Trải nghiệm chụp ảnh bằng Galaxy A 2017 trong nhiều điều kiện - xứng đáng trong tầm giá

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Nếu như dòng Note được định vị như cuốn sổ ghi chép tiện lợi với bút S Pen linh hoạt, dòng Galaxy S được phân vào nhóm cao cấp sang chảnh với những tính năng hiện đại nhất luôn được bổ sung thì dòng Galaxy A được Samsung ưu ái xếp ngay vị trí thứ 3 với phần cứng và tính năng không thua kém nhiều so với hai anh lớn ở trên. Năm nay, A7 (2017) tiếp tục được nâng cấp từ A7 (2016) với màn 5,7 inch, màu sắc hiển thị tốt, tươi và chính xác hơn tuy độ phân giải chỉ dừng lại ở Full HD. Cảm giác cầm cũng đầm tay và thoải mái hơn nhờ vào thiết kế lưng vát vừa phải. Rồi còn chip Exynos 7880 8 nhân 1,9GHz 64 bit, RAM 3GB, pin 3.600 mAh, chống nước chống bụi, bảo mật vân tay nhanh nhạy…

Nhưng là người thích chụp ảnh, nên mình quan tâm đến camera của máy cũng như khả năng chụp ảnh hơn. Về camera, Samsung đã trang bị cảm biến 16MP cho cả camera chính ở mặt sau lẫn phụ ở mặt trước, khẩu độ f/1.9 trong khi thiết kế đã không còn lồi nữa – an tâm phần nào cho những tín đồ của bộ môn nhiếp ảnh điện thoại (mobiography) trước những tai nạn gây trầy xước ống kính.

Diễn đàn đã từng có bài thi thố khả năng chụp dưới nước của A7 (2017) với iPhone 7 ở đây với phần nhỉnh hơn thuộc về chiếc điện thoại nào thì cũng đã rõ. Nay, mình rảnh rỗi sinh nông nỗi nên tiếp tục lôi em nó đi chụp thêm trong các điều kiện:

1/ Ánh sáng ban ngày.

2/ Ánh sáng đèn neon

3/ Ánh sáng đèn mờ trong phòng trưng bày.

4/ Ánh sáng đèn halogen ở đường sách Nguyễn Văn Bình vào lúc 8g tối.

5/ Ánh sáng đèn đường.

6/ Ánh sáng đèn trong bưu điện trung tâm thành phố.

7/ Chụp đồ vật với ánh sáng của nến.

Để khỏi mất thời giờ của các bạn, chúng ta bắt đầu ngay với các ảnh chụp với ánh sáng ban ngày. Mình chụp toàn bộ với chế độ tự động, chỉ chọn chủ thể lấy nét - đo sáng còn máy tự cân sáng.

hdvn - Copy.jpg
Vẫn biết là điện thoại chụp ảnh mà trong môi trường đủ sáng như ban ngày thì ảnh có chất lượng từ khá trở lên là đương nhiên, hơn nhau chụp đêm kìa. Tuy nhiên, với ảnh này - lấy nét và đo sáng ở chóp tháp của tòa nhà Metropolitan - A7 (2017) vẫn mang lại cái nhìn thiện cảm qua độ sắc nét của các chi tiết không chỉ thuộc về tòa nhà mà còn bức tượng Đức Mẹ ở vùng gần cận rìa bên phải. Màu sắc tương phản đâu ra đó.​

hdvn3.jpg
Ảnh này mình cũng lấy nét và đo sáng vào biển tên của bảo tàng. Mục đích là để xem máy xử lý thế nào khi nguồn sáng mạnh vào buổi trưa chiếu vào chủ thể. Kết quả chúng ta thấy thuật toán khá tốt khi màu vôi trắng và bầu trời không bị cháy, trong khi đó màu hoa đỏ, xanh của cụm dừa, các chi tiết có trên trang phục của các du khách thể hiện chân thực, tách bạch.

hdvn5.jpg
Với ảnh này mình lấy nét và đo sáng ở vùng mặt của du khách đứng trước họng pháo. Cân bằng trắng của máy hoạt động không tồi chút nào: sắc đen của bánh xe - họng pháo, rồi sắc xanh của tán dừa xa xa phía sau, màu cỏ ánh lên trước nắng chiếu rọi xuống... đều tách bạch trong khi tương phản của thân cây bên ngoài và thớ thịt bên trong khá chi tiết tuy khoảng cách chụp khá xa.

hdvn7.jpg
Ảnh này mình lấy nét và đo sáng ngay phần đầu của quả bom. Màu thời gian hoen gỉ được thể hiện đúng mực, không quá sậm khiến mất chi tiết mà cũng không bị rực lên khiến chói mắt ở phần thân bom (vốn có màu sáng hơn).

hdvn9.jpg
Ảnh này mình lấy nét và đo sáng ở vùng mặt của nữ du khách. Mục đích là thử xem các tông màu sáng như bức tường, tờ giấy in thông tin, nền sỏi ngoài nắng sát tường có bị cháy và mất chi tiết hay không. Kết quả thì các bạn cũng đã thấy rồi: chi tiết thông tin văn bản màu đen trên nền giấy trắng ở phía xa xa vẫn rõ, không bị lóa, phần tường trắng thì các chỗ bị bể vẫn cho thấy được chút ít chi tiết chứ không hoàn toàn bị dìm bởi ánh sáng chênh quá mạnh từ mặt trời, đồng thời hàng sỏi bên ngoài sát tường tuy có bị bệt nhưng cũng vớt vát được một số hình thù của sỏi trong khi màu của nhúm cây rêu nơi chân tường thể hiện khá ổn.

hdvn12.jpg
Ảnh này là một chút đùa nghịch: ánh sáng trong sảnh và bên ngoài sân quá chênh nhau, lấy nét người ở trong thì ngoài chắc chắn cháy sáng. Nhưng cháy đến đâu? Trắng lóa mất hết mọi chi tiết bên ngoài luôn hay sao? Muốn biết thì giơ A7 (2017) lên và bấm thôi. Mình lấy nét và đo sáng vào người hướng dẫn viên, kết quả ở ngoài quả nhiên cháy sáng thật, song thuật toán khá tốt vẫn giữ lại được kha khá chi tiết đường nét và màu sắc của hàng cây, tòa nhà, các tấm panô quảng cáo ở rìa bên phải trong khi hình thể của đoàn du khách Nga trong sảnh sáng đều, chi tiết đâu ra đó.

hdvn18.jpg
Theo chân khách tham quan, mình vô phòng trưng bày ảnh các nạn nhân của chất độc da cam. Ánh sáng đèn trong phòng là ánh sáng trắng nhưng khi rọi xuống các khung ảnh và sơn tường nhiều màu sắc khiến cũng khá phức tạp để thể hiện màu cho đúng. Tuy vậy, A7 (2017) đã tỏ được ưu thế chụp trong điều kiện thiếu sáng khá tốt nhờ khẩu độ f/1.9 lại kèm theo thuật toán đo sáng và cân bằng trắng ổn nên như chúng ta thấy, hình ảnh khách tham quan hiện lên rõ ràng, đầy đủ không ai là bị quá tối khiến mất chi tiết, màu sắc và các nếp của trang phục cũng giữ lại đầy đủ. Ảnh này mình lấy nét và đo sáng vào vùng mặt của nữ du khách đeo kính, đang khoanh tay trước ngực.

hdvn19.jpg
Ảnh này thì mình lấy nét và đo sáng vào tờ thông tin với mục đích xem thử nếu ánh sáng phòng như vậy, thì liệu khi máy tính toán giảm sáng sẽ giảm đến đâu, có tối quá không, mất đi bao nhiêu phần chi tiết? Và như chúng ta thấy, các khung ảnh chụp được tuy tối bớt nhưng nội dung bên trong vẫn thấy rõ, thậm chí các vết bỏng... Hình ảnh nữ du khách mặc nguyên cây đồ đen vẫn giữ được hình thể, không bị quá chìm.

hdvn22.jpg

hdvn21.jpg
Chụp với ánh sáng đèn neo trong phòng thì sao? Ảnh này mình lấy nét và đo sáng vào vùng mặt của nữ du khách đeo túi trắng đứng gần mình. Một lần nữa, A7 (2017) thể hiện tốt chi tiết, màu sắc, hình thể không chỉ các du khách khách tham quan mà còn ngay với các ảnh chụp thông tin trưng bày trên tường.

hdvn23.jpg
Tiếp theo chúng ta sẽ ra đường sách Nguyễn Văn Bình chụp choẹt chút nào. Bối cảnh chụp là lúc 20g, ánh sáng trắng từ bóng đèn trong các lồng đèn nhiều màu sắc. Mình lấy nét và đo sáng ngay bóng đèn và cho ra kết quả một khung cảnh bình yên, các vật trưng bày hiện lên rõ nét, màu sắc tương phản ổn, không bị lem vào nhau, khuôn mặt của một khách mua tuy hơi tối nhưng vẫn giữ được đường nét...

hdvn25.jpg
Chụp cận cảnh chút nào, với ánh sáng trắng chiếu chếch đối diện. Mình lấy nét và đo sáng vào chiếc xe màu hồng.

Tiếp theo, mình đi chụp đường phố ban đêm để thử xem khuyết điểm chụp đêm của điện thoại ra sao?

hdvn26.jpg
Như ảnh này, chi tiết các khung cửa tuy có mất nhưng không hẳn là mất quá, bù lại đồng hồ hiện lên khá rõ đường nét trong khi cờ Tổ Quốc thì phấp phới bay không bị phai nhạt, thậm chí rõ cả nếp gấp do gió tạo thành. Mình lấy nét và đo sáng ở khung tò vò nơi đặt đồng hồ và tên bưu điện.
hdvn28.jpg
Ảnh này mình lấy nét và đo sáng vào chóp nhà thờ. Do mình đứng tuốt phía bên kia đường, lại do chụp đêm nên việc bắt nét của máy có hơi kém, nhưng về tổng thể thì tạm chấp nhận được với một du khách lang thang giơ máy lên và bấm.

hdvn29.jpg
hdvn30.jpg
hdvn31.jpg
Các ảnh chụp bên trên tiếp tục khẳng định thế mạnh của khẩu f/1.9, chụp ở chế độ tự động không màu mè hoa lá chỉnh tay gì cả. Bạn còn đòi hỏi gì hơn nữa ở một thiết bị giúp bạn có nhanh tấm ảnh không quá xuất sắc nhưng cũng vẫn ghi nhận tạm ổn khung cảnh đi ngang qua vào ban đêm?

Như vậy, mình đã lần lượt chụp với ánh sáng ban ngày, ánh sáng đèn neon, ánh sáng đèn halogen trong lồng nhiều màu, ánh sáng đèn đường ban đêm. Bây giờ mình thử chụp với ánh nến trong phòng tắt đèn hoàn toàn.

hdvn36.jpg
Ảnh này mình lấy nét - đo sáng ở khung của giá đựng đồ xông tinh dầu, có kéo ev xuống một chút cho ảnh có chiều sâu. Tim nến và thân nến phía dưới không bị cháy quá, vẫn thấy được.

hdvn37.jpg
Ảnh này mình lấy nét - đo sáng ở khung giá đựng đồ xông tinh dầu, nhưng chụp với chế độ ban đêm, ảnh mịn.

hdvn27.jpg
A7 (2017) lên bokeh cũng không phải quá tệ phải không các bạn?

Như vậy, có thể thấy Galaxy A7 (2017) là lựa chọn đúng đắn trong tầm tiền, có thể đáp ứng tốt nhu cầu chụp ảnh trong các điều kiện khác nhau và không những giữ được đường nét, chi tiết ở mức khá mà còn thể hiện đúng phương châm Sáng mặt ăn tiền dành cho đại đa số người dùng phổ thông muốn có những tấm ảnh rõ ràng cảnh vật, người thân và lại dễ sử dụng khi chỉ chạm lấy nét - đo sáng rồi chụp. Nếu thích "tư duy" hơn xíu thì thêm thao tác tăng giảm thanh bù trừ sáng EV để có được tấm ảnh đúng ý đồ nghệ thuật chơi với ánh sáng. Một gợi ý cho các bạn là nếu muốn ảnh không bị nhiễu nhiều khi chụp đêm thì hãy chọn chế độ chụp ban đêm, nhưng sẽ phải đánh đổi là màu bị sai lệch kha khá.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên