Theo Bloomberg Businessweek, nhiều nhà thầu phụ Trung Quốc sản xuất cho hãng Super Micro Computer có trụ sở ở California (Mỹ) đã đưa microchip nhỏ cỡ hạt gạo vào bảng mạch của Super Micro, nhà cung cấp máy chủ tùy chỉnh và là nhà cung ứng bo mạch máy chủ lớn nhất thế giới.
Hãng tin cho rằng điệp viên Trung Quốc khai thác nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng công nghệ Mỹ để thâm nhập vào máy tính của gần 30 hãng Mỹ, trong đó có Amazon, Apple, một ngân hàng lớn và nhiều nhà thầu cho chính phủ.
“Sẽ thật đáng kinh ngạc nếu Trung Quốc có thể tích hợp bộ nhớ trong, CPU và truyền thông không dây vào một con chip nhỏ như thế. Thực tế là công nghệ chip của Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn đầu”, nhà sáng lập trang web an ninh mạng youxia.org, ông Zhang Baichuan, cho hay.
Việc tiếp cận máy chủ riêng tư thông qua phần cứng là quy trình phức tạp, đòi hỏi cả sự may mắn, người đứng đầu mảng chip Li Aijun tại hãng Intellifusion ở Thâm Quyến (Trung Quốc) nói.
“Cấy một con chip để thay đổi máy chủ mà không để lại dấu vết là không khả thi, vì các hãng Trung Quốc chỉ lắp ráp thành phần được thiết kế bởi nhiều nhà cung ứng. Bo mạch chủ chỉ hoạt động theo thiết kế ban đầu và việc cấy chip hack sẽ luôn dẫn đến kết quả thất bại vì nó không phải là một bộ phận ban đầu của thiết kế bảng mạch”, ông Li nhận định.
Chất bán dẫn được xem là công nghệ quan trọng trong kế hoạch “Made in China 2025” của Đại lục. Đây là lộ trình quốc gia được thiết kế để tăng cường năng lực sản xuất tiên tiến của Trung Quốc. Dù vậy, kế hoạch này là chủ đề gây mâu thuẫn trong căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Dù giới chuyên gia nhận định việc hack phần cứng là rất khó để thực hiện, hack phần mềm lại là câu chuyện khác. Tháng trước, CNBC đưa tin một nhóm chuyên gia bảo mật tại Tencent Holdings thể hiện cách họ hack Tesla Model S, điều khiển chiếc xe từ xa. Tencent thông báo cho Tesla về lỗ hổng và hãng xe điện Mỹ phải đưa ra bản cập nhập “vá” lỗ hổng bảo mật.
Theo Bloomberg, các bo mạch máy chủ được sản xuất tại Trung Quốc cho hãng Super Micro cuối cùng vào được trung tâm dữ liệu do hàng chục hãng Mỹ điều hành. Chip gián điệp từ đó cung cấp cho quân đội Trung Quốc cách truy cập vào dữ liệu bí mật và tài sản trí tuệ đáng giá. Bloomberg dẫn thông tin này từ một loạt nguồn tin ẩn danh.
Amazon, Apple và Super Micro phản bác thông tin trên Bloomberg. Giá trị thị trường Super Micro hạ đến 50% trong ngày bài báo được đăng tải. Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cùng Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh hiện tại đều tin tuyên bố của ba doanh nghiệp, cho rằng không có lý do gì để ngờ vực sự kiểm tra chi tiết của các hãng.
Chip gián điệp được Bloomberg mô tả là vừa vặn trên đầu bút chì. Ông Zhang cho rằng bộ vi xử lý được hãng Mỹ Intel phát triển có kích thước của một chiếc USB. “Dù công cụ gián điệp có thể nhỏ hơn, tôi không nghĩ là nó có thể nhỏ đến mức đó”, ông Zhang nói.
Một số hãng công nghệ Trung Quốc đang đang đẩy mạnh lợi thế của họ trong thiết kế chất bán dẫn. Huawei Technologies, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hồi tháng trước giới thiệu chip smartphone Kirin 980 dựa trên quy trình chế tạo 7 nanomet tiên tiến vốn được hãng sản xuất chip Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing dùng.
Theo Thanh Niên