Theo CNN, Tencent và ByteDance có trung tâm nghiên cứu cách Đại học Stanford chỉ vài bước. Không xa về phía đông, trên đường cao tốc 101 là trụ sở của Alibaba, Baidu và Didi Chuxing.
Các hãng internet kể trên lớn mạnh tại Đại lục, đất nước đang thúc đẩy đổi mới trong mảng mạng xã hội, thương mại điện tử và ô tô tự hành. Song sự hiện diện ở Thung lũng Silicon cho thấy những cái tên công nghệ lớn nhất Trung Quốc vẫn cần bí quyết từ Mỹ để duy trì tính cạnh tranh.
“Giới doanh nghiệp công nghệ Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc. Nhận định này không phải nói rằng các công ty Trung Quốc không giỏi đổi mới, song nếu họ muốn thứ tốt nhất thì vẫn phải đến Mỹ”, James Lewis, giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho hay.
Trung Quốc có kế hoạch đầy tham vọng là trở thành nước đi đầu công nghệ toàn cầu trong thập niên tới, cam kết đầu tư hàng trăm tỉ USD vào nhiều công nghệ đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái và siêu máy tính. Song nhóm tài năng công nghệ hàng đầu Trung Quốc nhỏ hơn ở Mỹ, nơi vẫn còn thu hút kỹ sư lẫn doanh nhân công nghệ thế giới đổ về.
Bằng cách lập văn phòng, trụ sở ở Thung lũng Silicon, công ty internet Trung Quôc dễ dàng tiếp cận sinh viên tốt nghiệp và các nhà nghiên cứu hàng top từ nhiều trường như Stanford, Viện Công nghệ California. Họ cũng có vị trí tốt để cạnh tranh với nhiều đối thủ Mỹ như Google, Facebook và Uber, các hãng cũng cố gắng thuê tuyển nhân tài. “Đó là cuộc săn nhân tài toàn cầu. Một hãng công nghệ tốt là nơi có nhân tài”, ông Lewis nhận định. Dưới đây là sơ lược những gì các hãng công nghệ lớn Đại lục đang làm ở thung lũng Silicon.
Vị trí văn phòng, trụ sở ở Thung lũng Silicon của các hãng công nghệ Trung Quốc
Hãng thương mại điện tử số một Trung Quốc thuê khoảng 350 người, làm việc tại nhiều văn phòng ở Thung lũng Silicon. Hãng mở văn phòng đầu tiên tại Santa Clara năm 2000. Văn phòng tập trung vào việc thuyết phục giới doanh nghiệp Mỹ bán hàng trên nhiều nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba. Một trung tâm ở San Meteo thì phát triển kinh doanh, kỹ thuật cho mảng điện toán đám mây của Alibaba và Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến lớn do Ant Financial, công ty con của Alibaba quản lý.
Alipay đang được chấp nhận một cách chậm chạp tại nhiều khách sạn, hãng bán lẻ ở Mỹ và hưởng lợi từ số khách du lịch đến Mỹ mỗi năm. Dù vậy, nỗ lực phát triển nhanh hơn nhờ thâu tóm dịch vụ chuyển tiền Mỹ MoneyGram không thành công khi bị giới chức Mỹ bác bỏ năm 2017. Năm nay, Alibaba mở rộng dấu ấn tại khu Bay Area với phòng thí nghiệm tập trung vào công nghệ chip và AI. Đây là một phần trong cam kết 15 tỉ USD mà Alibaba đưa ra năm ngoái, nhằm thành lập nhiều cơ sở nghiên cứu công nghệ mới nổi ở nhiều thành phố trên thế giới.
Baidu
Doanh nghiệp đứng sau công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc đầu tư mạnh vào AI. Hãng mở văn phòng đầu tiên ở Sunnyvale hồi năm 2011, mở thêm một trung tâm nghiên cứu, phát triển lớn vào năm ngoái. Công ty có khoảng 200 nhân viên ở Thung lũng Silicon. Họ làm việc với ứng dụng AI như dịch thuật đồng thời, robot và xe tự hành.
Baidu là một trong các doanh nghiệp đầu tiên xin giấy phép thử nghiệm xe không người lái ở California, được chấp thuận vào tháng 9.2016. Hãng còn có phòng thí nghiệm chuyên về AI với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu khám phá các lĩnh vực như khai thác dữ liệu, học máy và thị giác máy tính.
ByteDance
ByteDance là một trong các hãng internet lớn nhất, bận rộn nhất ở Trung Quốc lúc này. Bộ ứng dụng tin tức và video ngắn gây nghiện được điều khiển bởi thuật toán AI là yếu tố đưa ByteDance trở thành một trong các startup giá trị nhất thế giới. Hãng được định giá 75 tỉ USD trong vòng gọi vốn tháng 11, theo CB Insights.
Không như các hãng công nghệ Trung Quốc khác, ByteDance có nền tảng truyền thông xã hội thu hút được người dùng Mỹ. TikTok, ứng dụng video ngắn của ByteDance đang đứng top nhiều bảng xếp hạng gần đây, đạt hạng 1 trong danh sách ứng dụng miễn phí của US App Store hồi tháng 10. Đầu năm 2018, công ty mở văn phòng tại Menlo Park, khu có trụ sở Facebook, và tuyển dụng 50 người.
Didi Chuxing
Đây là hãng gọi xe số một Trung Quốc, đẩy Uber ra khỏi thị trường quốc nội năm 2016 sau cuộc chiến giành khách tốn kém. Với định giá 56 tỉ USD, Didi đang thách thức hoạt động của Uber tại nhiều thị trường khác. Phát ngôn viên của Didi cho hay đội ngũ ở Thung lũng Silicon của Didi phát triển sản phẩm và công nghệ an ninh cho hoạt động ở Brazil, Mexico, Úc và Nhật Bản.
Cũng như Baidu, Didi có giấy phép thử nghiệm xe tự lái ở bang California từ tháng 5. Didi Labs khai trương năm ngoái tại Mountain View, gần khuôn viên của Google, với 100 nhân viên.
Tencent
Hãng trò chơi và mạng xã hội này là một trong các công ty internet đầu tiên của Trung Quốc đến Thung lũng Silicon, lập cửa hàng vào năm 2007. Văn phòng ở Palo Alto của Tencent gần Facebook, hãng công nghệ Mỹ mà Tencent hay bị so sánh. Tencent là nhà đầu tư lớn vào nhiều gương mặt công nghệ khác của Mỹ như Tesla, Snap.
Mới đây, có thông tin cho hay Tencent sẽ xây dựng thêm cơ sở mới ở Palo Alto với sức chứa 250 nhân viên. Bên cạnh mảng game di động, AI và dịch vụ đám mây, đội ngũ ở California của Tencent còn chuẩn bị phát triển xe tự lái.
Theo Thanh Niên