Trong khi chờ đợi Ryzen 4000 series (Renoir) với kiến trúc Zen 3 thì chúng ta hãy tạm thời diện kiến những phiên bản làm mới của dòng Ryzen 3000 XT (Matisse Refresh) chỉ vừa mới lên kệ hôm qua ngày 7 tháng 7 2020. Vẫn kiến trúc Zen 2 nhưng được cải tiến về xung nhịp từ đó mang lại hiệu năng tốt hơn và khả năng OC cao hơn theo hứa hẹn của AMD. Trong bài này mình chia sẻ về con Ryzen 9 3900XT.
Việc làm mới dòng Ryzen 3000 series vào thời điểm này không khó đoán bởi những chiếc bo mạch chủ dùng chipset B550 cũng chỉ vừa được AMD và các hãng tung ra trong thời gian gần đây. B550 mặc định hỗ trợ Ryzen 3000 và 4000 series nhưng ngày ra mắt của 4000 series vẫn chưa thấy đâu thì lúc này đội đỏ cần một thứ gì đó để kích cầu, cũng như có thứ để cạnh tranh với Intel thế hệ Comet Lake-S.
Vậy nên Ryzen 3000 XT được công bố với 3 phiên bản và đều là những phiên bản cải tiến từ những dòng chip bán chạy của AMD trước đó như Ryzen 9 3900XT (12 nhân 24 luồng), Ryzen 7 3800XT (8 nhân 16 luồng) và Ryzen 5 3600XT (6 nhân 12 luồng). Khác biệt của những phiên bản XT so với phiên bản non-XT đó là xung nhịp tối đa, phần còn lại như xung cơ bản, bộ đệm, giá bán vẫn không đổi.
- Ryzen 9 3900XT 12 nhân 24 luồng, xung cơ bản 3,8 GHz > Boost 4,7 GHz (cao hơn 100 MHz) so với Ryzen 9 3900X, 105 W;
- Ryzen 7 3800XT 8 nhân 16 luồng, xung cơ bản 3,9 GHz > Boost 4,7 GHz (cao hơn 200 MHz) so với Ryzen 7 3800X, 105 W;
- Ryzen 5 3600XT 6 nhân 12 luồng, xung cơ bản 3,8 GHz > Boost 4,5 GHz (cao hơn 100 MHz) so với Ryzen 5 3600X, 95 W.
Trở lại với Ryzen 9 3900XT thì mình giới thiệu lại về dòng Matisse dành cho anh em chưa biết. Matisse là dòng CPU cho máy tính dùng tiến trình 7nm đầu tiên trên thế giới và nó được cải tiến rất nhiều so với thế hệ Ryzen 2000 series trước đó dùng kiến trúc Zen+ với tiến trình 12nm. Vẫn sử dụng thiết kế chiplet quen thuộc, những con Ryzen 3000 series cho số lượng nhân nhiều hơn với bố cục 2 cụm CCD, mỗi cụm chứa tối đa 8 nhân và tùy theo phiên bản thì số nhân sẽ được cắt đi. Như Ryzen 9 3900X và cả phiên bản mới là 3900XT thì nó đều có 2 CCD với mỗi CCD 6 nhân. Nằm bên cạnh 2 CCD là cIOD hay nhân I/O nơi chứa các vi điều khiển bộ nhớ, PCIe và tất cả đều nối với nhau bằng cầu Infinity Fabric. So với các đời Ryzen trước thì cầu IF trên Ryzen 3000 series là thế hệ 2, ổn định hơn nhờ đó tăng tính tương thích RAM cũng như hỗ trợ các loại RAM DDR4 với xung cao hơn. IPC của Zen 2 cũng đã ở một level khác so với Zen hay Zen+ với tỉ lệ tăng tiến đến 15% mỗi chu kỳ xung. Ngoài ra các công nghệ tăng cường và duy trì về xung tối đa như Precision Boost 2 và XFR cũng được cải tiến.
Mình trước đây chưa từng dùng qua con Ryzen 9 3900X nên thật sự không rõ nó đạt hiệu năng ra sao từ đó có thể so sánh với Ryzen 9 3900XT. Vậy nên mình đi hỏi dò những người bạn đang sử dụng Ryzen 9 3900X và thật thú vị khi con Ryzen 9 3900XT thể hiện khả năng OC tốt hơn. Theo thống kê của thì chỉ 6% Ryzen 9 3900X có thể đạt mức xung 4,2 GHz toàn nhân với mức điện áp Vcore thấp. Mình thì có lẽ may mắn khi trung Silicon Lottery với một con Ryzen 9 3900XT có thể chạy 4,5 GHz toàn nhân.
Dàn máy mình lắp test gồm:
- MOBO: ASUS ROG Strix B550-E Gaming;
- RAM: Gskill TridentZ Neo DDR4-3600 CL16 8 GB x2;
- SSD: Plextor 256 GB (OS) + 512 GB (Game);
- GPU: Nvidia GeForce RTX 2060 Super FE;
- PSU: FSP Hydro G 750 W 80 Plus Gold;
- Case: Corsair Carbide 175R;
- Cooler: EK-AIO 360 D-RGB.
Con nguồn lần này mình xài con FSP Hydro G 750 W Plus Gold mới mua để thay cho con InWin C900W dùng nhiều năm nay. Dòng Hydro G là dòng cao cấp với thiết kế dây nguồn modular, cáp dẹp và công suất tốt và mức giá cũng dễ chịu cho một con nguồn 750 W. Anh em đừng tiếc tiền mua nguồn nhen, nguồn tốt thì linh kiện mới bền được, nguồn chính là trái tim của hệ thống.
Cặp RAM lần này cũng khác chút, lần trước mình test Ryzen 3 3100 cũng với một kit RAM TridentZ Neo DDR4-3600 nhưng timing không ngon, giờ thì timing kit DDR4-3600 này cực tốt với CL16 16 16 36. Những con Ryzen 3000 series thì đặc thù xung của cầu IF mặc định ở 1800 MHz nên DDR4-3600 sẽ cho hiệu năng tối ưu nhất, anh em nên lưu ý điều này.
Bo mạch chủ là con B550-E Gaming của ASUS mà trước đó mình có giới thiệu với anh em trong bài chia sẻ về nền tảng chipset B550. Trong số những chiếc bo B550 mới lần này thì B550-E Gaming theo đánh giá của mình là một chiếc bo cao cấp với trang bị không thua gì những chiếc bo X570 trước đây. Dàn VRM 14+2 Power Stage, heatsink to nạc cho khả năng tản nhiệt VRM tốt, rất cần thiết cho nhu cầu OC.
Card thì vẫn là gương mặt thân quen Nvidia GeForce RTX 2060 Super Founders Edition. Đây vẫn là GPU có hiệu năng và giá tốt nhất mà mình từng đánh giá của đội xanh.
Giờ thì lắp vào chơi thôi:
Đây là nhân vật chính AMD Ryzen 9 3900XT, vẫn là socket AM4 và vẫn là cơ chế lắp quen thuộc. AMD sẽ tiếp tục dùng AM4 cho đến Ryzen 4000 series, phải 5000 trở đi mới đổi socket thành ra đây là nền tảng socket có thể nói được hỗ trợ lâu nhất trên máy tính. Để bắt chiếc tản EK-AIO 360 D-RGB này thì anh em cần phải tháo 2 cái ngàm nhựa lắp sẵn trên bo ra, vẫn giữ lại backplate sau để bắt 4 con ốc đi theo thiết kế mount của tản.
Mặt lấy nhiệt của block tản, so với những chiếc tản nước mà mình từng xài, đa phần là tản của Asetek thì mặt lấy nhiệt trên tản EK lớn hơn và toàn bộ hệ thống block, pump này được EK thiết kế riêng để tránh dính bản quyền của Asetek. Cơ chế gắn 2 cái gông (mount) hình càng cua đơn giản dễ lắp. Bề mặt này đã được phủ sẵn một lớp keo tản nhiệt nên anh em không cần phải trét thêm, trừ khi sau này có tháo ra thì vẫn còn một tuýp keo sơ cua đi kèm.
Block đã được bắt vào xong với 4 con ốc ở 4 góc, có thể thấy block tản EK làm rất to, đầu 2 ống nước vào được bọc kim loại và ống cũng được bọc bằng dây dù bện rất đẹp mắt. Tuy nhiên nếu lắp hướng này thì sẽ cấn slot RAM gần nhất, để tránh cấn RAM thì anh em đảo chiều lại, mình thì chỉ xài 2 thanh RAM chạy kênh đôi nên slot đầu không thành vấn đề.
Rad 360 bắt phía trước thùng Carbide 175R đi kèm là 3 quạt 120 mm. 3 chiếc quạt này chính là EK-Vardar S 120ER D-RGB, nó có áp suất tĩnh ở 2,89 mmH2O và lượng khí 66,04 CFM. Pump trên block có tốc độ tối đa 2600 rpm còn quạt tối đa 2200 rpm. Cả block và quạt đều hỗ trợ đèn RGB 5V đồng bộ với header Addressable RGB trên bo mạch chủ.
Mình trở lại những bài test quen thuộc với Cinebench R15, R20 và 3DMark. Thiết lập đầu tiên mình test là để mọi thứ mặc định trên BIOS, bật D.O.C.P (XMP) để kit RAM có thể chạy đúng xung DDR4-3600, mọi thứ có lại như xung, Vcore, LLC mình để BIOS tự quản lý. Thiết lập thứ 2 là bật D.O.C.P và bật cả tính năng ASUS Multi-Core Enhanced để cải thiện hiệu năng đa nhân và cuối cùng là OC lên 4,5 GHz toàn nhân với Vcore 1,37 V.
Như anh em có thể thấy Ryzen 9 3900XT đạt hiệu năng đa nhân đồng điều tầm 3000 điểm Cinebench R15 và khoảng 6800 điểm Cinebench R20. Nếu để mặc định như vậy thì con CPU này chỉ đạt mức xung đa nhân ở 4,25 GHz và xung đơn nhân cũng không lên đến 4,7 GHz. Đây là điều khá lạ bởi tính ra hệ thống vẫn khá mát mẻ, chiếc bo B550-E Gaming của ASUS có dàn VRM tốt và nguồn cũng dư. Mình cũng đã cập nhật lên BIOS mới nhất cho chiếc bo này nhưng khi chạy các bài test đơn nhân thì không lên được và mức xung đơn nhân tối đa mình thấy trong quá trình sử dụng máy là 4,5 GHz.
Đó là lý do khiến mình trở lại BIOS và bật MCE cũng như Precision Boost để thử xem con CPU có lên 4,7 GHz không nhưng vẫn không thấy mức xung 4,7 GHz. Riêng có một điều chắc chắn là khi bật MCE thì hiệu năng đa nhân được cải thiện đáng kể, xung đa nhân lên 4,3 GHz và giữ đều xung hơn. Tuy nhiên nói về hiệu năng vượt trội thì phải OC nó lên 4,5 GHz toàn nhân. Khi OC 4,5 GHz toàn nhân thì hiệu năng đa nhân lẫn đơn nhân đều cao hơn hẳn (những đường màu cam trong bảng trên). Thử so điểm số cao nhất của Cinebench R20 đa nhân ở 4,5 GHz toàn nhân và mặc định thì mức chênh lệch đến 10% và Cinebench R15 là gần 13%. Chênh lệch hiệu năng đơn nhân là 3,7% với Cinebench R20 và 3,4% với Cinebench R15. Cũng qua bài test Cinebench R15 và R20 thì việc khóa xung ở 4,5 GHz với Vcore cố định sẽ cho hiệu năng tốt nhất.
Tương tự khi test với 3DMark Fire Strike Physics (mô phỏng đồ họa DX11) và Time Spy CPU (mô phỏng đồ họa DX12) thì mức xung 4,5 GHz toàn nhân cho kết quả cao hơn với Time Spy nhưng không chênh nhiều với Fire Strike. Điều này có nghĩa lợi thế về xung 4,5 GHz toàn nhân sẽ phát huy khi chúng ta chơi những tựa game dùng DirectX 12.
Như vậy đã rõ, 4,5 GHz là mức xung ngọt nhất của con Ryzen 9 3900XT mình đang xài. Anh em lưu ý rằng việc con Ryzen 9 3900XT mà anh em mua có thể sẽ không đạt được mức xung 4,5 GHz toàn nhân bởi điều này tùy thuộc rất nhiều vào binning của AMD cũng như may mắn và cũng tùy thuộc vào chiếc bo mạch chủ mà anh em xài. Mình có hỏi một người bạn cũng đang test Ryzen 9 3900XT và anh này báo chỉ có thể đưa lên 4,3 GHz toàn nhân với tản nhiệt nước AIO.
Là một con CPU 12 nhân nhưng lại có mức giá phổ thông thành ra nhu cầu của anh em khi sử dụng con CPU này có thể là để render, có thể để vừa chơi game vừa stream lên các nền tảng hay như mình chỉ đơn thuần là để trải nghiệm. Mình tiếp tục test với các phần mềm render như Corona, V-RAY và Blender. 4,5 GHz toàn nhân tốt hơn rất nhiều so với xung mặc định.
Chẳng hạn như Corona, thời gian hoàn thành bài test được rút ngắn 5 giây với tốc độ dựng 6.826.960 rays/giây, nhiều hơn gần 440.000 rays/giây so với mức xung mặc định. Tương tự với V-RAY, số mẫu ksamples cũng nhiều hơn gần 2000 mẫu so với mức xung mặc định tức nhanh hơn 10%. Blender mình cho chạy 2 sample là BMW và Classroom thì thời gian được rút ngắn xuống lần lượt là 11 giây cho bài test BMW và đến 39 giây cho bài test Classroom. Như vậy hiệu năng render chênh lệch giữa xung mặc định và OC đã quá rõ rồi hen.
Tiếp theo là kiểm tra tốc độ truy xuất của bộ đệm và bộ nhớ RAM với AIDA Cache Memory Benchmark và 7-zip, nhìn chung mức xung OC đều cho kết quả tốt hơn đáng kể.
Thử hiệu năng encode/decode bằng Handbrake với clip mẫu là Big Bug Bunny 4K@60fps cho chuyển đổi sang 1080p@30fps với preset Very Fast thì tỉ lệ khung hình trung bình không chênh lệch nhiều và thời gian cũng không nhanh hơn bao nhiêu.
Với game thì sao? Như ở phần benchmark 3DMark thì giữa mức xung mặc định và xung 4,5 GHz toàn nhân, hiệu năng chênh lệch nằm ở các tựa game DirectX 12. Trước giờ mình chỉ chơi và test chủ yếu là các tựa game GPU bound nên sự chênh lệch về tỉ lệ khung hình trung bình giữa mức xung thấp và cao của CPU không nhiều. Lần này thì kết quả test lại khiến mình ngạc nhiên, chẳng hạn như tựa game Shadow of the Tomb Raider (DX12), thiết lập Highest chơi ở độ phân giải FHD thì mức xung 4,5 GHz cho trung bình 106 fps còn mặc định là 103 fps.
Warzone và CS:GO là 2 tựa game cần CPU nhiều hơn và kết quả giữa 2 thiết lập xung cũng rõ ràng. Warzone với xung 4,5 GHz trung bình chơi được ở 108 fps, khung hình cao nhất ở 148 fps và thấp nhất ở 91 fps. Nếu để mặc định thì tỉ lệ khung hình trung bình là 104 fps với khung hình cao nhất ở 134 fps và thấp nhất ở 85 fps. Đây là kết quả khung hình khi mình test với phần Battle Royal Training.
CS:GO mình chơi màn Dust II trọn vẹn 1 match và khung hình trung bình khi chơi ở 4,5 GHz toàn nhân lên đến 298 fps, khung hình cao nhất ở 391 fps và thấp nhất ở 180 fps. Để mặc định được trung bình 282 fps, khung hình cao nhất ở 372 fps và thấp nhất ở 183 fps. Như vậy anh em đang dùng những chiếc màn hình có tốc độ quét đến 240 Hz sẽ có thể trải nghiệm tỉ lệ khung hình rất cao, rất mượt mà khi chơi GS:GO.
Về nhiệt năng và điện năng tiêu thụ thì ở bản BIOS mình test là 0608, nếu để mặc định thì Vcore rất cao, chỉ giảm khi chạy các bài test nặng. Theo quan sát của mình, khi không tải thì Vcore lại là 1,4 V và nhiệt độ khi không tải ở 56 độ C. Tuy nhiên khi cho chạy Cinebench R15 đa nhân thì Vcore tự động giảm xuống còn 1,325 V trung bình và lúc này con Ryzen 9 3900XT chỉ ăn khoảng 140 W và nhiệt chỉ là 70 độ C với mức xung 4,25 GHz. Khi stress test bằng AIDA64 thì nó chỉ ăn 122 W trung bình và nhiệt độ sau hơn 30 phút là 78 độ C. Khi OC thì mình khóa Vcore ở 1,37 V cho mức xung 4,5 GHz và anh em có thể thấy sự chênh lệch về nhiệt độ cũng như độ ăn điện của nó. Chiếc tản EKWB đã giúp nó giữ mức xung toàn nhân 4,5 GHz rất tốt qua các bài test và nhiệt độ không lên đến 90 độ C thành ra mình hài lòng về hiệu năng OC của Ryzen 9 3900XT cũng như những linh kiện mới đợt này. Điều kiện test là phòng lạnh 26 độ C và case mở.
Nhìn chung Ryzen 9 3900XT vẫn là một con CPU rất chất lượng của đội đỏ và so với phiên bản non-XT thì đúng là hiệu năng OC đã được cải thiện. Dù vậy mình vẫn chưa thấy con CPU này lên lên được mức xung 4,7 GHz trong suốt quá trình sử dụng và không ngoại trừ khả năng là BIOS của chiếc bo ASUS vẫn chưa ổn định. Tính tới thời điểm mình hoàn tất bài test thì BIOS mới nhất là 0608 nhưng đến hôm nay mình kiểm tra lại BIOS trên ASUS thì đã là bản 0805. Vậy nên anh em cũng cần phải kiểm tra cập nhật BIOS thường xuyên để đảm bảo hiệu năng của con CPU cũng như khắc phục các vấn đề phát sinh, đặc biệt là độ ổn định khi OC và tăng tính tương thích.
4,5 GHz là một mức xung cao đối với một con vi xử lý 12 nhân và ngoài việc cho hiệu năng chơi game tốt thì mức xung đa nhân này này mang lại lợi thế đáng kể khi thực hiện các bài test render. Vậy nên theo mình khi anh em mua Ryzen 9 3900XT, hãy thử OC nó lên trên mức xung 4,2 GHz toàn nhân thay vì để mặc định chạy.
Nguồn: Tinhte.vn