Theo Bloomberg, lĩnh vực công nghệ là mục tiêu quan trọng với Đại lục trong bối cảnh nước này muốn tự sản xuất chất bán dẫn, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ ngoại.
Mới đây, các nhà đàm phán EU thông qua quy tắc toàn diện đầu tiên nhằm ngăn chặn các khoản đầu tư nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia, chủ yếu là vì họ không thoải mái với các thương vụ M&A đến từ Trung Quốc. Với sự thay đổi này, giới chức có khả năng tăng cường giám sát công nghệ sử dụng kép, tức được khu vực dân sự lẫn quân sự khai thác, phó giám đốc Mikko Huotari của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin (Đức) cho hay.
Pháp và Đức đặc biệt tập trung giám sát kỹ các thương vụ M&A từ Đại lục. Nhóm nhà thầu Trung Quốc đứng sau 4,4 tỉ USD giá trị thương vụ châu Âu từ đầu năm đến nay, tăng gần gấp đôi so với hồi năm 2017.
Theo luật mới, chính phủ các nước EU được phép yêu cầu thông tin và đưa ra ý kiến về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại một nước thành viên cụ thể. Quốc gia nơi khoản đầu tư được lên kế hoạch phải xem xét mọi ý kiến, quan điểm khi quyết định.
Giới chức EU kỳ vọng cơ chế trên sẽ giúp khu vực có cái nhìn rộng hơn về đầu tư Trung Quốc ở châu Âu, giữa lo ngại rằng nhiều doanh nghiệp có quan hệ gián tiếp với nhà nước đang thâu tóm không ít mảng kinh doanh quan trọng về mặt chiến lược.
Bà Schramboeck nhấn mạnh rằng cơ chế EU không chỉ nhằm vào các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc có vẻ như cảm thấy mình là mục tiêu. Phái viên Trung Quốc ở EU cho biết các khoản đầu tư của doanh nghiệp nước nhà vào châu Âu không là một phần của chiến lược chính trị, và nước này hy vọng EU có thể “tránh xa chủ nghĩa bảo hộ thương mại”.
Quy định mới vẫn cần được chính phủ EU và Nghị viện EU phê duyệt chính thức. Nếu ổn thỏa, nó sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2020.
Trong khi nhiều thương vụ như M&A Kuka và Aixtron làm nảy sinh tranh cãi, nhiều đợt M&A khác trong lĩnh vực công nghệ châu Âu diễn ra êm đẹp, ít bị báo động. Điều này có thể thay đổi theo hệ thống mới trong tương lai, vốn được thiết kế để nâng cao nhận thức giữa các quan chức về việc ai đang đầu tư vào đâu.
Với nhiều hãng châu Âu, được sở hữu bởi Trung Quốc đồng nghĩa với việc có cách tiếp cận được nguồn vốn cần thiết nhưng đôi khi khó lấy ngay tại châu Âu. Dù vậy, sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ M&A hơn trong tương lai có thể hạn chế lựa chọn kể trên.
Theo Thanh Niên