Ðề: VTC lên tiếng về K+
Nội dung cụ thể theo đường link trên đây, lôi về để các Bác dễ đọc :
---------------------------------------------------
Cuộc chiến bản quyền TH: Gà cùng một mẹ đá nhau là..."chết"
“Không có sự hợp tác với nhau trong vấn đề mua bản quyền truyền hình, các đài truyền hình Việt đang đứng trước nguy cơ bị đối thủ ngoại cạnh tranh, thậm chí mất khách hàng ngay trên sân nhà trong một thời gian không xa” - lo lắng này được ông Lê Văn Khương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam VTC bày tỏ.
Ông Lê Văn Khương
“Được” là một trong hai nhà đài mà các độc giả yêu thích bóng đá cho vào tầm ngắm, tẩy chay trong vụ lùm xùm mua bản quyền Giải bóng đá ngoại hạng Anh trong những ngày gần đây, ông Lê Văn Khương đã có cuộc trao đổi với phóng viên VnMedia ngõ hầu giúp độc giả và người xem truyền hình hiểu rõ hơn nội tình của sự việc.
Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến, VTC chỉ được quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh vào thứ 7 và một ngày giữa tuần sẽ khiến người xem không được tận hưởng được tất cả các trận đấu đỉnh cao của giải này?
Nếu như những năm trước Giải Ngoại hạng Anh đá vào thứ 7, Chủ nhật và các ngày khác trong tuần (đá bù) nhưng năm nay, mùa giải 2010 có điểm khác, đó là các trận đấu chỉ tập trung đá vào ngày thứ 7. Còn ngày Chủ nhật có rất ít trận đấu diễn ra, đặc biệt là nửa sau của mùa giải. Từ vòng 21 trở đi, Ngoại hạng Anh chỉ đá vào ngày thứ 7. Ngày chủ nhật chỉ là tổng hợp lại.
Đặc biệt là các trận đấu Super Sunday là các trận được cho là đỉnh cao diễn ra giữa các đội nằm trong “bộ tứ” của mùa giải trước nay sẽ chuyển sang đá vào ngày thứ 7. Điều đó có nghĩa với việc VTC được phát sóng các trận đấu ngày thứ 7 sẽ không làm cho người dùng phải băn khoăn quá việc không được xem trọn vẹn các trận đặc biệt là những trận được coi là đỉnh cao của mùa giải.
Vậy còn thông tin VTC và K+ chia nhau độc quyền bản quyền phát sóng giải thì sao?
Nhà cung cấp M&P Silva là một công ty truyền thông của Ý đã có bản quyền tất cả các giải bóng tại Việt Nam. Bất cứ một kênh truyền hình nào phát sóng các trận đấu tại Việt Nam là vi phạm bản quyền. Đây có nghĩa là một công bố chính thức của một công ty nước ngoài là tôi phân bố độc quyền chương trình này thông qua một đơn vị truyền hình nào đó của Việt Nam. Và cụ thể ở đây là K+. Nếu như khán giả xem giải bóng đá này trên K+ thì phải mua gói dịch vụ đặc biệt trên K+1 thì mới xem được.
Nhưng với VTC thì khác. Mua được bản quyền phát sóng ngày thứ 7, VTC sẽ phát trên tất cả 6 kênh của mình. Nửa mùa sau của giải có đặc điểm không chỉ phát sóng vào ngày thứ 7 mà còn một lúc phát sóng tới 10 trận cùng diễn ra. VTC không thể phát sóng cùng lúc 10 trận nhưng sẽ chọn lọc để phát sóng 6 trận cùng một lúc trên 6 kênh của mình. Còn 4 trận không phát trực tiếp được VTC sẽ phát lại ngay sau khi trận đấu kết thúc.
Nhiều ý kiến cho rằng việc VTC chỉ phát sóng các trận đấu ngày thứ 7 và một ngày giữa tuần trên kênh VTC HD là móc túi khách hàng. Ông nói gì về vấn đề này?
VTC chỉ được phát sóng vào thứ 7 và một ngày giữa tuần trên kênh VTC HD là một lựa chọn không còn cách nào khác phải làm vậy. Bởi vì trong quá trình đàm phán mua bản quyền, VTC đưa ra yêu cầu sẽ mua bản quyền như các mùa giải trước là mua để phục vụ rộng rãi khán giả nhưng đơn vị sở hữu bản quyền nói rằng việc này chúng tôi không thể làm được bởiì đã có một đơn vị ở Việt Nam độc quyền về giải đó, và cụ thể là Công ty truyền hình số vệ tinh Việt Nam (chủ sở hữu thương hiệu truyền hình K+).
Như vậy vấn đề ở đây là một nhà đài khác đã ngăn cản các nhà đài khác chứ không thể nói VTC tham gia vào cấu kết ngăn cản được. Khi ký hợp đồng VTC không bao giờ ký hợp đồng độc quyền vì muốn các nhà đài khác cũng có thể tham gia vào phát sóng phục vụ rộng rãi người dân nhưng ở đây VTC không thể làm được việc đó.
VTC muốn mua phát trên kênh SD để có thể phát sóng rộng rãi cho người dân song phía bán đòi một cái giá rất cao, cao hơn cả giá mà Công ty truyền hình số vệ tinh Việt Nam đã mua độc quyền trước đó. Họ đưa ra một mức giá mà một doanh nghiệp nhà nước như VTC không thể chịu nổi (K+ đã mua với giá 10 triệu USD cho bản quyền phát sóng độc quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa giải 2010 – pv) vì vậy với khả năng của mình, chúng tôi chỉ đủ sức mua các trận đấu phát vào ngày thứ 7, không độc quyền và phát trên công nghệ HD.
Tại sao VTC đã có kinh nghiệm tham gia mua bản quyền phát sóng các giải đấu như thế này mà năm nay lại chậm chân hơn K+?
VTC không hề chậm chân hơn mà ngay từ đầu đã tham gia. Tuy nhiên, nếu như trước đây chỉ có các doanh nghiệp trong nước đưa ra bài toán với nhau để mua được bản quyền phát sóng thì năm nay câu chuyện đó không phải chỉ của các đài truyền hình trong nước nữa mà là câu chuyện có yếu tố cạnh tranh của nước ngoài.
Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu truyền hình K+ là một doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có đủ tiềm lực, đủ khả năng cạnh tranh về vốn để có thể giành được việc mua độc quyền.
Với việc xuất hiện một doanh nghiệp có yếu tốt nước ngoài có đủ lực để “giết” được các đài truyền hình trong nước về vấn đề mua bản quyền phát sóng, tôi e rằng thời gian tới, vấn đề mua bản quyền phát sóng còn ảnh hưởng không chỉ ở giải bóng đá lớn như ngoại hạng Anh mà tất cả các giải bóng đá khác, thậm chí cả các sự kiện thể thao văn hoá, các chương trình phát sóng quốc tế trực tiếp khác.
Hiện nay ở Việt Nam, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền chỉ có khoảng 5-6 thương hiệu lớn như VTC, truyền hình cáp Việt Nam, truyền hình cáp Hà Nội, truyền hình cáp của Đài truyền hình TP.HCM… Với mức giá bản quyền phát sóng cao như K+ trả lần này, các doanh nghiệp sẽ... chết vì không đủ tiền mua bản quyền phục vụ người xem.
Và khi đó không còn là câu chuyện ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng khán giả nữa mà là chính là tương lai của các đài truyền hình trả tiền Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Quả thực giá mua bản quyền truyền hình thời gian gần đây tăng như vũ bão. Từ mấy trăm ngàn USD giờ tăng lên tới hàng chục triệu USD. Lý do của tình trạng này?
Lấy ví dụ gần đây nhất. Khi giải bóng đá thế giới Worldcup 2010 diễn ra ở Nam Phi, Triều Tiên không đồng ý mua bản quyền các trấn đấu thì FIFA miễn phí hoàn toàn. Câu chuyện này khiến chúng ta cần có sự ngồi lại. Chính vì các đài truyền hình trong nước đang tranh nhau, “ông” nào cũng muốn giành được quyền phát sóng cho mình cuối cùng để người ngoài hưởng lợi. Mua bản quyền các giải đấu không còn là đấu thầu nữa mà thành đấu giá. Ai đưa giá cao hơn thì mua được, vì vậy giá bản quyền đã bị thổi lên không đúng với giá trị thực của nó.
Nếu như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình có thể ngồi lại với nhau thì câu chuyện này sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nhiều. Doanh nghiệp ngồi lại được với nhau cùng thống nhất cử ra một đại diện bỏ gói thầu này cho Việt Nam thì vừa có mức giá mua bản quyền chấp nhận được vừa không bị đối thủ ngoại giành mất. Nhưng từ xưa tới giờ chúng ta vẫn chưa có được văn hoá đó.
Nói ra thì sẽ bị cho là chụp mũ song thực tế hiện nay, các doanh nghiệp truyền hình Việt Nam đang hoạt động theo cách ông nào có sân chơi của ông đó, không ông nào chịu thoả thuận với ông nào về vấn đề này cả.
Vậy quan điểm của ông như thế nào về việc thành lập ra một hiệp hội để các doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung và cùng bảo vệ quyền lợi cho tất cả các thành viên tham gia?
Tôi hoàn toàn đồng tình, tán thành với việc thành lập ra một hiệp hội như vậy. Song việc Hiệp hội đó hoạt động như thế nào để thể hiện sự trung thực và sòng phẳng để thực sự bình đẳng cho mọi thành viên tham gia thì đó mới là vấn đề cần quan tâm. Tôi rất sợ lập ra một hiệp hội chỉ mang tính hình thức, còn hoạt động của nó vẫn bị thâu tóm bởi những yếu tố khác không công bằng thì không nên chút nào.
Xin cảm ơn ông!