Theo IBM Times, hệ thống làm việc trong Google được phân quyền rõ ràng, với các đội nhóm sản phẩm, từ dịch vụ tìm kiếm cho đến smartphone Android, đều hoạt động độc lập, mang về nhiều kết quả đáng kinh ngạc.
"Quy định 20%" nổi tiếng của Google cho phép nhân viên làm các dự án riêng bên ngoài công việc chính với thời gian lên đến 24 giờ mỗi tuần. Điều này đẩy mạnh khả năng sáng tạo sản phẩm và dịch vụ của nhân viên tốt hơn 10 lần so với các công ty đối thủ.
Sự thành công của Gmail, Google Maps, Google Docs, Chrome, Google Drive, Google Translate… là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, có một thứ vẫn chưa bao giờ thay đổi: kể từ khi thành lập, doanh thu chủ yếu của họ đến từ quảng cáo.
Không quảng cáo, không ổn?
Trong tổng doanh thu 60 tỉ USD vào năm 2015 của Google, chỉ 8 tỉ đến từ những dịch vụ không áp dụng quảng cáo. Con số này tăng lên 13 tỉ vào năm ngoái, nhưng vẫn ít hơn 14% so với tổng doanh thu. Từ đó dễ dàng suy luận rằng những dịch vụ, sản phẩm này chưa đem lại giá trị đáng kể cho Google.
Vấn đề không nằm ở sự đa dạng sản phẩm và cũng không phải do Google chỉ tập trung vào quảng cáo.
Họ đã mua Motorola trong năm 2012 bằng 12,5 tỉ USD với kế hoạch tham gia thị trường phần cứng. Nhưng Google đã nhanh chóng bán lại Motorala cho Levono chỉ sau 2 năm với giá 2,9 tỉ USD. Máy tính bảng Nexus của Google gặp khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ khác, và kính Google Glass hóa ra lại thất bại nặng nề.
Dường như một bàn tay vô hình nào đó tại Googleplex (trụ sở Google tại Mỹ) khiến những sáng kiến không chung đường với mô hình quảng cáo bị "gặp vận xui"?
Vấn đề nhân sự?
Rắc rối ở chỗ, bàn tay vô hình đó cũng đe dọa trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển dưới cái bóng của Google. DeepMind, một trung tâm thí nghiệm AI trụ sở tại London, đã được Google mua lại trong 2014 với giá khoảng 500 triệu USD.
Dù đạt được một số thành tựu vượt trội, DeepMind hiện đang bị Google ghẻ lạnh, không phải vì những bận tâm liên quan đến kỹ thuật, mà dường như vì yếu tố con người.
Thật ra Google đã có trong tay Google Brain trước khi mua về DeepMind. Google Brain là một dự án về nghiên cứu AI, tập trung vào máy học (machine learning), ngôn ngữ tự nhiên và nhiều công nghệ khác, với mục đích tạo ra một hệ thống máy tính có khả năng tìm kiếm và học hỏi từ những thứ có sẵn.
Lúc DeepMind về với Google, nhiều nhân viên đã tự hỏi đâu là vị trí của DeepMind tại công ty? Và khi DeepMind được giao nhiệm vụ kết hợp với bộ phận YouTube để mang về nhiều thành công hơn thì xảy ra vấn đề. Chẳng phải vì yếu tố kỹ thuật, mà là yếu tố con người - sự khác biệt về múi giờ và những bất đồng về hạn mức dữ liệu mà hai bên phải chia sẻ.
Là một công ty mang giá trị cao thứ ba thế giới, sở hữu danh sách các nhà khoa học máy tính giỏi nhất, đã tạo ra những bộ máy thông minh có thể học, hiểu, thực hiện tác vụ phức tạp, nhưng họ lại gặp rắc rối trong việc phối hợp ăn ý chỉ vì múi giờ và chia sẻ dữ liệu nội bộ. Tin được không? Vấn đề thiếu hợp tác có thể phá hỏng cả một chiến lược lâu dài của Google. Rõ ràng, câu chuyện của DeepMind và YouTube không chỉ là trường hợp duy nhất tại Google.
Vậy tại sao nhà đồng sáng lập Larry Page hay CEO Sundar Pichai không can thiệp cứng rắn hơn trong vấn đề này? Có lẽ sự can thiệp trực tiếp từ trên cao có khả năng đi ngược lại "bánh răng" văn hóa làm việc của Google, vốn dĩ mang tính đổi mới, cách tân từ dưới lên.
Google vừa qua đã kỷ niệm 20 năm thành lập công ty, nhưng nếu các quản lý cao cấp vẫn không thể can thiệp vào bên dưới để giải quyết những bất cập trên, họ vẫn sẽ chưa thể vượt qua Apple hay Amazon trong 20 năm sắp tới.
Theo Tuổi Trẻ