Việt Nam quyết làm dự án điện hạt nhân đầu tiên sau 8 năm.
Vào 4/2, tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng đánh giá phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nhạy cảm nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cần thiết thành lập Tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách giúp Ban Chỉ đạo.

Đáng chú ý, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cần phải có những quyết sách đặc biệt, chưa từng có trong tiền lệ. Theo Nghị quyết số 189/2025/QH15 đã được ký vào tháng 2, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện song song với quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Hiện nay, có nhiều nước đang muốn ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam trong việc phát hiện năng lượng hạt nhân.
Vào tháng 2, tại buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và năng lượng giữa Việt Nam – Hàn Quốc, lãnh đạo Tập đoàn Posco International của Hàn Quốc muốn đầu tư điện hạt nhân, sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ thi công các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ (SMR) tại Việt Nam.
Hay vào 12/3, tại cuộc gặp Thủ tướng, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, Pháp và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) mong muốn tham gia dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, Mỹ và Trung Quốc cũng thể hiện mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển năng lượng hạt nhân. Vào 7/3, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tư vấn công trình điện lực Trung Quốc (CPECC). Tại buổi làm việc, CPECC bày tỏ mong muốn hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Cùng với đó, vào 13/3, Thủ tướng đã tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper để trao đổi về các lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy trong hợp tác nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Theo đó, Mỹ mong muốn mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân.
Theo Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam, từ những năm 2018 trở lại đây, các tổ máy điện hạt nhân tiên tiến thuộc công nghệ thế hệ 3+ (VVER-1200/AES-2006 của Nga; AP1000 của Mỹ; APR-1400 của Hàn Quốc, EPR-1750 của Pháp, ACR700 của Ấn Độ…) được đưa vào vận hành tại Nga, Trung Quốc, Belarus, Mỹ, UAE, Phần Lan, Pháp và Ấn Độ.
Thực tế, Mỹ, Trung Quốc, Pháp hay Hàn Quốc đều là những nước có công nghệ điện hạt nhân hiện đại top đầu thế giới. Theo World Nuclear News, một trong những điểm nổi bật trong công nghệ điện hạt nhân của Mỹ là việc áp dụng các hệ thống kỹ thuật số để giám sát và vận hành hiệu quả nhà máy, bao gồm công nghệ mô phỏng và phân tích dữ liệu lớn.
Điều này giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu rủi ro và tăng cường an toàn hạt nhân. Công nghệ này cũng áp dụng các hệ thống tự động hóa và quản lý từ xa, cho phép điều khiển nhà máy hiệu quả mà không cần sự can thiệp trực tiếp từ con người trong các tình huống khẩn cấp.
Hơn nữa, công nghệ này còn bao gồm việc sử dụng phần mềm quản lý để dự đoán và xử lý các sự cố có thể xảy ra, đảm bảo sự ổn định và an toàn trong suốt vòng đời của nhà máy. Đặc biệt, công nghệ SMR của NuScale có tính năng làm mát tự động, giảm thiểu các yếu tố phụ thuộc vào điện lưới và giúp nhà máy hoạt động bền vững hơn trong điều kiện khắc nghiệt.
Với Trung Quốc, Jacopo Buongiorno, giáo sư khoa học và kỹ thuật hạt nhân ở Viện Công nghệ Massachusetts từng nhận định, “Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về công nghệ nhà máy điện hạt nhân”. Xét về số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, Trung Quốc xếp thứ 3 trên thế giới với 55 lò và công suất hơn 53 gigawatt.
Thực tế, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng công nghệ vào xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt như dự án lò phản ứng nhỏ modular (SMR) mang tên Linglong One ở tỉnh Hải Nam đã triển khai hệ thống điều khiển thông minh, được ví như "trung tâm thần kinh" của nhà máy, kết hợp các chức năng an toàn với khả năng kiểm soát và hiệu suất vận hành được cải thiện.
Tại Pháp, các lò phản ứng thế hệ mới được sử dụng mô hình kỹ thuật số 3D toàn diện, cho phép mô phỏng hoạt động của lò trong các kịch bản khác nhau trước khi xây dựng. Điều này giúp tối ưu hóa thiết kế, giảm rủi ro và chi phí. Đặc biệt, các nhà máy điện hạt nhân thế giới mới được trang bị hệ thống điều khiển thay thế các bảng điều khiển công nghệ cũ. Từ đó cung cấp khả năng giám sát thời gian thực các thông số như nhiệt độ, áp suất, mức neutron và dòng nhiên liệu, tăng độ chính xác và phản ứng nhanh với sự cố.
Tại Hàn Quốc, công nghệ điện hạt nhân của nước này kết hợp giữa thiết kế lò phản ứng tiên tiến và khả năng tự chủ công nghệ, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch và xuất khẩu toàn cầu. Như lò phản ứng hạt nhân APR-1400 của Hàn Quốc sử dụng hệ thống điều khiển tự động toàn diện để giám sát và điều khiển các thông số vận hành như nhiệt độ, áp suất, dòng neutron và mức nhiên liệu trong thời gian thực.
Các lò APR-1400 tích hợp cảm biến thông minh và thuật toán tự động để phát hiện bất thường (như rò rỉ phóng xạ hoặc tăng nhiệt độ), kích hoạt các biện pháp bảo vệ như ngắt lò mà không cần can thiệp thủ công, World Nuclear Association cho biết.