Truyền thông Mỹ: Trung Quốc phát thải khí nhà kính nhiều hơn cả Mỹ và nhiều nước phát triển khác

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Theo các thống kê mới nhất, lượng khí nhà kính phát thải của Trung Quốc đã tăng hơn gấp 3 lần và vượt mặt nhiều quốc gia phát triển về lượng khí thải CO2 như Mỹ và các quốc gia Châu Âu. Nguyên nhân được cho đến từ các nhà máy nhiệt điện than.

Các quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực thực hiện hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất, mục tiêu đó vẫn còn rất xa xôi.



Báo cáo mới nhất do công ty tư vấn và nghiên cứu Rhodium Group công bố hôm 6/5 cho biết, lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc trong năm 2019 đã vượt cả Mỹ và các nước phát triển cộng lại, đạt tới 14 gigaton CO2, tương đương khoảng 27% tổng lượng CO2 phát thải trên toàn cầu.

Lượng khí thải của Trung Quốc đã tăng hơn gấp 3 lần trong vòng ba thập kỷ qua. Các ước tính đo lường sáu loại khí nhà kính, bao gồm CO2 và metan.

Kate Larsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách khí hậu quốc tế tại Rhodium Group cho biết, sự gia tăng này làm chệch hướng các nỗ lực đạt được mục tiêu của thỏa thuận Paris hướng tới cắt giảm CO2 mạnh mẽ vào năm 2050.

Mỹ cũng không kém cạnh Trung Quốc về tỷ lệ phát thải

Mỹ đứng sau Trung Quốc và là nước phát thải lớn thứ hai thế giới khi chiếm tới 11% tổng lượng phát thải toàn cầu. Ấn Độ trong khi đó vượt mặt Liên minh châu Âu là 6,4% và chiếm vị trí thứ ba với 6,6% tổng lượng khí thải.

Nhóm Rhodium cho biết, lượng phát thải bình quân đầu người của Trung Quốc tính ra vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ, quốc gia có tỷ lệ khí thải bình quân đầu người cao nhất thế giới, ở mức 17,6 tấn/người.

Larsen cho biết, lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc tăng lên phần lớn là do mức sống được cải thiện, dẫn tới gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng điện (chủ yếu là điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch) cho các sản phẩm tiện ích. Đó là chưa kể vai trò của Trung Quốc là nhà sản xuất hàng hóa hàng đầu thế giới.

Sự tăng trưởng đó rõ ràng vừa đem tới mặt tích cực về kinh tế nhưng cũng khiến lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc tăng mạnh.

Trong một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tổ chức vào tháng trước, Trung Quốc đã nhắc lại cam kết đạt mức cắt giảm khí thải cao nhất trước năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon (không có sự gia tăng ròng khí thải nhà kính toàn cầu) vào năm 2060, chậm hơn một thập kỷ so với các nền kinh tế lớn khác. Nước này cũng cho biết sẽ dần kiểm soát và hạn chế mức tăng tiêu thụ than từ nay tới năm 2025 và dần cắt giảm mạnh trong những năm sau đó.

Cho đến thời điểm đó, Trung Quốc hiện tại vẫn ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên nước này sẽ tiếp tục xây thêm các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo nhu cầu năng lượng trong nước.



Mới đây, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, các dự án phát thải CO2 cao không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường sẽ bị tạm dừng.

Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài và đang tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong nước. Trung Quốc là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới và cũng tiêu thụ than lớn nhất.



Cũng theo ước tính sơ bộ của Rhodium Group về lượng phát thải năm 2020 cho thấy, trong khi tất cả các nền kinh tế lớn khác đều ghi nhận lượng khí thải giảm đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì lượng phát thải của Trung Quốc ước tính đã tăng 1,7%, một phần là do nước này vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế nhờ công nghiệp và khí đốt tự nhiên.

Rhodium Group là tổ chức độc lập chuyên cung cấp ước tính hàng năm về lượng khí thải từ hoạt động kinh tế cho hơn 190 quốc gia. Dữ liệu mới nhất đã tiến hành phân tích lượng khí thải từ năm 1990 đến năm 2019.

Theo Genk​
 

ketuong

Active Member
Cái gì cũng có giá của nó. Chứ còn lời cam kết chỉ như gió thổi qua tai khi lợi nhuận tức thời đã tính ra được!
 
Bên trên