Tên lửa đẩy Trường Chinh mang vệ tinh lên không gian. |
Trung Quốc vừa có một bước tiến xa hơn trong tiến trình kết thúc sự phụ thuộc vào các vệ tinh Mỹ để cung cấp các dịch vụ điều hướng và định vị bằng việc khai thác hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou) kể từ ngày 27 tháng 7.
Năm 2000, Trung Quốc đã phóng thử nghiệm một cặp hệ thống định vị vệ tinh vào quỹ đạo, đánh dấu mốc quan trọng trong việc giảm sự phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, phát ngôn viên Ran Chengqi còn thông báo rằng, năm 2012, Bắc Đẩu sẽ bao phủ toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và sau đó là toàn thế giới vào năm 2020.
Hiện tại, Trung Quốc đang có 10 vệ tinh hỗ trợ cho hệ thống định vị mới và dự kiến sẽ bổ sung thêm 6 vệ tinh nữa vào năm tới. Giới truyền thông nước này cũng tin rằng Bắc Đẩu của họ sẽ có tất cả 35 vệ tinh và được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như khí tượng, thủy văn, viễn thông...
Phạm vi chính xác của Bắc Đẩu đang là 25 mét, tuy nhiên tình hình sẽ được cải thiện vào thời gian tới với mục tiêu chỉ còn 10 mét.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc hiện đang có nhiều tham vọng trong việc chinh phục không gian, bao gồm việc sở hữu một trạm không gian và một chuyến đi có người lái lên mặt trăng. Mặc dù chính phủ nước này tuyên bố sẽ không bao giờ phát triển công nghệ vũ trụ cho mục đích quân sự, tuy nhiên các nhà phân tích nhận định rằng quá trình quốc phòng hóa không gian của Trung Quốc đang diễn ra nhanh chóng, trong đó việc thử nghiệm thành công tên lửa phá vệ tinh vào đầu năm 2007 là một minh chứng.
Theo Reuters
Chỉnh sửa lần cuối: