Ðề: VTC HD 10 chỉ có tiếng
Kênh HDTV tại Việt Nam: Đã hoàn toàn là HD?
Máy thu HDTV vẫn chưa hợp túi tiền đại đa số hộ gia đình ở Việt Nam, còn các kênh truyền hình vẫn chưa hoàn toàn là HD
Tín hiệu mừng: một số đài truyền hình lớn đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ truyền hình độ phân giải cao HDTV. Tuy vậy, quanh chuyện này, còn lắm điều phải “xem rồi mới biết”!
Trên thế giới, tại các nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, hay châu Âu,… việc phát triển cơ sở hạ tầng được thực hiện có quy hoạch, đồng bộ. Khi xây nhà thì luôn kéo các vấn đề về truyền dẫn đi theo, như hệ thống điện, nước, điện thoại, truyền hình. Qua quá trình phát triển lâu dài, vô tình đã hình thành mạng lưới các hệ thống cáp trải xuống nhà người dân.
Bên cạnh đó, các kênh truyền hình là kênh truyền hình quốc gia, nên được chia mục rất rõ: thể thao một kênh, phim truyện một kênh,… Từ đó, hình thành nên mạng truyền dẫn tín hiệu quốc gia. Do vậy, việc phát triển lên HDTV rất dễ vì họ chỉ cần nâng cấp từ tín hiệu tương tự (analog) sang kỹ thuật số (digital).
Trong khi đó, ngành truyền hình Việt Nam lại phân cấp rất phức tạp: theo tỉnh, thành phố. Mỗi tỉnh, thành có một đài phát thanh-truyền hình riêng; nơi đó sản xuất tất cả nội dung nên số lượng chương trình rất lớn. Chính vì thế, việc nâng cấp sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Nam Dương, giám đốc điều hành Công ty Digital Video Solutions, nhận xét: “Ở Việt Nam, điều kiện cơ sở hạ tầng kém, truyền dẫn theo kiểu phát sóng tín hiệu, cứ đưa ăng-ten lên trời bắt sóng bằng băng tần UHF, VHF. Tín hiệu analog sẽ có hạn chế là không cho phép nâng chất lượng ảnh lên cao, không cho phép chất lượng hình ảnh đạt mức tối ưu hay sắc nét. Cho nên các chảo phát sóng muốn đi xa thì phải nối sóng.”
Việt Nam vẫn tiếp tục áp dụng công nghệ truyền hình analog là chủ yếu. Muốn chuyển sang HDTV, các nhà đài phải tính toán xem sẽ chọn hướng nào: truyền hình cáp, vệ tinh hay sóng mặt đất. Chọn hướng nào thì cũng phải tính xem người dùng có đồng ý bỏ tiền ra mua bộ giải mã chăng.
“Hiện nay, trong khoảng 14 triệu hộ gia đình tại Việt Nam thì chỉ mới có 7% là tham gia truyền hình trả tiền, còn lại 93% là xem truyền hình miễn phí. Tôi nói thật, ngay cả tín hiệu SD của nước ngoài cũng đã đẹp hơn HD của Việt Nam. Vì sao? Là do mình sử dụng thiết bị không đạt tiêu chuẩn nên màu sắc không đẹp. Các đài truyền hình địa phương còn đang loay hoay để đạt được tiêu chuẩn chất lượng SD, trong khi ở nước ngoài đã làm xong từ lâu rồi thì nói gì đến chuyện chuyển sang HD cho đẹp? Con đường lên HD theo tôi là phức tạp, không đơn giản như mọi người nói.” - ông Dương phân tích.
HD, hay chỉ là SD nâng cấp?
Muốn cung cấp HDTV, các nhà đài phải đầu tư rất lớn. Điều có thể nhìn thấy ngay là toàn bộ thiết bị, máy móc theo chuẩn SD trước đây sẽ phải bỏ đi, theo ông Dương.
Nói một cách sòng phẳng, thay đổi tận gốc sẽ là chuyện rất khó. Việc mua sắm, thiết kế lại tất cả theo chuẩn HD chắc chắn sẽ ngốn của nhà đài hàng trăm triệu USD. Theo ông Dương, các đài muốn đổi từ SD sang HD hoàn toàn thì phải thay toàn bộ quy trình sản xuất, và toàn bộ thiết bị sẽ “ném vô thùng rác”. May ra còn giữ lại được một phần trăm do… trùng khớp. Đó là chưa nói đến chuyện bảo người dân bỏ tiền mua thiết bị giải mã để phù hợp với chuẩn. Chuyện này chắc sẽ còn lâu.
Ông Dương khẳng định: “Có một cách, mà tôi nghĩ đây cũng là xu hướng bước đầu của nhà đài, là mua bộ nâng chất lượng. Đài đang dùng chuẩn SD, bộ nâng chất lượng này sẽ kéo giãn hình ảnh ra thành HD rồi truyền tín hiệu đi. Chỉ vậy thôi rồi bảo HD, chứ HD thật sự thì tôi nghĩ chưa đâu!”
Một bộ nâng chất lượng có nhiều giá, từ vài ngàn đến khoảng 20 ngàn đô-la. Xem ra, đây là một giải pháp trong giai đoạn đầu của các đài truyền hình: nâng cấp chất lượng hình ảnh chuẩn SD lên thành HD.
Theo ông Lê Đức Hùng, giám đốc Trung tâm Truyền hình cáp (HTVC), hiện HTVC cung cấp tám kênh HD, trong đó có một kênh HD của HTVC, hai kênh nâng cấp từ SD lên HD là HTV7, HTV9, còn lại là các kênh HD của nước ngoài. Như vậy, người dùng Việt Nam cũng sẽ được xem HD thực sự nhưng không phải của Việt Nam mà là HD của nước ngoài - những kênh HD nước ngoài miễn phí, nên nội dung không hay, không đáp ứng nhu cầu của người xem.
Muốn có kênh HD nước ngoài hay thì phải mua bản quyền, mà chuyện bản quyền thì còn lắm điều đáng bàn. Vậy người dân bỏ tiền ra đầu tư tivi HD, bộ giải mã, rồi mỗi tháng khoảng 100.000 đồng phí bản quyền chỉ để xem một số ít kênh nhưng nội dung không mấy hấp dẫn, liệu có nên?
“Truyền hình cáp hiện nay là hay nhất. Dần dần, truyền hình trả tiền cũng sẽ đi vào đời sống của người dân. Còn HDTV thì hiện nay nói thật ra chỉ là SD nâng cấp, chứ HD thực sự thì chỉ là chuyện nói cho vui, còn lâu lắm!” – ông Dương kết luận.
Theo MAI KHÔI - eCHIP
http://nhipsongso.tuoitre.vn/nhip-song-so/279487/Kenh-HDTV-tai-Viet-Nam-Da-hoan-toan-la-HD.html