn giản, My Cloud Home đã chính thức trở thành đám mây cá nhân của riêng người dùng với các tính năng y như các dịch vụ đám mây thông dụng hiện nay như Google Drive, Microsoft OneDrive, Dropbox… tuy nhiên nó lại được kiểm soát bởi chính chúng ta, những người dùng cuối mà không phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp như trước đây nữa.

My Cloud Home – tiện ích mang lại không hề nhỏ

Sau khi My Cloud Home được đính vào tài khoản của người dùng, họ sẽ có 02 lựa chọn: hoặc truy xuất dữ liệu qua giao diện web thông qua mycloud.com, hoặc sẽ sử dụng ứng dụng WDDiscovery tải về từ Western Digital. Cả hai đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định, tuy nhiên sau quá trình sử dụng, tôi nhận thấy WDDiscovery vẫn đem lại nhiều tiện ích hơn.

932e2338a927e02629bf701e482e5d36.png

Giao diện nền web thân thuộc và gần gũi

2a1db6d325336438a055f05cbfcd2798.jpg

Trong khi WDDiscovery mang nhiều tiện ích thực tế

WDDiscovery là một công cụ khá tuyệt vời. Phần mềm này có giao diện đơn giản, trực quan, mang lại nhiều tiện ích lớn. Thông qua WDDiscovery, người dùng sẽ có thể đồng bộ dữ liệu trên máy tính, đồng bộ bộ nhớ của thiết bị ngoại vi lên mây nhanh chóng thông qua cửa sổ quản lý, hay thực hiện MAP luôn My Cloud Home dưới dạng một ổ đĩa mạng vào máy tính của người dùng, giúp việc truy xuất dữ liệu trực tiếp như một ổ đĩa nội bộ thông thường. Với WDDiscovey, việc sử dụng My Cloud Home trở nên gần gũi như đang sử dụng một sản phẩm ổ cứng gắn trong vậy.

Tốc độ ghi nhận khi truy xuất đám mây này ở mạng nội bộ luôn đạt tốc độ tương đối cao và ổn định, tuy không thể so sánh được với tốc độ truy xuất của ổ cứng di động gắn trực tiếp do còn phụ thuộc vào hạ tầng mạng, nhưng nhìn chung My Cloud Home trung hòa một cách hoàn hảo các nhu cầu lưu trữ và truy xuất mà không còn phụ thuộc vào kết nối có dây truyền thống. Với My Cloud Home, dường như nỗi lo lắng về một thiết bị lưu trữ không còn tồn tại nữa, tất cả những gì còn lại đó chính là sự tiện lợi mà thôi.

5299d17cf0a5844b417cead3e99b81bf.jpg

Tốc độ chép trực tiếp dữ liệu lên My Cloud Home trong mạng nội bộ 1Gbps

Đối với một đám mây như My Cloud Home, chúng ta không chỉ sử dụng thiết bị này ở nhà mà còn thực hiện truy xuất dữ liệu ở những nơi khác nữa. Thử nghiệm truy cập từ mạng cáp quang FTTH 20Mbps/20Mbps để copy và truy xuất dữ liệu từ xa đến My Cloud Home đặt tại nơi có tốc độ mạng FTTH đạt 80Mbps/80Mbps, tốc độ chép lên My Cloud Home ghi nhận được ở mức trung bình 1.5MB/s – 1.7MB/s, đây chính là tốc độ ngưỡng mà các nhà cung cấp dịch vụ ISP cam kết đối với khách hàng của mình. Điều đó cho thấy dữ liệu trên mây của chúng ta không phải được định tuyến ra nước ngoài đến server của Western Digitalrồi mới trả về máy người dùng, mà chúng được đi trực tiếp từ My Cloud Home đến thẳng thiết bị truy xuất và Western Digital chỉ là trung gian giúp hai đầu bắt tay với nhau mà thôi.

a365aa66268eede25b3b570dfe7c5a23.jpg

Thử nghiệm chép dữ liệu lên mây từ xa qua ổ cứng mạng được MAP qua ứng dụng WDDiscovery

Ngoài truy xuất dữ liệu qua máy tính hoặc qua web, Western Digital còn cung cấp ứng dụng đám mây My Cloud Home cho các di động thông dụng như iOS và Android giúp cho việc sử dụng đám mây cá nhân này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thông qua các công cụ nêu trên, người dùng sẽ có thể stream nội dung của mình, tải về máy hay đơn giản là chia sẻ các file này ra ngoài internet. Thêm vào đó bằng cách sử dụng WDDiscovery trên máy tính và My Cloud Home trên di động, người dùng có thể thực hiện sao lưu dữ liệu tự động nội dung cá nhân của mình. Có thể nói so với ứng dụng My Cloud cũ, ứng dụng mới của Western Digital ngon hơn, mượt hơn và trực quan hơn rất nhiều.

4e0522b88866afce7bf51ee75a24046a.jpg

Đồng bộ trên máy tính đơn giản chỉ với 1 click chuột

88b0c7af11ff0c5301cf97e10c270c95.png

Sự đơn giản còn thể hiện ngay cả trên ứng dụng di động

Nếu như việc chép dữ liệu lên mây qua mạng nội bộ vẫn chưa thể làm thỏa mãn người dùng, thì còn nhớ giao tiếp USB 3.0 mà Western Digital trang bị cho My Cloud Home chứ? Nó sẽ cho phép họ chép thẳng dữ liệu lên đám mây này nhanh hơn rất nhiều, bởi lẽ chuẩn giao tiếp này cho phép băng thông dữ liệu lên đến 5Gbps. Việc chép dữ liệu thậm chí cũng rất đơn giản, khi gắn thiết bị nhớ vào, một cửa sổ thông báo sẽ hiện ra giúp chúng ta dễ dàng chọn lựa dữ liệu để chép lên My Cloud Home một cách nhanh chóng.

fbbd5742e4be7c70e08edd5c1a7cd37f.png

Bứt phá với các dịch vụ đi kèm

Western Digital đã một lần nữa cho thấy tuy là một tên tuổi lâu năm, nhưng họ không hề già cỗi. Hàng loạt dịch vụ cộng thêm đến từ bên thứ ba hay do chính tay Western Digital phát triển đã được đưa thêm vào My Cloud Home, giúp cho giá trị sử dụng của chiếc ổ cứng này được tăng thêm đáng kể.

1ed0547bdfc4cf53bfc8747346883d16.png

Đáng chú ý nhất có lẽ đó chính là khả năng đồng bộ dữ liệu từ mạng xã hội hay từ các dịch vụ lưu trữ nền mây khác lên My Cloud Home và Plex - ứng dụng streaming nổi tiếng hoạt động đa nền tảng.

Trong tương lai có thể Western Digital sẽ còn kết hợp cùng nhiều hãng khác để bổ sung thêm nhiều tiện ích sáng giá cho các dòng sản phẩm lưu trữ của mình.

My Cloud Home còn là một đám mây để chia sẻ

Còn nhớ trên Western Digital My Cloud cũ, khi muốn sẻ chia dữ liệu, người dùng sẽ phải mất rất nhiều công đoạn thiết lập, từ tạo tài khoản cho đến tạo các folder, rồi thiết lập phân quyền cho từng tài khoản. Và rồi My Cloud Home xuất hiện, thổi bay hết tất thảy những khái niệm ấy. Thiết bị này quá mới, quá đối lạ lẫm từ giao diện cho đến cách sử dụng, bởi My Cloud Home chỉ thuần là một đám mây đúng nghĩa.

Chia sẻ dữ liệu trên My Cloud Home đã được mở rộng thêm, hoặc chúng ta chia sẻ bằng cách tạo ra các liên kết để tải về, hoặc chia đám mây lớn ra thành các đám mây nhỏ hơn, cho phép mọi người thân trong nhà đều có đám mây của riêng mình chỉ với một thiết bị My Cloud Home duy nhất.

Những đám mây chia nhỏ ấy sẽ do người dùng phụ tự tạo qua trang web mycloud.com của Western Digital, chủ sở hữu – người dùng chính chỉ việc “phê duyệt cấp phép” các yêu cầu sử dụng (nếu có mã số bí mật bao gồm 9 chữ số của thiết bị) hoặc đơn giản hơn là gửi đi các lời mời. Công việc còn lại chỉ là quản lý lượng user mà người sử dụng chính đã cấp phép mà thôi.

ae101bcdfaafec8c24f156eb556968bf.jpg

Chia sẻ đám mây với người dùng phụ chưa bao giờ dễ dàng hơn thế

Dữ liệu của mỗi tài khoản là độc lập và hoàn toàn riêng tư, người dùng phụ ngay cả chủ sở hữu đám mây cũng không thể truy xuất được. Họ chỉ làm được một việc duy nhất đó chính là xóa tài khoản, và như thế đồng nghĩa rằng dữ liệu cá nhân ấy cũng mất đi…vĩnh viễn.

Không sản phẩm nào là hoàn hảo

My Cloud Home là một sản phẩm rất tuyệt vời, nhưng cho dù thế nào đi nữa thì chiếc ổ cứng này cần phải được cải tiến hơn nữa để có thể đưa Western Digital lên một thương hiệu tầm cỡ hơn.

Đầu tiên phải kể đến đó chính là sự nhầm lẫn, gây bối rối cho người dùng giữa hai khái niệm na ná nhau: My Cloud và My Cloud Home. Ngay cả ứng dụng WDDiscovery cũng có hai phiên bản dành cho từng loại, và điều tương đồng cũng diễn ra đối với ứng dụng di động. Để có thể tìm hiểu được ứng dụng nào dành cho loại nào, cá nhân tôi cũng đã trải qua vài sự “nhầm lẫn” không hề nhẹ để có thể chọn được đúng phiên bản phần mềm dành cho chiếc ổ cứng My Cloud Home của mình.

fd8d75ec1463ca1d37896506404e29fe.jpg

Kế tiếp đó chính là việc quản lý dung lượng của đám mây, chủ sở hữu của My Cloud Home chỉ có thể xem được dung lượng tổng đã sử dụng, cũng như dung lượng trống còn lại. Việc phân Quota, xem dung lượng sử dụng của mỗi user vẫn chưa được Western Digital tích hợp vào My Cloud Home, điều đó sẽ kéo theo một hệ quả, đó là mỗi người dùng sẽ thoải mái sử dụng đám mây theo cách của riêng mình mà không bao giờ nghĩ về việc để dành dung lượng cho những người dùng khác…cho đến một ngày không một user nào có thể sử dụng thêm được nữa. Thiết nghĩ đây là một tính năng tuy đơn giản nhưng vô cùng bức thiết đối với một thiết bị như My Cloud Home.

Kết

c7f42a9e0dc173602d01144817c4a1e7.jpg

Tuy vẫn còn tồn tại đó những điều chưa được hoàn hảo, nhưng suy cho cùng Western Digital My Cloud Home vẫn là một thiết bị ổ cứng hấp dẫn. Chúng ta không thể phủ nhận được rằng, việc sở hữu một đám mây cá nhân sẽ mang lại cho bản thân những tiện ích vô cùng lớn, nhất là trong thời buổi nhu cầu lưu trữ di động ngày càng nâng cao như hiện nay.

Nếu hỏi tôi rằng, My Cloud Home có xứng đáng để đầu tư không, thì chắc chắn câu trả lời vẫn sẽ là: Hoàn toàn xứng đáng!
 

khitamdao

Well-Known Member
các bác cho e hỏi con này tháo ổ cứng ra có lắp được cho máy tính để dùng không :(
 

sircuong1303

Well-Known Member
các bác cho e hỏi con này tháo ổ cứng ra có lắp được cho máy tính để dùng không :(

Tháo ổ cứng từ thiết bị WD My Cloud Home ra thì lắp cho máy tính để bàn dùng bình thường. Nhưng tội gì phải làm vậy bác ơi trong khi bác có thể mua một ở cứng thông thường để lắp cho máy để bàn. Còn WD My Cloud Home thì cứ cắm vô mạng ở nhà để thành cloud cá nhân có phải hơn ko.
 

khitamdao

Well-Known Member
Tháo ổ cứng từ thiết bị WD My Cloud Home ra thì lắp cho máy tính để bàn dùng bình thường. Nhưng tội gì phải làm vậy bác ơi trong khi bác có thể mua một ở cứng thông thường để lắp cho máy để bàn. Còn WD My Cloud Home thì cứ cắm vô mạng ở nhà để thành cloud cá nhân có phải hơn ko.

cảm ơn bác, e hỏi để lúc nó hỏng thì tháo ổ cứng dùng, đỡ phải đi chữa ý mà ... :D
 

teppyvn

Member
Dòng Cloud này có dùng cáp usb để chuyển dữ liệu từ Laptop vào được ko bạn ơi?
 
Bên trên