Theo CNBC, Huawei đang đối mặt hạn chế từ nhiều nước phương Tây vì lo ngại rằng sản phẩm của hãng có thể được dùng để gián điệp. Lùm xùm Huawei đến giữa lúc Mỹ và Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại kéo dài. Nhiều người lo rằng cuộc chiến thương mại đang lan sang thành “cuộc chiến công nghệ”.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ hôm nay 23.1, ông Zhu Min, cựu Phó Thống đốc PBOC, cho biết: “Tâm lý thực sự thay đổi vì chiến tranh kỹ thuật là cuộc chiến liên kết nhất, với vốn của Mỹ di chuyển khắp nơi và vốn của Trung Quốc di chuyển khắp nơi. Song tôi có thể nói với bạn rằng sau nhiều vụ việc về Huawei, tất cả tiền của Trung Quốc chảy vào Mỹ đều dừng lại. Và cũng không khoản tiền nào từ Mỹ nào muốn đầu tư vào Trung Quốc”.
Ngoài kinh nghiệm công tác tại PBOC, ông Zhu trước đây còn là phó Giám đốc điều hành tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Huawei thì là nhà sản xuất smartphone top đầu thế giới kiêm hãng đứng đầu về cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là thế hệ mạng di động 5G kế tiếp. Lo ngại an ninh về công nghệ của Huawei tăng lên trong những ngày gần đây, đặc biệt là tại Mỹ, Canada, Đức, Anh và Úc. Nhiều bài báo tiêu cực khiến đội ngũ quan hệ công chúng của hãng bị quá tải.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có thể đột ngột rút tiền khỏi Thung lũng Silicon hay không, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hony Capital, ông John Zhao, cho hay: “Nếu nhìn vào số liệu thì có. Song thực tế này thực sự chỉ ra nhiều điều nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì số liệu bắt đầu thể hiện. Dù nỗi đau ngắn hạn có thể được giải quyết, chúng ta cần cái nhìn dài hạn hơn”.
Hiện Baidu, Alibaba và Tencent là vài trong số các nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất vào Thung lũng Silicon. Tencent sở hữu 40% cổ phần của Epic Games, công ty đứng sau game nổi tiếng “Fortnite”. Baidu thì có nhiều phòng nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Thung lũng Silicon. Trung Quốc đã và đang công khai ý định trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu trong thập niên tới qua việc đầu tư hàng trăm tỉ USD vào nhiều công nghệ như AI và xe tự hành.
Theo Thanh Niên