Vọng Cổ - Tân cổ có phải là 1 không?

meoconlontonkl

New Member
Mình tìm trên mạng thấy có tân cổ và vọng cổ? Phần thể hiện tương đối giống nhau? Vậy không rõ vọng cổ và tân cổ có phải cũng một thể loại không?
Bạn nào biết giúp mình nhé8->
 

ngdhieu

Well-Known Member
Ðề: Vọng Cổ - Tân cổ có phải là 1 không?

1. Cải lương là gì?

Theo ngữ nghĩa Hán-Việt, Cải là sửa đổi, chỉnh đốn lại một vấn đề, sự kiện, sự vật từ cái gốc đã có sẵn; lương là làm đẹp hơn trên cái gốc đã có sẵn. Nôm na " Cải lương" là chỉnh sửa,và làm đẹp hơn cái gốc trước đó. Còn theo ngữ nghĩa phương Tây Cải lương tạm dịch đồng nghĩa với thuật ngữ tiếng Pháp: Renover, tiếng Anh là "Reformative" (adjective),"Reformated" (verb), "Reformation"(noun) : chỉnh lý, cải cách từ cái gốc có sẵn hay nói cách khác là sự cách tân theo qui luật phát triển của sự vật.
Còn ở Nam bộ , hai từ cải lương để chỉ đến một loại hình ca kịch truyền thống của phươbg Nam, có kịch và nhạc. Mà linh hồn của loại hình này là nền tảng của dòng âm nhạc tài tử Nam bộ( nhạc ngũ cung). Cái gốc của cải lương buổi đầu là sàn diễn được bắt nguồn từ hình thức chín muồi của " ca ra bộ". Phát triển theo thời đại, đến hôm nay thì cải lương có nhiều hình thức: cải lương sàn diễn( SKCL), cải lương audio ( cassette) và đài phát thanh (sân khấu truyền thanh), cải lương video (băng-dĩa đầuVCD)...Sân khấu cải lương vẫn là đơn vị gốc của loại hình ca kịch truyền thốnh dân tộc, được xác định với tiêu chí là loại hình Nghệ thuật Sân khấu tổng hợp gồm kịch bản (Tác giả), dàn dựng (Đạo diễn), biểu diễn (diễn viên), âm nhạc (nhạc sỹ-nhạc công), hội họa (họa sĩ), âm thanh- ánh sáng (kỹ thuật), có khi sử dụng cả nghệ thuật múa và điện ảnh...
Năm 1920 hai từ "cải lương" xuất hiện thay cho từ "gánh hát" trước dó- từ sự kiện ông Trương văn Thông lập gánh, đặt tên là "gánh cải lương TÂN THINH" lấy từ hai chữ đầu của hai câu liễn:
"CẢI cách hát ca theo tiến bộ
LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh"
của hai tác giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Biểu Quốc.
( trích từ báo Sân khấu )

http://tranquanghai.info/p1576-hat-cai-luong--ca-vong-co.html đã viết:
Đây là một lối hát mới có từ thời Pháp thuộc, phối hợp cổ kim, sử dụng đủ các bản hát cổ kim, các loại tuồng chèo, các loại ca bình bán, nam bình, nam ai, hò ca, vè và cả vọng cổ nữa.Cùng với các bản ca, các nhạc sĩ đệm nhạc bằng đủ loại nhạc cũ ,nhạc mới.
Do sự pha trộn này, cải lương có vẻ dồi dào, phong phú về ca và nhạc, và thích hợp với đủ mọi loại khán giả, nhất là dân chúng vùng quê miền Nam. Ở Bắc Việt, cho đến hồi tiền Genève, lối hát cải lương không mấy phổ cập trong thôn dã, không như ngày nay tại miền Nam, mọi người dân đều ưa cải lương, đặt cải lương vào một địa vị quan trọng của nghệ thuật.
Tại khắp các rạp hát miền Nam hiện thời đều có trình diễn cải lương, ở đô thị cũng như ở vùng quê. Và các vở cải lương được soạn ra rất nhiều, phỏng theo dã sử, phỏng theo những tiểu thuyết tình cảm và có khi cũng phỏng theo cả truyện kiếm hiệp, truyện thần thoại. Cũng đôi khi có những vở cải lương xã hội nội dung có phần nào đến với thực tế.
Cải lương đã thắng cả hát tuồng lẫn hát chèo, không hiểu đây có phải là một sự phân hoá của văn hoá chăng?

2. Vọng cổ là gì?

http://tranquanghai.info/p1576-hat-cai-luong--ca-vong-co.html đã viết:
CA VỌNG CỔ
Vọng cổ là một bài ca xuất xứ tại miền Nam và rất được phổ biến trong đại chúng. Vọng cổ giọng buồn não nùng ,tha thiết, dễ cảm, dễ xót xa. Có lẽ chưa bài ca nào được đại chúng miền Nam ưa thích bằng những bài vọng cổ. Thường một bản ca vọng cổ có 6 câu, nhưng trên thực tế, một câu, hai câu, ba câu...đều có thể được cả.
Trước 6 câu có một khúc nói lối. Dưới đây là ví dụ:
Noí lối
Em gọi tên người bằng niềm vui vô vọng, rồi buông rơi hai tiếng ấy giữa không gian, nhặt đâu đây vài cánh hoa tàn, em xếp lại để tủi buồn cho số kiếp. Kìa mấy cánh hoa rụng xuống giữa cô liêu, nó đã tàn uá, không còn dám luyến lưu tình bướm trắng.
Bài ca
Chị em ơi ,khó cho một cuộc đời vô vọng của những đoá hoa rơi rụng dưới chân đồi. Nó đã tàn phai nhan sắc tự lâu rồi. Nó đã xa lìa sự sốngcủa những ngày ủ mộng đờ xuân sang. Cát bụi sẽ phủ lên mình nó để rồi mưa nắng thời gian không còn biết nó là hoa gì, được mấy tuổi ước mơ mà chôn vùi nguồn mơ ước.
Chị em ơi, em muốn nói đời hoa ấy là em, là Thu Lan đã hơn ba năm nay hầu hạ dưới chân người, nó từng thức thâu đêm để nghe gió lạnh thổi dài, nghe lá rụng, nghe tâm tình thổn thức và để buồn vui theo ánh mắt của người yêu, nhưng em không có quyền thổ lộ, vì em đã lỡ yêu.Hương tình của thuở ban đầu lạt phai, thì đâu thể nào em lại nói tiếng yêu ai.
Chị em ơi! Em là kẻ tàn tật ,linh hồn trong trắng mà mảnh hồng nhan không che kín được vết thương.Nếu em có yêu thì yêu người đồng chung cảnh ngộ, người trong sạch linh hồn trong trắngmà tàn phế xác thân, người ấy đang cùng lương tri tâm hồn điên loạn cũng như em. Người ấy, người có quyền điều khiển đám tàn quân, có quyền oán vua hận chúa và người ấy là người đã từng phen hạ lệnh cho em dâng cơm, hầu nước, đốt lửa, giăng màn (1)
Về văn chương, những câu hát vọng cổ thường đại để như câu trên, chỉ than van, chỉ thương nhớ, nhưng với điệu ca, vọng cổ đã có những ma lực mãnh liệt để quyến rũ giới bình dân miền Nam và cả giới trí thức nữa.
Trong các rạp hát, khi ca sĩ hạ đến đoạn mùi là tất cả khán giả vỗ tay, và trong lúc ca sĩ hát, nhiều khán giả đánh nhịp chân, gõ nhịp tay theo giọng ca.
Về nguồn gốc giọng ca vọng cổ, có nhiều người đưa ra nhiều luận điệu khác nhau.
Nguyễn Tử Quang trong thử tìm xuất xứ bài vọng cổ, đăng trong bách khoa số 63, xuất bản ngày 15-8-1969, đã viết:
" Vào khoảng năm 1920, tại chùa Làng Hoà Bình ,tỉnh Bạc Liêu có một nhà sư, tên họ thật là gì,người làng không biết được mà chỉ biết pháp danh là Nguyệt Chiếu. Vì ở xa lại nên người ta không rõ được tông tích nhà sư.
Nhưng thấynhà nho sư học uyên thâm với tư tưởng ẩn dật, người ta đoán chừng là một văn nhân chống Pháp trong thời Cần Vương, nay thất thời nên tạm lánh mình vào cửa Phật.
Tuy đã đi tu, nhưng vẫn mang nặng tình non nước, lòng còn hoài bão chí khí lớn lao với một cuộc đổi thay, nên nhà sư mới đem tâm sự mình ký gở trên bài từ, đề là Dạ cổ hoài lang, nghĩa là Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng .Đại ý của nó cũng tựa như tác phẩm Chinh phụ ngâm của bà Đoàn Thị Điểm.
Bài thơ này lại được vào tay ông Sáu Lầu, một nhạc sĩ có danh tiếng lúc bấy giờ. Lời thơ tuy tầm thường nhưng có lẽ lúc bấy giờ, giữa đôi bên thông cảm được mối tình thương nhà nhớ nước nên ông Sáu Lầu mới lấy bài thơ ấy phổ ra nhạc.
Đó là bài Dạ cổ hoài lang nhịp đơn, âm điệu mường tượng hai bài Hành vân và Xuân nữ. Bài ấy lời lẽ như thế này:
Từ phu tướng,
Báu kiếm sắc phong lên đàng,
Vào ra luống trông tin chàng.
Thêm đau gan vàng,
Trông tin chàng,
Gan vàng thêm đau!
Chàng dầu say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm ngóng trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
Vọng phu, vọng luống trông tin chàng.
Năm canh mơ màng,
Chàng hỡi, chàng có hay.
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm tình thương.
Nguyện cho chàng
Đặng chữ bình an
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi.
Lúc đầu vọng cổ chỉ có thế, chỉ là bài Dạ cổ hoài lang. Bài này được đưa lên sân khấu bởi gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho đầu tiên , rồi lần lượt các gánh khác cùng sử dụng, nhất là trong các tuồng cải lương.
Rồi bài hát chịu sự biến đổi, từ Dạ cổ hoài lang, đổi sang thành Vọng cổ hoài lang, để về sau tên gọi được đơn giản hoá hơn với hai tiếng Vọng cổ
Những bài Vọng cổ được soạn ra, dài hơn,lâm ly hơn ,bi sầu não ruột hơn!
Điệu Vọng cổ buồn, phải chăng nó báo trước cái buồn của dân tộc Việt Nam ngày nay! Anh em đánh giết nhau, rồi bom rơi đạn nổ, bàn tay ngoại tộc đã dính vào, Bắc cũng như Nam, máu người Việt càng đổ nhiều vì khí giới dị bang! Những người có trách nhiệm vì quyền lợi riêng tư của mình không nhìn thấy tiền đồ của dân tộc.Người ngoại quốc, chúng có thương chi mình là người khác giống! Thử hỏi trong chúng ta ngày nay, mấy gia đình là không tang tóc?
Bản vọng cổ vẫn được hoan nghênh, cái điệu ca vong quốc này còn được nhiều người thích thú, có lẽ đất nước chúng ta còn chịu nhiều đau đớn, và nỗi u buồn của dân tộc còn dài dằng dặc không biết đến bao giờ!

3. Tân cổ là gì?

http://www.saungon.net/dutule/?itemid=37 đã viết:
“Tân-Cổ Giao-Duyên là gì?

“Là bài ca 6 câu vọng cổ được cắt bớt đi 2 hoặc 3 câu để xen vào đó một đoạn “Tân nhạc mà chúng ta gọi nôm na là nhạc mới.

“Sự kết hợp giữa Tân và Cổ nhạc thật là kỳ thú, đem lại cho người nghe những âm hưởng luôn luôn biến thoát, làm tăng thêm sự cảm khoái của...
... người thưởng thức và cả người nghệ sĩ diễn tả.

“Trước hướng đi lên của nền nghệ thuật mới, Nhà xuất bản ‘Ðồng Nai’ chúng tôi tiền phong cho ấn hành một loạt bài ca ‘Tân Cổ Giao Duyên’ để giúp cho các bạn mộ điệu có thể tự học lấy dễ dàng.

“Nhờ sự hợp tác của một số nhạc sĩ hữu danh Tân-Cổ, các bản nhạc này được trình bày bằng các phương pháp ký âm rất giản dị. Nhà xuất bản chúng tôi cũng đặc biệt nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông nghiên cứu ghi ký âm pháp sự hòa hợp giữa Tân và Cổ nhạc bằng các phương pháp dễ hiểu, hợp mọi trình độ nhạc lý.

“Mục đích nhằm vào:

“1- Giúp ca sĩ cổ nhạc và các Ban Tân và Cổ nhạc có thể nhìn vào bản này, hòa tấu ăn khớp ngay như bên giới Tân nhạc.

“2- Người ca sĩ cổ nhạc có dịp làm quen với các ký âm pháp, và trong thời gian ngắn sẽ ca hát rành rẽ các bài bản Tân nhạc như các ca sĩ Tân nhạc.

“3- Với lối trình bày tân-tiến hình thức của bản nhạc, người ca sĩ cổ nhạc khi cầm bản nhạc này trình bày trước nhạc hội, quan khách, sẽ làm tăng thêm vẻ duyên dáng lịch sự, trí thức như các ca sĩ tân nhạc mà ta vẫn thường thấy trên các sân khấu Ðại Nhạc Hội và Ðài Phát Thanh.

“Ngay bây giờ, các bạn mộ điệu muốn học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, hãy sưu tầm ngay cho đủ bộ các ấn phẩm của chúng tôi được đánh dấu từ số 1.

“Nhà xuất bản ‘Ðồng Nai’.”

Với tài liệu vừa trình bày, chúng ta thấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông không chỉ là một trong những người có công đầu về sự hình thành và, phát triển phong trào “Tân cổ giao duyên” mà, ông còn là người nghiên cứu và phổ biến nhu cầu ký âm để các bản nhạc “tân cổ giao duyên” có thể in ra cho các nghệ sĩ cổ nhạc cầm lên sân khấu hát một cách dễ dàng như một bản tân nhạc vậy.

Ðề cập tới nguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành hình thái nghệ thuật “Tân cổ giao duyên,” một số nhân vật tham gia từ đầu cho biết: Vào năm 1962, các hãng băng đĩa nhạc Saigon chuyên sản xuất các chương trình ca cổ nhạc thuần túy, bị thất thu nặng nề, vì số người mua đĩa sút giảm hẳn. Trước tình hình thương vụ bị suy giảm một cách đáng ngại, các hãng băng đĩa cổ nhạc bàn nhau, tìm một hướng đi mới, hầu cứu vãn tình thế. Thời gian đó, trong số các hãng chuyên sản xuất chương trình cổ nhạc có Kỹ Sư Ngô văn Ðức; du học ở Pháp về. Kỹ Sư Ðức nối nghiệp cha là ông Năm Mạnh, làm chủ hãng đĩa Asia. Hãng này chuyên in, sản xuất đĩa 33 và 45 tours, cung cấp cho các Trung tâm băng đĩa như Hồng Hoa, Sóng nhạc... Ông Ðức là người có công đứng ra mời gọi các soạn giả và, các chuyên gia âm nhạc hiến kế cải cách cấu trúc 6 câu của cổ nhạc. Và, Kỹ Sư Ngô văn Ðức đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn văn Ðông nghiên cứu lắp ráp phần tân nhạc, còn soạn giả Viễn Châu, tức Bảy Bá (nổi tiếng với bài ca cổ nhạc “Tình Anh Bán Chiếu” do Út Trà Ôn ca,) nhận lãnh nghiên cứu sắp xếp phần cổ nhạc, sao cho ăn khớp với phần tân nhạc... Kết quả nhạc sĩ Nguyễn văn Ðông đã cho xuất bản bài ca “tân cổ” mẫu; tựa đề “Hướng dẫn ca và kỹ thuật sáng tác bài tân cổ giao duyên.” (Sự kiện này,được nhà xuất bản Ðồng Nai ghi công, như chúng tôi đã sao lục ở trên).

Tóm lại, sự khai sinh của hình thái nghệ thuật “Tân Cổ Giao Duyên” là một công trình tập thể, với sự đóng góp tài năng, trí tuệ của nhiều người. Trong số đó, công lao của Kỹ Sư Ngô văn Ðức không nhỏ. Dù cho ông không phải là nhạc sĩ hay, nhà chuyên môn nghiên cứu âm nhạc. Tuy nhiên, một thân hữu khác của chúng tôi lại cho hay, vấn đề khởi nguồn “tân cổ giao duyên,” tới nay vẫn bị/được một số người trong nghề, cho rằng họ mới là những người có công...

“Nhưng tiếc thay, cho đến nay, chưa một ai, trong số những người đó, trưng dẫn được một bằng cớ cụ thể về ‘thành tích’ của họ!” Nhân vật này nói.

Trở lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, trong phần tiểu sử do một số trang mạng phổ biến thì, họ Nguyễn không chỉ có những đóng góp đáng kể cho phong trào “Tân cổ giao duyên” mà, ông còn là đạo diễn, viết nhạc nền, sáng tác ca khúc lồng trong trên dưới 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng ở miền Nam. Ðiển hình như các vở tuồng “Nửa Ðời Hương Phấn” của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng; “Sân Khấu Về Khuya” của soạn giả Năm Châu; “Mắt Em Là Bể Oan Cừu” của soạn giả Vân An v.v...
 

ngdhieu

Well-Known Member
Ðề: Vọng Cổ - Tân cổ có phải là 1 không?

BÀN VỀ XUẤT XỨ VÀ Ý NGHĨA CỦA TỪ "VỌNG CỔ"
Trần Phước Thuận
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 6 (73) năm 2005

Vọng cổ là một tên gọi rất quen thuộc với người Việt Nam, nhất là ở Bạc Liêu, ai cũng biết nó là một bản nhạc phổ thông nhất và tiêu biểu nhất trong cổ nhạc Nam Bộ. Vọng cổ hiện nay còn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu âm nhạc và thực tế đã có nhiều sách vở, nhiều cuộc hội thảo khoa học đề cập đến. Tuy nhiên tên gọi Vọng cổ từ đâu mà có và ý nghĩa đích thực của nó là gì thì đến nay vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng.

Lý giải vấn đề này có 2 ý kiến tiêu biểu. Một là, ông Cao Kiến Thiết (1) cho rằng: “Theo ba tôi kể thì năm 1919 thầy Thống tức ông Trần Xuân Thơ (2) người miền Bắc, giỏi chữ Nho, ngụ tại An Trạch Đông, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị ba tôi thay chữ Dạ cổ (tiếng trống đêm) thành Vọng cổ (tiếng trống vọng lại). Lý do là ba tôi lấy điển tích “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” làm nội dung của bài ca và bản nhạc. Bởi lòng Tô Huệ khi chức Cẩm hồi văn thì nghe tiếng trống đánh từ xa vọng lại, chứ không phải là tiếng trống đêm, cho nên chữ Dạ cổ thì tối nghĩa còn chữ Vọng cổ thì càng làm rõ điển tích này đã chọn. Và trong cuộc họp đó ba tôi đã đồng ý đổi chữ Dạ cổ hoài lang thành Vọng cổ hoài lang, nghĩa là theo tiếng trống vọng lại mà nhớ chồng. Nhưng lúc đó bản Dạ cổ hoài lang đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, nên phải mất thời gian khá lâu mới thống nhất được tên gọi “Vọng cổ”. Đây là lời phát biểu của ông Cao Kiến Thiết trong cuộc hội thảo khoa học về Cao Văn Lầu tổ chức tại Bạc Liêu năm 1989 (3).

Hai là, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (4) nói rằng: “Chính soạn giả Trịnh Thiên Tư (5) trong buổi lễ giỗ tổ cổ nhạc ở Bạc Liêu năm 1935 đã đề nghị với ông Sáu Lầu và mọi người như sau: Bản nhạc gốc 20 câu của ông Sáu vẫn nên gọi là Dạ cổ hoài lang vì đó chính là cái tên gốc, cái tên lịch sử không nên sửa đổi. Hơn nữa nhớ chồng lúc ban đêm là điều thích hợp với người chinh phụ, lại hợp với nội dung bản nhạc của ông Sáu. Chúng ta không thể lấy ý nghĩa và hoàn cảnh của nàng Tô Huệ như thầy Thống đã nói lúc trước để sửa đổi cái tên Dạ cổ hoài lang, vì đây là hai tác phẩm khác nhau, cũng như không thể lấy Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sửa Truyện Kiều của Nguyễn Du được. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay bản Dạ cổ hoài lang đã được biến thể sang nhịp 8, vậy cũng nên dùng 2 chữ Vọng cổ để đặt tên cho các bản đã được canh tân này. Nhưng Vọng cổ do tôi đề nghị hôm nay cũng không theo nghĩa “tiếng trống vọng lại” mà lại mang ý nghĩa “trông về truyền thống xưa”, vì các bản nhịp 8 tuy chữ đàn đã khác xa bản gốc, nhưng vẫn từ Dạ cổ hoài lang mà ra, vì vậy “truyền thống xưa” ở đây chính là bản Dạ cổ hoài lang. Ý kiến của ông Trịnh Thiên Tư được ông Sáu cùng mọi người chấp thuận và hoan nghênh nhiệt liệt. Và cũng từ đó đến nay mọi người đều gọi bản nhạc gốc là Dạ cổ hoài lang và gọi chung các bản được canh tân là Vọng cổ”.

Như vậy, từ Vọng cổ được xuất hiện do lời đề nghị của hai ông Trần Xuân Thơ và Trịnh Thiên Tư, nhưng từ Vọng cổ được sử dụng là của ông Tư hay ông Thơ? Muốn giải quyết vấn đề này ắt hẳn phải xác định cái nghĩa đang được sử dụng của nó, nói cách khác bản Vọng cổ ngày nay - cái tên của nó mang ý nghĩa gì?

Như trên đã nói từ Vọng cổ (望 鼓) của ông Trần Xuân Thơ, thì có nghĩa là “tiếng trống vọng lại”, còn từ Vọng cổ (望 古) của ông Trịnh Thiên Tư có nghĩa là “trông về xưa”. Như vậy về phần nghĩa của hai từ này không dính dáng với nhau nhưng phần âm lại đồng âm nên thường hay nhầm lẫn. Muốn xác định từ Vọng cổ mang ý nghĩa nào, tốt nhất là dùng tên gốc của nhạc bằng chữ Hán để chứng minh và dùng phương pháp so sánh để giải quyết vấn đề này?

Hiện nay có một bản rất phổ thông gọi là Tân cổ giao duyên (新 古 交 緣), bản được thành lập do phương pháp gối đầu Vọng cổ của soạn giả Mộng Vân và sau đó được nhiều soạn giả khác thực hiện bằng cách kết hợp giữa tân nhạc và bản Vọng cổ. Chúng tôi tạm mượn cái tên Tân cổ giao duyên này để làm cơ sở để truy tìm ra cái nghĩa đang được sử dụng của từ Vọng cổ. Tạm nêu ra hai trường hợp như sau:

1/ Nếu từ cổ ở đây có nghĩa là cái trống thì Tân cổ giao duyên (新 鼓 交 緣) sẽ được hiểu là “cái trống mới giao duyên”. Nghĩa là không phù hợp với kết cấu và nội dung của bản Tân cổ giao duyên. Nếu cố hiểu là “mới” và “cái trống” giao duyên với nhau lại càng không có ý nghĩa gì cả.

2/ Nếu từ cổ ở đây có nghĩa là xưa thì Tân cổ giao duyên (新 古 交 緣) theo nghĩa đen là “mới” và “cũ” giao duyên, nghĩa bóng muốn nói tân nhạc và cổ nhạc cùng hòa hợp, thật đúng với kết cấu và nội dung bản Tân cổ giao duyên.

Rõ ràng là trường hợp thứ nhất không hợp lý. Và như vậy, cổ ở đây được xác định là xưa thì Vọng cổ phải mang nghĩa “trông về xưa” hay “chiêm ngưỡng truyền thống xưa”, ý nghĩa này là do ông Trịnh Thiên Tư đề xuất.

Tóm lại: Từ Vọng cổ có xuất xứ tại Bạc Liêu và được sử dụng từ tháng 08 năm ất Hợi (1935) do lời đề nghị của soạn giả Trịnh Thiên Tư.

Căn cứ vào lời phát biểu của ông Tư và xét theo thực tế thì Dạ cổ hoài lang và Vọng cổ là hai bản khác nhau, nhưng Vọng cổ do Dạ cổ hoài lang mà có, vì vậy Vọng cổ phải mang ý nghĩa “trông về truyền thống xưa”.

CHÚ THÍCH
(1) Con trai lớn của ông Cao Văn Lầu.
(2) Thầy tuồng đoàn hát bộ của ông Ba Xú, một trong những đoàn hát đầu tiên ở Bạc Liêu.
(3) Từ Dạ cổ hoài lang, Nxb. Mũi Cà Mau, 1992, tr.84-85.
(4) Nhạc sĩ Năm Nhỏ (1921-1982), học trò nhỏ nhất của Nhạc Khị, cũng là người thừa kế thờ Tổ Cổ nhạc Bạc Liêu sau khi thầy qua đời.
(5) Tác giả sách Ca nhạc cổ điển - 1962, nhà ở xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu, ông cũng là bạn đồng môn với nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
 

cuongdoanvan

Well-Known Member
Ðề: Vọng Cổ - Tân cổ có phải là 1 không?

chà , kiến thức về cải lương của bác này dữ thật , có tốt nghiệp trường sân khấu khg hả bác :D
 

HacLongNinhKieu

Well-Known Member
Ðề: Vọng Cổ - Tân cổ có phải là 1 không?

Nói ngắn gọn (theo ngu ý của em) thì thế này cho dễ phân biệt
- Vọng cổ: Tình anh bán chiếu, Sở Bá Vương...
- Tân cổ giao duyên: Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà là nổi tiếng và nhiều người biết :)
 
Bên trên