Vậy đâu là lý do mà Bắc Kinh có quyết tâm lớn cho thế hệ mạng di động mới? MIT Technology Review vừa có bài viết trả lời câu hỏi này.
Trang tin Mỹ ghi nhận tình hình tại quận Phòng Sơn, ngoại ô thành phố Bắc Kinh. Trước đây, khu vực này nổi tiếng với nhà máy hóa dầu, nhà máy thép song ngày nay, quận bỗng trở thành một phần của cách mạng di động bao trùm khắp Đại lục: Đợt triển khai công nghệ 5G lớn nhất thế giới.
Mùa thu năm 2017, chính quyền Phòng Sơn và nhà mạng lớn nhất Trung Quốc China Mobile trang bị con đường dài 10 km với các tháp di động 5G. Từ tháng 9, giới doanh nghiệp sử dụng kết nối 5G để thử liên lạc giữa các phương tiện tự hành và môi trường xung quanh. Mạng 5G truyền dữ liệu từ cảm biến ô tô, cảm biến bên đường và camera video trên đường về trung tâm dữ liệu địa phương, nơi phân tích thông tin và gửi lại cho phương tiện để nó tự điều hướng.
5G làm được thế là nhờ cải tiến mạnh mẽ so với các thế hệ di động trước đó. Với 1G, bạn có thể đi bộ và trò chuyện; với 2G, bạn có thể gửi tin nhắn; với 3G, bạn truy cập được internet và với 4G, bạn có thể phát trực tuyến. 5G sử dụng cơ sở hạ tầng không dây hoàn toàn mới, với tốc độ nhanh hơn đến 100 lần so với 4G, loại bỏ gần như mọi sự chậm trễ.
Hiểu rõ tiềm năng của 5G, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, chính phủ Trung Quốc mô tả 5G là “ngành công nghiệp mới nổi” và “kỷ nguyên tăng trưởng mới”. Trong kế hoạch Made in China 2025, họ vạch mục tiêu trở thành nước sản xuất dẫn đầu, cam kết “tạo đột phá trong truyền thông thế hệ thứ năm”. Rõ ràng, Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc thực hiện tham vọng quy mô lớn.
Vì sao Trung Quốc dốc sức cho 5G?
Thứ nhất là vì lòng tự hào dân tộc. Quốc gia Đông Á xem 5G là cơ hội đầu tiên để dẫn đầu phát triển công nghệ không dây trên phạm vi toàn cầu. Các nước châu Âu là nơi đầu tiên dùng 2G hồi thập niên 1990, Nhật Bản đi tiên phong 3G thập niên 2000, còn Mỹ thì thống trị đợt tiến lên 4G năm 2011. Lần này, Trung Quốc quyết dẫn đầu thay vì đi theo. Trong cuộc phỏng vấn truyền hình, cựu chủ tịch Jianzhou Wang của China Mobile mô tả sự phát triển của ngành truyền thông di động Trung Quốc từ 1G đến 5G là “quá trình từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh”.
Thứ nhì là vì tiền. Chính phủ Trung Quốc xem 5G là yếu tố quan trọng cho công nghệ, kinh tế quốc gia. Sau nhiều năm chỉ làm được hàng “nhái”, các hãng Đại lục giờ đây muốn trở thành Apple, Microsoft. Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ, ước tính rằng 5G sẽ tạo thêm 8 triệu việc làm trong nước đến năm 2030. CAICT cho rằng các ngành công nghiệp lớn, trong đó có y tế, năng lượng sẽ chi tổng cộng hàng tỉ USD cho thiết bị 5G và dịch vụ không dây.
Trung Quốc làm gì để thực hiện tham vọng?
Chính phủ Trung Quốc kiểm soát cả ba nhà khai thác di động là China Mobile, China Telecom và China Unicom, đã và đang “hướng dẫn” các hãng triển khai mạng 5G thử nghiệm trên diện rộng tại hàng chục thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. China Mobile tuyên bố rằng chỉ các thử nghiệm của hãng thôi đã đủ đại diện cho đợt thử nghiệm mạng 5G lớn nhất thế giới.
Theo chỉ đạo từ chính phủ, giới doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu vào 5G từ năm 2013, bắt đầu thử nghiệm công nghệ này từ năm 2016. Nhà phân tích nghiên cứu Chris Lane thuộc hãng quản lý đầu tư Sanford C. Bernstein cho hay: “Các nhà mạng Trung Quốc xem công việc của họ là thực thi chính sách của chính phủ, trong khi hầu hết doanh nghiệp viễn thông toàn cầu thì cố gắng cân bằng yếu tố cạnh tranh, nên đầu tư với tốc độ chậm hơn”.
Bắc Kinh cũng cam kết cung cấp cho các nhà mạng lượng quang phổ 5G lớn. Đó là sự dàn xếp đi xa hơn so với những gì diễn ra tại Mỹ và nhiều nước, nơi doanh nghiệp trả hàng tỉ USD để có quyền sử dụng quang phổ 5G. Tần số vô tuyến mang tín hiệu không dây, rất quan trọng với dịch vụ di động, đặc biệt là 5G vốn cần băng thông rộng để cung cấp cho người dùng tốc độ cực nhanh.
5G sẽ được dùng ra sao?
Ban đầu, Trung Quốc muốn dùng 5G cho thành phố thông minh và ô tô kết nối. Ví dụ tiêu biểu là thành phố Xiong’an đang được xây dựng, cách Bắc Kinh khoảng 129 km về hướng tây nam. China Mobile và China Telecom lập mạng thử nghiệm tại đây. Giới doanh nghiệp, trong đó có Baidu, sử dụng mạng này để phát trực tiếp sự kiện trong thực tế ảo. Cũng như ở Phòng Sơn, 5G cho phép phương tiện tự lái truyền dữ liệu đến nhau để tránh va chạm. Chính quyền khuyến khích các nhà phát triển tạo ứng dụng trên nền tảng 5G liên quan đến cơ sở hạ tầng đô thị và y tế từ xa, trong khi doanh nghiệp muốn dùng 5G để tăng tính kết nối cùng độ thông minh cho thiết bị nhà máy.
“Các thành phố Trung Quốc rất hỗn loạn ở nhiều mức độ khác nhau. Chính phủ cho rằng 5G sẽ giúp họ quản lý người dân bằng cách giảm lưu lượng giao thông, giúp thành phố trở nên hiệu quả, đáng sống hơn”, chuyên gia phân tích chính sách công nghệ toàn cầu Paul Triolo thuộc Eurasia Group nhận định.
Việc tiếp cận 5G sớm giúp Trung Quốc đạt lợi thế trong việc phát triển, kiếm tiền từ nhiều dịch vụ cần 5G, hệt như những gì Thung lũng Silicon đạt được với Instagram, Uber hay YouTube sau khi mạng 4G LTE bao phủ. Vì Mỹ là nước đầu tiên cung cấp 4G trên diện rộng, các công ty Mỹ nhanh chóng tận dụng lợi thế này để bán ứng dụng trên toàn cầu. Trung tâm sản xuất của Trung Quốc là Thâm Quyến có tiềm năng làm điều tương tự với 5G, thiết bị kết nối với đám mây trước khi trở thành nơi đi đầu trong mảng internet vạn vật (IOT).
Mỹ đã thua Trung Quốc trong cuộc đua 5G?
Câu trả lời tùy thuộc cách bạn xác định cuộc đua này. Nếu xét hoạt động ra mắt dịch vụ thương mại dưới mọi hình thức, Mỹ dẫn trước Trung Quốc. Đơn cử, Verizon khởi động bán dịch vụ 5G thay thế cho băng thông rộng có dây trong nhà ở 40 thành phố Mỹ từ tháng 10; còn AT&T có kế hoạch giới thiệu dịch vụ 5G tại 12 thành phố Mỹ trước cuối năm nay. Ngược lại, nhà mạng Trung Quốc không có kế hoạch bán dịch vụ 5G đến năm 2020.
Song nếu bạn nhìn theo hướng một nước cần triển khai 5G đến tất cả thành phố lớn để khẳng định vị thế lãnh đạo, Trung Quốc có vẻ đã đi trước. China Tower, hãng xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nhà mạng Đại lục, cho biết họ có thể phủ 5G cho Trung Quốc trong ba năm kể từ khi nhận phân bổ từ chính phủ. Vậy là đến năm 2023, cả Đại lục sẽ có 5G. Tại Mỹ, quá trình này sẽ chậm hơn rất nhiều vì cần xây thêm cơ sở hạ tầng.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc có thể tung 5G nhanh hơn. “Lịch sử cho thấy nhà mạng Trung Quốc tăng tốc rất nhanh”, người đứng đầu mảng thương mại hóa 5G Thomas Noren của Ericsson nhận định. Bất kể nước nào giành vị trí dẫn đầu, việc triển khai mạng 5G sẽ không phải yếu tố duy nhất quyết định kết quả cuối cùng của cuộc đua 5G, vì sáng tạo và chủ nghĩa kinh doanh là hai yếu tố không kém phần quan trọng.
Theo Thanh Niên