Trung Quốc bổ sung thêm hai vệ tinh vào hệ thống định vị Bắc Đẩu

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Vào lúc 11h26 ngày 26/12, tên lửa đẩy Trường Chinh 3B và Viễn Chinh 1 của Trung Quốc đã được phóng lên từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam nước này, đưa các vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu thứ 57 và 58 vào quỹ đạo định sẵn.

Đây là nhóm vệ tinh định vị quỹ đạo trái đất tầm trung đầu tiên được phóng lên kể từ khi hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu-3 (BDS-3) chính thức đi vào hoạt động ngày 31/7/2020. Tính đến nay, số vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc đang hoạt động trên quỹ đạo là 48, trong đó có 15 vệ tinh Bắc Đẩu-2 và 33 vệ tinh Bắc Đẩu-3.

Việc phóng 2 vệ tinh này được ông Tạ Quân (Xie Jun), phó kỹ sư trưởng dự án Bắc Đẩu-3 thuộc Tập đoàn Khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, cho biết là nhằm đảm bảo hệ thống Bắc Đẩu có thể cung cấp các dịch vụ an toàn, liên tục và đáng tin cậy. Ngoài ra, còn có thể thực hiện các thử nghiệm công nghệ cho thế hệ vệ tinh dẫn đường tiếp theo.

image.png
Sau khi được đưa lên quỹ đạo và hoàn tất các thử nghiệm, 2 vệ tinh này sẽ được kết nối với hệ thống định vị Bắc Đẩu, nhằm cải thiện hơn nữa độ vững chắc và tin cậy của chòm sao cũng như giảm rủi ro vận hành hệ thống. Việc tăng số lượng vệ tinh dẫn đường cũng sẽ giúp nâng cao hơn nữa độ chính xác và chất lượng định vị của BDS.

Hiện nay, mỗi khu vực trên toàn cầu có thể quan sát được ít nhất 6-8 vệ tinh BDS. Dữ liệu chính thức cho thấy, tính khả dụng tín hiệu không gian của BDS đã đạt 100%, tính liên tục của tín hiệu không gian là 99,996% vào năm 2023. Theo ông Tạ Quân, độ chính xác định vị toàn cầu của BDS là 5m, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương thậm chí còn tốt hơn, vượt xa các thông số kỹ thuật thiết kế.

Được biết, hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu-3 là hệ thống không gian lớn nhất và phức tạp nhất, phạm vi phủ sóng rộng nhất, hiệu suất dịch vụ cao nhất và liên quan mật thiết nhất đến cuộc sống người dân của Trung Quốc hiện nay.

Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 30 năm Trung Quốc xây dựng và phát triển hệ thống Bắc Đẩu. Trong đó, hệ thống Bắc Đẩu-1 hoàn thành vào năm 2000, phục vụ Trung Quốc; hệ thống Bắc Đẩu-2 hoàn thành năm 2012, bao trùm khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hệ thống Bắc Đẩu-3 hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2020, hướng tới toàn cầu.

Tính đến năm 2022, quy mô công nghiệp cốt lõi của BDS đã lên tới 140 tỷ nhân dân tệ (19,62 tỷ USD). Giá trị tổng sản lượng của ngành dịch vụ định vị vệ tinh của Trung Quốc cũng đã vượt 500 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Theo Vnreview
 
Bên trên