Cư dân mạng nhận định đây là một phương pháp quảng cáo phản cảm. Vậy cơ chế này có thật không? Sao chưa thấy thương hiệu nào áp dụng?
Trên mạng xã hội, người ta truyền nhau một tấm ảnh kỳ lạ, có định dạng không khác một mẩu truyện tranh mạng gồm 4 khung. Nội dung của tấm ảnh này cũng nực cười đến … đáng sợ, khi mô tả một tương lai tăm tối mà tại đó, một người tiêu thụ nội dung sẽ phải hô lớn tên sản phẩm xuất hiện trên màn hình để bỏ qua quảng cáo.
Tấm ảnh này chỉ là 1 trong 21 mô tả bằng hình ảnh có trong Bằng sáng chế Số hiệu US8246454B2, có trong cơ sở dữ liệu Bằng sáng chế Google. Người phát minh ra nó là Gary M. Zlaewiski, và ông đặt cho nó cái tên "Hệ thống biến chuyển quảng cáo truyền hình thành mạng lưới trò chơi điện tử tương tác được".
Theo thông tin chính thức, Sony đã nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế hồi năm 2009, và đã được phép áp dụng nó vào tháng 8/2021. Tuy nhiên, nội dung bằng sáng chế cho thấy nó không đơn thuần là ép người dùng phải hô lớn tên sản phẩm thì mới được bỏ qua quảng cáo.
Phần mô tả của bằng sáng chế ghi rõ:
"Trong phương pháp được nêu, một quảng cáo phát sóng hoặc phát trực tuyến sẽ kèm theo một phân đoạn tương tác được. Một trình phát đa phương tiện kết nối với nguồn phát sóng hoặc phát trực tuyến sẽ nhận diện sự tồn tại của phân đoạn tương tác, và cung cấp cho người dùng một quảng cáo dưới dạng mini-game nâng cao và tương tác, có thể chơi cùng với những 'người xem' khác trong cùng một nhóm nhân khẩu học hoặc từ các nhóm khác nhau".
Theo hình ảnh và các mô tả khác trong bằng sáng chế này, thì cơ chế sẽ cho phép cơ quan truyền hình chiếu một loại quảng cáo tương tác được, trong đó người chơi có thể chơi game với người khác hay thậm chí, đặt hàng ngay trên quảng cáo.
Tấm hình bên dưới cho thấy TV đang kết nối với một thiết bị trông giống PS3, được đặt tên là PlayStation, và với mạng internet tại nhà. Chiếc PlayStation được kết nối với server quảng cáo tương tác, liên kết với nhà quảng cáo và một loạt những kênh truyền hình, kênh giải trí, mạng xã hội lớn.
Về cơ bản, kịch bản áp dụng của công nghệ này như sau:
- Một người đang xem phim.
- Thanh tiến trình của phim hiển thị rằng sắp đến thời điểm quảng cáo (tương tự dịch vụ Hulu).
- Quảng cáo bắt đầu.
- Người xem có thể tương tác với quảng cáo, và trên màn hình hiện dòng chữ: "Hãy nói McDonald's để kết thúc quảng cáo".
- Người xem nói "McDonald's".
- Micro thu lại lời nói.
- Hệ thống nhận diện giọng nói và xử lý câu trả lời.
- Quảng cáo được bỏ qua.
- Người xem tiếp tục thưởng thức bộ phim.
- Người xem có thể nhận được phần thưởng hoặc phiếu giảm giá từ nhà tài trợ quảng cáo, như trong ví dụ là nhãn hiệu McDonald's.
Chúng ta có thể thấy, cơ chế sáng tạo giúp người dùng tương tác với quảng cáo, tại đó nhãn hàng được xuất hiện trên màn hình, mà người dùng vừa có cơ hội chơi game để nhận quà. Sự thật khác với những bài đăng trên mạng xã hội, cơ chế quảng cáo không được thiết kế để ép người xem phải hô lớn tên sản phẩm thì mới được xem tiếp nội dung.
Thực tế mà nói, để so sánh với việc bấm vào nút "bỏ qua" trên màn hình, thì việc hô tên sản phẩm để nhận quà nghe có vẻ thú vị hơn nhiều.