Theo The Wall Street Journal, Bắc Kinh có thể trì hoãn một số khía cạnh của chương trình công nghiệp đầy tham vọng đến năm 2035. Chương trình mà giới chức Đại lục gọi là “Made in China 2025” tìm kiếm tiến bộ về mặt robot, hàng không vũ trụ và năng lượng tái tạo cho Trung Quốc, song hiện là một trong các mục tiêu chính trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giới chức chính quyền ông Trump hôm 12.12 cho hay Bắc Kinh sẽ phải làm nhiều hơn để chấm dứt cuộc chiến thuế quan. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross kêu gọi Bắc Kinh đồng ý về các mốc thời gian, thời hạn để hành động cân bằng thương mại, mở cửa thị trường cho doanh nghiệp ngoại, theo Bloomberg.
Trung Quốc chưa ra quyết định cuối cùng về việc sửa đổi kế hoạch “Made in China 2025”, và hiện không rõ liệu họ có truyền đạt ý tưởng này cho chính quyền ông Trump hay không. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang hợp tác với Trung Quốc để chốt thỏa thuận trước ngày 1.3. Việc này có thể ngăn chặn sự leo thang thêm về thuế quan giữa đôi bên.
Kế hoạch công nghệ ít hùng hổ hơn có thể giúp giải quyết nhiều lo ngại của chính quyền Mỹ, trong đó có việc Bắc Kinh trợ cấp không công bằng cho giới doanh nghiệp Trung Quốc và đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Dù vậy, Nhà Trắng hoài nghi liệu Bắc Kinh có cam kết thay đổi chính sách vĩnh viễn không, và cảnh giác rằng những thay đổi trong chiến lược công nghiệp có thể không hơn nhiều so với việc “xây dựng lại thương hiệu”.
Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện nhiều bước nhằm xoa dịu quan hệ với Mỹ, trong đó có việc lên kế hoạch cắt giảm thuế quan áp lên ô tô Mỹ từ 40% xuống 15%. Trung Quốc cũng dự kiến sớm khôi phục mua đậu nành từ Mỹ. Tuần trước, nước này thông báo tăng cường cải cách lĩnh vực khoa học, công nghệ và nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bắc Kinh công bố “Made in China 2025” năm 2015, với mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo sản xuất tiên tiến trong một thập kỷ. Kế hoạch đặt mục tiêu vào 10 lĩnh vực mới nổi, trong đó có robot, phương tiện năng lượng sạch và công nghệ sinh học nhằm đẩy cao chuyên môn quốc gia trong việc nghiên cứu, phát triển và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Theo Thanh Niên