Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

buihung

Administrator
Thưa toàn thể anh chị em, Việt Nam đã bệnh nhân H1N1 đầu tiên tử vong. Mặc dù tại các nước đang có đại dịch cúm H1N1, tỷ lệ tử vong là 0,2 – 0,5%. Virus cúm H1N1 đến nay vẫn chưa phát hiện biến thể nào mà vẫn ổn định kháng nguyên. Mặc dù Bộ Y tế khuyến cáo nhân dân không nên quá hoang mang nhưng mình không thể không đề phòng. Topic này được lập để cung cấp các thông tin về đại dịch này, thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Đề nghị các bác chỉ cung cấp những thông tin xác thực, bổ ích; tuyệt đối không spam trong topic này.

Đeo khẩu trang y tế là cách tốt nhất phòng cúm H1N1

Những biểu hiện điển hình của cúm A/H1N1
619bieu-hien-cum-28709.jpg

Những "khu vực" mà vi rút H1N1 tác động và biểu hiện điển hình khi phát bệnh
Các triệu chứng của cúm H1N1 cũng tương tự như các triệu chứng của cúm thông thường theo mùa:

- Đột nhiên sốt cao,
- Đau khắp người,
- Đau đầu,
- Mệt mỏi,
- Ho khan,
- Chảy nước mũi
- Đau họng.

Một số người mắc loại vi rút này cũng được báo cáo là cảm thấy buồn nôn, bị nôn và tiêu chảy nhưng đó không phải là những triệu chứng đặc trưng.

Ngoài các biểu hiện trên, một trong những yếu tố quan trọng nghi ngờ mình nhiễm vi rút H1N1 là từ vùng dịch trở về hay tiếp xúc với người mà sau đó được xác định là mang bệnh cúm A/H1N1.

Ngăn ngừa sự lây truyền từ người sang người

Cúm lây lan từ người sang người thông qua ho hay hắt hơi, sờ, cầm vào đồ vật có chứa vi rút và rồi lại đưa tay lên mũi, miệng hay mắt. Cúm A/H1N1 không lây qua các thực phẩm làm từ thịt lợn và cũng không lây qua con đường thực phẩm.

Cúm A/H1N1 dễ lây nhất trong 5 ngày đầu phát bệnh mặc dù ở một số người, hầu hết là trẻ em, thì nguy cơ lây nhiễm lên tới 10 ngày.

Khuyến cáo ngăn ngừa sự lây lan vi rút giữa người với người bao gồm các phương pháp kiểm soát các bệnh lây truyền:

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước. Nếu có điều kiện nên sát trùng tay bằng cồn y tế, đặc biệt là sau khi từ các nơi công cộng về.

- Khả năng lây truyền bệnh cũng sẽ giảm nếu làm vệ sinh các bề mặt vật dụng, đồ đạc trong nhà bằng chất clo pha loãng. Bởi trong quá trình ho, hắt hơi, những giọt dịch chứa vi rút sẽ “đậu” lại trên bề mặt của bàn, ghế; điện thoại.

- Giữ khoảng cách cũng là một mẹo phòng cúm nên áp dụng. Tức là nên đứng cách xa với những người mà có thể bị nhiễm cúm và nếu đang làm việc ở nơi đông người thì tốt nhất nên xin nghỉ ở nhà để tránh lây lan bệnh cho đồng nghiệp.

- Bất kỳ ai có biểu hiện như đột ngột sốt cao, ho, đau cơ thì nên nghỉ làm hoặc tránh tới các nơi công cộng, tránh tham gia các phương tiện giao thông công cộng và liên lạc ngay với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.
Khuyến cáo của Bộ Y tế:

Hiện nay, tình hình dịch cúm A(H1N1) tiếp tục diễn biến phức tạp, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1.Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì không đến trường, đồng thời gia đình thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương để được tư vấn.

2.Học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học nếu phát hiện triệu chứng cúm khi đang ở trường thì chủ động cách ly vào phòng riêng, thông báo cho Ban giám hiệu, cơ quan y tế tại trường học để xử lý kịp thời, tránh lây lan.

3.Những người đang công tác tại các công sở, đặc biệt người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, ký túc xá... nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

4.Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

5.Mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

6.Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A(H1N1) hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, Fax: 04.37366241, Email: [email protected]Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó ).

Tiếp tục cập nhật...
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

14 cán bộ y tế tại một bệnh viện mắc cúm H1N1
Chiều nay, sau 5 ngày phát hiện ca đầu tiên, 9 điều dưỡng và 5 bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) đã được xác định dương tính với H1N1.

Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Lê Đức Công, giám đốc bệnh viện cho hay, việc xét nghiệm H1N1 được bệnh viện chủ động thực hiện đối với những bác sĩ và điều dưỡng từng tiếp xúc với bệnh nhân mắc cúm.

"Tuy nhiên trong số các nhân viên y tế bị mắc bệnh, một số người có tiếp xúc với bệnh nhân H1N1, số khác chưa rõ nguồn lây. Có thể họ đã tiếp xúc với các ca trong cộng đồng", ông Công nói.

Cũng theo ông, hầu hết bác sĩ mắc bệnh đều công tác tại khoa Khám bệnh. Do xét nghiệm chủ động cho nên trước khi nhận kết quả dương tính, ngoài số ít người có triệu chứng đau họng, số ca còn lại chưa có biểu hiện lâm sàng.

Đến 16h hôm nay, 5 người đang được điều trị tại bệnh viện, 9 người còn lại tự giám sát tại nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Tại TP HCM, ngoài bệnh viện Thống Nhất có nhân viên nhiễm cúm, 2 bệnh viện khác cũng có bác sĩ mắc bệnh, song mỗi nơi chỉ có một ca mắc và đã khỏi bệnh.
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Tự làm khẩu trang chống cúm H1N1
Nghiệp gửi bạn đọc VnExpress.net xem phần hướng dẫn thực hiện cách làm khẩu trang giấy, rất dễ làm. Nghiệp đã hướng dẫn cho nhân viên trong công ty làm rất nhiều và sử dụng cũng thoải mái, sạch sẽ, tiện lợi và nhất là tiết kiệm được tiền. (Trương Thủ Nghiệp)
cum.jpg

Khẩu trang tự làm sử dụng một lần hằng ngày. Ảnh: Trương Thủ Nghiệp

Hy vọng đóng góp này giúp cho người dân cả nước phòng tránh được việc lây lan cúm AH1N1 và tiết kiệm được tiền bạc trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

Hướng dẫn làm khẩu trang giấy sử dụng một lần hằng ngày

1. Chuẩn bị:


- Khăn giấy Tempo hoặc Pulppy

- Băng keo trong nhỏ, kéo, thước, bấm kim giấy.

- Dây thun loại mềm (2 sợi , mỗi sợi 16 cm). Dây thun mềm mỏng trong may mặc.

khangiay.jpg

khangiay1.jpg

2. Thực hiện:

- Đầu tiên sẽ làm dây đeo cho khẩu trang: tùy theo khuôn mặt lớn nhỏ, chúng ta sẽ đo dây thun dài ngắn khác nhau (Trung bình khoảng 16 cm). Sau đó thắt nút lại ở hai đầu để sau này khi bấm kim vào giữ cho dây được kết dính vào khẩu trang.

- Bây giờ chúng ta làm tiếp phần gấp khăn giấy:

+ Gấp khăn giấy như hình 1: chúng ta xếp khăn giấy thành 3 tầng giống như khẩu trang y tế.
khan2.jpg

+ Gấp khăn giấy như hình 2: chúng ta lật mặt sau lại để gấp 2 biên của khăn giấy lại cho đủ cứng và gấp 2 nếp nhỏ để cho vừa với khẩu trang thường sử dụng.

+ Dán băng keo lại để định hình cho 2 phần biên của khẩu trang được cứng cáp hơn, chú ý là cắt băng keo dán dài hơn chiều cao của khẩu trang khoảng 1cm để sau đó dán cuốn lại.

- Cuối cùng, chúng ta dùng kim bấm để bấm dây thun vào khăn giấy theo hình vẽ:
khan4.jpg

Mặt ngoài khẩu trang
khan5.jpg

Mặt bên trong khẩu trang

Như vậy là chúng ta đã có một khẩu trang y tế bằng khăn giấy tự chế.

Chúc bạn thành công.
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Bi hài chuyện cách ly bệnh nhân cúm
2h sáng, chuông báo động từ buồng bệnh số 9 bỗng liên tục reng. Tưởng có người báo cấp cứu, hai hộ lý và một điều dưỡng chạy đến thấy bên trong phòng kính, bệnh nhân mặt nhăn nhó nói như ra lệnh: “Tôi muốn ăn sầu riêng. Phải mua ngay cho tôi!”.

Chuyện tưởng đùa xảy ra tại khu cách ly đặc biệt thuộc khu Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM từ khi có “bão” cúm H1N1.

“Phải năn nỉ hết lời, bệnh nhân Việt kiều thèm sầu riêng đột xuất kia mới cho phép chúng tôi khất lại đến 5h sáng. Ấy thế mà khi trái cây được đưa vào, người này chỉ nếm một ít rồi bảo không còn thèm ăn nữa”, hộ lý Trần Thị Út kể.

Không riêng chị Út, nhiều nữ hộ lý khác cho rằng phục vụ cho các bệnh nhân cúm H1N1 vất vả gấp nhiều lần những bệnh nhân nặng. Bởi hầu hết họ là Việt kiều hoặc sống một thời gian dài ở nước ngoài, quen với lối sinh hoạt cao cấp. Không ít người đưa ra những yêu cầu khiến cả bệnh viện khó xử.
benh-nhan.jpg

Hành khách bị phát hiện thân nhiệt cao được cách ly chờ xét nghiệm. Ngoài tiền ăn uống, các chi phí xét nghiệm, thuốc men đều được miễn phí. Ảnh: Thiên Chương.

Chị Kim Lan, Trưởng khoa Điều dưỡng nhớ lại, có một đêm gần sáng, bệnh viện đang tĩnh lặng thì một bệnh nhân Việt kiều Australia vừa bấm chuông báo động vừa đập cửa kính. Tưởng anh này đột nhiên lên cơn sốt, một điều dưỡng mặc vội đồ cách ly vào tiếp ứng, nào ngờ khi đến nơi, bệnh nhân thả một câu: “Chiều không ăn cơm nên giờ thèm phở. Mà phải là phở của quán Lệ nổi tiếng Sài Gòn tôi mới ăn đấy nhé”.

Trước đòi hỏi khắc nghiệt không thể thực hiện được vào lúc nửa đêm, điều dưỡng chỉ biết năn nỉ bệnh nhân chờ đến sáng. “Thế nhưng cũng như vụ sầu riêng, khi phở vừa mang về đến nơi thì cũng là lúc anh ấy thèm sang hủ tiếu Nam Vang”, chị Lan nói.

“Tưởng bệnh viện là khách sạn, nhiều bệnh nhân sau khi được điều dưỡng giới thiệu các món ăn có thể được phục vụ đã lập tức trề môi lắc đầu vì không chọn được món nào. Không dám mua thức ăn bình dân, chúng tôi chọn bát hủ tiếu hơn 20 nghìn đồng, vậy mà một nữ bệnh nhân người Canada khi vừa nhìn thấy chưa nếm đã xua tay và đòi ăn bánh pizza””, hộ lý Trần Thị Út nói.

Cũng theo chị Út, từ khi có việc cách ly cúm H1N1, không ngày nào mà chị và các đồng nghiệp không nhận được những lời nhờ vả kiểu như: “Tôi không uống nước khoáng, hãy cho tôi một bọc nước mía”; hay “Có bia không, tôi thèm bia, cho tôi vài lon”; hoặc “Trả ngay cho người bán đi, tôi không có thói quen uống Pepsi, tôi muốn Coca-cola cơ”…

Không làm khó chuyện ăn uống, song một số hành khách khác do không chịu được cảnh bỗng dưng bị cách ly đến mấy ngày trong khi bên ngoài lại còn công việc, đã “gây rối” bằng cách chửi mắng hoặc đòi hỏi.

Trường hợp một vị khách Việt kiều khoảng 50 tuổi là ví dụ điển hình. Khi người này thức, không ai dám xuất hiện vì vừa trông thấy điều dưỡng hoặc hộ lý thì bà lập tức cất tiếng chửi mắng hoặc chì chiết những câu đại loại như “nệm bệnh viện chẳng êm”, tấm trải giường trắng tinh vẫn bị chê là “thấy mà ghê không dám nằm” hay “tại sao mỗi ngày chỉ thay một lần; nhà vệ sinh không có bồn tắm”…

Còn một hành khách là giáo viên người Hàn Quốc, sau khi bị phát hiện thân nhiệt cao ở sân bay, đưa về bệnh viện xét nghiệm, người này lập tức đòi được kết nối wifi để chat với vợ và làm việc. Bệnh viện phải giải thích mãi, ông vẫn lớn tiếng phản ứng. Một hành khách tuổi teen khác thì yêu cầu bệnh viện lắp máy nước nóng để tắm và phải có truyền hình cáp để xem đô vật Mỹ.

“May mắn là kết quả của các khách khó tính sau đó đều âm tính”, kể lại chuyện xảy ra hơn một tuần, nhiều bác sĩ vẫn còn hoảng.

“Ngoài cái khó trong việc phục vụ ăn uống, chuyện bất đồng ngôn ngữ cũng là nỗi khổ lớn mà chị em điều dưỡng, hộ lý và cả các bác sĩ từng đi nước ngoài vướng phải. Bởi không phải hành khách nghi bệnh nào được đưa đến đây cũng biết tiếng Anh hoặc tiếng Hoa”, một bác sĩ phó khoa Nhiễm D, nói.

Chị Kim Lan, Điều dưỡng trưởng cho biết, không ít bệnh nhân mới được đưa đến khoa, đã xổ ngay một tràng tiếng gì không ai biết. “Thấy chúng tôi ngơ ngác, các vị khách “bị buộc đến bệnh viện” càng tỏ ra giận dữ, vung tay vung chân và nói hăng hơn. Nghĩ tiêu chắc, vì đây không phải là tiếng Anh, chúng tôi đành cầu cứu bác sĩ. Nhưng cuối cùng cũng thua vì ông khách ấy người Nam Phi", chị nói.

Các điều dưỡng cho hay, thông thường gặp trường hợp như thế, mọi người nháo nhào truy tìm xem trong khoa hoặc trong toàn bệnh viện có bệnh nhân nào quốc tịch tương tự. Nếu có, bệnh nhân này sẽ giúp phiên dịch. Tuy nhiên, cũng có khi, sau khi tìm được người biết tiếng, nhân viên bệnh viện mới vỡ lẽ cái “tràng ngôn ngữ” của bệnh nhân chỉ có nội dung: “Nhà vệ sinh ở đâu. Tôi mắc tiểu quá. Cho tôi đi ngay”. Hoặc họ muốn được giải thích “tại sao họ lại bị đưa vào bệnh viện”.

Trước sự vất vả của các y bác sĩ khoa Nhiễm D, bác sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng thừa nhận, chăm sóc những người đang hân hoan về nước để gặp người thân, bỗng bị chặn lại rồi đưa đi giám sát là không dễ. Chính vì vậy, để hạ “cơn thịnh nộ”, bệnh viện luôn tìm mọi lời lẽ để giải thích và đáp ứng hầu hết yêu cầu của bệnh nhân.

Còn theo Trưởng khoa Điều dưỡng, nhiều bệnh nhân khi nhập và nằm viện thường có thái độ bất hợp tác, thậm chí phản ứng mạnh mẽ, tuy nhiên đến lúc xuất viện thì lại hoàn toàn khác. “Họ đã đến để cám ơn chúng tôi và xin lỗi về sự đòi hỏi quá đáng. Một số người còn “bật mí”, do quá tù túng nên đòi hỏi thật nhiều để bệnh viện chán mà cho họ sớm xuất viện”, một điều dưỡng nói.

Đến chiều ngày 8/6, Bệnh Nhiệt Đới vẫn là bệnh viện duy nhất tại TP HCM nhận nhiệm vụ tiếp nhận hành khách quốc tế có thân nhiệt cao và điều trị những ca người lớn dương tính cúm H1N1. Ngoài hơn 10 bệnh nhân dương tính, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận thêm trên dưới 10 ca có thân nhiệt cao từ sân bay chuyển đến. Mỗi ca chờ xét nghiệm nhanh thì nửa ngày, chậm có khi đến 2 ngày mới cho xuất viện.

Từ ngày 9/6, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là nơi thứ hai được Sở Y tế TP HCM phân công tiếp nhận các trường hợp nghi và nhiễm cúm.

Theo Sở Y tế, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là nơi có khu vực cách ly được trang bị phòng ốc tối tân với truyền hình cáp, internet wifi, hy vọng sẽ giảm bớt căng thẳng cho bệnh nhân. Tuy nhiên theo nhận định của các điều dưỡng từng chịu cảnh nửa đêm lăn lội đi mua phở, khi hành khách chưa hiểu và đồng thuận thì chuyện vui buồn phòng cách ly chắc chắn sẽ còn xảy ra.
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế, thông báo: Riêng trong ngày 6/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 39 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 20 ca, miền Bắc: 8 ca, miền Trung: 5 ca, Tây Nguyên: 6 ca).



Như vậy, tính đến 17h ngày 6/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận 1.043 trường hợp dương tính, 1 ca tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 608; 434 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng.



Đánh giá về tình hình dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, tuy dịch cúm A/H1N1 chưa lan ra toàn cộng đồng, chủ yếu là các ca xâm nhập, nhưng số ca nhiễm cúm đang tăng lên từng ngày. Biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và xuất viện. Giai đoạn đầu của dịch, số xuất nhiều hơn số nhập rất nhiều, nhưng hiện nay, con số bệnh nhân đang điều trị tại viện còn rất cao.
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Bé 2 tuổi chết oan vì hai lần bị chẩn đoán nhầm là H1N1
Cô bé Georgia Keeling, người Anh, đã tử vong nghi do viêm màng não, sau hai lần bị bác sĩ chẩn đoán nhầm là mắc cúm H1N1. Cha mẹ bé được dặn không cần đưa con đến bệnh viện, và thay vì được điều trị khẩn cấp, bé chỉ được uống Tamiflu và paracetamol.

Cha bé, anh Paul Sewell và mẹ bé, chị Tasha Keeling đang suy sụp sau sự ra đi của con gái hôm thứ ba vừa qua, và khẳng định các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh cho con mình ngay cả khi họ còn chưa nhìn thấy bé ra sao.

Gia đình đã liên lạc 5 lần với các cơ sở y tế, bao gồm trung tâm y tế địa phương, đường dây nóng dịch cúm, trung tâm bác sĩ nhi khoa, cơ quan dịch vụ khẩn cấp và một nhân viên y tế. Hai trong số 5 lần đó bé Georgia được bảo rằng bị cúm H1N1.

Do có triệu chứng trùng với nhiều bệnh khác, đã có những lo ngại rằng sẽ có nhiều người mắc bệnh nguy hiểm bị chẩn đoán nhầm là cúm H1N1, và Georgia được xem là ca tử vong đầu tiên sau nhầm lẫn này.
oan.jpg

Bé Georgia Keeling (ngoài cùng bên trái) cùng cha mẹ và anh chị. Ảnh: DailyMail.

Hôm thứ bảy tuần trước, cô bé sốt nhẹ. Đến thứ hai, bé ốm và có biểu hiện phát ban. Tuy nhiên, gọi điện đến các trung tâm y tế, bác sĩ đều chẩn đoán bé bị cúm H1N1, nên đề nghị để bé ở nhà, thậm chí một xe cấp cứu đang trên đường tới cũng đã quay trở về bệnh viện. Chỉ vài tiếng sau đó, cô bé đờ đẫn và ít lâu sau thì chết khi đến cấp cứu tại bệnh viện.
 

kdnguyen

New Member
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Tử vong vì H1N1 trên thế giới tăng nhanh​

Trước kia ước tính 500 người mắc thì có một ca tử vong, nhưng hiện nay con số này tăng 3-4 lần ở một số nước. Indonesia hơn 650 ca nhưng đã tử vong 3, Malaysia tử vong 15 trong hơn 1.500 người mắc.

723.jpg

Trên thế giới, số ca mắc H1N1 mới tiếp tục tăng nhanh, nhiều nước đã ghi nhận các trường hợp tử vong. Theo thông báo của Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu, đến ngày 7/8/2009, thế giới có hơn 200.000 ca dương tính, tại 168 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó gần 1.600 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, số ca mắc mới tăng lên từng ngày, có ngày lên đến gần 70 ca. Đến ngày 7/8, cả nước có 1.078 trường hợp dương tính, một người đã tử vong.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế lo ngại tình hình dịch sẽ càng phức tạp hơn khi mùa đông sắp tới.

Tiến sĩ Jean Marc Olive, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: "Trong mùa đông, virus H1N1 sẽ hoạt động càng mạnh hơn. Mùa đông tới cũng đồng nghĩa mùa cúm tới, khi ấy sẽ khó phân biệt cúm mùa với H1N1. Ngoài ra, đây cũng là mùa tựu trường nên khả năng lây lan bệnh rộng sẽ càng lớn".

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, có nước như Thái Lan tử vong đến 81 người, hầu hết các nước đều có ca nhiễm và tử vong, như Philippine mắc 3207 ca, tử vong 8, Singapore mắc 1217, tử vong 8, Brunei mắc 786, tử vong 1, Lào mắc 156, tử vong 1.

Tiến sĩ cũng lưu ý, tại Việt Nam, virus H5N1 vẫn còn lưu hành nên người dân cần cảnh giác. Khi có biểu hiện cúm thì phải khám để phân loại xem là H5N1 hay H1N1.

Dự đoán về khả năng kết hợp của virus H1N1 với H5N1 trong thời gian tới, tiến sĩ Olive cho biết: "Khả năng virus H1N1 kết hợp với H5N1 là có, nhưng tôi lo lắng là khả năng kết hợp giữa cúm mùa và H1N1 dễ hơn. Vì cúm mùa cũng lây từ người sang người qua tiếp xúc, còn H5N1 là lây từ gia cầm cho người".

Theo tiến sĩ, trong thời gian này, nếu học sinh, người đi làm bị ốm thì nên ở nhà, tránh lây bệnh cho người khác. Khi hết ốm hoặc hết triệu chứng sau một ngày mới đi học, đi làm.

Ngày 7/8, Bộ Y tế đã đưa ra 10 khuyến cáo phòng chống cúm H1N1 tại nơi làm việc. Trong đó, lưu ý:
- Cúm H1N1 lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng.
- Bệnh lây nhanh từ người sang người trong thời gian từ 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh. Người nhiễm virus có thể truyền bệnh ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng.
- Các bề mặt như bàn làm việc, tay nắm cửa, bàn phím máy tính, nền nhà phải thường xuyên làm vệ sinh và khử trùng; hạn chế sử dụng điều hòa (đặc biệt là điều hòa trung tâm), mở cửa thông thoáng.
- Các cơ sở lao động, người sử dụng lao động phải có địa chỉ bệnh viện và cơ sở y tế dự phòng gần nhất, có số điện thoại đường dây nóng để liên hệ kịp thời...


Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/08/3BA1221F/
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Đại học đầu tiên tại Hà Nội có cúm H1N1

123.jpg

Sinh viên một trường đại học ở Hà Nội đeo khẩu trang trong giờ học. Ảnh: Hoàng Hà.
Chiều 10/8, trường Đại học sư phạm thể dục thể thao, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, xác nhận có một nam sinh viên 20 tuổi dương tính với cúm H1N1.

Sinh viên quê ở Thanh Đa, Phú Thọ. Ngày 6/8, bệnh nhân đến khám tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia với các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi. Sau đó thì có kết quả xét nghiệm cho dương tính với virus H1N1.

Bệnh nhân ở ký túc xá, cùng phòng với 7 nam sinh viên khác. Các lớp vẫn học bình thường nhưng được cán bộ y tế của trường giám sát.

Ngành y tế đã tiến hành khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, vệ sinh các khoa phòng và ký túc xá nơi bệnh nhân ở. Đồng thời, phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng chống cúm cho giáo viên, học sinh toàn trường. Các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân được đo thân nhiệt và theo dõi hàng ngày.

Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, không có biến chứng nặng. Ở trường cũng chưa phát hiện thêm ca nghi nhiễm nào.

Tính đến ngày 10/8, Việt Nam đã ghi nhận 1178 trường hợp dương tính, một ca tử vong.
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Thuốc trị cúm H1N1 bị đẩy giá gấp 3 lần
tamiflu.jpg

Ảnh: wordpress.com.
Giá gốc 448.000 đồng cho mỗi hộp 10 viên, tuy nhiên kiểm tra chiều 10/8, Sở Y tế TP HCM lại phát hiện thuốc Tamiflu được một số nhà thuốc tại thành phố bán cho dân với giá từ 140.000 đến 150.000 đồng một viên.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế - phụ trách dược cho hay, 3 nhà thuốc nâng giá Tamiflu gấp 3 lần có cơ sở tại quận 3.

Theo bà Lan, tại Việt Nam, loại thuốc này do công ty Vimedimex phân phối từ nhà sản xuất Roche (Thụy Sĩ), tuy nhiên qua điều tra, Vimedimex cho hay đã không cung cấp Tamiflu cho ba nhà thuốc sai phạm nêu trên. Bà Lan cho biết, sẽ tiếp tục điều tra và xử lý triệt để nhằm chấn chỉnh hiện tượng các nhà thuốc lợi dụng người dân hoang mang trước dịch bệnh để kiếm lợi.

Để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc xử lý nơi bán, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM một lần nữa khuyến cáo người dân không nên mua thuốc tự điều trị vì loại thuốc này phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Tính đến chiều 10/8, Việt Nam xác định 1.178 trường hợp mắc cúm H1N1, trong đó 716 người đã xuất viện. Trên thế giới, 168 nước có người mắc bệnh với 208.058 trường hợp. 1.688 người tử vong.

Hỗ trợ nhà trường phòng cúm trong năm học mới, hôm qua, Công ty Mead Johnson Việt Nam đã trao tặng 54.000 khẩu trang vải cao cấp cho Sở Giáo Dục - Đào Tạo TP HCM. Số lượng khẩu trang này sẽ được gửi đến cho 162 trường mầm non thuộc 4 huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn.
 
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Bệnh nhân thứ hai tại Việt Nam tử vong vì H1N1

Người chết là bà Trần Thị Bình, 52 tuổi ngụ quận 10, TP HCM, qua đời lúc 22h30 ngày 10/8. Trước đó vài giờ, kết quả xét nghiệm mẫu dịch hầu họng từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho thấy bệnh nhân dương tính H1N1.

Đây là người bệnh đầu tiên tại TP HCM và là trường thứ hai trong cả nước qua đời có liên quan đến cúm A/H1N1. Bệnh nhân đầu tiên là một phụ nữ 29 tuổi ngụ tại tỉnh Khánh Hòa.

Đại diện Sở Y tế TP HCM cho hay, bệnh nhân vốn là người mắc hội chứng Down (thiểu năng trí tuệ). Ngày 6/8, bà Bình được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 với biểu hiện mệt, khó thở. Ba ngày trước đó, người bệnh bắt đầu có biểu hiện sốt cao, ho liên tục, khạc đờm trắng, tiêu lỏng và ói.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi và cho nhập viện điều trị. Kết quả X-quang cho thấy phổi mờ. Bệnh nhân được hồi sức tích cực cho đến ngày 10/8 nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới được mời đến tham gia hội chẩn và lấy mẫu xét nghiệm H1N1. Kết quả trong ngày cho thấy bệnh nhân dương tính.

19h ngày 10/8, bà Bình được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng hôn mê bởi suy hô hấp cấp tính. Tại bệnh viện mới, bệnh nhân được cấp cứu tích cực nhưng tình hình không cải thiện. Đến 22h30, bệnh nhân tử vong.

Kết quả tái xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới lúc 17h chiều 11/8 xác định một lần nữa: Bệnh nhân bị nhiễm cúm H1N1.

Trong báo cáo gửi Bộ Y tế lúc 19h, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM kết luận nguyên nhân tử vong do hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển -suy đa tạng trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 vốn mắc hội chứng Down.

Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế Dự phòng quận 10 và các bệnh viện điều trị bệnh nhân tiến hành khử trùng môi trường và giữ xác bệnh nhân thật kỹ để phòng chống dịch bệnh lây lan.

Trước mắt chưa tìm được nguồn lây bệnh, tuy nhiên theo đại diện Sở Y tế, việc điều tra dịch tễ sẽ được thực hiện.

Một thông tin khác, đại diện Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM cho biết vừa phát hiện một ổ dịch H1N1 tại Công ty Hoàng Sở, số 199 Mã Lò, quận Bình Tân với hơn 10 công nhân dương tính với bệnh. Các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và bệnh viện quận 6. Hơn 30 công nhân khác của công ty này cũng đang được giám sát.

Thiên Chương
http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/08/3BA12415/
 

quat_3_tieu

New Member
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

hix............TPHCM cũng có người tử vong rùi:-&
18h30 tối qua 11/8, GĐ Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Châu công bố chính thức bệnh nhân tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1 tại TP.HCM và là bệnh nhân tử vong thứ 2 tại Việt Nam. Bệnh nhân tên Trần Thị B. (SN 1957), trú tại đường 3 tháng 2, P.10, Q.10.
http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/08/3BA12415/
http://www15.24h.com.vn/news/detail/46/245033/Ca-nhiem-cum-thu-2-tai-Viet-Nam-tu-vong.24h

Tổng thống Costa Rica nhiễm H1N1
http://vnexpress.net/GL/The-gioi/2009/08/3BA12423/
 
Chỉnh sửa lần cuối:

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Phác đồ điều trị mới có thể để lọt bệnh nhân H1N1​
a11.jpg

Ảnh: Hoàng Hà.
"Nếu điều trị 3 ngày, hết sốt mà đã cho bệnh nhân ra viện thì sợ rằng vẫn có khả năng lây bệnh. Thực tế cho thấy sau 5 ngày điều trị có gần 50% ca vẫn còn virus H1N1", Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia lo lắng.

Theo phác đồ điều trị cúm H1N1 mới được Bộ Y tế thay đổi, tiêu chuẩn ra viện ở những nơi xét nghiệm được là: sau khi hết sốt 3 ngày, tình trạng lâm sàng ổn định và xét nghiệm vào ngày thứ tư âm tính. Còn với những nơi không có khả năng xét nghiệm thì chỉ cần tình trạng bệnh ổn định và sau khi hết sốt 3 ngày là được ra viện.

Tuy nhiên, trong buổi giao ban cúm H1N1 chiều 12/8 của Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia bày tỏ lo ngại người bệnh vẫn còn khả năng lây bệnh nếu chỉ sau 3 ngày hết sốt đã cho ra viện.

Ông cho biết, theo dõi quá trình điều trị cho hơn 108 bệnh nhân dương tính tại Viện cho thấy, có đến 98% bệnh nhân hết sốt sau 3 ngày điều trị, nhưng khả năng người bệnh vẫn còn virus là hoàn toàn có thể. Vì thực tế, có 25% số bệnh nhân sau 7 ngày điều trị vẫn còn virus, tỷ lệ này sau 5 ngày lên đến gần 50%.

Ông đề xuất, sau khi xuất viện bệnh nhân vẫn phải tự cách ly tại nhà trong khoảng 1 tuần và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, ông cũng cho hay, gần đây Viện tiếp nhận một số trường hợp bệnh không rõ nguồn lây. Có bệnh nhân chỉ sống trong khu vực có người bệnh, không có tiền sử tiếp xúc gần hoặc đi từ vùng dịch về cũng cho kết quả dương tính. Tình trạng dịch lây lan trong cộng đồng tăng lên.

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, trong tuần vừa qua tỷ lệ phát hiện các ca cúm H1N1 tại 15 điểm giám sát trên toàn quốc có xu hướng tăng, có điểm có tới 30% các ca cúm là H1N1, trước kia tỷ lệ này chỉ khoảng hơn 10%. Các ca này đến khám tại cơ sở y tế với các biểu hiện viêm đường hô hấp, viêm phổi...

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn yêu cầu tiểu ban điều trị cần rút kinh nghiệm về vấn đề điều trị sau khi có 2 ca tử vong tại Khánh Hòa và TP HCM do điều trị muộn.

Về vấn đề đóng cửa các trường học, Thứ trưởng đề nghị ngành giáo dục nên cân nhắc vì sắp đến thời điểm năm học mới. Chỉ khi xuất hiện chùm ca bệnh trong một lớp thì đóng cửa lớp ấy, không nhất thiết phải đóng cửa tất cả các trường.

Tính đến ngày 12/8, cả nước có 1.275 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong.
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Những dấu hỏi quanh trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 thứ hai

6h sáng ngày 12/8, linh cữu của bà T.T.B. (53 tuổi), bệnh nhân cúm A/H1N1 thứ hai tử vong ở VN, đã được thiêu tại nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa (TPHCM).

Bà T.T.B.N., em gái của bà B., cho biết bà B. bị down bẩm sinh, nhưng sống rất sạch sẽ và khỏe mạnh, từ nhỏ đến lớn không đau ốm gì nhiều. Bà B. cũng không đi đâu chơi xa, chỉ loanh quanh trong xóm rồi về nhà ăn, ngủ.

Ngày 5/8, gia đình thấy bà B. bị nóng, sốt nên đưa đến BV Quận 10 khám. Sau đó, BV chỉ cho ít thuốc về nhà uống. Bệnh nhân nằm ở nhà 1 ngày, uống thuốc không hết sốt nên gia đình lại đưa đi BV Quận 10 để khám lần nữa. Thấy bà B. sốt cao nên BV đã chuyển thẳng đến phòng cấp cứu của BV 115.

Tử vong vì cúm A/H1N1 hay viêm phổi?

Gia đình bà B. khẳng định: “Chúng tôi là những người trực tiếp chăm sóc người bệnh nhưng không hề thấy có những triệu chứng như: Ho khạc đàm trắng, ói mửa…”
dauhoi1.jpg

Nhiều người vì quá sợ nên không dám “ló” mặt gần nhà bà B. - người thứ hai tử vong vì cúm A/H1N1 (Ảnh: Đoan Trà)

Trong 6 ngày điều trị ở BV 115, gia đình cũng chỉ biết là bà B. bị viêm phổi, suy hô hấp chứ không được báo là bệnh nhân bị cúm.

Giấy chứng tử cũng không hề ghi bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1. Điều đáng nói là các thành viên trong gia đình cũng không ai có triệu chứng bị cảm, sốt. Thậm chí bà mẹ già, 80 tuổi, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trong mấy ngày qua vẫn khỏe mạnh bình thường.

Sau khi bà B. tử vong ở BV Phạm Ngọc Thạch, thi thể bà được để ở nhà tang lễ của BV. 12h trưa ngày 11/8, BV cho phép gia đình đem bà B. đến chùa Long Hoa, P.13, Q.10 và làm lễ động quan vào lúc 6h ngày 12/8 ở nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa.
dauhoi2.jpg

Bà Trần Thị Huệ, tổ trưởng khu phố phát tờ rơi thông tin về cúm A/H1N1 cho gia đình bà B. và động viên an ủi gia đình (Ảnh: Đoan Trà)

Đến lúc đem bà B. về an táng, gia đình cũng chỉ biết bà B. tử vong vì viêm phổi, suy hô hấp, chứ không phải do cúm A/H1N1. Chỉ đến khi cán bộ phường, nhân viên y tế xuống khử trùng nhà cửa, yêu cầu cách ly thì gia đình mới biết.

Cả gia đình bị cộng đồng "cách ly"

Bà T.T.B.N bức xúc: “Tại sao BV không phát hiện bệnh cúm A/H1N1 sớm hơn để chị tôi được điều trị cách ly? Đằng này, với 6 ngày chị tôi nằm ở BV 115, gia đình trực tiếp chăm sóc như vậy thì cả nhà đều bị lây hết rồi. Không chỉ thế, bà con hàng xóm cũng sợ hãi, xa lánh, làm cả gia đình cảm thấy tủi nhục.

Cũng theo bà N, gia đình đã chấp hành việc tẩy trùng nhà cửa sạch sẽ, các thành viên đều đeo khẩu trang khi đi ra ngoài nhưng rất bức xúc trước thái độ của nhân viên y tế khi xuống đưa thuốc tẩy trùng. Thái độ nạt nộ, gay gắt của nhân viên y tế, cũng như những người xung quanh khiến gia đình bà không dám gặp ai, cửa lúc nào cũng đóng kín.
dauhoi3.jpg

Bàn thờ bà T.T.B. (Ảnh: Đoan Trà)

Các thành viên trong gia đình đều “được” cho nghỉ làm để ở nhà nghỉ ngơi. Nhà nghèo, lại không có công ăn việc làm, không được buôn bán nên ai cũng buồn rầu và lo lắng.

Sự kiện

Những người xung quanh nhà khi biết tin bà B. tử vong vì cúm A/H1N1 đã phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang. Ngay cả những bảo vệ ngồi canh giữ miếu gần đó cũng tránh đi nơi khác.

Nhiều người vì quá sợ nên không dám “ló” mặt gần nhà bà B. Các gia đình cấm tiệt con cái đi ngang qua nhà bà B.

Bà Trần Thị Huệ, tổ trưởng KP2, tổ 22, P.10, Q.10 cho biết: “Bà B. khi sống đã rất đáng thương vì có chứng bệnh tâm thần, nay lại có tin chết do dịch cúm nên càng tội nghiệp hơn cho gia đình. Nhiều người vì quá lo lắng nên đã xa lánh gia đình bà B.”.

Trước tình hình này, phường đã cho phát những tờ rơi về dịch cúm A/H1N1 để người dân hiểu đúng hơn và biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng đúng cách, bà Huệ cho biết thêm.
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Xôn xao tin đồn 'uống 2 viên Plusssz phòng cúm A/H1N1'​

- Trong khi người dân đang chen nhau đi xét nghiệm cúm A và chờ đợi một loại vắc xin phòng cúm từ ngành y tế thì mấy ngày qua, một doanh nghiệp tư nhân rêu rao có thể phòng cúm bằng cách uống viên sủi.



Câu chuyện bắt nguồn từ mẫu quảng cáo trên 1 tờ báo cách nay 3 ngày: 3 cách phòng cúm A/H1N1: 1. Uống 2 viên sủi Plusssz mỗi ngày; 2. Rửa tay bằng xà phòng; 3. Đeo khẩu trang.

Không chỉ in đậm dòng chữ: Uống 2 viên Plussz mỗi ngày trong cách số 1, mẫu quảng cáo còn bồi thêm “Hãy gửi thông điệp này đến bạn bè và người thân".

images1844789_hhh.jpg

Mẫu quảng cáo này rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng trong bối cảnh cúm A/H1N1 đang lan rộng.

Theo các bác sĩ, viên sủi Plusssz là một sản phẩm có thành phần gồm một số vitamin hoà tan trong nước, một số chất khoáng được sản xuất dưới dạng viên thuốc sủi bọt do Công ty TNHH Tiên Tiến phân phối.

Tuy nhiên, Plusssz chỉ là một thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh, không thay thế thuốc chữa bệnh.



Quy định về quảng cáo sản phẩm là thực phẩm chức năng, nhất thiết phải ghi rõ các thông tin: "Sản phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh" và chỉ có tác dụng "hỗ trợ điều trị"... để tránh gây hiểu lầm về tác dụng.



Hơn nữa, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đều đã có những khuyến cáo, lời khuyên để phòng cúm giúp cộng đồng áp dụng nhằm từng bước hạn chế sự lây lan nguy hiểm của cúm A/H1N1/2009 thì việc quảng cáo chỉ 2 viên Plusssz mà ngừa được cúm đã gây không ít hoài nghi và hoang mang trong dư luận.



Đáng nói hơn, ngay cả khi bị cơ quan chức năng là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế)- cơ quan cấp phép, quản lý hoạt động tuyên truyền quảng cáo các loại thực phẩm chức năng từ chối cấp phép quảng cáo với loại sản phẩn này, công ty TNHH Tiên Tiến vẫn tung mẫu quảng cáo này ra thị trường.



Vậy nhưng, đại diện của công ty này khi tiếp xúc với báo chí lại chỉ thừa nhận lỗi sơ suất, vội vàng của nhân viên, dẫn đến có tờ báo đăng tải khi quảng cáo này chưa có giấy phép.



Công ty này cũng trần tình thêm, sau khi có ý kiến của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, họ đã hạ mẫu quảng cáo với nội dung đó xuống.



Song, không ai dám chắc rằng, mẫu quảng cáo dẫ đến với bao nhiêu người, và trong số ấy, bao nhiều người đã tin mẫu quảng cáo ấy bởi loại viên sủi này vẫn bán nhan nhản trên thị trường?!
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Đoàn du khách 200 người xuyên Việt 'dính' H1N1
h11.jpg

Bác sĩ Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đang khám cho một bệnh nhân H1N1 tại phòng cách ly. Ảnh: MT.
Một đoàn khách du lịch xuyên Việt gồm 185 giáo viên và học sinh trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch TP HCM đang được giữ lại tại Lào Cai và Hà Nội sau khi 5 người trong số họ bị phát hiện dương tính với H1N1.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, đoàn đi từ TP HCM ngày 27/7, du lịch xuyên Việt qua nhiều tỉnh, thành phố.

Ngày 7/8 đoàn đến Lào Cai thì đến ngày 8/8 có 5 trong số 23 trường hợp bị sốt cho kết quả dương tính với cúm H1N1. Những trường hợp này đang được điều trị và cách ly tại Bệnh viện đa khoa số 1 Lào Cai.

Sau đó, ngày 10/8, những người còn lại trong đoàn về Hà Nội và tiếp tục có thêm người bị sốt. Cả đoàn đang được cách ly tại trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam (đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó 2 ca dương tính đang được điều trị tại viện và 4 ca dương tính khác đang được cách ly tại trường.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đoàn đi rất nhiều nơi, xuyên Việt vì thế có khả năng họ bị nhiễm bệnh trên đường di chuyển, bởi đoàn khởi hành từ ngày 27/7 đến ngày 8/8 mới có ca dương tính.

"Điều đó cho thấy virus đang lây truyền mạnh hơn trong cộng đồng, vì thế trong thời gian tới ngành y tế sẽ tăng cường giám sát các chùm ca bệnh như vậy", ông Hiển cho biết.

Sáng nay (13/8), Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã đến lấy mẫu xét nghiệm cho 160 thành viên đoàn (bao gồm cả 4 trường hợp dương tính).

Ông Vũ Đình Thiểm, Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: "Đây là ổ dịch lớn nhất tại Hà Nội, có thể số ca nhiễm cúm H1N1 còn tiếp tục tăng khi có kết quả xét nghiệm”. Dự kiến sau 2 ngày sẽ có kết quả của tất cả 160 mẫu. Tùy thuộc vào diễn biến của ổ dịch và kết quả xét nghiệm sắp tới mới quyết định đoàn phải cách ly trong bao nhiêu ngày.


Trong khi đó, tại TP HCM, một nhân viên làm việc tại tòa nhà Citilight trên đường Võ Thị Sáu, quận 1 cũng được xác định dương tính H1N1, hai tuần sau khi tòa nhà này có người mắc bệnh đầu tiên. Bệnh nhân mới mắc này là nhân viên tập đoàn FPT làm việc tại lầu 3.

Đại diện Công ty FPT cho hay, sáng thứ hai khi đến làm việc, nhân viên này có triệu chứng sốt. Kết quả xét nghiệm trong ngày cho kết quả dương tính với H1N1.
anh.jpg

Toàn bộ nhân viên FPT tại lầu 3 tòa nhà Citilight được nghỉ việc để khử khuẩn cơ quan. Ảnh: Thiên Chương.

"Toàn văn phòng FPT tại lầu 3 có khoảng 100 nhân viên. Đặc biệt, cùng phòng với người bệnh có hai đồng nghiệp đang mang thai. Bệnh nhân trước đó cũng tiếp xúc với rất nhiều người khác", một nhân viên ở đây cho biết.

Điều tra dịch tễ từ Trung tâm y tế dự phòng quận 1 cho thấy, bệnh nhân nhà ở Gò Vấp chưa từng đến các nước có dịch bệnh và cũng không tiếp xúc với những người từ nước ngoài về. Tuy nhiên do trước đó tòa nhà đã có người nhiễm cúm và cao ốc này lại sử dụng cùng hệ thống máy lạnh, thang máy cho toàn bộ các tầng lầu nên khả năng virus lây cũng đang được nghĩ đến.

Hiện bệnh nhân được điều trị giám sát trong tình trạng sức khỏe ổn định. Toàn bộ nhân viên văn phòng FPT tại lầu 3 đều được cho tạm nghỉ làm việc để phun xịt hóa chất khử khuẩn. Những người tiếp xúc, đặc biệt là hai phụ nữ mang thai được hướng dẫn theo dõi sức khỏe chặt chẽ.

Chiều nay, cũng trên địa bàn quận 1, Trung tâm Y tế Dự phòng quận phát hiện một nhân viên làm việc tại Trung tâm thương mại Parkson ngay trung tâm TP HCM dương tính với H1N1. Việc điều tra nguồn gây bệnh, hướng dẫn phòng bệnh và phun xịt hóa chất đang được cơ quan y tế tiến hành.

Hiện nay cũng xuất hiện một số ca lẻ tẻ khác trong quân đội, công an. Tỉnh Hải Dương cũng đã xuất hiện 3 ca cúm đầu tiên.

Thiên Chương - Nam Phương
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Trường chuyên Lê Hồng Phong TP HCM đóng cửa vì H1N1​

Chỉ sau hai ngày phát hiện sốt, trưa nay, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM cho thấy, 9 học sinh của lớp 11 chuyên Toán, Lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) dương tính với cúm H1N1.

Sau buổi họp khẩn diễn ra lúc 15h, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Y tế TP HCM quyết định tạm đóng cửa trường trong 1 tuần để khử khuẩn và phòng dịch lây lan.
lhp.jpg

Trường Lê Hồng Phong tạm đóng cửa từ 16-22/8. Ảnh: Cao Lâm.

Thầy Võ Duy Cương, chủ nhiệm lớp 11 chuyên Toán cho hay, 10 trong số 34 học sinh của lớp thầy lần lượt có triệu chứng cúm từ chiều 13 và 14/8. Mẫu dịch hầu họng của 10 học sinh này được lấy chiều qua và trưa nay, 8 em dương tính.

Còn theo giáo viên chủ nhiệm lớp 11 chuyên Lý, học sinh của thầy phát bệnh từ giữa tuần. Tuy nhiên trong buổi chào cờ đầu tuần, em này từng bị ngất và được chính thầy bế đến phòng y tế của trường.

Hai giáo viên chủ nhiệm cho biết, việc học văn hóa tại trường Lê Hồng Phong bắt đầu từ thứ hai (9/8). Trước khi mắc bệnh, học sinh của các thầy không đến các nước có dịch và cũng không tiếp xúc với những người đến từ các nước này.

"24 học sinh còn lại của lớp tôi đang được giám sát chặt tại nhà vẫn chưa có em nào biểu hiện sốt. Tuy nhiên, trong gần 10 giáo viên giảng dạy tại lớp 11 chuyên toán từ đầu tuần đến nay, một thầy dạy toán đã biểu hiện bệnh", thầy Duy Cương cho hay.

Riêng hơn 20 học sinh còn lại của lớp 11 chuyên Lý, tính đến chiều nay vẫn chưa có ca sốt.

Năm học 2009-2010, trường Lê Hồng Phong có trên 40 lớp học thuộc 3 khối. Các bệnh nhân lớp 11 chuyên Toán và 11 chuyên Lý cho biết, trước khi bị phát hiện dương tính, các em từng tiếp xúc với nhiều học sinh khác trước.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Nguyễn Thị Sự, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 5 cho biết, từ chiều qua (14/8), sau khi nhà trường báo có ca sốt, trường Lê Hồng Phong đã bị tính như ổ dịch nên đã được khử trùng bằng hóa chất.

"Hiện các học sinh mắc cúm đang được điều trị tại nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định. Các giáo viên và học sinh còn lại của lớp này cũng được hướng dẫn cách xử trí nếu thấy có biểu hiện cúm", bà Sự nói.

Như vậy, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường học đầu tiên tại TP HCM phát hiện có ca cúm và cũng là ổ cúm trường học đầu tiên trước thềm năm học mới.

Thiên Chương
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Ra mắt website chia sẻ nghiên cứu về H1N1
Thư viện Khoa học Công cộng (PLoS), một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, vừa khai trương một website cho phép các chuyên gia y tế chia sẻ những phát hiện hoặc sáng kiến chống cúm của mình một cách chóng vánh.

images1847897_swine2.jpg

Nguồn: AFP
Đại diện của PLoS cho biết đây mới chỉ là phiên bản thử nghiệm, và nó hoạt động được là nhờ sự giúp sức rất lớn của gã khổng lồ tìm kiếm Google. Trong thời gian đầu, chủ đề trọng tâm của các công trình nghiên cứu sẽ là bệnh cúm nhằm đáp lại đại dịch H1N1 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Mục tiêu then chốt của PLoS Currents là đẩy nhanh các phát kiến khoa học, cho phép giới nghiên cứu chia sẻ những phát hiện mới nhất của mình. "Ngay khi họ tìm ra một điều gì đó, hoặc nảy ra một ý tưởng nào đó, họ sẽ có thể công bố nó với cả thế giới khoa học lẫn cộng đồng y học", đại diện PLoS tuyên bố.

Hiện chịu trách nhiệm điều hành Currents là một "cộng đồng chuyên gia cỡ nhỏ". Họ sẽ sử dụng công nghệ Knol của Google để tối ưu hóa khả năng chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, Currents còn có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu Tóm tắt Nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin Sinh học Quốc gia Mỹ.

PLoS cho biết trong tương lai, họ sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều chủ đề khác liên quan đến sức khỏe con người như bệnh tim mạch, ung thư..., chứ không chỉ bó hẹp với cúm và H1N1.

Trọng Cầm (Theo AFP)
 

buihung

Administrator
Ðề: Thông tin tổng hợp về Đại dịch cúm A(H1N1)

Cúm A/H1N1 'tấn công' trường học Hải Phòng​

Chùm ca bệnh này gồm 3 người, đều là học sinh lớp 10C5 trường THPT huyện An Dương.

Chiều 23/8, ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng xác nhận: “Vào tối qua, 3 em học sinh lớp 10C5 đã nhận được kết quả xét nghiệm và cả 3 đều dương tính với cúm A/H1N1 sau khi có các biểu hiện ho, sốt”.

Ông Khánh cho biết thêm: “Hiện chưa thể xác định chính xác nguồn gốc lây bệnh của cả 3 em học sinh này. Chúng tôi đã cách ly theo đúng quy định. Sau khi chẩn đoán, xét nghiệm đã điều trị theo phác đồ của Bộ. Hiện sức khỏe các em tiến triển tốt”.

images1848433_images1847496_hinhcum20.8.jpg

Ngày càng có nhiều trường học có học sinh nhiễm cúm A/H1N1 (Ảnh: VNN)

Số ca nhiễm cúm tại đây được dự đoán có thể sẽ nhiều thêm vì cả 3 bệnh nhân này có biểu hiện ho sốt sau khi dự sinh nhật một người bạn.

Như vậy, thực tế các trường hợp này (và nhiều trường hợp khác ở những địa phương khác) nhiễm bệnh không rõ nguồn gốc đã trùng khớp với nhận định của ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương: Số ca nhiễm cúm không rõ nguồn gốc tăng nhanh trong thời gian tới, chứng tỏ dịch lây lan mạnh trong cộng đồng.

Trước tình hình này, trường THPT An Dương đã ngừng các hoạt động tập trung học sinh, phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh môi trường toàn bộ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm.

Đây là chùm ca bệnh thứ 2 ở Hải Phòng và là chùm ca bệnh đầu tiên xuất hiện trong trường học tại địa phương này.

Trong khi đó, tại Hà Nội, các trường học bắt đầu ghi nhận số học sinh nhiễm/nghi nhiễm cúm tăng kể từ ngày tựu trường (17/8).

Sau khi phát hiện một học sinh trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa) nhiễm cúm, sáng 23/8, ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Học sinh–Sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết thêm: trường THCS Thạch Bàn (quận Long Biên) có 4 học sinh nghi nhiễm cúm A/H1N1 vì có các biểu hiện ho sốt, hiện được cách ly tại bệnh viện Đức Giang và lấy mẫu làm xét nghiệm.

Về tình hình dịch tại trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Trần Thị Phương, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tính đến chiều nay, chưa có thêm học sinh nào có biểu hiện ho, sốt. Công tác giám sát vẫn được tiến hành chặt chẽ”.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Để đáp ứng tình hình dịch bệnh trong mùa đông tới, sở Y tế đã phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô lên phương án sử dụng một số doanh trại quân đội làm bệnh viện dã chiến với khoảng 600 giường bệnh”.

Việt Nam đã có trên 2.000 bệnh nhân cúm A/H1N1

Ngày 23/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 118 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó, miền Nam: 67 ca, miền Trung: 36 ca, Tây Nguyên: 15 ca.

Đây là ngày có số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất kể từ đầu mùa dịch và là ngày “hiếm hoi” miền Bắc không có ca nhiễm mới nào.

Như vậy, tính đến 17h ngày 23/8, Việt Nam đã ghi nhận 2014 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong.

*
Cẩm Quyên
 
Bên trên